Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự trong ngành kiểm sát tỉnh Gia Lai

Công tác thi hành án dân sự là hoạt động cuối cùng trong quá trình tố tụng giải quyết một số vụ án (dân sự và phần dân sự trong vụ án hình sự).

A. Căn cứ pháp lý và những vấn đề đặt ra
 
Công tác thi hành án dân sự là hoạt động cuối cùng trong quá trình tố tụng giải quyết một số vụ án (dân sự và phần dân sự trong vụ án hình sự). Mỗi một Bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luậtđược giải quyết một cách triệt để, toàn diện, nghiêm minh, đem lại sự công bằng, khách quan theo qui định của Pháp luật khi nó được đưa ra thi hành kịp thời theo đúng nội dung bản án, quyết định đã tuyên. Chính vì vậy, công tác thi hành án dân sự là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống Pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 49-NQ/BCT về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và hiện nay Nhà nước ta đang trên tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tại Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện KSND khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính
“1. Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa án.
2. Trực tiếp kiểm sát việc THA của cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
3. Kiểm sát hồ sơ về thi hành án.
4. Tham gia phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc xét miễn, giảm nghĩa vụ THA đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.
5. Kiểm sát hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc THA.
6. Yêu cầu Tòa án, cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc THA thực hiện các việc sau đây:
a) Ra quyết định THA đúng quy định của pháp luật;
b)Thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật;
c)Tự kiểm tra việc THA và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân;
d)Cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc THA;
Yêu cầu quy định tại các điểm a, b và d khoản này phải được thực hiện ngay; yêu cầu quy định tại điểm c khoản này phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
7. Kiến nghị Tòa án, cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc THA.
8. Kháng nghị quyết định của Tòa án, quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới theo quy định pháp luật; yêu cầu đình chỉ việc THA, sữa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc THA, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hành khác trong kiểm sát THADS, thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật”.
Tại khoản 2 Điều 12 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định:
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan THADS, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc THADS”.
Kiểm sát thi hành án dân sự là một trong những công tác kiểm sát hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình - Kiểm sát việc tuân theo pháp luật về Thi hành án dân sự của Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án dân sự, nhằm đảm bảo việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Ngày 16 tháng 8 năm 2012 công tác  kiểm sát thi hành án được đổi tên thành Kiểm sát thi hành án dân sự. Đến năm 2014 lại được quy định cụ thể hơn và được ghi nhận vào Luật tổ chức Viện kiểm sát nhhân là công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính.
Trên cơ sở tổng hợp các kết quả từ hoạt động của công tác kiểm sát thi hành án dân sự, từ những kết quả đạt được và những tồn tại, vi phạm trong công tác thi hành án dấn sự, đồng thời đúc kết những kinh nghiệm qua thực tiễn hoạt động của Phòng trong thời gian qua để tổng hợp xây dựng chuyên đề “Giải pháp nâng cao năng lực – kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai”, với mong muốn từ việc đánh giá thực trạng ưu, khuyết điểm còn tồn tại trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự trên toàn tỉnh trong  gần 4 năm ( từ 2013 đến tháng 9/2016) để  tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới nhằm giúp cho các cán bộ, chuyên viên, kiểm sát viên được phân công trong công tác này ở hai cấp có thêm những kỹ năng, thao tác trong hoạt động nghiệp vụ, xem đây như là một hình thức tự đào tạo trong toàn Ngành. Từ đó, phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong thời gian tới.
 
B. Nội dung chuyên đề
 
I. Thực trạng công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong 04 năm (2013, 2014, 2015 và năm 2016 (số liệu tính đến 30.9.2016).
1. Tình hình số liệu và những kết quả đạt được:
 
1.1 Kiểm sát các quyết định THADS:
 
 
 
Năm
Kiểm sát QĐ THADS Vi phạm phát hiện Tỷ lệ
Tổng số QĐ kiểm sát  
Cấp tỉnh
 
Cấp huyện
Tổng số QĐ có vi phạm  
Cấp tỉnh
 
Cấp huyện
 
Cấp tỉnh
 
Cấp huyện
2013 8633 808 7825 85  17  68 2,1% 0,98%
2014 8507 832 7675 124 14 110 1,68% 1,46%
2015 9788 539 9249 494 60 434 11,13% 5,05%
2016 8062 325 7737 404 80 324 24,62% 5,01%
 
 
Tổng cộng
34.990 2.504 32.486 1.107 171 936 388 QĐ vi phạm vê nội dung.  719 QĐ vi phạm về thời hạn gửi cho VKS
 
Như vậy, qua bảng tổng hợp số liệu trên cho thấy: Tổng số các quyết định THA có vi phạm được phát hiện là 1.107/34.990 quyết định được kiểm sát. Trong đó, vi phạm về nội dung bị phát hiện là 338 quyết định, cấp tỉnh phát hiện được 105 quyết định, cấp huyện phát hiện được 283 quyết định. Vi phạm về thời hạn gửi cho Viện kiểm sát là 719 quyết định, trong đó, cấp tỉnh phát hiện 69 quyết định, cấp huyện phát hiện 650 quyết định. Tổng số cấp huyện phát hiện vi phạm là 936 quyết định, có tỷ  lệ 3,16%, phòng 11 phát hiện 171 quyết định  vi phạm có tỷ lệ: 6,83%.
 
1.2 Kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan THADS:
 
 
 
Năm
Kiểm sát TT cơ quan  THADS  Số bản KL đã
     ban hành.
      Số bản kiến nghị,
kháng nghị  đã ban hành
 
Tổng số
 
cấp tỉnh
 
cấp huyện
 
tổng số
 
cấp tỉnh
 
cấp huyện
 
Tổng số
Kháng nghị của cấp tỉnh Kháng nghị của cấp huyện Kiến nghị của cấp tỉnh Kiến nghị của cấp huyện
2013 25 02 23 25 02 03 19 0 03 02 16
2014 19 02 17 19 02 17 33 03 09 03 24
2015 20 03 17 20 03 17 39 04 11 05 39
2016 16 03 13 16 03 13 13 03 11 03 11
Tổng cộng 80 10 70 80 10 70 104 10 34 13 90
 
 
Tuy nhiên, đối với số liệu kháng nghị và kiến nghị của cấp huyện còn có số liệu kháng nghị, kiến nghị đối với quyết định THA có vi phạm bị phát hiện trong quá trình kiểm sát quyết định THA.
 
1.3 Kiểm sát cưỡng chế, kê biên tài sản THADS:
 
Trong 04 năm cả hai cấp đã kiểm sát được  559 vụ việc  cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án dân sự. Trong đó, cấp tỉnh tiến hành kiểm sát được 44 lần, cấp huyện kiểm sát được 515 lần.
Nhìn chung, khâu công tác kiểm sát THADS, kiểm sát THA hành chính của 02 cấp cũng đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, đạt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong từng năm công tác. Phát hiện được vi phạm của cơ quan THADS  và  đã ban hành các kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục, sửa chữa theo quy định. Sau khi nhận được các bản kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm của Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự  hoàn toàn nhất trí và tiến hành khắc phục nghiêm túc.
 
1.4 Về công tác báo cáo thống kê của kiểm sát THADS:
 
Đây cũng là 01 nhiệm vụ quan trọng của Kiểm sát THADS, nhưng thời gian qua có 01 thực tế đó là số liệu báo cáo thống kê hầu như đều được lấy từ số liệu do Cơ quan THADS ngang cấp tổng hợp, cung cấp, Viện kiểm sát không chủ động được và không có căn cứ  đối chiếu nên dẫn đến tình trạng  số liệu báo cáo thống kê của Kiểm sát THADS đều phụ thuộc vào Cơ quan THADS cung cấp.
Tuy nhiên niên độ thống kê, báo cáo của 02 ngành lại có sự khác nhau về thời gian, nên để đáp ứng được sự phối hợp này 02 ngành đã phải đưa vào Quy chế phối hợp để tạo ra hành lang pháp lý cho 02 ngành.
 
2. Thực trạng những tồn tại, vi phạm:
 
2.1 Về công tác kiểm sát nghiệp vụ THADS:
 
Thông qua kết quả của công tác  kiểm sát THADS, thi hành án hành chính trên, thấy rằng: Công tác KSTHADS, thi hành án hành chính có rất nhiều khâu công tác nghiệp vụ cụ thể, mỗi khâu công tác có 01 tính chất, đặc điểm khác nhau nhưng đều nhằm mục đích thực hiện tốt công tác KSTHADS để phát hiện các sai phạm của Cơ quan THADS, chẩn chỉnh kịp thời các vi phạm để bảo vệ quyền lợi của người phải THA, được THA và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, hiện nay thực chất tác nghiệp của các khâu nghiệp vụ Kiểm sát THADS ở Viện kiểm sát cấp huyện là có tác nghiệp đều, có số lượng ( như phần 1 trên) nhưng chất lượng chưa cao, cụ thể : 
- Đối với khâu công tác kiểm sát các quyết định THADS: Trong tổng số các quyết định THADS mà cấp huyện đã tiến hành kiểm sát thì cấp huyện chỉ phát hiện được các vi phạm dưới dạng:
+ Chậm gửi quyết định cho VKS
+ Quyết định sai tên, địa chỉ người phải THA.
- Đối với khâu công tác kiểm sát cưỡng chế, kê biên tài sản THADS: Trong tổng số 515  lần tham gia kiểm sát trực tiếp đối với việc cưỡng chế, kê biên tài sản THADS của Cơ quan THADS thì hầu hết các VKS cấp huyện không phát hiện được vi phạm của Hội đồng cưỡng chế, kê biên ( hoặc nếu có cũng rất ít), nên có rất ít vụ việc bị  Viện kiểm sát yêu cầu dừng buổi cưỡng chế, kê biên tài sản THADS hay ban hành kiến nghị, kháng nghị.
- Đối với khâu công tác kiểm sát trực tiếp Cơ quan THADS: Trong tổng số 70 cuộc  kiểm sát trực tiếp tại cơ quan THADS, các viện kiểm sát cấp huyện đã ban hành được 70 bản kết luận, ban hành được 34 bản kháng nghị và 90 bản kiến nghị, nhưng thực tế số lượng bản kiến nghị ban hành sau Kết luận kiểm sát trực tiếp chỉ khoảng 35 bản, số còn lại là bản kiến nghị trong công tác kiểm sát quyết định THADS phát hiện vi phạm và ban hành kiến nghị. Những vi phạm mà Viện kiểm sát cấp huyện phát hiện chỉ dưới các dạng:
+ Chậm xác minh điều kiện THA.
+ Chậm nộp tiền THA vào tài khoản tạm gửi.
+ Chậm cưỡng chế, kê biên tài sản THA.
+ Chậm chi trả tiền, tài sản  cho người được THA.
+ Chậm hoàn trả tạm ứng án phí.
+ Chậm tiêu hủy vật chứng.
Hoặc cũng có 01 số Viện kiểm sát cấp huyện phát hiện được vi phạm dạng:
+ Niêm yết thủ tục THADS không đúng quy định.
+ Xác định việc chưa có điều kiện THA chưa đúng quy định.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm sát trực tiếp tại các Cơ quan THADS cùng cấp và cấp dưới, Phòng 11 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai lại phát hiện rất nhiều vi phạm, cụ thể:
 
- Vi phạm ra Quyết định trừ vào thu nhập của ngừơi phải thi hành án khi chưa đủ điều kiện:
 
Có nhiều vụ thi hành án dân sự, các Cơ quan thi hành án dân sự khi tiến hành xác minh đối với người phải thi hành án, xác định người phải thi hành án có công việc làm ổn định, có lương nên đã ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án, nhưng chưa được sự thỏa thuận của người được thi hành án. Việc ra quyết định như trên là chưa đảm bảo được quyền lợi cho người được thi hành án. Vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 78 Luật thi hành án dân sự năm 2008.
 
- Vi phạm cho thi hành án vượt quá nội dung được ủy quyền:
 
Trong quá trình tổ chức thi hành án, có những vụ thi hành án, người được thi hành án, lập văn bản ủy quyền cho người khác thay mặt họ đến Cơ quan thi hành án dân sự để nhận tiền bồi thường thiệt hại theo quyết định thi hành án, nhưng trong quá trình thi hành án Cơ quan thi hành án lại lập biên bản thỏa thuận giữa người được ủy quyền với người phải thi hành án để ra Quyết định hoãn thi hành án. Việc Cơ quan thi hành án cho người được ủy quyền thỏa thuận thi hành án với người phải thi hành án là không đúng với nội dung ủy quyền, vượt quá phạm vi nội dung ủy quyền. Trong trường hợp này người được ủy quyền không được ủy quyền tham gia giải quyết tất cả quá trình thi hành án vụ việc trên, việc làm này là vi phạm về phạm vi ủy quyền được quy định tại Bộ luật dân sự.
 
- Vi phạm trong quá trình thi hành án dân sự đối với tài sản của người phải thi hành án nhưng là tài sản thuộc di sản thừa kế:
 
Có trường hợp người phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất là nhà và đất, nhưng tài sản này đứng tên hai vợ chồng, hiện người chồng đã chết, họ có con chung. Nhưng khi tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản trên, Cơ quan thi hành án dân sự đã không thông báo cho những người có quyền, nghĩa vụ liên quan (là các con của người phải thi hành án) biết để thực hiện quyền thừa kế của họ theo quy định pháp luật, nên sau khi cưỡng chế, kê biên tài sản xong thì một trong các con của người phải thi hành án đã có đơn khởi kiện tại Tòa án huyện để xin chia thừa kế đối với khối tài sản trên. Làm thiệt hại đến quyền lợi của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với khối tài sản thi hành án trên. Cho nên đã dẫn dến việc bị người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là con của người phải thi hành án khiếu nại.
- Vi phạm về thu án phí của người bảo lãnh khi chưa có sự thống nhất của đương sự:
Nhiều vụ thi hành án, khi bán tài sản của người bảo lãnh để thi hành án cho người được được bảo lãnh (người phải thi hành án), có những trường hợp thì người được thi hành án đồng ý chấp nhận trừ tiền án phí từ tiền bán tài sản bảo lãnh, nhưng người bảo lãnh lại không đồng ý chấp nhận trừ tiền án phí trong tài sản bảo lãnh. Có trường hợp thì những người bảo lãnh đồng ý trừ án phí trong giá trị tài sản bảo lãnh, nhưng người được thi hành án lại không đồng ý trừ án phí trong giá trị tài sản bảo lãnh bán được để thi hành án. Mặc dù không có sự tự nguyện của các bên, nhưng Chấp hành viên vẫn tiến hành thi hành án chủ động khoản án phí bằng biện pháp trừ tiền án phí trong giá trị tài sản bảo lãnh bán được để thi hành án trái với nội dung bản án, dẫn đến bị khiếu nại, phải làm thủ tục thoái thu số tiền trên để chi trả lại cho người được thi hành án hoặc người bảo lãnh.
- Vi phạm thanh toán tiền hỗ trợ thuê nhà cho người phải thi hành án khi chưa có đủ điều kiện theo quy định, thiếu chặt chẽ:
 
Nhiều hồ sơ thi hành án thể hiện, trong hồ sơ không có đơn yêu cầu hỗ trợ tiền thuê nhà của người phải thi hành án, chưa có tài liệu chứng minh người phải thi hành án không có chỗ ở và không tạo lập được chỗ ở mới theo quy định, và chưa có cơ sở xác định giá thuê nhà ở địa phương đó, tại thời điểm chi hỗ trợ là bao nhiêu? Nhưng Chấp hành viên vẫn giải quyết chi tiền hỗ trợ thuê nhà cho người phải thi hành án là chưa đảm bảo theo quy định pháp luật.
 
- Vi phạm trong khi tiến hành lập biên bản các vụ cưỡng chế, kê biên tài sản:
Có những trường hợp người phải thi hành án vắng mặt, nhưng trong biên bản cưỡng chế, kê biên tài sản không ghi rõ là đã tống đạt hợp lệ thủ tục thi hành án cho người phải thi hành án hay chưa? có trường hợp đại diện chính quyền địa phương nơi có tài sản có tham gia cưỡng chế, kê biên tài sản nhưng biên bản không có chữ ký của họ là thiếu sót.
Có những biên bản tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản thể hiện có cả vợ chồng của người phải thi hành án tham gia buổi cưỡng chế, kê biên tài sản, nhưng phần chữ ký tham gia thì chỉ có 01 mình người chồng ký vào biên bản là thiếu sót.
 
- Vi phạm trong việc tự ý sữa chữa nội dung trong biên bản giải quyết thi hành án giữa Chấp hành viên và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
 
Đã xảy ra trường hợp Chấp hành viên sau khi làm việc với đương sự sau đó đã tự ý sữa chữa phần nội dung tự nguyện thi hành án của họ, gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người có quyền lợi liên quan, dẫn đến bị khiếu nại, tố cáo, gây bức xúc trong dư luận và việc thi hành án bị kéo dài.
 
- Vi phạm trong việc ứng số liệu việc hòan thành để chạy chỉ tiêu THA của 01 vài cơ quan THADS cấp huyện.
- Vi phạm thu tiền THA của đương sự về để ngoài quỹ hơn 02 tháng mới nhập quỹ nghiệp vụ.
- Thời gian từ năm 2014 đến nay phát hiện nhiều cơ quan THADS tồn số tiền lớn trên tài khoản tạm giữ , để kéo dài có trường hợp trên 10 năm, ít nhất cũng kéo dài 3 năm không được xử lý. Có nhiều khoản tiền tồn không chứng minh được lý do tồn, nội dung tạm thu. Từ phát hiện này, Viện kiểm sát yêu cầu đối chiếu các việc tạm thu tồn kéo dài với Tòa án cùng cấp từ đó phát hiện nhiều vụ án đã xét xử xong lâu năm vẫn không được chuyển cho Cơ quan THA để thi hành, nhiều vụ việc đã có bản án chuyển cho Cơ quan THADS nhưng cơ quan THADS chưa đưa ra xử lý.
- Vi phạm trong việc quản lý kho vật chứng như bảo quản, phân loại và gắn thẻ kho cho vât chứng.
 
- Vi phạm trong kê biên cưỡng chế tài sản Hộ gia đình, tài sản chung vợ chồng.
- Một số vi phạm khác: Ngoài các dạng vi phạm, tồn tại như trên, còn có những vi phạm, tồn tại khác, như: Ra quyết định thi hành án không đúng theo nội dung bản án, không ra quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản để thi hành án đối với các trường hợp có điều kiện thi hành án mà không tự giác thi hành theo khoản 1, Điều 46 Luật thi hành án dân sự. Trả đơn yêu cầu thi hành án không đúng quy định theo Điều 52 Luật THADS. Thu phí thi hành án không đúng quy định tại khoản 1, Điều 33 Luật THADS và thông tư số 44 ngày 22.9.2010 của BTC-BTP. Không thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án theo khoản 1, 2 Điều 54 Luật THADS. Không thực hiện đúng Điều 69 Luật THADS về thời hạn tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu tài sản, sử dụng tài sản. Ra quyết định giải tỏa kê biên tài sản không phù hợp theo Điều 105 Luật THADS.
2.2 Về công tác báo cáo thống kê:
Công tác báo cáo thống kê về THADS là 01 bộ phận quan trọng, không thể tách rời trong khâu công tác KSTHADS. Số liệu thống kê phản ảnh kết quả hoạt động THADS của Cơ quan THADS. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, số liệu báo cáo thống kê về THADS còn chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức nên chưa được quản lý chặt chẽ, số liệu thống kê  giữa Viện kiểm sát với cơ quan THADS thường không trùng khớp nhau, nhưng thời gian gần đây đã được quan tâm hơn, có sự quản lý chặt chẽ hơn, số liệu báo cáo thống kê đã có sự yêu cầu phải đối chiếu so sánh giữa 02 ngành nên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện nhiều vi phạm về chênh lệch số liệu thống kê giữa ngành kiểm sát và ngành THADS, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai.
 
3. Nguyên nhân Viện kiểm sát cấp huyện không phát hiện được các vi phạm của Cơ quan THADS ngang cấp:
 
3.1. Đối với công tác nghiệp vụ kiểm sát THADS:
* Về khách quan:
- Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 và các văn bản hướng dẫn Luật có nhiều nội dung mới quy định chưa cụ thể, rõ ràng. Do đó, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những khó khăn vướng mắc, nhận thức khác nhau và từ đó dẫn đến vi phạm.
- Quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn chưa đủ để giải quyết các quan hệ phát sinh trong hoạt động thi hành án dân sự và kiểm sát thi hành án dân sự.
- Hầu hết các Viện kiểm sát khi ra quyết định trực tiếp kiểm sát chỉ chọn một số việc để kiểm sát, không tiến hành kiểm sát toàn diện nên có những vi phạm không bị phát hiện cứ lặp đi lặp lại, kéo dài không được khắc phục.
 
* Về chủ quan:
 
- Do việc phân công, bố trí Kiểm sát viên, chuyên viên, cán bộ tại khâu công tác này thường xuyên có sự thay đổi, hầu hết là bố trí người mới vào Ngành, nên không có kinh nghiệm, thiếu kiến thức thực tế.
- Đối với cấp huyện, thành phố, thị xã hầu hết kiểm sát viên được phân công phụ trách  đều làm công tác kiêm nhiệm  nên chưa tập trung cho công tác kiểm sát THADS mà dành thời gian đầu tư cho các khâu nghiệp vụ khác. Thậm chí Viện trưởng một số Viện kiểm sát cấp huyện còn xem nhẹ khâu công tác này nên việc phân công cán bộ, kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thể hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, còn phó mặc cho kiểm sát viên. Do đó kinh nghiệm và kỹ năng kiểm sát THADS chưa đúc kết được nhiều, vì vậy có nhiều vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự không được phát hiện kịp thời hoặc chậm được phát hiện.
- Do mối quan hệ của cấp huyện là cơ quan ngang cấp nhau, cùng công tác trên 01 địa bàn nên còn có sự nể nang nhau.
- Do cán bộ làm công tác thi hành án dân sự còn chủ quan, thụ động, chưa chịu nghiên cứu, vận dụng các văn bản pháp lý về thi hành án đối với từng trường hợp cụ thể, nên khi thi hành án còn để xảy ra những tồn tại, vi phạm như trên.

3.2 Đối với công tác thống kê báo cáo THADS:
* Về khách quan:
- Do cán bộ, kiểm sát viên chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về công tác kiểm sát THADS nên còn chưa nắm được các tiêu chí thống kê của công tác THADS.
- Số liệu thống kê THADS hầu hết đều phục thuộc vào báo cáo thống kê của Cơ quan THADS, nhưng niên độ thống kê của ngành kiểm sát và ngành THADS lại không trùng nhau. Nên số liệu cơ quan THADS cung cấp cho Viện kiểm sát thường có sự chênh lệch nhau ( Nội dung này đã được thể hiện tại văn bản số 1105 ngày 08/9/2016 và Thông báo rút kinh nghiệm số 1348 ngày 28/10/2016 của Phòng 11 thời gian qua).
 Về chủ quan:
- Do việc phân công, bố trí Kiểm sát viên, chuyên viên, cán bộ thường xuyên có sự thay đổi, hầu hết là bố trí người mới, nên không có kinh nghiệm, thiếu kiến thức thực tế.
- Đối với cấp huyện, thành phố, thị xã hầu hết đều làm công tác kiêm nhiệm  nên thường có sự xem nhẹ công tác kiểm sát THADS mà dành thời gian đầu tư cho các khâu nghiệp vụ khác. Do đó kinh nghiệm và kỹ năng về nắm bắt các tiêu chí, chỉ tiêu, số liệu thống kê chưa có.
 
II. Giải pháp để nâng cao trình độ năng lực, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ KSTHADS cho cán bộ, chuyên viên, kiểm tra viên, kiểm sát viên ngành kiểm sát:
 
1.Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự:
Xác định đây là một trong những khâu công tác trọng tâm của Ngành, vì khi thực hiện tốt chức năng kiểm sát sẽ hạn chế rất nhiều những sai phạm, vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, hạn chế những đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Do vậy, công tác này phải có được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Viện KSND tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đối với khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Qua hoạt động nghiệp vụ kiểm sát thi hành án, phát hiện những vi phạm đến mức kháng nghị, kiến nghị Lãnh đạo đơn vị phải kiên quyết ban hành Kháng, Kiến nghị tùy theo tính chất nghiêm trọng của mỗi hành vi, quyết định. Đơn vị nào hoàn thành được chỉ tiêu công tác THADS, ban hành được nhiều kiến, kháng nghị được đơn vị liên quan chấp nhận sửa chữa sẽ đưa vào tiêu chí đánh giá thành tích thi đua hàng năm của các đơn vị Viện kiểm sát.
Đồng thời, công tác KSTHADS phải thực sự được quan tâm, chú trọng và phải được bố trí đủ con người đề đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Đặc biệt phải có sự ổn định thời gian công tác lâu dài để có sự tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tế thì mới có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hoàn thành công tác kiểm sát THADS đạt kết quả cao cả trên hai nhiệm vụ nghiệp vụ và báo cáo thống kê.
 
2. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm sát viên, cán bộ Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự:
 
 Đối với kiểm sát viên,  chuyên viên được phân công trong công tác này phải chịu khó nghiên cứu các văn bản, tài liệu nghiệp vụ chuyên môn, nắm bắt thông tin kịp thời, hình thành kỹ năng kiểm sát các vụ việc thi hành án để phát hiện các vi phạm. Phải biết tổng kết, đánh giá các dạng vi phạm thường xảy ra trong lĩnh vực thi hành án dân sự để có biện pháp, cách thức kiểm sát chặt chẽ đối với những dạng vi phạm. Những vi phạm của Cơ quan thi hành án dân sự cấp nào bị kéo dài, lặp đi lặp lại mà Kiểm sát thi hành án cấp đó không phát hiện ra thì trách nhiệm một phần cũng thuộc về Kiểm sát thi hành án dân sự cấp đó.
Để giải quyết được vấn đề này, tất cả đều bắt đầu từ nhân tố con người thực hiện khâu công tác được giao, đặc biệt nghiệp vụ kiểm sát THADS không có 01 quy định về trình tự, thao tác nghiệp vụ cụ thể mà chỉ bằng kinh nghiệm cụ thể có được từ quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát THADS hình thành nên và truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho nhau.
 
3. Phương pháp đào tạo trực tiếp của phòng 11 thời gian qua và những năm tiếp theo:
 
Qua các đợt kiểm sát trực tiếp các Chi cục thi hành án dân sự, nhằm có thêm thành viên trong đoàn để tham gia kiểm sát nhưng điều quan trong hơn là thông qua các đợt kiểm sát của phòng 11, các kiểm sát viên cấp huyện được trưng dụng theo đoàn sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, tiếp thu về kỹ năng của một cuộc kiểm sát, phương pháp tiến hành và cách phát hiện ra các vi phạm của đơn vị được kiểm sát…do vậy,  phòng 11 đã tham mưu Lãnh đạo viện áp dụng giải pháp này, xem đây như phương pháp tự  đào tạo cho lực lượng cán bộ, chuyên viên, kiểm tra viên, kiểm sát viên công tác khâu kiểm sát THADS của cấp huyện, thị xã, thành phố.
 
- Trước khi tiến hành kiểm sát trực tiếp đối với cơ quan thi hành án dân sự huyện, thị xã, thành phố nào thì phòng báo cáo Lãnh đạo viện, sau khi được lãnh đạo viện thống nhất, phòng liên hệ với đ/c Viện trưởng cấp huyện, trao đổi về kế hoạch kiểm sát và đề nghị đ/c cử cán bộ, chuyên viên, kiểm tra viên, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS tham gia đoàn kiểm sát trực tiếp.
- Sau khi đ/c Viện trưởng cấp huyện đồng ý và cử người tham gia thì phòng đưa tên đ/c được cử vào thành phần đoàn kiểm sát, tham mưu Lãnh đạo viên ban hành quyết định kiểm sát trực tiếp. 
- Quá trình kiểm sát các tác nghiệp nghiệp vụ của đoàn kiểm sát đ/c cán bộ cấp huyện được tham gia đoàn kiểm sát đều được tham gia trực tiếp từ giai đoạn công bố quyết định kiểm sát cho đến giai đoạn kết thúc cuộc kiểm sát.
- Các đ/c tham gia có cơ hội tiếp cận với các thao tác nghiệp vụ về kiểm quỹ tiền mặt, kiểm sát số lượng tiền tồn trên tài khoản tạm giữ. Phương pháp phát hiện vi phạm của kế toán nghiệp vụ THADS. Tiếp cận biện pháp kiểm tra kho vật chứng. Phương pháp lập các biên bản kiểm sát ghi nhận những thao tác nghiệp vụ của đoàn.
- Khâu công tác kiểm sát trực tiếp đối với cơ quan THADS là khâu công tác mang tính tổng hợp và toàn diện nhất. Nên trong quá trình kiểm sát trực tiếp các đ/c được tham gia đoàn sẽ cùng đoàn tiến hành kiểm sát trực tiếp từng hồ sơ THADS, các đ/c có cơ hội  cọ xát thực tế, xác định các dạng vi phạm, có kiến thức nghiên cứu tài liệu, định dạng vi phạm và  áp dụng căn cứ để xác định vi phạm.
- Trong quá trình tham gia kiểm sát trực tiếp cùng đoàn các đ/c sẽ có cơ hội học tập cách chốt vi phạm với đơn vị bị kiểm sát, cách tổng hợp vi phạm để tham mưu lãnh đạo ban hành bản dự thảo kết luận. Từ dự thảo kết luận ráp căn cứ pháp lý để ban hành Kết luận. Sau khi ban hành kết luận thì tổng hợp đánh giá chung để xác định nội dung cần tham mưu Lãnh đạo viện ban hành Kháng nghị, Kiến nghị.
Từ những thao tác nghiệp vụ các đ/c được trực tiếp chứng kiến, trực tiếp cùng tác nghiệp thực hiện và kết quả đạt được của cuộc kiểm sát đã tạo cho các đ/c 01 kinh nghiệm thực tế và tích lũy được nhiều kiến thức, kỷ năng nghiệp vụ.
Từ kinh nghiệm và kiến thức nghiệp vụ thực tế các đ/c dể tiếp cận đánh giá các tiêu chí nghiệp vụ, các số liệu của cơ quan THADS nên trong công tác thống kê sẽ biết đánh giá, tổng hợp số liệu thống kê chính xác hơn.
 
Kết quả đạt được:
 
Từ khi bắt đầu áp dụng biện pháp trực tiếp đào tạo như trên, kết quả phòng đã đào tạo được cho các Viện kiểm sát như: Viện kiểm sát TP.Pleiku, Viện kiểm sát huyện Ia Grai, Viện kiểm sát Chư Sê, Viện kiểm sát Chư Pưh, Viện kiểm sát Kôngchro, Viện kiểm sát Chư Păh, và gần đây nhất là Viện kiểm sát Đak Đoa.
 
Hiện nay, qua theo dõi kết quả công tác kiểm sát THADS của Viện kiểm sát cấp huyện thì 01 số Viện kiểm sát cấp huyện đã có chuyển biến trong công tác kiểm sát THADS, kết quả đạt chất lượng cao hơn, phát hiện được nhiều vi phạm, ban hành kiến nghị, kháng nghị có chất lượng, tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo về THADS giảm. Cụ thể:
- Viện kiểm sát TP.Pleiku, Viện kiểm sát Chư Sê, Viện kiểm sát Chư Pưh, Viện kiểm sát Kông chro, Viện kiểm sát Chư Păh.
 
Trên đây là tổng hợp kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ khâu công tác Kiểm sát THADS của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai (P11) trong 4 năm qua, với mục đích nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát THADS trong ngành kiểm sát nhân dân./.

Tác giả bài viết: Phòng 11 VKSND tỉnh Gia Lai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây