Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội

Năm 2019, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai đã thực hành quyền công tố và kiểm sát khởi tố mới 1.079 vụ/1.468 bị can (tăng 42 vụ so với năm 2018).

Nhóm tội xâm phạm về trật tự xã hội tuy có giảm 5,3% nhưng một số vụ án giết người tính chất mức độ đặc biệt nguy hiểm, sử dụng hung khí là các loại dao, súng tự chế. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường và xâm phạm sở hữu tăng 5,5%, một số vụ thông qua thủ đoạn cho vay tiền có thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chơi hụi, nhận tiền để xin việc làm hoặc làm giả hồ sơ, tài liệu để chiếm đoạt tài sản. Nhóm tội phạm về ma túy tăng 21%; các tội phạm về tham nhũng, chức vụ và xâm phạm hoạt động tư pháp đều giảm so với năm 2018. Tội phạm về an ninh quốc gia được phát hiện, khởi tố mới 01 vụ/01 bị can. Các tranh chấp về dân sự và khiếu kiện hành chính tiếp tục gia tăng và ngày càng phức tạp; tổng số thụ lý trong kỳ 6.606 vụ việc (tăng 431 vụ, việc so với năm 2018). Nổi lên là các tranh chấp về hợp đồng dân sự, tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

Qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp đã tích cực, chủ động phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tư pháp cũng như trong quản lý Nhà nước và xã hội; kịp thời ban hành 607 văn bản yêu cầu cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm (45 kháng nghị, 196 kiến nghị và 366 kết luận). Các kháng nghị, kiến nghị, kết luận của Viện kiểm sát bảo đảm có căn cứ, được các cơ quan tư pháp và cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, thực hiện.
Xác định nhiệm vụ phòng, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm nhất của Ngành, Viện trưởng VKSND tỉnh đã ban hành Kế hoạch công tác, chỉ đạo toàn Ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Ngành và yêu cầu của Quốc hội.
 

Đ/c Nguyễn Đình Quang, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến

 
Viện trưởng VKSND hai cấp đã trực tiếp chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đặc biệt coi đây là giải pháp cơ bản đầu tiên của nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm. Toàn ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Việc phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật. Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được tăng cường, cụ thể như: Xây dựng chuyên đề, tập huấn 02 cuộc về nghiệp vụ công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp về tội phạm xâm hại trẻ em và việc thực hiện Chỉ thị số 06 của Viện trưởng VKSND tối cao để nâng cao chất lượng công tố trong hoạt động điều tra. Kiểm sát viên trực tiếp tham gia đầy đủ các hoạt động điều tra quan trọng như: Thực nghiệm điều tra, đối chất, nhận dạng, khám nghiệm, lấy lời khai và trực tiếp lấy lời khai người bị bắt khẩn cấp, người bị tạm giữ... Chủ động phối hợp với CQĐT kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố; nâng cao trách nhiệm trong việc phê chuẩn và ban hành các lệnh, quyết định thuộc thẩm quyền; kiểm sát chặt chẽ các vụ án đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra, bảo đảm có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu CQĐT khởi tố 10 vụ  án và 21 bị can; hủy bỏ 01 quyết định khởi tố vụ án và 01 quyết định khởi tố bị can. Ban hành 2.074 văn bản đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh giải quyết tin báo và 1.262 bản đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội.


Đ/c Trần Công Hùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh công bố quyết định trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan điều tra Công an tỉnh

 
Tỷ lệ giải quyết tin báo đạt 91,78% (vượt chỉ tiêu 1,78%); nhiều đơn vị thực hiện tốt công tác này và có tỷ lệ giải quyết tin báo đạt cao trên 90% như: Pleiku, Đak Đoa, Chư Sê, An Khê, Chư Păh, Chư Prông, Đức Cơ, Kbang, Kông Chro, Đak Pơ, Krông Pa, Phòng 1 và Phòng 2 VKSND tỉnh... Viện kiểm sát đã trực tiếp kiểm sát tại cơ quan chức năng 124 cuộc, ban hành 162 kiến nghị, kết luận yêu cầu cơ quan chức năng khắc phục vi phạm trong lĩnh vực giải quyết tin báo. Tỷ lệ giải quyết án của Cơ quan điều tra được duy trì ở mức cao, đạt 78,22%; một số đơn vị làm tốt công tác này và có biện pháp nghiệp vụ bảo đảm tỷ lệ giải quyết án của Cơ quan điều tra đạt cao như: Kông Chro, Đak Pơ, Chư Păh, Mang Yang, Chư Prông, Đak Đoa, An Khê... Tỷ lệ bắt, tạm giữ chuyển xử lý hình sự đạt 99,6% (vượt chỉ tiêu 2,6%).  Tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm của Viện kiểm sát được khống chế ở mức thấp, chỉ chiếm 0,46% (vượt chỉ tiêu ≤ 5%). Phối hợp xác định 73 vụ án trọng điểm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương (vượt chỉ tiêu 1,8%). Ban hành 23 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra và 20 Kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức hữu quan về các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.


Viện trưởng VKSND huyện Đak Đoa chủ trì họp liên ngành triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp
 
Tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt 98,13% (vượt chỉ tiêu 3,13%); nhiều đơn vị làm tốt và có tỷ lệ giải quyết của Viện kiểm sát đạt 100% như: Pleiku, Ayun Pa, Chư Sê, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Pưh, Ia Pa, Mang Yang, Đak Pơ, Kông Chro, Phòng 1 VKSND tỉnh. Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để củng cố chứng cứ trước khi quyết định việc truy tố (phúc cung bị can) trên 995 lượt vụ án và hơn 1.500 lượt bị can. Phối hợp tổ chức 92 phiên tòa rút kinh nghiệm (trong đó có 10 phiên tòa được truyền hình trực tuyến). Trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự có nhiều chuyển biến tích cực; không có trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. Tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận đạt 100% và ban hành 21 Kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử án hình sự. Các đơn vị thực hiện tốt công tác này, tổ chức được nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa theo cụm và ban hành kháng nghị được chấp nhận đạt 100% như: An Khê, Mang Yang, Đak Pơ, Chư Prông, Ia Pa, Pleiku và Phòng 7 VKSND tỉnh.
 

Kiểm sát viên VKSND huyện Đak Pơ công bố Cáo trạng tại phiên tòa xét xử lưu động
 
Công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự được tăng cường, đạt vượt chỉ tiêu; đã trực tiếp kiểm sát 206 lần, ban hành 238 kháng nghị, kiến nghị, kết luận yêu cầu khắc phục vi phạm trong lĩnh vực này. Một số đơn vị làm tốt, ban hành được nhiều kháng nghị, kiến nghị trong công tác này như: Chư Prông, Đak Pơ, Đak Đoa, Krông Pa.
Viện kiểm sát tham gia 988 phiên tòa, phiên họp giải quyết án dân sự, hành chính (đạt 100% số phiên tòa, phiên họp phải tham gia theo quy định của pháp luật). Đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính như: Xác định là công tác đột phá năm 2019, ban hành kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể, đề ra các chỉ tiêu thực hiện cho từng đơn vị, từng Kiểm sát viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện qua các buổi giao ban trực tuyến định kỳ.


 Đồng chí Huỳnh minh Khánh – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì họp đánh giá việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo cụm tại huyện Kông Chro
 
Đến nay, đã hạn chế ở mức thấp nhất các trường hợp án bị hủy, sửa do có trách nhiệm của Viện kiểm sát, các chỉ tiêu khâu công tác này được thực hiện toàn diện, nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên tại phiên tòa; nhiều chỉ tiêu sớm hoàn thành đạt, vượt kế hoạch đề ra, như: Kiểm sát 100% văn bản trả lại đơn khởi kiện và bản án, quyết định của Tòa án; phối hợp với Tòa án tổ chức 45 phiên tòa rút kinh nghiệm (vượt chỉ tiêu 17 phiên tòa). Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Tòa án xét xử chấp nhận đạt 85% (vượt chỉ tiêu 5%). Một số đơn vị làm tốt công tác này, tổ chức được nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa theo cụm và có chất lượng kháng nghị, kiến nghị tốt như: Pleiku, Kông Chro, Đak Đoa, Chư Prông, An Khê, Đak Pơ, Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ.

Kiểm sát chặt chẽ việc ban hành các quyết định về thi hành án đảm bảo đúng thời hạn, có căn cứ theo quy định của pháp luật. Chú trọng kiểm sát việc xác minh, phân loại điều kiện thi hành án. Đã trực tiếp kiểm sát 36 lần tại cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan tư pháp về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Qua kiểm sát, ban hành 86 kháng nghị, kiến nghị, kết luận yêu cầu cơ quan chức năng khắc phục vi phạm trong lĩnh vực này. Một số đơn vị làm tốt, tăng cường trực tiếp kiểm sát và ban hành kháng nghị, kiến nghị nhiều như: An Khê, Krông Pa, Kông Chro, Mang Yang.


Đồng chí Lê Thị Thu Hà – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Viện trưởng VKSND huyện Đak Pơ
 
Năm 2019, VKSND tỉnh Gia Lai tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát nhân dân, tăng cường công tác quản lý giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh người cán bộ cho đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động.

Tổ chức 05 Hội nghị tập huấn trực tuyến trong toàn Ngành để hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc trong nghiệp vụ và 07 Hội nghị giao ban trực tuyến để đánh giá, chỉ đạo rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Qua đó kịp thời nắm bắt, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cấp huyện và những vụ án, vụ việc phức tạp, có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.


VKSND huyện Kông Chro ký kết quy chế phối hợp với UBND huyện và ngành hữu quan
 
Đã ký kết 18 Quy chế phối hợp với các ngành hữu quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Làm tốt việc phối hợp với Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai cấp trong kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật. Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện tốt công tác phụ trách các thôn, làng trọng điểm, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức phát động và thực hiện tốt 05 phong trào thi đua; ban hành 03 thông báo phương pháp, cách làm hay nhân rộng 02 lượt tập thể, 15 lượt cá nhân điển hình tiên tiến để nâng cao chất lượng công tác. Tiến hành 114 cuộc thanh tra, kiểm tra về nghiệp vụ (trong đó có 06 lượt kiểm tra chéo). Đã ban hành trên 60 kết luận, thông báo yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm, khắc phục một số tồn tại, thiếu sót, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

Tuy nhiên, trong thực hiện công tác năm 2019 còn có những khó khăn, vướng mắc như: Nhiều quy định của pháp luật còn chưa thống nhất nhưng chậm được hướng dẫn; tình hình tội phạm và tranh chấp về dân sự, hành chính tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp; khối lượng công việc của các cơ quan tư pháp và của ngành Kiểm sát ngày càng tăng cao, áp lực công việc lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu pháp luật ngày càng chặt chẽ nhưng biên chế công chức, Kiểm sát viên còn thiếu so với khối lượng công việc phải thực hiện, trong khi phải  thực hiện nghiêm lộ trình tinh giản biên chế. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chưa đáp ứng yêu cầu các hoạt động ghi âm, ghi hình, số hóa hồ sơ vụ án, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa giải quyết vụ án hình sự...

Từ những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tại Hội nghị triển khai công tác của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai năm 2020, Viện kiểm sát hai cấp đã tiến hành thảo luận sâu, bàn và đề ra nhiều giải pháp phù hợp, cụ thể để phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ công tác của Ngành năm 2020. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp thực hiện tốt 05 mục tiêu của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020 và 11 chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội đã được xác định trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp, gắn với việc thực hiện tốt hai công tác đột phá của ngành Kiểm sát Gia Lai trong năm 2020, đó là: (1). Đổi mới công tác cán bộ và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, giữ vững đoàn kết; nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm, năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. (2). Nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây