Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Sáng kiến: Giải pháp hoàn thiện về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Mỗi tội phạm cụ thể, mỗi tình tiết thông thường có ý nghĩa độc lập với các tình tiết khác

Sự cần thiết phải áp dụng sáng kiến: Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Sau đây viết tắt là TNHS) là các tình tiết làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong phạm vi một khung hình phạt so với các trường hợp phạm tội tương tự khác nhưng không có tình tiết giảm nhẹ đó. Các tình tiết giảm nhẹ TNHS là một trong những căn cứ để đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi và khả năng cải tạo giáo dục của bị cáo, là một trong những căn cứ quan trọng để cơ quan, người tiến hành tố tụng có cái nhìn toàn diện khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Các tình tiết giảm nhẹ TNHS không có ý nghĩa trong việc định tội và định khung hình phạt, mà chỉ có ý nghĩa trong việc lượng hình. Việc ghi nhận quy định này trong Bộ luật Hình sự (Sau đây viết tắt là BLHS) có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Bởi vì, nó không những chỉ thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của luật hình sự mà còn đáp ứng được các yêu cầu của nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong áp dụng pháp luật đối với người phạm tội.

“Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là một tình tiết giảm nhẹ TNHS thể hiện rõ chính sách hình sự của Nhà nước là trừng trị kết hợp giáo dục, vừa đáp ứng yêu cầu cá thể hóa hình phạt vừa thể hiện rõ tính nhân đạo, khoan hồng đối với người phạm tội. Đây không phải là tình tiết giảm nhẹ TNHS mới được quy định trong BLHS năm 2015 mà nó được quy định trong BLHS Việt Nam từ năm 1985. Về cơ bản, tình tiết này vẫn được giữ nguyên qua nhiều lần BLHS có sửa đổi, bổ sung hoặc thay mới và hiện được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Tình tiết này rất thường được áp dụng trong các bản án hình sự nhưng không phải tòa án nào cũng áp dụng đúng với bản chất của nó. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết này, về việc hiểu như thế nào là “phạm tội lần đầu” và phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”? Mặt khác, trong quy định của pháp luật hình sự, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao từ trước đến nay cũng chưa có hướng dẫn áp dụng nào đối với tình tiết giảm nhẹ TNHS này.

Mỗi tội phạm cụ thể, mỗi tình tiết thông thường có ý nghĩa độc lập với các tình tiết khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp, một số tình tiết cụ thể chỉ có ý nghĩa hay thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó khi kết hợp với tình tiết khác. Tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 là một điển hình. “Phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” khi kết hợp với nhau tạo thành một tình tiết có ý nghĩa về hình sự. Tình tiết “phạm tội lần đầu” chỉ có ý nghĩa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nếu việc lần đầu phạm tội đó “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. “Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” chính là vế thứ hai tạo nên điều kiện cần và đủ của tình tiết giảm nhẹ TNHS này.

Thực tiễn xét xử và khoa học luật hình sự hiện nay có các quan điểm sau đây về phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng trường hợp phạm tội mà người phạm tội thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015. Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015 thì tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Ví dụ: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124); tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 1 Điều 125 BLHS năm 2015)... 

Căn cứ để xác định tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm gây cho xã hội không lớn. Đại lượng “không lớn” thông thường được xác định ngay trong điều luật. Ví dụ: gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30 % ( khoản 1 Điều 134) hoặc trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (khoản 1 Điều 173) (nếu không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khác).

Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ít nghiêm trọng là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. 

Quan điểm thứ hai cho rằng: Ngoài những tội phạm ít nghiêm trọng, người phạm tội lần đầu đối với các tội phạm nghiêm trọng, nhưng do có các tình tiết đặc biệt của vụ án làm cho trường hợp phạm tội cụ thể đó thành ít nghiêm trọng thì cũng thuộc tình tiết giảm nhẹ này. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nếu khung hình phạt đối với tội ấy có mức thấp nhất từ 3 năm tù trở xuống và khi quyết định hình phạt, Toà án cũng chỉ xử phạt bị cáo không quá 3 năm tù. Ví dụ: Khoản 2 Điều 133 BLHS năm 2015 quy định về tội “Đe dọa giết người” có khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm là tội phạm nghiêm trọng, nhưng người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS, tòa án chỉ xử phạt bị cáo với hình phạt từ 03 năm tù trở xuống thì vẫn coi là phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Ngoài những tội phạm ít nghiêm trọng thì thuộc trường hợp ít nghiêm trọng cũng có thể có ở tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vị trí, vai trò của người phạm tội không đáng kể trong vụ án có đồng phạm, hoặc hậu quả chưa xảy ra hoặc hậu quả đã xảy ra nhưng gây thiệt hại không lớn hoặc đã được khắc phục.

Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, do cách hiểu không giống nhau nên đã dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, thiếu nhất quán của các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, cùng một trường hợp nhưng có tòa án áp dụng, có tòa án lại không cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS này. Điều này dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật và không đảm bảo sự công bằng giữa những người phạm tội.

- Mô tả các giải pháp cũ thường làm (nêu rõ những nh­ược điểm cần khắc phục):
+ Về “Trường hợp ít nghiêm trọng”, thực tiễn xét xử cho thấy hầu hết các Toà án chỉ áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng tức là tội mà người phạm tội bị truy tố, xét xử có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù, rất ít trường hợp Toà án áp dụng đối với những tội nghiêm trọng. Tại Bản án số 10/2013/HSST ngày 10/01/2013 của Tòa án nhân dân huyện Kbang, Gia Lai xét xử bị cáo Pham Công Bình và đồng bọn về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 135 BLHS năm 1999 (Phụ lục I.1), Hội đồng xét xử nhận định: Xét các bị cáo phạm tội lần đầu, trong quá trình điều tra và tại phiên toà các bị cáo đã thành khẩn khai báo nhận tội. Tài sản đã được thu hồi trả lại cho người bị hại, người bị hại đã nhận lại tài sản và có đơn bãi nại xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo. Cần coi đây là tình tiết giảm nhẹ TNHS để xem xét cho các bị cáo khi lượng hình. Vì vậy, Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 135; điểm  p khoản 1, 2  Điều 46 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Phan Công Bình 24 tháng tù, bị cáo Võ Trường An 20 tháng tù và bị cáo Nguyễn Hồng Nhật 18 tháng tù.

Trong vụ án này, tội phạm mà các bị cáo xâm phạm là tội nghiêm trọng có khung hình phạt từ một năm đến năm năm. Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của các bị cáo là thuộc trường hợp nghiêm trọng nên mặc dù các bị cáo lần đầu tiên trong đời phạm tội và Hội đồng xét xử cũng chỉ xử phạt các bị cáo dưới 03 năm tù nhưng vẫn không cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999[1].

Quan điểm của tác giả: Theo tác giả, với những tình tiết vụ án đã nêu thì hành vi của các bị cáo là thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Các bị cáo chỉ sử dụng lời nói ngoài ra không có hành vi nào khác khiến người bị hại sợ hãi miễn cưỡng đưa tiền cho các bị cáo.  Hành vi của các bị cáo không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của người bị hại. Số tiền 50.000 đồng mà các bị cáo cưỡng đoạt của người bị hại là có giá trị không lớn.  Do vậy, Mặc dù tội phạm mà các bị cáo xâm phạm là tội nghiêm trọng nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra không đáng kể, nên cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 là hoàn toàn tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả mà hành vi phạm tội của họ đã gây ra. Việc Hội đồng xét xử không cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS này đã gây bất lợi cho các bị cáo.

+ Một ví dụ thực tế khác về quan điểm giải quyết án khác đối với tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Tại Bản án số 10/2010/HSST ngày 20/2/2010 của Tòa án nhân dân huyện Tu Mrông, tỉnh Kon Tum xét xử bị cáo Nguyễn Quốc Trọng cùng đồng bọn về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 (Phụ lục I.2), Hội đồng xét nhận định: “Đây là vụ án đồng phạm nhiều người tham gia song là đồng phạm mang tính chất giản đơn. Trong đó, Nguyễn Quốc Trọng có vai trò chính đã trực tiếp dùng tay, chân đánh, đạp nhiều cái vào mặt, vào người, hông anh Long làm anh Long bị chấn thương bụng kín, vỡ lách phải phẩu thuật cắt bỏ lách. Vì vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án này.

Đối với Nguyễn Việt Tùng là đồng phạm, trong lúc Trọng đánh anh Long, Tùng đã dùng tay đấm vào lưng anh Long 02 cái. Mặc dù không trực tiếp gây vỡ lách cho anh Long, nhưng hành vi của Tùng có tính chất đồng phạm nên bị cáo phải chịu chung hậu quả do bị cáo Trọng gây ra làm tổn hại sức khoẻ cho anh Long là 35%, tuy nhiên vai trò của bị cáo là thứ yếu, ít nguy hiểm hơn so với bị cáo Trọng”. Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 BLHS năm 1999 xử phạt bị cáo Trọng 36 tháng tù, bị cáo Tùng 30 tháng tù[2].

Quan điểm của tác giả: Tác giả hoàn hoàn đồng ý với quyết định của Hội đồng xét xử đối với bị cáo Trọng. Hành vi của bị cáo Trọng đã trực tiếp gây vỡ lách và làm tổn hại sức khoẻ cho anh Long là 35%, hành vi đó là nghiêm trọng nên bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Tác giả cũng đồng ý với lập luận của Hội đồng xét xử đối với bị cáo Tùng, mặc dù không trực tiếp gây vỡ lách cho anh Long, nhưng hành vi của Tùng có tính chất đồng phạm nên bị cáo phải chịu chung hậu quả do bị cáo Trọng gây ra, vai trò của bị cáo là thứ yếu ít nguy hiểm hơn so với bị cáo Trọng. Tuy nhiên, tác giả lại không đồng tình với điều khoản mà Hội đồng xét xử đã áp dụng với bị cáo Tùng. Theo tình tiết của vụ án thì bị cáo Tùng thống nhất ý chí với bị cáo Trọng trong việc gây thương tích cho người bị hại, nhưng diễn biến thực tế bị cáo chỉ dùng tay đấm 02 cái vào phần bả vai phía sau lưng của người bị hại và hành vi này không trực tiếp gây vỡ lách cho anh Long, sau khi được can ngăn bị cáo không tiếp tục có hành vi nào khác để gây thương tích cho anh Long. Nên mặc dù bị cáo bị xét xử theo khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 với khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm là tội phạm nghiêm trọng, nhưng hành vi của bị cáo chỉ thuộc “trường hợp ít nghiêm trọng”, bị cáo phạm tội lần đầu. Do vậy, Hội đồng xét xử nên cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999.

+ Tại Bản án số 16/2014/HSST ngày 14/2/2014 của Tòa án nhân dân huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai, xét xử bị cáo Phạm Văn Tuân và đồng bọn về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 135 BLHS năm 1999 ( Phụ lục I.3), Hội đồng xét xử đã nhận định: “Xét nhân thân của các bị cáo đều chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, các bị cáo nhất thời phạm tội mà không có sự bàn bạc, chuẩn bị từ trước về việc thực hiện hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản, tại phiên toà cũng như quá trình điều tra thành khẩn nhận tội và tỏ ra ăn năn hối cải, tài sản có giá trị không lớn và đã tự nguyện bồi thường cho người bị hại được gia đình người bị hại viết đơn bại nãi đề nghị giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo. Vì vậy, khi lượng hình cũng cần xem xét chiếu cố trong việc quyết định hình phạt. Vận dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS được qui định tại điểm g, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999 giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo”[3].

Quan điểm của tác giả: Tác giả đồng tình với nhận định của Hội đồng xét xử, hành vi cưỡng đoạt tài sản của các bị cáo trong vụ án này là thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Vì sau khi hành vi cố ý gây thương tích chấm dứt, các bị cáo mới nảy sinh ý định cưỡng đoạt tài sản của người bị hại mà không có sự bàn bạc từ trước. Số tiền bị cưỡng đoạt là 40.000 đồng có giá trị không lớn và cũng đã được các bị cáo trả lại cho người bị hại nên chưa gây thiệt hại cho người bị hại, các bị cáo đều chưa có tiền án, tiền sự, nên quyết định cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là có căn cứ.

+ Tại Bản án số 20/2012/HSST ngày 15/3/2012 của Tòa án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai xét xử các bị cáo Bùi văn Mạnh và Bùi Văn Hùng về tội “Huỷ hoại tài sản“ theo khoản 2 Điều 143 BLHS năm 1999 (Phụ lục I.4), trong Bản án nhận định: “Bùi Văn Mạnh là người có ý đồ huỷ hoại tài sản của gia đình ông Khương từ trước. Chính Mạnh là người chủ động rủ rê lôi kéo Bùi Văn Hùng và đóng vai trò chính trong vụ án. Hậu quả gây ra chưa được khắc phục và bồi thường cho người bị hại. Xét về tính chất mức độ và hậu quả đã gây ra thì bị cáo Mạnh phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án này...

Bùi Văn Hùng là đồng phạm của Mạnh. Khi Mạnh đề xướng, lúc đầu Hùng không đồng ý song khi Mạnh nói người ta cướp đất của nhà mình thì Hùng đồng ý. Trong quá trình thực hiện phạm tội, Hùng là người canh gác cho Mạnh chặt phá tiêu, khi thấy Mạnh chặt quá nhiều thì bị cáo đã bảo Mạnh dừng lại. Xét nhân thân của bị cáo Hùng chưa có tiền án, tiền sự, tại phiên toà cũng như trong quá trình điều tra khai báo thành khẩn, ăn năn, hối cải nên cũng cần xem xét đến tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo cũng như áp dụng hình phạt tù giam cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian thì mới có đủ điều kiện cải tạo giáo bị cáo trở thành người công dân tốt cho xã hội sau này và phòng ngừa chung”.

Hội đồng xét xử đã áp dụng điểm g khoản 2 Điều 143; điểm p khoản 01 Điều 46 BLHS năm 1999 xử phạt Bùi Văn Mạnh 36 tháng tù, Bùi Văn Hùng 24 tháng tù.

Quan điểm của tác giả: Tác giả không có ý kiến gì về việc đánh giá vai trò, tính chất và mức độ nguy hiểm của Hội đồng xét xử đối với bị cáo Bùi Văn Mạnh, điều khoản áp dụng đối với bị cáo này là hoàn toàn chính xác. Riêng bị cáo Bùi Văn Hùng thì tác giả cho rằng vai trò của bị cáo so với bị cáo Mạnh là thấp hơn rất nhiều, ngay từ đầu ý thức chủ quan của bị cáo không muốn thực hiện hành vi hủy hoại tài sản của người bị hại. Khi bị kích động, bị cáo đồng ý thực hiện tội phạm nhưng chỉ với vai trò là người canh gác, giúp sức cho bị cáo Mạnh thực hiện được hành vi hủy hoại tài sản. Khi thấy Mạnh chặt quá nhiều thì bị cáo đã bảo Mạnh dừng lại làm giảm bớt thiệt hại thực tế có thể xảy ra. Do vậy, hành vi của bị cáo là thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và Hội đồng xét xử nên cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 thì sẽ thuyết phục hơn.

Như vậy, có thể nhận thấy quan điểm về áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 và nay là điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 vẫn có nhiều quan điểm giải quyết trái chiều và chưa thống nhất.

-  Mô tả nội dung của sáng kiến:

Theo tác giả, phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” trước hết bao gồm các tội phạm ít nghiêm trọng đó là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015). Ngoài những tội phạm ít nghiêm trọng, người phạm tội lần đầu đối với các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng hành vi phạm tội có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể so với các trường hợp phạm tội khác được quy định trong cùng một khung hình phạt; hoặc người phạm tội có vị trí, vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm thì vẫn được coi là  phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và tội phạm mà bị cáo đã gây ra trong phạm vi khung hình phạt.

Khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cần lưu ý nếu bị cáo chỉ phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì chưa đủ để được áp dụng tình tiết này mà bị cáo đó còn phải phạm tội lần đầu (lần đầu tiên trong đời phạm tội). Tại Hội nghị tổng kết công tác chống tham nhũng và buôn lậu năm 1992, Toà án nhân dân tối cao đã lưu ý: Khi vận dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cần phải nắm vững cả hai vế: phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Sai lầm của một số Thẩm phán thường là chỉ quan tâm đến vế thứ nhất là phạm tội lần đầu mà không chú ý vế thứ hai là và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Qua kết quả khảo sát ý kiến của 217 thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cho thấy đa số người tham gia khảo sát đã từng áp dụng hoặc đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”[4]. Cũng như khái niệm phạm tội lần đầu, khái niệm phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhận được nhiều ý kiến khác nhau:
 
Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là: Ý kiến đồng ý
Là tội phạm ít nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến ba năm – theo Điều 9 BLHS năm 2015) 217
Là trường hợp phạm tội ở mức độ ít nghiêm trọng (có thể là tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhưng hành vi phạm tội có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể so với các trường hợp phạm tội khác được quy định trong cùng một khung hình phạt; hoặc người phạm tội có vị trí, vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm) 134
Ý kiến khác: Là tội phạm ít nghiêm trọng. Hoặc là tội phạm nghiêm trọng, tuy nhiên chỉ coi là trường hợp ít nghiêm trọng, nếu khung hình phạt đối với tội ấy có mức thấp nhất từ 3 năm tù trở xuống và khi quyết định hình phạt, Toà án cũng chỉ xử phạt bị cáo không quá 3 năm tù 113
 
Kết quả khảo sát về tình tiết phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đa số những người được hỏi đều có trả lời chỉ đề nghị áp dụng hoặc áp dụng tình tiết này cho tội phạm ít nghiêm trọng, rất dè dặt đối với tội phạm nghiêm trọng và thường không dám áp dụng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù về lý luận họ vẫn thống nhất quan điểm thuộc trường hợp ít nghiêm trọng vẫn có thể có ở tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn nên quan điểm cũng chỉ là quan điểm để tranh luận với nhau, còn áp dụng thực tế thì phải chọn biện pháp an toàn đó là không áp dụng. Điều này cho thấy, tuy đây là quy định không mới trong BLHS, nhưng để có một cách hiểu và áp dụng thống nhất thì đòi hỏi phải được hướng dẫn bởi cơ quan có thẩm quyền.

“Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không phải là một tình tiết giảm nhẹ TNHS mới được quy định trong BLHS. Tuy vậy, cũng như tình tiết “phạm tội lần đầu”, cho đến nay chưa có hướng dẫn chính thức xác định thế nào là phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Do vậy, cả lý luận và thực tiễn về nội dung này vẫn tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau. Thực tiễn áp dụng gặp nhiều lúng túng trong việc xác định có trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng ở tội  phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng hay không. Hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS này đối với tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng cũng có nơi áp dụng nhưng rất ít. Riêng tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì chưa thấy nơi nào áp dụng.

Do đó, theo tác giả, nội dung tình tiết phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” nên được hướng dẫn như sau: Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến ba năm,  theo khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015); hoặc là trường hợp phạm tội ở mức độ ít nghiêm trọng (có thể là tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhưng hành vi phạm tội có mức độ nguy hiểm thấp hơn đáng kể so với các trường hợp phạm tội khác được quy định trong cùng một khung hình phạt; hoặc người phạm tội có vị trí, vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm).

Việc đánh giá một hành vi phạm tội có thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hay không phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm do hành vi đó gây ra.  Do vậy, phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” bao gồm: các tội ít nghiêm trọng (tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm). Ngoài tội phạm ít nghiêm trọng, người phạm tội lần đầu đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng có các tình tiết đặc biệt của vụ án cụ thể làm cho trường hợp phạm tội cụ thể đó thành ít nghiêm trọng, tính chất, mức độ hoặc vị trí vai trò của người phạm tội là ít nghiêm trọng (thường là trong trường hợp phạm tội có đồng phạm mà vai trò, vị trí của người đồng phạm không đáng kể trong vụ án), hoặc hậu quả chưa xảy ra, hoặc hậu quả đã xảy ra nhưng gây thiệt hại không lớn hoặc đã được khắc phục, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội tương xứng với mức thấp nhất của khung hình phạt thì người phạm tội cũng được giảm nhẹ TNHS theo tình tiết này.

- Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử: Tại Bản án số 16/2014/HSST ngày 14/2/2014 của Tòa án nhân dân huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai.
- Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến: Cần phân biệt “trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng” với “tội phạm ít nghiêm trọng”. Hai khái niệm này không đồng nhất với nhau. Tại khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015 xác định tội ít nghiêm trọng dựa vào tiêu chí là mức cao nhất của khung hình phạt quy định cho tội phạm đó là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Còn phạm tội “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cũng là trường hợp gây nguy hại không lớn cho xã hội nhưng không phụ thuộc vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy mà tiêu chí xác định thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là mức độ nghiêm trọng do hành vi phạm tội được thực hiện trên thực tế. Mức độ nghiêm trọng đó được xác định bằng tổng hợp nhiều căn cứ như lỗi, mục đích, động cơ của người phạm tội, phương tiện phạm tội, thủ đoạn phạm tội, thời gian và địa điểm phạm tội, khách thể xâm hại… Mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội tương ứng với mức thấp nhất của khung hình phạt, vai trò tham gia thực hiện tội phạm là thứ yếu, mức độ thực hiện tội phạm còn hạn chế, tác hại của tội phạm không lớn hoặc đã được hạn chế, khắc phục.

- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả: Xây dựng được khái niệm về tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” để các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ này được thống nhất. Bên cạnh đó, cũng mong muốn sẽ là một tài liệu nghiên cứu, tham khảo đóng góp trong công tác nghiên cứu khoa học pháp lý hình sự nói chung, góp phần thiết thực đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng như Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, luật sư… trong quá trình xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo việc tuyên bản án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đạt hiệu quả của mục đích hình phạt đối với người phạm tội. 

- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của đơn vị, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử (nếu có): Đã được áp dụng tại một số địa phương áp dụng như Tòa án nhân dân huyện Tu Mơ rông, tỉnh Kon Tum; Tòa án nhân dân huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai và một số Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư vận dụng như khảo sát nêu trên và được nhiều sự đồng tình.


[1] Vụ án được xét xử khi BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa có hiệu lực.
[2] Như chú thích 1
[3] Như chú thích 1
[4] Bùi Thị Dậu (2017), Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo luật hình sự Việt Nam” (Số liệu năm 2017).

Tác giả bài viết: Trần Thị Thắng Trinh - Đào Anh Tuấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây