Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Giải pháp nâng cao kỹ năng kiểm sát việc đối chất trong các vụ án cố ý gây thương tích

Đối chất là biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng một lúc tham gia tranh luận và chất vấn lẫn nhau dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người tiến hành tố tụng nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ.

Trong các vụ án cố ý gây thương tích, hoạt động đối chất là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng mà các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sử dụng trong quá trình điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ. Hoạt động thu thập chứng cứ nêu trên chỉ có giá trị sử dụng và chứng minh khi nó được cơ quan, người có thẩm quyền thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định, vì vậy đòi hỏi Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát việc đối chất phải có kiến thức và kỹ năng để kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra nói chung cũng như hoạt động đối chất nói riêng, để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, tránh làm oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

1. Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.
2. Nếu có người làm chứng hoặc bị hại tham gia thì trước khi đối chất Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.
3. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.
Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải ghi vào biên bản.
Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.
4. Biên bản đối chất được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
5. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều này.

Để hoạt động đối chất đạt hiệu quả cao, Kiểm sát viên cần phải thông qua việc nghiên cứu hồ sơ tài liệu, chứng cứ, phát hiện mâu thuẫn, xác định nội dung mâu thuẫn, nhận định nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn để từ đó xác định hoạt động đối chất của Điều tra viên đó đạt yêu cầu hay chưa, có cần tiến hành đối chất nữa hay không? Qua nghiên cứu các hồ sơ vụ án “Cố ý gây thương tích” trên địa bàn huyện Đak Pơ cho thấy các vụ án cố ý gây thương tích có tiến hành đối chất, Cơ quan điều tra đã tuân thủ các quy định của phát luật, trong các vụ án cố ý gây thương tích các bị can cố tình chối tội, đỗ lỗi cho nhau, nội dung lời khai giữa các bị can không trùng khớp, do đó, hồ sơ có nhiều mâu thuẫn, Kiểm sát viên và Điều tra viên qua nhiều lần trao đổi thống nhất kế hoạch đối chất đối với các đối tượng có lời khai khác nhau vì có mâu thuẫn với nhau nên khi tiến hành đối chất, các mâu thuẫn đều được giải quyết, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, còn một số trường hợp do quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không phát hiện được mâu thuẫn để tiến hành đối chất hoặc đã phát hiện được mâu thuẫn và đã tiến hành đối chất nhưng các bên vẫn giữ nguyên lời khai, do đó, cơ quan tiến hành tố tụng qua đối chất nhiều lần vẫn không thể làm rõ được mâu thuẫn phải chấp nhận tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của từng bị can đến đâu thì điều tra, truy tố và xét xử đến đó, mặc dù có thể nhận định vẫn còn hành vi phạm tội và người phạm tội nhưng không phát hiện, thu thập được tài liệu, chứng cứ để chứng minh, do đó, không thể xử lý được.
 

Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất

 
Nhận thấy để nâng cao kiến thức về lý luận cũng như bổ sung kỹ năng để thực hiện tốt công tác kiểm sát hoạt động đối chất trong quá trình kiểm sát điều tra các vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” tôi đưa ra những  bài học kinh nghiệm và giải pháp như sau:

Khi tiến hành kiểm sát việc đối chất trong các vụ án “cố ý gây thương tích”, Kiểm sát viên phải chú ý thực hiện các nội dung sau:

- Thứ nhất, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc đối chất, bảo đảm hoạt động này được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 189 BLTTHS năm 2015. Kiểm sát viên có thể trực tiếp hoặc phối hợp cùng Điều tra viên tiến hành việc đối chất. Khi trực tiếp tiến hành đối chất, Kiểm sát viên thông báo trước cho Điều tra viên biết.

- Thứ hai, Trước khi tiến hành đối chất vụ án cố ý gây thương tích, Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; kiểm tra xem xét dấu vết tại hiên trường, trên thân thể các đối tượng có liên quan; xác định chính xác các mâu thuẫn, nguyên nhân của những mâu thuẫn, các bị can, đối tượng khác có liên quan để có hướng chuẩn bị các nội dung đối chất phù hợp; lựa chọn các tài liệu, chứng cứ cần sử dụng khi đối chất; nghiên cứu, nắm bắt kỹ các đặc điểm tâm lý của những người tham gia đối chất; nắm vững các căn cứ lý luận về định tội, chứng cứ buộc tội, gỡ tội từ đó định hướng đặt các câu hỏi đúng trọng tâm, trọng điểm giải quyết các vấn đề còn khúc mắc.

- Thứ ba, Khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án rồi, Kiểm sát viên nên xây dựng kế hoạch đối chất cụ thể, rõ ràng với các nội dung chủ yếu như: những mâu thuẫn cần được đưa ra đối chất, nguyên nhân của những mâu thuẫn đó và hướng giải quyết; các câu hỏi cụ thể đưa ra, dự kiến các câu trả lời của người tham gia đối chất và hướng xử lý đối với từng câu trả lời; dự kiến cách giải quyết đối với trường hợp người tham gia đối chất từ chối khai báo, thay đổi lời khai... Kiểm sát viên cũng cần chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, trang thiết bị cần thiết để có sự chủ động trong quá trình tiến hành đối chất.

- Thứ tư, Khi tiến hành đối chất: Kiểm sát viên phải quan sát nắm bắt đặc điểm tâm lý của đối tượng đang tham gia đối chất để định hướng việc đối chất có hiệu quả, chất lượng. Quá trình đối chất ngoài nội dung chuẩn bị trước đó Kiểm sát viên cần linh hoạt, Kiểm sát viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Với mỗi câu hỏi, Kiểm sát viên đưa ra cho người này trả lời, người này trả lời xong thì Kiểm sát viên cũng hỏi lại câu hỏi đó với người kia và yêu cầu người kia trả lời. Sau khi hỏi và những người tham gia đối chất trả lời xong câu hỏi này, Kiểm sát viên đưa ra các câu hỏi khác cho đến khi hết các vấn đề cần hỏi. Kiểm sát viên nên tăng cường cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau nhằm giải quyết các mâu thuẩn, góp phần xác định sự thật vụ án. Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ. Điều này để bảo đảm khách quan trong lời khai của những người tham gia đối chất.

- Thứ năm, Trường hợp một bên người tham gia đối chất khai báo gian dối dẫn đến lời khai mâu thuẩn với người tham gia đối chất khác thì Kiểm sát viên cần có biện pháp tiến hành đối chất sao cho gây ra sự bất ngờ đối với họ, chẳng hạn như Kiểm sát viên cho người có lời khai đúng vào trước, chuẩn bị tâm lý thật tốt cho họ, rồi mới đưa người có lời khai gian dối vào. Sự tiếp xúc bất ngờ với người có lời khai đúng sẽ đánh mạnh vào tư tưởng của người có lời khai gian dối, làm cho họ lúng túng, không kịp chuẩn bị lời khai để đối phó, buộc phải thành khẩn khai báo. Quá trình đối chất, Kiểm sát viên cho người khai gian dối và người có lời khai đúng sự thật tranh luận trực tiếp với nhau; sử dụng đúng chứng cứ, vào đúng thời điểm để đấu tranh với người có lời khai gian dối...

- Thứ sáu, Kiểm sát viên phải giữ vững sự tự tin, thận trọng, bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra trong khi đối chất, nhất là tình huống người tham gia đối chất chống đối, không hợp tác. Tuyệt đối không được vội vàng, nóng giận, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia đối chất...

Thứ bảy, Chỉ tiến hành lập biên bản đối chất sau khi hoàn thành các nội dung cần đối chất, không nên vừa hỏi vừa lập biên bản. Về cách ghi biên bản, thực tiễn thường áp dụng cách sau: Chia dọc từng trang biên bản thành hai cột, một bên ghi câu hỏi và câu trả lời của người này, một bên ghi câu hỏi và câu trả lời của người kia.

- Thứ tám, Kết thúc việc đối chất, KS Kiểm sát viên V tiến hành đánh giá và sử dụng kết quả đối chất để xác định sự thật vụ án. Đánh giá riêng kết quả đối chất để xác định việc đối chất có thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTHS hay không? Đã giải quyết được các mâu thuẩn gì?. Đánh giá kết quả đối chất trong mối quan hệ với các chứng cứ, tài liệu khác đã thu thập được để xác định tính phù hợp.

- Thứ chín, Sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ vụ án chuyển sang Viện kiểm sát, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng thì Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất để làm rõ mà không phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Việc đối chất và lập biên bản đối chất do Kiểm sát viên tiến hành phải được thực hiện theo đúng quy định tại các điều 189, 178 BLTTHS năm 2015. Biên bản đối chất phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

* Kiểm sát viên kiểm sát biên bản đối chất

Khi nghiên cứu biên bản đối chất do Điều tra viên tiến hành, Kiểm sát viên phải kiểm tra cả về tính hợp pháp của việc đối chất và tính có căn cứ của biên bản đối chất. Điều này được thể hiện ở các thao tác như:

- Kiểm sát viên phải kiểm tra những người được đối chất đó là ai (bị can, người bị hại, người làm chứng…), Kiểm sát viên phải kiểm tra thông tin cá nhân của người tham gia đối chất. Nếu có người làm chứng hoặc bị hại tham gia thì phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Lãm rõ về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất? Điều tra viên đã đọc lại biên bản đối chất cho những người có mặt nghe chưa? Những người tham gia đối chất có ký tên đầy đủ vào biên bản hoặc thêm bớt, sửa chữa nội dung nào không?

- Kiểm sát viên cần kiểm tra các câu hỏi và trả lời của biên bản đối chất xem nội dung đã giải quyết các mâu thuẫn hay chưa? Những người tham gia đối chất trả lời về những tình tiết cần làm sáng tỏ như thế nào, họ đã trình bày và giải thích về những mâu thuẫn giữa lời khai của họ với lời khai của những người khác, giữa lời khai hiện nay và trước đây ra sao? Những nội dung nào đã được giải quyết hoặc chưa được giải quyết? Tất cả vấn đề này, Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ để báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo Viện phụ trách kiểm sát điều tra tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo nhằm giải quyết đúng đắn các vụ án cố ý gây thương tích./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây