Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Kỹ năng phát hiện và nhận diện các dạng vi phạm trong hoạt động Thi hành án Dân sự, Hành chính

Trong thời gian qua, Viện kiểm sát hai cấp đã phát hiện nhiều vi phạm của cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để ban hành kháng nghị, kiến nghị.

Kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) là một trong những công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện KSND nhằm đảm bảo cho các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực nhưng phải thi hành ngay của Tòa án được thi hành đầy đủ kịp thời, đúng pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước, đặc biệt là của hệ thống các cơ quan tố tụng.

Thực hiện tốt nhiệm vụ này nhằm khắc phục những vi phạm trong hoạt động tư pháp, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận; góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp.

Trong thời gian qua, Viện kiểm sát hai cấp đã phát hiện nhiều vi phạm của cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để ban hành kháng nghị, kiến nghị. Qua đó đã có nhiều tác động tích cực, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tiến độ giải quyết việc THADS, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực THADS. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự quan tâm đến khâu công tác này dẫn điến hiệu quả đạt được chưa cao, quá trình kiểm sát chỉ phát hiện một số vi phạm mang tính phổ biến, thường xuyên như chậm xác minh điều kịên thi hành án, vi phạm về thông báo thi hành án, vi phạm trong việc lập biên bản giải quyết thi hành án….

Việc định dạng và gọi tên chính xác các dạng vi phạm, nhằm phát hiện triệt để các vi phạm của Cơ quan THADS, các Chấp hành viên, chấn chỉnh kịp thời những vi phạm, thiếu sót của Cơ quan THADS, Chấp hành viên, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, hạn chế các trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài nâng cao uy tín, lòng tin của  nhân dân đối với các cơ quan pháp luật. Trên cơ sở tổng hợp các kết quả từ hoạt động của khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, từ những kết quả đạt được và những tồn tại, vi phạm trong công tác thi hành án dân sự để tổng hợp, đưa ra những dạng vi phạm của Cơ quan THADS, Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành các Bản án, đồng thời đề ra những giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng phát hiện và định dạng các dạng vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự, cụ thể như sau:

Về việc nhận diện các dạng vi phạm của Cơ quan THADS, Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành các Bản án, cần tập trung vào những dạng vi phạm như:

- Vi phạm Điều 5, khoản 2 Điều 88 Luật THADS năm 2014 trong cưỡng chế kê biên, giao bảo quản tài sản THA.
- Vi phạm khoản 3,4 Điều 3; điểm d khoản 1 Điều 23 Luật THADS năm 2014; khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT về yêu cầu giải thích Bản án.
- Vi phạm khoản 2 Điều 34 Thông tư 01/2016/TT-BTP việc tạm giao quản lý tài sản cưỡng chế kê biên trong quyết định cưỡng chế, kê biên không phù hợp.
- Vi phạm Điều 39, 40 Luật THADS năm 2008; Điều 39, 40 Luật THADS năm 2014 v/v thông báo thi hành án, Điều 7 Nghị định 58/2009/NĐ-CP; Điều 12 Nghị định 62/2015/NĐ-CP; Điều 3 Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT; Điều 2 Thông tư 11/2016/TTLT, V/v thông báo THA.
- Vi phạm điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP trong việc xác định phân chia đối với tài sản hộ gia đình.
- Vi phạm khoản 3 Điều 78 Luật THADS năm 2014 v/v ra QĐ trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Vi phạm khoản 5 Điều 115 Luật THADS năm 2014 v/v không thực hiện  trích lại tiền thuê nhà cho người phải thi hành án khi cưỡng chế kê biên tài sản là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án.
- Vi phạm khoản 2 Điều 44a Luật THADS năm 2014 trong việc giao QĐ v/v chưa có điều kiện thi hành án cho UBND xã nơi người phải thi hành án cư trú để niêm yết.
- Vi phạm khoản 2 Điều 89 Luật THADS năm 2014 về việc không thông báo cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất sau khi kê biên.
- Vi phạm quy định khoản 3 Điều 74 Luật THADS về quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung.
- Vi phạm khoản 3 Điều 15 Thông tư 01/2016/TT-BTP,về việc viết biên lai thu thu tiền chính thức.
- Vi phạm Thông tư 91/2010/TT-BTC, về hạch toán tài sản là tang vật.
- Vi phạm khoản 1 Điều 34, khoản 1 Điều 35 Thông tư 01/2016/TT-BT, về việc lập biên bản giải quyết việc THA.
- Vi phạm điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2008; điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2014, Hoãn THA không đúng quy định.
- Vi phạm khoản 2, 3 Điều 3 Luật THADS năm 2008, khoản 2, 3 Điều 3 Luật THADS năm 2014, về việc xác định sai tư cách của đương sự.
- Việc lạm dụng việc xác minh điều kiện thi hành án như một buổi cưỡng chế, kê biên.
- Vi phạm Điều 128 Luật THADS năm 2008, Điều 128 Luật THADS năm 2014 và vi phạm khoản 1, khoản 2 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT v/v thu tiền thi hành án đối với người phải thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù thông qua Trại giam.
- Vi phạm Điều 4 Thông tư 48/2017/TT-BTC về việc thanh toán tiền bán hồ sơ đấu giá tài sản.
- Vi phạm khoản 3, 4 Điều 15 Mục 2 Thông tư 01/2016/TT-BTP và Thông tư  91/2010 về chứng từ kế toán phát sinh đối với số tiền bán tài sản thu qua chuyển khoản.
- Vi phạm điểm a khoản 1 Điều 44a Luật THADS năm 2014 và khoản 4 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, v/v ra quyết định việc chưa có điều kiện thi hành án chưa đủ điều kiện.
- Vi phạm Điều 5, Điều 6, Điều 20, Điều 78 Luật THADS năm 2014 v/v thi hành khấu trừ thu nhập không đúng nội dung Quyết định khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án,
- Vi phạm khoản 4 Điều 31 Luật THADS năm 2014, khoản 6 Điều 1 Thông tư 11/2016/TTLT v/v không hướng dẫn cho đương sự làm đơn yêu cầu đối với nghĩa vụ sẽ đến hạn trong năm thi hành án theo quy định dẫn đến ra QĐTHA không đúng.
- Vi phạm Điều 5, Điều 20, khoản 4 Điều 31 Luật THADS năm 2014 v/v ra QĐTHA đối với nghĩa vụ cấp dưỡng không đúng dẫn đến gây thiệt hại cho người phải thi hành án.
- Vi phạm khoản 2 Điều 3, khoản 2 Điều 20;khoản 2 Điều 6, khoản 3 Điều 7 Nghị định 62/2015/NĐ-CP; khoản 6 Điều 1 Thông tư 11/2016/TTLT v/v không hướng dẫn cho đương sự làm đơn đối với nghĩa vụ liên đới và ra QĐTHA xác định thiếu người được THA.
- Vi phạm Điều 50 Luật THADS năm 2014; Điều 5 Nghị định 62/2015/CP-NĐ; khoản 4, Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC v/v xác minh không đảm bảo dẫn đến người được thi hành án trốn tránh nghĩa vụ nộp phí thi hành án.
- Vi phạm khoản 1 Điều 61 Luật THADS năm 2008, khoản 1 Điều 61 Luật THADS năm 2014 v/v hồ sơ đủ điều kiện xét miễn nghĩa vụ thi hành án nhưng Chi cục THADS không thực hiện lập hồ sơ đề nghị xét miễn…

Giải pháp nâng cao kỹ năng phát hiện và định dạng vi phạm trong công tác thi hành án dân sự, hành chính:

Công tác kiểm sát thi hành án dân sự là khâu nghiệp vụ đòi hỏi Kiểm sát viên, cán bộ được phân công đảm nhiệm khâu này phải có kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát tốt, có khả năng  tổng hợp các quy định pháp luật có liên quan. Để nâng cao được hiệu quả của công tác kiểm sát thi hành án dân sự thông qua việc kiểm sát QĐTHA và trực tiếp kiểm sát đối với Cơ quan THADS, tác giả đề xuất 07 giải pháp sau:

Một là, Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện phụ trách công tác kiểm sát thi hành án dân sự cần quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ về hoạt động kiểm sát THADS.

Hai là, KSV, cán bộ thực hiện khâu công tác này cần nắm chắc các quy định của pháp luật về THADS, bám sát nội dung Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của VKSND tối cao để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm sát THADS.

Ba là, nghiên cứu, vận dụng các Điều Luật của Luật THADS và các văn bản pháp luật liên quan để định dạng, gọi tên được các dạng vi phạm của Cơ quan THADS và để áp dụng căn cứ pháp luật thật chính xác. Phải xác định rõ những hành vi, quyết định về THA đã vi phạm vào điều luật nào, điều kiện, nguyên nhân dẫn đến vi phạm, biện pháp, giải pháp khắc phục vi phạm như thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định có vi phạm hoặc chấn chỉnh, chấm dứt hành vi vi phạm...

Bốn là, phải nắm được quy trình hoạt động thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Nắm chắc các biểu mẫu của Cơ quan THADS từ đó hình thành kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ kiểm sát các QĐTHA của Cơ quan THADS

Năm là, VKS cấp huyện phải hệ thống tất cả các Thông báo rút kinh nghiệm, Chuyên đề tập huấn của Vụ 11-VKSNDTC và của Phòng 11 trong những năm vừa qua để làm cẩm nang tham khảo khi thực hiện kiểm sát thi hành án dân sự.

Sáu là, trong quá trình kiểm sát Cơ quan THADS cũng cấp nếu có khó khăn, vướng mắc phải xin ý kiến chỉ đạo của VKS cấp trên trực tiếp.

Bảy là, tăng cường phối hợp giữa VKS với các ngành, các cấp có liên quan trong công tác thi hành án dân sự để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án./.

Tác giả bài viết: Vũ Quỳnh Trinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây