Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Kết luận của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2020

Ngày 03/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2020. Trang thông tin điện tử đăng tải toàn văn Kết luận của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tại Hội nghị để các đơn vị Viện kiểm sát hai cấp nghiên cứu thực hiện, thi đua phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2020, cụ thể như sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị.

2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu thực hiện đạt và vượt 11 chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội đã được xác định trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Quán triệt 05 mục tiêu và 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17 tháng 12 năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020, cụ thể hóa vào kế hoạch, chương trình công tác của cơ quan, đơn vị để có giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả, gắn với phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”.

3. Đề ra các giải pháp cụ thể trong Chương trình, Kế hoạch công tác của đơn vị để thực hiện tốt hai công tác đột phá năm 2020, đó là:
(1). Đổi mới công tác cán bộ và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, giữ vững đoàn kết; nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm, năng lực thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên.
(2). Nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự.
         
4. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, tăng cường và gắn chặt hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, nhất là trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự. Không để xảy ra việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm và trường hợp Toà án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội. Bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và các vụ án hình sự phải được kiểm sát, có văn bản đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra và tiến hành phúc cung bị can trước khi quyết định truy tố. Có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng tranh tụng, phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự, dân sự...
         
Phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế, các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

5. Tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp, chú trọng nâng cao số lượng, chất lượng thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị; tích cực nghiên cứu, xây dựng chuyên đề nghiệp vụ, tổ chức tập huấn, thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ; nâng cao chất lượng công tác thỉnh thị và trả lời thỉnh thị, kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thống nhất nhận thức trong áp dụng pháp luật. Nâng cao chất lượng giải quyết án và hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, không để xảy ra trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung do bỏ lọt tội phạm và người phạm tội có trách nhiệm của Kiểm sát viên. Hạn chế tối đa trường hợp Toà án xét xử khác với tội danh, điều khoản Viện kiểm sát truy tố và các trường hợp huỷ án, sửa án có trách nhiệm của Kiểm sát viên.

6. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất cả các khâu, lĩnh vực công tác. Viện trưởng Viện KSND cấp huyện và Trưởng phòng nghiệp vụ phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phấn đấu đạt và vượt 11 chỉ tiêu Quốc hội giao theo tinh thần Nghị quyết số 96/2019/QH14 và các chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành, coi đây là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của cơ quan, đơn vị mình. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo giữ gìn sự đoàn kết, trước hết là trong tập thể lãnh đạo, từ đó lan tỏa, nêu gương trong tập thể cơ quan, đơn vị mình. Đây là giải pháp nền tảng cho các giải pháp khác trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành. Lãnh đạo đơn vị phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”; cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc.  

7. Chấp hành sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quan hệ tốt với chính quyền địa phương; phát huy vai trò chủ động, tích cực trong quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền xử lý tốt các vụ việc, vụ án phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường kiến nghị các biện pháp, giải pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội tại địa phương.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của Ngành và yêu cầu các đơn vị tự thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời khắc phục sai phạm, thiếu sót; coi đây là biện pháp chủ động để phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái, tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và theo chuyên đề đối với những đơn vị có nhiều hạn chế, yếu kém; thực hiện việc kiểm tra chéo giữa các đơn vị trong cùng cấp kiểm sát. Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của công chức, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ và thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Ngành.

9. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, gắn kết chặt chẽ giữa các phong trào thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công tác đánh giá cán bộ, nhằm tạo động lực phát triển Ngành; phát động và tổ chức các phong trào thi đua chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp, kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đất nước trong năm 2020 và thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2020), 45 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai.
Tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai lần thứ III, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VI và tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành.

10. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và công tác chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Quản lý chặt chẽ nguồn ngân sách được cấp, hỗ trợ; sử dụng tài chính, tài sản công tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy (tổng hợp)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây