Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

https://vksnd.gialai.gov.vn


Công tác Kiểm sát góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 15/2007/CT-UBND ngày 19/7/2007 của UBND tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm an ninh nông thôn trong tình hình mới

Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã quán triệt các nội dung trọng tâm của Chỉ thị số 15/2007/CT-UBND ngày 19/7/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về tăng cường công tác bảo đảm an ninh nông thôn trong tình hình mới tới các đồng chí cán bộ chủ chốt của Ngành.
Đồng thời chỉ đạo quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị, Kết luận số 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị “về tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới” và Kế hoạch số 17-KH/TU ngày 21/11/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “đảm bảo an ninh chính trị trong tình hình mới”. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 15 và các văn bản quan trọng nêu trên, gắn với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Ngành đã góp phần cùng với các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường bảo đảm an ninh nông thôn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đơn vị luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và tuyên truyền, giáo dục trong Nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bọn phản động và các loại tội phạm xâm phạm an ninh. Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện, nhất là những huyện có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương nắm chắc tình hình, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Qua đó, ý thức, trách nhiệm trong giữ vững an ninh quốc gia, an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng cao. Công tác phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. 100% cán bộ, công chức ngành Kiểm sát có tư tưởng, lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân. Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, quan hệ tiếp xúc với nước ngoài, thực hiện kỷ luật trong Đảng được quán triệt và thực hiện nghiêm túc theo đúng Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã thành lập các tổ công tác xuống địa bàn các xã IaKe, huyện Phú Thiện và xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh, bám buôn làng, sống cùng dân, vận động đồng bào ổn định định canh định cư, nâng cao đời sống, trong đó cốt yếu là tuyên truyền, nâng cao trình độ nhận thức trong nhân dân, kịp thời ngăn chặn âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Viện kiểm sát luôn chủ động phối hợp với cơ quan điều tra để thực hiện tốt việc thu thập chứng cứ phân hóa hành vi phạm tội để làm cơ sở cho việc xem xét phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đảm bảo cho việc khởi tố có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Ngay khi khởi tố vụ án, Lãnh đạo Viện kiểm sát đã phân công Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ tiến độ điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra đối với từng bị can và định hướng để Điều tra viên tiến hành điều tra đúng với tình tiết khách quan của vụ án, đảm bảo cho quá trình điều tra các vụ án được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, các vụ án Viện kiểm sát thụ lý giải quyết được Lãnh đạo Viện quan tâm chỉ đạo sâu sát, bảo đảm truy tố đúng thời hạn, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Qua kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát đã ban hành 68 Kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh về các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội tại vùng nông thôn như: Bảo vệ rừng, đăng ký và quản lý hộ tịch, hộ khẩu; phòng chống ma túy, xâm hại tình dục trẻ em; an toàn giao thông; tội phạm có liên quan đến người dưới 18 tuổi; ngăn chặn và phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình...

Bên cạnh đó, thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các vụ án có liên quan đến an ninh nông thôn, Viện kiểm sát luôn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục để người dân hiểu rõ chính sách, pháp luật của Nhà nước, đường lối chủ trương của Đảng. Đã phối hợp với Tòa án xét xử lưu động gần 1.000 vụ án hình sự; trong đó: Có các vụ án về tội “Giết người” có liên quan đến hủ tục lạc hậu “Ma lai”, “Thuốc thư”, các vụ án về giao thông đường bộ, trộm cắp tài sản, tội phạm về ma túy, tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép, hủy hoại rừng, các vụ án dư luận xã hội quan tâm…Sau khi xét xử quần chúng nhân dân rất đồng tình, ủng hộ với quyết định của các cơ quan pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ do Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tổ chức. Trong kỳ, đã tiếp 4.437 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Phòng tiếp công dân của Viện KSND tỉnh và đã trả lời, hướng dẫn, tiếp nhận đơn để xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đã thụ lý, phân loại, xử lý và giải quyết đúng quy định của pháp luật 7.607 đơn. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức đối thoại với công dân, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc có đơn khiếu kiện kéo dài, phức tạp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
         
Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 15/2007/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về tăng cường công tác bảo đảm an ninh nông thôn trong tình hình mới. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh nắm chắc tình hình, tăng cường công tác dân vận, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và công tác phòng, chống vi phạm pháp luật thông qua việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn trong tình hình mới.
         
Qua đây, đơn vị cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
         
Một là, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, đề cao sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị và an ninh nông thôn trong tình hình mới gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Hai là, tích cực tham mưu cấp ủy đảng, kiến nghị với chính quyền các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh nắm chắc tình hình, giải quyết các vụ việc, vụ án và đơn thư khiếu nại phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ án, vụ việc về tham nhũng, về an ninh quốc gia.

Ba là, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên; phối hợp tốt với Tòa án nhân dân trong công tác xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Bốn là, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành và công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây