Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Quan điểm nhận thức về công tác “Số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa hình sự.

Trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân nói chung cũng như các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh thực hiện công tác “Số hóa hồ sơ vụ án” và tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, cách hiểu và cách thực hiện “Số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa còn có nhiều nội dung chưa thống nhất. Hoạt đông này khi áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn, nên rất cần có những hướng dẫn, giải pháp mang tính đồng bộ.
         
Để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp mang tính đột phá và thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Tại Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu: Triển khai thực hiện việc ghi âm, ghi hình theo đúng quy định pháp luật. Đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự; tiếp tục thực hiện việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa trong toàn Ngành”. Bên cạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ, hỗ trợ kỹ năng của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự gắn liền với kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa thì việc số hóa hồ sơ vụ án hình sự và thực hiện công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa là rất cần thiết. Trong thời gian qua, công tác số hóa hồ sơ vụ án đã được Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện triển khai về chủ trương và thực hiện. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành số hóa hồ sơ cũng như hoạt động công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa còn gặp nhiều vấn đề khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất, cơ bản nhất vẫn là sự thống nhất từ nhận thức đến thực tiễn công tác số hóa hồ sơ vụ án, cũng như những khó khăn về kinh nghiệm, về điều kiện cơ sở vật chất của Viện kiểm sát và phương tiện trình chiếu tại các phòng xử án thuộc Tòa án các địa phương...
         
Số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm sự thuyết phục trong quá trình xét hỏi, tranh tụng là một nhiệm vụ còn mới, nên cần phải được thực hiện nhiều để rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra được một quy trình phù hợp, thống nhất. Hiệu quả của công tác này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện cơ sở vật chất, kiến thức về tin học, khả năng sử dụng và vận hành các thiết bị liên quan, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực hiện của mỗi Kiểm sát viên … Quan điểm nhận thức về số hóa là gì và công tác số hóa hồ sơ như thế nào cũng đang là một vấn đề còn có nhiều ý kiến và cách làm khác nhau. Tuy nhiên, muốn hiểu và vận dung như thế nào trên thực tế thì đều phải dựa vào tài liệu hướng dẫn số hóa hồ sơ do Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (thuộc VKSND tối cao) biên soạn. Văn bản số 636/VKSTC-C2 (Công văn 636) và hướng dẫn đi kèm được coi là bản lề để các đơn vị thực hiện công tác này. Số hóa hồ sơ vụ án và hoạt động công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa là hai hoạt động đi liền nhưng với mục đích hoàn tòa khác nhau. Trong đó, mục đích cuối cùng của số hóa hồ sơ vụ án là công tác lưu trữ với những lợi ích thiết thực như giảm không gian lưu trữ, tiết kiệm thời gian tìm kiếm; thời gian lưu trữ, quản lý tài liệu vĩnh viễn; hạn chế hư hỏng, mất mát tài liệu do các yếu tố khách quan... Còn mục đích của hoạt động công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa là để bảo đảm sự thuyết phục trong quá trình xét hỏi, tranh tụng và bảo vệ quan điểm truy tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự.  
         
Hoạt động thứ nhất là công tác số hóa hồ sơ vụ án, tài liệu: Về khái niệm, số hóa tài liệu là hình thức chuyển đổi các dữ liệu truyền thống thành những dữ liệu số mà máy tính có thể hiểu được. Việc số hóa tài liệu giúp chúng ta có thể chỉnh sửa, tái sử dụng tài liệu và linh hoạt trong việc chuyển đổi sang các dạng tài liệu số khác nhau. Tùy vào ứng dụng thực tế trong từng lĩnh vực khác nhau mà chúng ta có các khái niệm về số hóa khác nhau. Với nhu cầu thực tế về số hóa và công bố tài liệu tại phiên tòa, ta có thể hiểu: Số hóa tài liệu là quá trình chuyển đổi các dạng tài liệu truyền thống như bản viết tay, bản in, bản ảnh… sang chuẩn tài liệu mà máy tính có thể nhận biết được. Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, số hóa hồ sơ vụ án là phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển hóa chứng cứ từ dạng vật chất (văn bản giấy, hình ảnh, chứng cứ bằng lời nói…) thành dạng file hình ảnh hoặc video để những người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính, thông qua thiết bị trình chiếu có thể nhìn thấy, nghiên cứu và trích xuát mà không phải sử dụng đến hồ sơ vụ án.
         
Để số hóa hồ sơ, việc đầu tiên các đơn vị cần phải làm đó là đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và các thiết bị khác bao gồm mua sắm các thiết bị phần cứng như máy tính, máy in, máy chụp tài liệu (Scan hoặc máy photocopy), máy quét ảnh và các phần mềm để quản lý, cũng như tra tìm tài liệu … Trong đó, máy scan hoặc máy photocopy có chức năng scan; đối với máy tính thì phải sử dụng máy tính từ không có kết nối internet và các thiết bị lưu trữ gồm ổ cứng máy tính, USB hặc ổ cứng di động. Đặc biệt cần chú ý là tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động thông minh để sao chụp tài liệu và liên kết thiết bị lưu trữ. Nói chung, để làm được công tác số hóa hồ sơ vừa bảo đảm phục vụ tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, vừa đảm bảo tính bảo mật, đồng thời làm tốt công tác lưu trữ thì các đơn vị cần phải có trang thiết bị mang tính đồng bộ và khả năng tương thích cao của thiết bị để phục vụ công việc số hóa. Hay nói cụ thể là phải có một hệ thống máy tính không có kết nối internet, máy scan (hoặc máy photocopy có chức năng scan) và các thiết bị lưu trữ (Ổ cứng máy tính, USB, ổ cứng di động) chuyên dụng và chỉ dành riêng cho công tác này. Phần mềm sử dụng bao gồm: MS Office (dùng soạn thảo văn bản cơ bản); Foxit Reader (dùng để đọc file định dạng pdf); PDFMate Free PDF Merger (dùng để cắt, ghép file định dạng pdf); PaperScan Scanner Software 1.8.8 Free Editor (để quét tài liệu chỉnh sửa và lưu lại tài liệu dưới dạng một trong số các loại tệp khác nhau). Tại hướng dẫn đi kèm Công văn 636 quy định “Tài liệu hồ sơ được số hóa được đặt tên, lưu trữ đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ được quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông và theo Thông tư số 02/2019/TTBNV ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Nội vụ. Các đơn vị có thể xây dựng phần mềm để quản lý số hóa theo các nội dung của Thông tư 02/2019/TT-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Nội vụ hoặc sử dụng phần mềm văn phòng như MS Word, MS Excel”. Tuy nhiên, do các đơn vị chưa có giải pháp tối ưu về quản lý dữ liệu sau khi số hóa hồ sơ, nên hiện nay đang thực hiện theo phương châm từng cá nhân tự quản lý dữ liệu của mình và bằng những phương tiện đang có, nên dẫn đến rất dễ làm lộ, lọt thông tin trên môi trường mạng khi sao chép vào thiết bị lưu trữ và cắm vào các máy tính có kết nối internet không an toàn. Mặt khác, do trang thiết bị để phục vụ công tác số hóa hồ sơ chưa đồng bộ và khả năng tương thích cao, nên sẽ dẫn đến tình trạng trong một đơn vị nhưng mỗi cán bộ, Kiểm sát viên tiến hành số hóa hồ sơ một kiểu khác nhau, phương tiện lưu trữ cũng khác nhau và hầu như công tác lưu trữ là tùy nghi. Trong khi mục đích cuối cùng của công tác số hóa hồ sơ là tất cả hồ sơ vụ án được lưu trữ tại một nơi và bằng một phương tiện chung, trên cơ sở đảm bảo tính bảo mật khi lưu trữ và thuận tiện khi trích xuất.
         
Trên thực tế hiện nay có những đơn vị cho phép cán bộ, Kiểm sát viên sao chụp hồ sơ vụ án từ giai đoạn thụ lý tin báo hoặc hồ sơ đang ở giai đoạn điều tra, sau đó các tài liệu này được lưu trữ trên máy tính cá nhân có kết nối internet thường xuyên. Hoặc có trường hợp sử dụng điện thoại di động thông minh để sao chụp, lưu trữ tài liệu và kết nối phương tiện để trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Đây là một thực trạng rất đáng lo ngại trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay khi mà các đối tượng phạm tội tìm mọi cách để lấy được thông tin từ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để thông cung, chối tội hoặc lấy các mẫu văn bản tố tụng (Quyết định khởi tố, phê chuẩn) rồi thay đổi nội dung để mang đi lừa đảo. Nguy hiểm hơn khi việc sao chụp, lưu trữ tài liệu tùy tiện sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng để lộ lọt thông tin mật, nhất là đối với các tài liệu mật của các cá nhân, đơn vị đã được thu thập trong hồ sơ vụ án hoặc các tài liệu mật của cấp ủy địa phương ...
         
Điều kiện thứ hai để tiến hành làm tốt công tác số hóa hồ sơ đó là trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Để thực hiện được các thao tác kỹ thuật để số hóa hồ sơ theo hướng dẫn tại Công văn 636/VKSTC-C2 thì đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên phải có kiến thức nhất định và được đào tạo đồng bộ về công nghệ thông tin. Kiểm sát viên phải có kiến thức và được đào tạo kỹ năng để có thể tự thao tác các hoạt động sử dụng thiết bị khi số hóa hồ sơ cho đến việc truy xuất và sử dụng được tài liệu số hóa để ứng dụng cho công tác giải quyết án, nhất là công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa khi cần thiết. Mặt khác, việc sử dụng những tài liệu đã được số hóa để tiến hành công bố bằng hình ảnh tại phiên tòa, đòi hỏi Kiểm sát viên phải thành thạo các kỹ năng để thực hiện tốt các thao tác kỹ thuật xử lý hình ảnh trình chiếu gắn liền với hoạt động đối đáp, tranh tụng để bảo vệ quan điểm truy tố. Đây là hai hoạt động đi liền buộc Kiểm sát viên phải thực hiện cùng một lúc (dùng hình ảnh để chứng minh cho lời nói) nên đòi hỏi rất cao ở Kiểm sát viên cả về kỹ năng công nghệ thông tin và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Đây là điều kiện khá khó đối với các Viện kiểm sát địa phương khi thực tế hiện nay lực lượng Kiểm sát viên chủ yếu được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ; còn về công nghệ thông tin thì chỉ mới đạt trình độ vi tính văn phòng. Đa số Kiểm sát viên mới chỉ dừng lại ở việc thao tác soạn thảo, sao chụp (scan) văn bản trên hệ thống máy đã cài đặt sẵn chế độ rồi đóng lưu thành từng tệp. Còn đi sâu vào vấn đề kỹ thuật như sử dụng kỹ thuật sắp xếp, liên kết, nhúng tài liệu, sử dụng các phần mềm, ứng dụng để chiếu hình ảnh lên máy chiếu … thì chưa thể nhuần nhuyễn được.
         
Một vấn đề nữa cần được quan tâm đối với công tác số hóa hồ sơ vụ án đó là mục đích nhằm lưu trữ hồ sơ vụ án (đã số hóa) một cách khoa học, thuận tiện và bảo mật. Khi hồ sơ vụ án được lưu trữ bằng số hóa sẽ tạo thuận lợi, tiết kiệm được thời gian tìm kiếm, giảm không gian lưu trữ, quản lý tài liệu vĩnh viễn, hạn chế hư hỏng, mất mát tài liệu do các yếu tố bên ngoài như thời tiết, côn trùng, hỏa hoạn, ẩm mốc hay giảm tối đa chi phí in ấn … Giúp cho việc lưu trữ, truy xuất, chia sẻ và tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng. Trên cơ sở này sẽ giúp cho Kiểm sát viên có thể truy xuất, khai thác dữ liệu mọi lúc mọi nơi, phục vụ cho công tác nghiệp vụ được nhanh chóng kịp thời, tiết kiệm thời gian. Để làm tốt công tác lưu trữ hồ sơ số hóa thì đòi hỏi mỗi đơn vị cần phải có một hệ thống lưu trữ dữ liệu như ổ cứng máy tính, USB, ổ cứng di động và phải bố trí cán bộ, phân công trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ số hóa. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cần phải có những nội quy, quy định cụ thể về quy trình số hóa hồ sơ và quản lý hệ thống lưu trữ hồ sơ, tài liệu lưu trữ đã được số hóa. Đây lại là một vấn đề khó khăn nữa đối với các Viện kiểm sát nhân dân huyện khi kinh phí hạn hẹp, lực lượng cán bộ, Kiểm sát viên ít, trong khi số lượng công việc ngày càng tăng như hiện nay. Mặt khác, KSND tối cao cũng như Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chưa có quy định, quy trình thực hiện số hóa hồ sơ vụ án nên các đơn vị địa phương hầu như đang thực hiện theo quan điểm cảm tính, tùy nghi.
         
Thứ hai là hoạt động công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa: Từ hồ sơ vụ án đã được số hóa, việc truy xuất các chứng cứ, tài liệu liên quan trong vụ án như biên bản, lý lịch, các quyết định tố tụng, chứng cứ buộc tội, gỡ tội… sẽ giúp cho Kiểm sát viên trong quá trình xét xử tự tin hơn khi đưa ra những tài liệu, thông tin mang tính chính xác và thuyết phục cao. Nhất là đối với những vụ án có mâu thuẫn trong lời khai của các bị can, bị cáo hoặc người tham gia tố tụng khác; có bị cáo phản cung, chối tội hoặc những vụ án chứng cứ chưa vững chắc, có Luật sư tham gia bào chữa... cần thiết phải công bố tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quan điểm truy tố tại phiên tòa. Tuy nhiên, để hoạt động công bố chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa mang lại hiệu quả thiết thực, các đơn vị Viện kiểm sát địa phương cần phải xác định bộ tiêu chí đối với những vụ án hình sự cần công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để tránh hình thức, mất thời gian, công sức nhưng hiệu quả mang lại không cao. Trong đó, cần chú trọng công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đối với các vụ án Cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, tai nạn giao thông hoặc các vụ án được khởi tố căn cứ từ nguồn là chứng cứ điện tử ... mà trong hồ sơ vụ án có Bản ảnh hiện trường, các video, clip ... ghi lại được diễn biến hành vi phạm tội của các bị cáo hay hoạt động khác liên quan. Bằng những hình ảnh được trình chiếu, Kiểm sát viên sẽ làm tốt công tác tranh tụng, bảo vệ quan điểm truy tố, cũng như làm rõ các vấn đề liên quan trước khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Mục đích cuối cùng của hoạt động này là giúp Kiểm sát viên đối đáp có căn cứ, đầy đủ các ý kiến của Luật sư, Người bào chữa, nhưng người tham gia tố tụng khác và thuyết phục được Hội đồng xét xử, qua đó bảo vệ tốt quan điểm truy tố, xử lý vụ án trong nội dung mà bản Cáo trạng đã nêu.
         
Một nội dung cần quan tâm khi thực hiện hoạt động công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đó là Kiểm sát viên phải dự kiến những tình huống bị cáo phản cung, chối tội hoặc Luật sư tham gia bào chữa theo hướng không có tội ... để xây dựng đề cương trình chiếu nhằm chuẩn bị những chứng cứ, tài liệu cần trình chiếu để chứng minh cho nội dung tranh tụng, bảo vệ quan điểm truy tố. Để làm được việc này, từ hồ sơ vụ án đã được số hóa, Kiểm sát viên tiến hành truy xuất những chứng cứ, tài liệu đã dự kiến trong đề cương trình chiếu để tạo các thư mục nhỏ cho từng tình huống, nội dung cụ thể, từ đó sẽ giúp Kiểm sát viên dễ dàng sử dụng và cho trình chiếu tại phiên tòa. Những chứng cứ bằng hình ảnh, âm thanh, tài liệu này là dẫn chứng thiết thực để Kiểm sát viên tranh tụng lại những tình huống có thể phát sịnh tại phiên tòa như có người kêu oan, chối tội, từ chối khai báo ... hay những vấn đề khác có liên quan. Đề cương trình chiếu chứng cứ, tài liệu tại phiên tòa, Kiểm sát viên có thể xây dựng thành một bảng file tài liệu trong phần mềm Word, Excel hoặc tạo một Slide, sau đó tiến hành chèn liên kiết file hình ảnh, âm thanh vào bằng ứng dụng Hyperlink.
         
Điều lưu ý quan trọng nữa đối với hoạt động chuẩn bị và tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa là tất cả các hoạt động truy xuất chứng cứ, tài liệu đã được số hóa đến việc chuẩn bị đề cương trình chiếu đều phải được thực hiện trên các phương tiện không có kết nối internet. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với những việc không được thực hiện tại phiên tòa như: Không được công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa hoặc cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân... và chỉ được tiến hành khi được Chủ tọa phiên tòa hay Hội đồng xét xử đồng ý.
         
Tóm lại, nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng, trình độ của Kiểm sát viên, đặc biệt là kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa thì việc số hóa hồ sơ vụ án hình sự và công bố chứng cứ, tài liệu bằng hình ảnh tại phiên tòa là rất cần thiết. Tuy nhiên, để công tác này đạt được hiệu quả, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, từ trang bị cơ sở vật chất; đến đào tạo bồi dưỡng kiến thức về tin học, khả năng sử dụng và vận hành các thiết bị liên quan gắn liền với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi Kiểm sát viên. Trong điều kiện hiện nay, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị Viện kiểm sát địa phương đang từng bước tiến hành các hoạt động số hóa hồ sơ (cả về Hình sự, Dân sự và các mảng kiểm sát khác) nhằm đáp ứng yêu cầu của Ngành và ứng dụng công nghệ số trong công tác nghiệp vụ. Để từng bước thực hiện số hóa hồ sơ và hoạt động công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa một cách đồng bộ; đồng thời để lực lượng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên trong Ngành thực hiện mọi ứng dụng công nghệ thông tin liên quan một cách an toàn, hiệu quả, tôi xin đưa ra một số giải pháp trước mắt như sau:
         
Thứ nhất: Các đơn vị cần xác định rõ các nội dung mục tiêu số hoá hồ sơ và thành phần tài liệu cần số hoá; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; kinh phí; những yêu cầu về quản lý tài liệu số hoá; phần mềm quản lý tài liệu số… Trên cơ sở kế hoạch triển khai số hóa, căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị mình, các đơn vị cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả và bảo mật. Đối với các trang thiết bị máy tính, máy scan, máy photocopy và các thiết bị lưu trữ phục vụ cho công tác số hóa phải được trang bị riêng, chỉ sử dụng cho công tác số hóa hồ sơ và hoàn toàn không được kết nối internet.
         
Hiện nay, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhân lực còn hạn chế và thực trạng lưu trữ hồ sơ văn bản giấy vẫn đang được thực hiện, các đơn vị nên tiến hành từng bước bằng cách xác định tiêu chí những vụ án hình sự cần công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để tiến hành số hóa nhằn đáp ứng yêu cầu của công tác xét xử. Khi các trang thiết bị phục vụ công tác số hóa được trang bị đầy đủ, cũng như trình độ số hóa của cán bộ, Kiểm sát viên được nâng lên, sẽ tiến hành số hóa toàn bộ hồ sơ vụ việc từ Hình sự đến Dân sự và các mảng kiểm sát khác để phục vụ công tác lưu trữ.
         
Bên cạnh đó, các đơn vị cần sử dụng mọi biện pháp để đảm bảo dữ liệu số hóa phải lưu trữ bảo mật cẩn thận theo đúng quy định theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định, quy chế về an toàn và bảo mật thông tin. Hồ sơ số hóa phải được sắp xếp khoa học, hạn chế tối đa việc sao chép dữ liệu trên nhiều máy tính khác nhau hoặc lưu trữ trên những thiết bị có kết nối internet, điện thoại thông minh…
         
Thứ hai: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cần sớm ban hành Nội quy và xây dựng quy trình cơ bản về công tác số hóa hồ sơ vụ án để các đơn vị Viện kiểm sát địa phương thực hiện một cách đồng bộ. Trước mắt, cần xây dựng quy trình số hóa hồ sơ vụ án hình sự và tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để Kiểm sát viên thực hiện. Mặt khác, cần xây dựng bộ tiêu chí đối với những vụ án hình sự cần công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để công tác số hóa và công bố chứng cứ bằng hình ảnh được thực hiện một cách hiệu quả, thực chất.
         
Thứ ba: Thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tạo điều kiện về đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ tin học cho cán bộ, Kiểm sát viên để nâng cao trình độ công nghệ thông tin, nhất là kỹ năng về sử dụng các thiết bị số phục vụ cho công tác số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Riêng cán bộ phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng kiến thực về chuyên môn, nghiệp vụ để có thể hướng dẫn cho cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện thực hiện các hoạt động số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Kỳ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây