Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Kinh nghiệm xây dựng Sơ đồ tư duy báo cáo án hình sự

Thứ tư - 06/12/2023 03:44 1.905 0
Báo cáo án hình sự thông qua sơ đồ tư duy là công cụ minh họa, trình chiếu tại cuộc họp như một bức tranh tổng thể của vụ án hình sự, chỉ ra mối liên kết giữa các thông tin, sự kiện, vấn đề chính, cũng như nhận dạng và tìm ra bản chất của vấn đề cần làm rõ trong vụ án một cách logic, chính xác và hiệu quả; giúp cho lãnh đạo tiếp cận và nắm bắt vụ án nhanh, đầy đủ, toàn diện.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện báo cáo án vào từng giai đoạn tố tụng theo quy trình xây dựng hồ sơ kiểm sát bằng phương pháp truyền thống như: Trích cứu hồ sơ, xây dựng đề xuất, báo cáo án theo thứ tự thời gian... bằng bản word, photo hồ sơ lưu trữ, phân hóa các tập tài liệu... đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Báo cáo án bằng sơ đồ tư duy là giải pháp được một số đơn vị đưa vào triển khai, ứng dụng hiệu quả trong công tác kiểm sát điều tra, trích cứu hồ sơ, giải quyết án. Đây cũng là cơ sở để cán bộ, Kiểm sát viên rút ngắn thời gian hệ thống hóa toàn bộ thủ tục tốtụng, các tài liệu, chứng cứ, hiểu rõ bản chất của vụ án; giúp báo cáo án rõ ràng, linh hoạt, sinh động, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Theo phương pháp cũ, khi cần tìm thông tin, dữ liệu của vụ án, Kiểm sát viên phải tìm ở từng trang bút lục, mất nhiều thời gian và khó chủ động trong việc phân tích, đánh giá vụ án. Còn với sơ đồ tư duy, chỉ cần “nhấp chuột”, cùng một vài thao tác đơn giản, toàn bộ thông tin, dữ liệu cần tìm sẽ được hiển thị. Cùng với đó, việc triển khai báo cáo án bằng sơ đồ tư duy đã tạo điều kiện thuận lợi trong lưu trữ, tra cứu hồ sơ, giúp Kiểm sát viên dễ trích dẫn, sử dụng các chứng cứ, tài liệu trong nghiên cứu hồ sơ vụ án. Đây cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

1. Kinh nghiệm xây dựng sơ đồ tư duy báo cáo án hình sự

1.1. Trước khi xây dựng sơ đồ tư duy
- Xác định vụ án cần bảo cáo án bằng sơ đồ tư duy:
Báo cáo án hình sự bằng sơ đồ tư duy là một phương pháp hiệu quả, tuy nhiên, hiện nay khối lượng công việc của cán bộ, Kiểm sát viên rất nhiều. Do đó, không phải đối với tất cả vụ án, mà chỉ những vụ án hình sự phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, được dư luận xã hội quan tâm thì mới thực hiện báo cáo án bằng sơ đồ tư duy. Ngoài ra, nếu có điều kiện, cán bộ, Kiểm sát viên nên lựa chọn một số vụ án hình sự để báo cáo nhằm rèn luyện khả năng tư duy, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử.
- Xác định rõ mục đích, vấn đề cần thể hiện trong sơ đồ tư duy
Để xây dựng một báo cáo án hình sự thông qua sơ đồ tư duy có chất lượng, trước tiên, Kiểm sát viên phải xác định được mục đích của việc xây dựng sơ đồ tư duy là báo cáo về vấn đề gì, thuộc giai đoạn tố tụng nào, nhằm lựa chọn sơ đồ tư duy. Có nhiều loại sơ đồ tư duy để cán bộ, kiểm sát viên có thể lựa chọn xây dựng báo cáo án hình sự: ( 1 ) Sơ đồ tư duy tổng nội dung của vụ án (khi lãnh đạo yêu cầu báo cáo toàn bộ vụ án); (2) Sơ đồ tư duy tổng thể quá trình giải quyết vụ án và đề xuất (tùy theo từng giai đoạn mà báo cáo để đề xuất việc phê chuẩn khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn,...), (3) Sơ đồ tư duy chi tiết đánh giá chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội (báo cáo án quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án, bị can; báo cáo án kết thúc điều tra; báo cáo án đề nghị truy tố); (4) Sơ đồ tư duy chi tiết lời khai của đối tượng (báo cáo án khi lời khai có nhiều mâu thuẫn giữa các đối tượng và đề xuất hướng giải quyết; trước khi phúc cung truy tố,...) (5) Sơ đồ tư duy theo trình tự thời gian (báo cáo án trong các vụ án phức tạp để thấy rõ sự kiện phạm tội, diễn biến hành vi phạm tội qua các mốc thời gian khác nhau, tránh trường hợp thống kê thiếu hành vi phạm tội, số lần thực hiện hành vi phạm tội hoặc số tiền chiếm đoạt do phạm tội mà có để có cái nhìn tổng quan, đầy đủ và toàn diện hơn); (6) Sơ đồ tư duy theo tính chất, quy mô của hành vi phạm tội (báo cáo án trong những vụ án có tính chất phức tạp, quy mô, hậu quả lớn nhằm phân tích, tổng hợp, nắm rõ nội dung vụ án, tìm ra các điểm giống, khác mối liên hệ giữa những người phạm tội và hành vi phạm tội); (7) Sơ đồ tư duy theo hậu quả, thiệt hại (báo cáo án để làm rõ hậu quả, thiệt hại đối tượng gây ra)... Dù là báo cáo án theo loại sơ đồ tư duy nào thì Kiểm sát viên cũng phải tóm tắt được nội dung vụ án để xây dựng sơ đồ tư duy, trong đó, phải thể hiện được các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự trên cơ sở phân tích 04 yếu tố cấu thành của từng loại tội phạm. Lưu ý, nội dung phải ngắn gọn, dễ hiểu nhưng vẫn đảm bảo phản ánh đúng, khách quan, toàn diện các hành vi phạm tội của từng đối tượng, làm rõ được mục đích của sơ đồ và đề xuất của Kiểm sát viên.
- Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ khi xây dựng sơ đồ tư duy
Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án theo từng nhóm để dán các đường dẫn liên kết (hyperlink) vào sơ đồ nhằm phản ánh sinh động, trực quan diễn biến nội dung của vụ án giúp lãnh đạo nhanh chóng nắm được tổng thể nội dung vụ án, từ đó, đưa ra chỉ đạo chính xác, kịp thời. Cụ thể:
Nhóm 1: Các tài liệu liên quan đến các quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng như: Quyết định khởi tố vụ án; quyết định phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên kiểm sát điều tra; quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập, tách vụ án (nếu có); bản kết luận điều tra; các thông báo, quyết định liên quan đến cử người bào chữa cho bị can...
Nhóm 2: Tài liệu, chứng cứ về hiện trường, sơ đồ, bản ảnh, biên bản thu giữ các công cụ phương tiện, thực hiện hành vi phạm tội, tử thi. Tùy vào từng vụ án khác nhau để thực hiện số hóa.
Nhóm 3: Tài liệu liên quan đến bị can gồm: Lý lịch bị can; các quyết định tố tụng đối với bị can; bản tự khai, biên bản ghi lời khai và biên bản hỏi cung bị can; các chứng cứ, xác định nhân thân của bị can.
Nhóm 4. Tài liệu chứng cứ liên quan đến bị hại; lý lịch bị hại (nếu có); các quyết định trưng cầu giám định; kết luận giám định; yêu cầu định giá tài sản; kết luận định giá; biên bản ghi lời khai của bị hại; lời khai đại diện hợp pháp của bị hại.
Nhóm 5: Tài liệu liên quan đến lời khai của các nhân chứng; biên bản ghi lời khai.
Nhóm 6: Tài liệu liên quan đến lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Nhóm 7: Các tài liệu khác liên quan đến vụ án như: Biên bản xác minh các đối tượng khác có liên quan đến vụ án; các giấy tờ chứng minh về vấn đề dân sự và bồi thường dân sự.
Ví dụ: Báo cáo án đề nghị phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về Tội giết người thì khi xây dựng sơ đồ tư duy, ngoài việc tóm tắt diễn biến vụ việc, cán bộ, Kiểm sát viên cần chuẩn bị các tài liệu chứng cứ như: Hung khí gây án, các hình ảnh camera ghi lại quá trình diễn ra vụ việc hoặc lời khai người làm chứng, người bị hại, bản kết luận giám định;... để dán các đường dẫn liên kết (hyperlink) vào sơ đồ tư duy nhằm làm rõ việc bị can có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại hay không; tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị can có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị can là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại; hành vi của bị can thể hiện sự côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị can... Từ đó, xây dựng báo cáo một cách sinh động, chặt chẽ; phản ánh đầy đủ diễn biến sự việc, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ nguy hiểm mà bị can gây ra.

1.2. Trong khi xây dựng sơ đồ tư duy
- Lựa chọn phương tiện sử dụng thiết kế sơ đồ tư duy một cách hiệu quả:
Có thể sử dụng nhiều phần mềm hoặc ứng dụng và tiện ích công nghệ thông tin (miễn phí hoặc có tính phid) để thiết kế sơ đồ tư duy; trong đó, một số phần mềm sau mang lại hiệu quả cao: (1) Phần mềm microsoft (word, exel, powerpoint); (2) Phần mềm vẽ sơ đồ tư duy trên mạng internet (edraw mind map; simplemind desktop; mindjet mindmanager; the brain; imindmap; conceptdraw mindmap; openmind; novamind...); (3) Phần mềm đọc, biên tập (cắt, nối, chỉnh sửa, chuyển đổi định dạng) file pdf (foxit-reader; foxit phantompdf business 9.2.0.9297; adobe reader; pdfsplitter; pdfcandy-setup; cutewriter...); (4) Phần mềm đọc, biên tập (cắt, nối, chỉnh sửa, chuyển đổi định dạng) file âm thanh (free mp3 cutter...); (5) Phần mềm đọc, biên tập (cắt, nối, chỉnh sửa, chuyển đổi định dang) file video (videocutter...).
Đồng thời, từ kinh nghiệm thực tiễn, khi xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy trong các vụ án hình sự, tác giả không chỉ sử dụng những phần mềm nêu trên, mà còn kết hợp một số phần mềm dựa trên nền tảng microsoft excel: Phần mềm quản lý giải quyết tin báo về tội phạm; phần mềm quản lý hồ sơ số hóa, phần mềm trích cứu hồ sơ; phần mềm quản lý yêu cầu điều tra;...
- Lựa chọn thông tin chính, từ khóa cần thể hiện bằng sơ đồ tư duy:
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, cán bộ, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ nội dung vụ án để xác định Cơ quan điều tra đã thu thập được những tài liệu, chứng cứ gì, kiểm tra và đánh giá tính pháp lý của các chứng cứ thu thập được, từ đó, lựa chọn các chứng cứ, tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án để trình bày vào sơ đồ tư duy thông qua các từ khóa. Các từ khóa được xác định theo hình thức: Từ khóa trung tâm, từ khóa cấp I, cấp 2, cấp 3... cấp n theo từng vấn đề.
Từ khóa trung tâm phải là từ hoặc cụm từ quan trọng nhất đại diện cho ý tưởng, chủ đề hoặc mục tiêu của sơ đồ báo cáo của sơ đồ tư duy và những thông tin án, có tính xuyên suốt, có mối liên hệ chung nhất với toàn bộ vấn đề được sơ đồ hóa. Từ khóa trung tâm cần ngắn gọn, dễ hiểu, bao quát chung nhất vấn đề. Ví dụ: “Vụ án hình sự, bị cáo Nguyễn Văn A”... Khi xác định các từ khóa cấp 1, cán bộ, Kiểm sát viên cần lưu ý các từ khóa cấp 1 sẽ phụ thuộc vào mục đích, ý đồ, góc nhìn của người xây dựng sơ đồ tư duy. Thông thường, ý chính sẽ nằm trong từ khóa cấp I và sẽ triển khai, có mối liên hệ mật thiết với từ khóa trung tâm. Ví dụ: “Người phạm tội, bằng chứng, nội dung vụ án”... Những từ khóa các cấp 2, 3.. n được sắp xếp theo phạm vi triển khai theo nhóm vấn đề, có ý nghĩa bổ sung cho từ khóa đứng liền trước đó.
Về cơ bản, các từ khóa từ cấp 1, 2, 3..., n sẽ tập trung trình bày các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và trên cơ sở phân tích 04 yếu tố cấu thành của từng loại tội phạm để phù hợp với mục đích xây dựng sơ đồ tư duy. Tuy nhiên, không phải mọi yếu tố đều được trình bày trên sơ đồ tư duy mà tùy vào loại tội danh, mục đích và giai đoạn để xác định các vấn đề cần báo cáo, sau đó lựa chọn để trình bày trên sơ đồ tư duy.
Khi lựa chọn thông tin chính và từ khóa từng cấp cần thể hiện trong sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên thực hiện các bước sau: (1) Định hướng: Xác định mục đích của sơ đồ tư duy và những thông tin chính cần thể hiện; (2) Phân tích vụ án: Phân tích các chi tiết về vụ án để tìm ra những thông tin chính cần thể hiện; (3) Tìm kiếm từ khóa liên quan đến vụ án và xác định những từ khóa chính cần thể hiện trong sơ đồ tư duy; (4) Xác định mối quan hệ giữa các nhân tố liên quan đến vụ án và từ khóa để tạo ra một sơ đồ tư duy chính xác; (5) Kiểm tra lại sơ đồ tư duy để đảm bảo rằng nó chứa tất cả các thông tin và từ khóa cần thể hiện; đảm bảo sơ đồ tư duy diễn đạt đủ thông tin cần thiết khi báo cáo vụ án.
Chú ý, các từ khóa không nên quá dài, các ô chứa từ khóa không nên quá nhiều màu làm sơ đồ tư duy kém chuyên nghiệp, khó thu hút người theo dõi báo cáo.

2. Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
- Khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, về thời hạn giải quyết vụ án: Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Điều 172, Điều 239, Điều 277, Điều 346), thời hạn điều tra, truy tố, xét xử có giới hạn, dẫn đến những khó khăn nhất định về thời gian cho Kiểm sát viên khi sắp xếp xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.
Thứ hai, về trình độ nhận thức, năng lực, kỹ năng công nghệ thông tin: Nhận thức về tầm quan trọng của ứng dụng sơ đồ tư duy đối với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiên cứu, báo cáo vụ án hình sự hiện nay vẫn còn chưa đúng mức. Hiện chưa có văn bản hướng dẫn chính thức về vấn đề này (yêu cầu áp dụng, áp dụng ra sao). Vì vậy, vẫn còn một số đơn vị chưa sâu sát, việc ứng dụng sơ đồ tư duy nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả giải quyết vụ án hình sự; một bộ phận, Kiểm sát viên chưa có thói quen ứng dụng sơ đồ tư duy vào công việc, chưa hình thành kỹ năng nghiên cứu, báo cáo vụ án hình sự thông qua sơ đồ tư duy.
Thứ ba, về điều kiện bảo đảm: Hiện nay, đa phần cán bộ, Kiểm sát viên tự tải các phần mềm hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy từ bên thứ 3 nên việc bảo mật đối với tài liệu khi xây dựng báo cáo án bằng sơ đồ tư duy chưa được đảm bảo; chưa có phần mềm sơ đồ tư duy ứng dụng riêng cho chuyên ngành Luật.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất (máy tính, máy scan,...) tại các đơn vị đa số đã hết khấu hao, cấu hình chậm, thường xuyên sửa chữa, chưa đáp ứng yêu cầu để phục vụ quá trình thực hiện hoạt động này.
- Kiến nghị, đề xuất:
Từ những vướng mắc trên, để công tác số hóa hồ sơ vụ án hình sự nói chung và công tác báo cáo án thông qua sơ đồ tư duy được thực hiện hiệu quả, thống nhất, chúng tôi đề xuất như sau:
Một là, Cần xây dựng nền tảng số, quy trình số hóa hồ sơ, quy trình sử dụng công nghệ thông tin trong báo cáo án thống nhất trong toàn ngành; phát triển các phần mềm ứng dụng công tác số hóa hồ sơ, công tác báo cáo án, lưu trữ tài liệu số nhằm truy xuất dữ liệu nhanh chóng. Đồng thời, đầu tư các phần mềm, chương trình bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin.
Hai là, VKSND tối cao phối hợp với liên ngành trung ương xây dựng văn bản phối hợp về công tác số hóa hồ sơ vụ án, bảo mật, chia sẻ, sử dụng tài liệu số hóa, đặc biệt là tài liệu số hóa trong các cuộc họp liên ngành.
Ba là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện hiệu quả công tác số hóa hồ sơ, công tác báo cáo án thông qua hồ sơ đã số hóa; nâng cao năng lực, trình độ tin học, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ, lưu trữ tài liệu số; báo cáo án thông qua sơ đồ tư duy, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, Kiểm sát viên.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo án, xây dựng bài phát biểu thông qua sơ đồ tư duy các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính, sau đó tiến tới thực hiện ở các khâu công tác khác như thi hành án dân sự, thi hành án hình sự.
Năm là, tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất để phục vụ số hóa. Đồng thời, định kỳ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác này nhằm tổng hợp kinh nghiệm, cách làm hay và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay12,398
  • Tháng hiện tại234,271
  • Tổng lượt truy cập18,506,179
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây