Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Chi bộ Viện KSND huyện Đak Pơ sinh hoạt chuyên đề “Nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự”

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi bộ, gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao vị thế, vai trò của Ngành kiểm sát nhân dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung: “Nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự”.

Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Phạm Bình An – Bí thư Chi bộ Viện kiểm sát, cùng toàn thể các Đảng viên trong Chi bộ.
 

Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề

Đồng chí Phạm Văn Phụng báo cáo trước toàn thể Chi bộ nội dung chuyên đề, trong đó nêu lên những nguyên tắc khi xét hỏi, tranh tụng đối với Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, những tấm gương điển hình trong việc thực hiện tốt việc xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa hình sự, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm góp phần nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự.


Đ/c Phạm Văn Phụng báo cáo chuyên đề
 
* Những giải pháp nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự:

Thứ nhất: Đề cao vai trò, trách nhiệm của của Lãnh đạo Viện trong quản lý, chỉ đạo điều hành các hoạt động tố tụng hình sự và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị tham gia xét xử như nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị đề cương tham gia xét hỏi, dự kiến tình huống tranh tụng, dự thảo luận tội trên cơ sở nghiên cứu, nắm vững nội dung của vụ án, hệ thống chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Thực hiện tốt việc nghe báo cáo án, chỉ đạo về đường lối giải quyết vụ án, chỉ đạo cụ thể các vấn đề nghiệp vụ mà Kiểm sát viên cần lưu ý khi tham gia phiên toà.

Thứ hai: Kiểm sát viên phải nắm vững pháp luật và có năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực hình sự. Đây là điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với Kiểm sát viên thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự. Thực tế cho thấy Kiểm sát viên nào có trình độ chuyên môn và nắm vững pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự, tố tụng tụng hình sự thì rất chủ động trong việc tranh luận và việc tranh luận có căn cứ thuyết phục đối với bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác, đồng thời cũng thuyết phục được Hội đồng xét xử và cả những người tham dự phiên tòa.

Thứ ba: Tại phiên tòa Kiểm sát viên phải thực hiện quan điểm chỉ đạo giải quyết vụ án của Viện trưởng cấp mình. Nếu tại tòa có phát sinh tình tiết mới làm thay đổi quan điểm của lãnh đạo cấp mình về giải quyết vụ án thì phải kịp thời báo cáo Viện trưởng chỉ đạo giải quyết. Trường hợp vì lý do nào đó không thể báo cáo được thì Kiểm sát viên quyết định việc giải quyết vụ án trên cơ sở pháp luật, kết quả thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa và phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về quyết định của mình.

Thứ tư: Kiểm sát viên phải thường xuyên tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Trong quá trình thực hành quyền công tố tại phiên toà, các Kiểm sát viên phải tập trung theo dõi mọi diễn biến của phiên toà, chủ động tham gia xét hỏi để góp phần làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án; ghi chép đầy đủ nội dung xét hỏi, trả lời và các ý kiến mà bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng nêu lên, nhất là những ý kiến phản bác lại nội dung luận tội của Kiểm sát viên để chủ động tranh luận. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng, bởi vì kết quả quá trình thẩm vấn công khai tại phiên toà sẽ giúp Kiểm sát viên hệ thống lại toàn bộ các chứng cứ của vụ án đã được kiểm tra tại phiên toà để hoàn chỉnh nội dung bản luận tội; việc ghi chép đầy đủ các ý kiến sẽ giúp cho Kiểm sát viên chủ động trong tranh luận, xác định đúng những vấn đề trọng tâm cần phải tranh luận để bảo vệ quan điểm truy tố, luận tội.

Thứ năm: Nội dung phát biểu tranh luận của Kiểm sát viên cần ngắn gọn, dễ hiểu và đúng nội dung vấn đề mà bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác phát biểu nêu ra tranh luận. Không nên tranh luận “chay” mà phải có tài liệu dẫn chứng chứng minh bằng chứng cứ, bằng pháp luật, kể cả bằng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với từng nội dung tranh luận, dù đó là quan điểm phản bác hay chấp nhận ý kiến tranh luận của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.

Thứ sáu: Phải kịp thời bổ sung, chỉnh lý luận tội trên cơ sở chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa. Thông qua phần xét hỏi, thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải kịp thời bổ sung, chỉnh lý những nội dung của dự thảo luận tội không còn phù hợp, thiếu cơ sở chứng cứ, chưa đầy đủ, chưa đúng với sự thật khách quan, diễn biến của vụ án, nhằm đảm bảo cho những lập luận, phân tích, đánh giá, quan điểm của Kiểm sát viên thể hiện trong bản luận tội có cơ sở pháp lý, phù hợp với sự thật khách quan vụ án, từ đó mang tính thiết phục cao đối với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác và sẽ làm hạn chế phát biểu tranh luận của họ. Một bản luận tội chất lượng, phân tích đánh giá sâu sắc, lập luận chặt chẽ có cơ sở pháp lý, vận dụng pháp luật đúng đắn, đề ra quan điểm, đường lối xử lý phù hợp với pháp luật và tình tiết chứng cứ của vụ án, cũng là cơ sở giúp cho việc tranh luận của Kiểm sát viên đạt kết quả tốt nhất.

Thứ bảy: Sử dụng từ ngữ xưng hô khi tranh luận đúng chuẩn mực tại Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án.

Thứ tám: Tăng cường việc sử dụng phương tiện công nghệ thông tin trong việc “Số hóa hồ sơ” và thực hiện việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đối với các vụ án có tính chất phức tạp, góp phần vào quá trình xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự được thực hiện có hiệu quả. Lưu ý khi công bố công khai các tài liệu chứng cứ cần bảo đảm thực hiện đúng quy định về bảo mật thông tin khi áp dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật.

Thứ chín: Hàng năm đồng chí Viện trưởng và các Phó viện trưởng trực tiếp KSĐT, THQCT và KSXXHS ít nhất 01 vụ để toàn thể Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên tham dự học tập nhằm bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm cho Kiểm sát viên, nhất là kỹ năng đối đáp, tranh luận tại phiên tòa. Chọn dự từ 01 đến 02 phiên tòa bất thường, không báo trước cho Kiểm sát viên biết trước để phát huy năng lực tư duy, tự chủ, nhanh nhạy, sắc bén khi xử lý tình huống và có phản ứng kịp thời; tiến hành quay camera và ghi âm để họp rút kinh nghiệm cho các Kiểm sát viên tại đơn vị.

Thứ mười: Ngoài ra để thực hiện tốt công tác xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa hình sự, Kiểm sát viên cần phải học tập, trau dồi thêm kiến thức ở các lĩnh vực dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật, các phong tục tục tập quán...để Kiểm sát viên chủ động, linh hoạt trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa. Góp phần nâng cao vị thế của Ngành kiểm sát nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự trị an và đáp ứng được mong muốn của quần chúng nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây