Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


07 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam

Trong những năm qua, công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ - Công an huyện Đak Pơ luôn được Lãnh đạo Viện KSND huyện Đak Pơ quan tâm, chỉ đạo tích cực thực hiện theo đúng chỉ tiêu kế hoạch công tác đã đề ra; qua các cuộc trực tiếp kiểm sát đã phát hiện nhiều vi phạm, tồn tại, ban hành các kết luận, kiến nghị, yêu cầu Nhà tạm giữ khắc phục, sửa chữa vi phạm; góp phần đảm bảo việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Đơn vị đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, chủ động, tích cực vận dụng phương thức kiểm sát phù hợp nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật công tác tạm giữ, tạm giam. Hàng ngày tiến hành kiểm sát định kỳ tại Nhà tạm giữ. Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tiến hành trực tiếp kiểm sát 04 cuộc/ năm tại Nhà tạm giữ Công an huyện, đã ban hành các kết luận, kiến nghị riêng về công tác tạm giữ, tạm giam. Cán bộ, Kiểm sát viên phụ trách khâu công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, kịp thời phát hiện các vi phạm, yêu cầu Nhà tạm giữ khắc phục.
Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, chúng tôi đề xuất 07 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này như sau:

Thứ nhất, Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp thường xuyên quan tâm, quản lý, chỉ đạo điều hành, xác định công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động Tư pháp. Trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm phải đề ra những nội dung, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể: Kiểm sát thường kỳ, hàng quý theo chuyên đề và kiểm sát toàn diện 06 tháng, một năm … để từng bước nâng cao chất lượng các cuộc kiểm sát, trên cơ sở đó đánh giá chất lượng công tác của đơn vị và cá nhân.

Thứ hai, cán bộ trực tiếp đảm nhận khâu công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải nắm vững các quy định của pháp luật về công tác bắt, tạm giữ, tạm giam; công tác quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ làm cơ sở đối chiếu cho việc xác định vi phạm của cơ quan quản lý giam giữ và cơ quan hữu quan có liên quan. Phải biết vận dụng thành thạo các quy định của pháp luật về việc xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức kiểm sát của Viện kiểm sát trong các hoạt động kiểm sát cụ thể và đối với công tác quản lý người bị tạm giữ, tạm giam tại Nhà tạm giữ để xác định các ưu điểm cũng như các vi phạm của Cơ quan quản lý giam giữ và các Cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan.
Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ phát huy tính tự giác trong việc học tập, nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật, của ngành về công tác này; đòi hỏi mỗi cán bộ, kiểm sát viên làm công tác tạm giữ, tạm giam phải tự rèn luyện kỹ năng, tự nghiên cứu học hỏi, trao đổi và tích lũy kinh nghiệm; nêu cao tinh thần trách nhiệm, khách quan, vô tư, tôn trọng pháp luật và đạo đức nghề nghiệp; hướng dẫn, giải thích pháp luật và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp mà họ được hưởng hoặc không bị pháp luật hạn chế theo quy định của BLTTHS và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam…


Viện KSND huyện Đak Pơ trực tiếp kiểm sát Nhà tạm giữ, Công an huyện

 
Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát các cấp, giữa các bộ phận của Viện kiểm sát cấp huyện cũng như các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát cấp tỉnh theo đúng quy chế để kịp thời thông tin, trao đổi ý kiến về việc  tạm giữ, tạm giam và giải quyết các trường hợp tạm giữ, tạm giam trên địa bàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát.

Thứ tư, trước khi tiến hành trực tiếp kiểm sát, cần xây dựng kế hoạch, phân công phù hợp theo từng loại hình kiểm sát (Trực tiếp kiểm sát toàn diện; trực tiếp kiểm sát từng nội dung; trực tiếp kiểm sát đột xuất; kiểm sát hàng ngày, hàng tuần). Mỗi cuộc trực tiếp kiểm sát, trên cơ sở đã nắm được tình hình chung phải chọn được một hai nội dung trọng tâm để thực hiện. Xác định việc nào làm trước, việc nào làm sau. VD: Khi đã xác định có dấu hiệu giam, giữ chung buồng giữa người tạm giữ với người tạm giam; tạm giữ người dưới 18 tuổi và người trên 18 tuổi… thì cần phải kiểm tra ngay buồng đó, tránh việc Nhà tạm giữ cho chuyển đổi buồng để tránh vi phạm hoặc có hành vi khác để đối phó.

Thứ năm, khi trực tiếp kiểm sát tại buồng tạm giữ, buồng tạm giam, Kiểm sát viên trực tiếp kiểm danh, kiểm diện đối với buồng giam giữ, buồng tạm giam (yêu cầu có cán bộ có trách nhiệm cùng đi), gặp hỏi đối tượng theo nội dung sau: họ và tên, năm sinh, nơi ở trước khi bị bắt, lý do bị bắt, thời gian đã bị giam giữ, có được giải thích về quyền và nghĩa vụ đối với người bị tạm giữ, tạm giam không? Kiểm sát viên cần xem xét tổng thể khu giam, buồng giam, hệ thống tường rào bảo vệ Nhà tạm giữ xem có đảm bảo cho việc giam giữ không. Thực hiện nghiên cứu các loại sổ liên quan đến công tác quản lý giam giữ như: Sổ thụ lý người bị tạm giữ; sổ thụ lý người bị tạm giam, sổ trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam; Sổ thăm gặp, nhận quà; sổ theo dõi vi phạm kỷ luật nhằm xác định số lượt người vi phạm, tính chất vi phạm, hình thức xử lý kỷ luật đối với vi phạm…để xem xét những nội dung đã được phản ánh về công tác giáo dục trong thời điểm kiểm sát. Trong khi nghiên cứu cần chú ý đến việc ghi chép ở các cột mục trong các loại sổ, đối chiếu giữa sổ quản lý và báo cáo để phát hiện vi phạm. Xem xét sổ theo dõi đơn thư, khiếu nại tố cáo tại Nhà tạm giữ, kết quả giải quyết. Kiểm tra nội dung bản tự kiểm điểm chấp hành nội quy, quy chế và đánh giá thái độ khai báo trong quá trình tạm giữ, tạm giam, đề xuất của cán bộ quản giáo và nhận xét của Trưởng Nhà tạm giữ được lưu trong hồ sơ tạm giữ, tạm giam.

Thứ sáu, tiến hành các hoạt động kiểm sát (kiểm tra hồ sơ, sổ sách, tài liệu, xem xét thực tế nơi quản lý người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, nơi lao động, kỷ luật, nhà thăm gặp, gặp hỏi người bị tạm giữ, tạm giam). Kiểm sát đối tượng, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn tạm giữ, tạm giam phải đảm bảo các yêu cầu:
Khi tiếp nhận một người bị tạm giữ, tạm giam vào nơi giam, giữ, hoặc ra khỏi nơi giam, giữ phải kiểm tra các lệnh, quyết định (phải có các lệnh, quyết định đang còn hiệu lực pháp luật của các cơ quan và người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật); có biên bản giao, nhận hồ sơ, giao nhận người; xác nhận tình trạng sức khỏe của họ; biên bản tạm giữ tư trang, tài sản (nếu có).
Biên bản bắt, tạm giữ, tạm giam phải ghi rõ lý do tạm giữ, tạm giam, thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày, tháng năm đến ngày, tháng năm (đối với lệnh tạm giữ phải ghi rõ tạm giữ từ giờ … đến giờ, ngày… Ví dụ: Tạm giữ từ 10 giờ ngày 01/01/2019 đến 10 giờ ngày 04/01/2019).
Đối tượng chuyển từ Nhà tạm giữ khác đến phải có quyết định điều chuyển; lệnh tạm giữ, tạm giam đang còn hiệu lực pháp luật; có danh bản, chỉ bản; có các quyết định xử lý: Quyết định khởi tố bị can, chuyển tạm giam, các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ, quyết định trả tự do vì không đủ căn cứ; có các tài liệu khác như: Biên bản vi phạm và quyết định xử lý kỷ luật người bị tạm giữ, tạm giam.Các lệnh, quyết định phải ghi rõ: Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh, ngày, giờ, tháng, năm, ký tên và đóng dấu; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký thường trú, ngày bị bắt, tội danh, ngày bị tạm giữ, tạm giam. Thời hạn tạm giữ, tạm giam căn cứ vào những quy định của pháp luật.
Nếu người bị giam, giữ chết phải có biên bản xác định nguyên nhân chết có sự chứng kiến của đại diện Viện kiểm sát; biên bản trả tư trang, tài sản khi người bị giam, giữ được trả tự do, chuyển nơi giam, giữ khác (phải có xác nhận của người nộp, người nhận). Các biên bản này phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, dấu, chữ ký của những người có trách nhiệm.
Kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam: Chế độ ăn uống, ở, sinh hoạt, quần áo, chăn màn theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam. VD: Ngày lễ, ngày Tết (theo quy định của Nhà nước), được ăn thêm nhưng không quá 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường; được sử dụng quà của gia đình, thân nhân, được mượn chăn, màn, quần áo…
Người bị tạm giữ, tạm giam được gặp thân nhân (nếu có thể); được nhận quà tiếp tế của gia đình (theo quy định của pháp luật), được khám chữa bệnh khi đau ốm, được học tập… VD: được phổ biến, học tập nội dung, quy chế tạm giữ, tạm giam và các quy định của pháp luật liên quan đến họ. Kiểm sát việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.
* Lưu ý: Vi phạm thường xảy ra: Quyết định tạm giữ xác định sai thời điểm bắt đầu tạm giữ; Biên bản bàn giao không xác định tình hình sức khỏe của người bị tạm giữ, tạm giam; thiếu Lý lịch bị can; không thông báo việc sắp hết hạn tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giam; không phổ biến quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và nội quy cơ sở giam giữ… không ghi đúng, đủ, sổ sách, biểu mẫu…
Các hoạt động kiểm sát đều phải được ghi chép, lập biên bản có ký xác nhận của đoàn kiểm sát với Trưởng Nhà tạm giữ, để phục vụ cho kết luận và kiến nghị.

Thứ bảy, tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trên cơ sở quy chế của Ngành và quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc cùng cấp theo quy chế phối hợp giữa hai ngành, bảo đảm thực hiện chức năng giám sát của UBMTTQ đối với hoạt động kiểm sát nhà tạm giữ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam bảo đảm các quyền lợi, chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo quy chế, quy định của ngành./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Chí Linh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây