Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Chi bộ

Thứ hai - 14/08/2023 21:00 14.136 0
Tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Làm tốt công tác xây dựng Đảng là tiền đề quan trọng để lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác tự phê bình và phê bình nhằm chỉ ra ưu điểm để cán bộ, đảng tiếp tục phát huy và những khuyết điểm để khắc phục, hoàn thiện bản thân.
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình là nêu lên những khuyết điểm của đồng chí khác, của tổ chức đảng nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm. Tự phê bình là bản thân tự mình soi rọi mình, tự nghiêm khắc, thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau là phương pháp giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp và tự bản thân kiểm điểm lại xem cái làm được và cái chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm.
Ðối với cán bộ ngành Kiểm sát, Bác căn dặn phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Xuất phát từ tính chất của công tác kiểm sát, đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, công bằng, tôn trọng sự thật, luôn đứng về lẽ phải và kiên quyết bảo vệ lẽ phải.

Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Bản thân mỗi người, ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm. Việc nể nang, không phê bình có thể làm cho đồng chí, đồng đội sa ngã, không làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Thông qua tự phê bình và phê bình mới có thể chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới sai lầm, khuyết điểm và đề ra biện pháp khắc phục. Qua đó, giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên để họ trở thành những cán bộ, đảng viên tốt, đồng thời giúp cho những cán bộ, đảng viên khác tránh những sai lầm, khuyết điểm tương tự.
Tự phê bình và phê bình là biện pháp tích cực để củng cố và tăng cường đoàn kết thống nhất Đảng. Nhờ tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đúng đắn mà những mâu thuẫn, bất đồng, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được giải quyết có lý do, có tình, không để tích tụ lại từ nhỏ thành lớn, phá hoại khối đoàn kết thống nhất của Đảng, không để những người thiếu thiện chí với Đảng lợi dụng những bất đồng, những mâu thuẫn đó gây chia rẽ Đảng. Đây cũng là tiêu chí đánh giá một tổ chức đảng, một cán bộ, đảng viên.

Trong những năm qua, việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong công tác tự phê bình và phê bình cũng như những nội dung khác gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” luôn được cán bộ, đảng viên Viện KSND huyện Đak Pơ chú trọng đề cao. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, để tự phê bình và phê bình có kết quả, đúng mục đích, thì tự phê bình và phê bình phải đúng quy trình, phương pháp, nghiêm túc không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, chỉ rõ ưu điểm và khuyết điểm, có lý, có tình, mềm dẻo, khéo léo về cách thức để người có khuyết điểm nhận thấy khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn trong tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm. Phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét”; không vì phê bình mà công kích, áp đặt khuyết điểm cho nhau. Phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, trong sáng, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí yêu thương giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp nói ý kiến của mình, không “nhẹ trên, nặng dưới”. Biết tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình. Kết hợp chặt chẽ phê bình và tự phê bình với sửa chữa khuyết điểm…
Thực hiện nêu gương tự phê bình và phê bình, chi bộ không phê bình chung chung, xuê xoa, chiếu lệ. Bí thư Chi bộ đã nghiên túc chỉ ra những ưu, khuyết điểm của từng đảng viên, đồng thời phát huy ý thức tự giác, dân chủ để đảng viên tham gia đóng góp ý kiến. Qua kiểm điểm, ý thức tự phê bình và phê bình của đảng viên được nâng lên. Vì vậy, tính chiến đấu và bản lĩnh chính trị của mỗi đảng viên trong Chi bộ được nâng cao.

Bên cạnh đó, Chi bộ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, từng đảng viên trong Chi bộ phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và nghị quyết của Chi bộ, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trên từng vị trí công tác của mình.
Chi bộ đã tổ chức tự phê bình và phê bình trong mỗi kỳ sinh hoạt, nội dung sinh hoạt có tính cụ thể, thiết thực hướng vào việc kiểm điểm, phân tích, đánh giá, phê phán những vấn đề cấp bách trước mắt của Chi bộ và cán bộ, đảng viên, trước hết là hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất năng lực, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Phê bình và tự phê bình được tiến hành một cách kịp thời nên những hạn chế, khuyết điểm không để tái diễn, kéo dài, do đó đã khích lệ mọi đảng viên trong chi bộ đã phát huy được tính chủ động, mạnh dạn đóng góp ý kiến, phê bình sự lãnh đạo của Chi bộ cũng như tự phê bình và phê bình lẫn nhau một cách rất thẳng thắn, mang tính xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ, hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.
Tuy nhiên công tác phê bình và tự phê bình vẫn còn những tồn tại, hạn chế một số Đảng viên còn nể nang ngại va chạm, ít phát biểu ý kiến trong sinh hoạt chị bộ khá phổ biến (việc phát biếu ý kiến chỉ tập trung vào đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, còn một số đảng viên trẻ rất ít phát biểu trong các kỳ sinh hoạt chi bộ). Qua đó cho thấy tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình của đảng viên còn hạn chế, chưa nêu cao tính xây dựng, tính chiến đấu của người đảng viên. Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là do tư tưởng “ngại va chạm”, tính chủ động, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số đảng viên chưa cao.

Để thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ Viện kiểm sát cần làm tốt một số vấn đề sau:

Một là, Chi bộ cần quan tâm chỉ đạo các đồng chí đảng viên nghiên cứu, học tập để hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình trong Đảng, giúp đỡ đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị trong sinh hoạt Đảng, trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, đồng thời tạo cho đảng viên trong chi bộ có ý thức, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình.
Hai là, thực hiện nề nếp, duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Trong đó Bí thư chi bộ, lãnh đạo chính quyền, người đứng đầu các tổ chức chính trị giữ vai trò tiêu biểu, gương mẫu trong thực hiện nguyên tắc cũng như trong việc tự phê bình và phê bình.
Ba là, Chi bộ cần đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo có tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.
Bốn là, Chi bộ cần giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người cán bộ, công chức, công dân mẫu mực, nghiêm chỉnh chấp hành và vận dụng, thuyết phục nhân dân chấp hành nghị quyết của tổ chức đảng. Chi bộ xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; xử lý nghiêm, kịp thời những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
Năm là, mỗi cán bộ, đảng viên cần thẳng thắn trong công tác tự phê bình và phê bình. Cần nêu cao tinh thần tự giác, trung thực, thẳng thắn xem việc phê bình và tự phê bình là việc làm thường xuyên.Tiếp tục phê bình và tự phê bình trong các lĩnh vực công tác để có thể khắc phục những khuyết điểm và phát huy ưu điểm, thế mạnh của mỗi cán bộ, đảng viên trong mỗi lĩnh vực công tác.
Sáu là, cần phải mở rộng dân chủ nội bộ, cần bảo vệ và khuyến khích cán bộ, đảng viên trung thực, dũng cảm, dám nói thẳng, nói thật trong tự phê bình và phê bình. Đây là cơ sở, là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho tự phê bình, phê bình đạt hiệu quả. Tự phê bình và phê bình chỉ được tiến hành thực sự có hiệu quả khi đề cao và mở rộng dân chủ, đồng thời cần bảo vệ và khuyến khích cán bộ, đảng viên dũng cảm, trung thực dám nói thẳng, nói thật trong phê bình góp ý cho lãnh đạo, cho đồng chí, đồng nghiệp.

Tác giả bài viết: Nguiyễn Văn Công

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay12,398
  • Tháng hiện tại235,538
  • Tổng lượt truy cập18,507,446
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây