Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Thứ tư - 04/07/2018 03:20 617 0
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án “Hiếp dâm trẻ em” theo quy định tại Điều 112 của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai nhận thấy trong công tác trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai có một số vi phạm, thiếu sót gây ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ, xác định sự thật khách quan của vụ án, cụ thể như sau:

Ngày 11/4/2017, K (sinh năm: 2001 - Tính đến ngày phạm tội K được 15 năm, 03 tháng, 10 ngày tuổi) rủ T đi hái xoài ăn tại rẫy nhà ông S thuộc làng B, xã Y, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Do thường xuyên xem phim ảnh đồi trụy trên mạng Internet, K đã nảy sinh ý định hiếp dâm cháu T nên vào khoảng 17 giờ cùng ngày và tại rẫy nhà ông S, K đã có hành vi hiếp dâm cháu T nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh lý của bản thân (Tính đến ngày bị hiếp dâm – T được 04 năm 05 tháng 08 ngày tuổi). Ngày 08/5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kông Chro khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với K về tội “Hiếp dâm trẻ em” quy định tại Điều 112 BLHS năm 1999. Ngày 18/5/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro đã quyết định chuyển vụ án đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai để điều tra theo thẩm quyền. Ngày 25/5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã cấp cho bà M (là Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước Sở Tư pháp tỉnh) Giấy chứng nhận người bào chữa cho bị can K.

Ngày 02/8/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã có Cáo trạng truy tố K phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” theo quy định tại Khoản 4, Điều 112 BLHS năm 1999. Bản án hình sự sơ thẩm số 58/2017/HSST ngày 11/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xử phạt bị cáo K 8 năm tù (Tám năm tù).

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành đầy đủ các trình tự thủ tục xác minh, thu thập các chứng cứ, lấy lời khai của bố mẹ bị can và những người có liên quan nên đã có đầy đủ cơ sở để kết luận K sinh năm 2001. Bà M, Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai tham gia tố tụng với tư cách Trợ giúp pháp lý cho K để thực hiện việc bào chữa từ ngày 25/5/2017 đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Đồng thời, quá trình tham gia bào chữa cho K, Trợ giúp viên pháp lý không cung cấp hay đưa ra bất cứ tài liệu chứng cứ cũng như trình bày các vấn đề gì có liên quan đến độ tuổi của K. Tuy nhiên, đến ngày 15/9/2017 (sau khi xét xử sơ thẩm), bà M, là Người bào chữa cho bị cáo K tiến hành lập Biên bản xác minh, nội dung: Xác định năm sinh thực tế của bị cáo K là năm 2003, với thành phần tham gia gồm: Siu Drênh, Siu Hnin, Siu Neo, Siu Mẽt, Siu Hnư, Kpă Aneh (cùng trú tại: Làng B, xã Y, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Y. Đến ngày 20/9/2017, bị cáo kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm với lý do bị cáo sinh năm 2003 chứ không phải sinh năm 2001 như trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28/11/2017, bà M mới xuất trình Biên bản xác minh đề ngày 15/9/2017.

Trên cơ sở tài liệu chứng cứ do Trợ giúp viên pháp lý cung cấp, Tòa án cấp phúc thẩm đã yêu cầu cấp sơ thẩm tăng cứu hồ sơ. Kết quả xác định căn cứ vào lời khai của ông Siu Drênh, Siu Hnin, Siu Neo và bà Kpă Aneh; các chứng cứ khác (Sổ hộ khẩu, trích lục giấy khai sinh của K và N là người sinh cùng thời điểm với K) cũng như Bản kết luận giám định độ tuổi số 199/C54C (Đ5) ngày 26/3/2018 của Viện khoa học hình sự Phân viện KHHS tại thành phố Đà Nẵng kết luận: Độ tuổi của K tính đến tháng 4/2017 là: Từ 14 năm 10 tháng đến 15 năm 4 tháng. Ngày 17/4/2018, Tòa án cấp phúc thẩm đã đưa vụ án ra xét xử, quyết định “Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo K, giữ nguyên án sơ thẩm”.    

Căn cứ các tài liệu chứng cứ cơ quan tiến hành tố tụng đã thu thập và kết quả xét xử nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xét thấy việc bà M lập Biên bản xác minh ngày 15/9/2017 để tiến hành thu thập chứng cứ có một số vi phạm như sau:

1. Về trình tự, thủ tục tiến hành xác minh: Biên bản xác minh đề ngày 15/9/2017 do bà M tiến hành lập với sự tham gia của 06 người, gồm: Ông Siu Drênh, ông Siu Hnin, ông Siu Neo, bà Siu Mẽt, ông Siu Hnư, bà Kpă Aneh, đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, phần ký tên trong biên bản có 02 người (là bà Kpă Aneh và bà Siu Mẽt) không ký được tên của mình mà chỉ thực hiện việc điểm chỉ vào biên bản. Đến ngày 27/12/2017 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã lập Biên bản lấy lời khai, có nội dung: Ông Siu Hnin, ông Siu Neo, bà Siu Mẽt và bà Kpă Aneh đều khẳng định họ không biết viết và không biết đọc Tiếng Việt.
Tuy nhiên, Biên bản xác minh ngày 15/9/2017 không thể hiện nội dung 06 người nêu trên có nghe được, đọc được hay hiểu và viết được tiếng Việt hay không? Và không thể hiện bất cứ nội dung nào về việc bà M có thể nghe, hiểu được tiếng nói của 06 người đồng bào dân tộc thiểu số nêu trên cũng như không thể hiện bất cứ nội dung nào về việc có sự tham gia của người phiên dịch, là vi phạm Điều 24 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và thể hiện các nội dung mà bà M đã xác minh tại Biên bản nêu trên là chưa đủ cơ sở để xác định đó là sự thật khách quan.

2. Về việc ký xác nhận của chính quyền địa phương tại Biên bản xác minh ngày 15/9/2017: Thành phần tham gia buổi làm việc ngày 15/9/2017 không có sự tham dự của ông Đinh Văn Đêi, là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Y, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai nhưng chỉ có chữ ký của ông Đinh Văn Đêi và đóng dấu của Ủy ban nhân dân xã Y mà không thể hiện ông Đinh Văn Đêi ký vào Biên bản đó để xác nhận nội dung cụ thể gì. Đến ngày 26/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành lấy lời khai của ông Đinh Văn Đêi, xác định được: Ông Đinh Văn Đêi khẳng định, ông không có mặt tại buổi làm việc ngày 15/9/2017 do bà M tiến hành và khi ký xác nhận, ông không xác nhận gì về nội dung của Biên bản mà chỉ ký với mục đích để xác nhận 06 người tham gia làm việc với bà M cùng trú tại làng B, xã Y, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Do vậy, không có căn cứ cho rằng những lời khai thể hiện trong nội dung Biên bản xác minh ngày 15/9/2017 đã được chứng kiến và xác nhận hợp pháp của chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân xã Y). Hoạt động lập Biên bản xác minh cũng như ký, đóng dấu nhưng không xác nhận nội dung gì trong Biên bản xác minh này của chính quyền địa phương là không khách quan.

3. Về nội dung của Biên bản xác minh ngày 15/9/2017: Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm, K có đơn kháng cáo yêu cầu xem xét lại toàn bộ Bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm 28/11/2017, Trợ giúp viên đưa ra tài liệu xác minh K sinh năm 2003 (không phải sinh năm 2001 như hồ sơ thể hiện). Biên bản xác minh ngày 15/9/2017 thể hiện: ông Siu Hnin và Siu Neo trình bày “Đi bộ đội xuất ngũ ngày 14/1/2003. Vào năm 2003 về làng B làm công tác dân vận, thấy bà P (mẹ K) làm xái nhà tranh để chuẩn bị sinh”. Do đó, ngày 13/12/2017, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm đã có văn bản yêu cầu phối hợp tăng cứu chứng cứ xác định độ tuổi của K. Quá trình tăng cứu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã tiến hành lấy lời khai của ông Siu Hnin và Siu Neo xác định: “Phần trình bày tại biên bản xác minh ngày 15/9/2017 do Trợ giúp viên pháp lý lập không phải lời khai của ông Siu Hnin và Siu Neo. Do Siu Hnin và Siu Neo không biết đọc và biết viết (chỉ ghi được tên của mình) nên khi Trợ giúp viên đưa biên bản thì ký không biết nội dung ghi trong biên bản. Đồng thời không biết bà P sinh K khi nào, khi xuất ngũ thì K đã được sinh ra”.

Như vậy, ngoài những vi phạm, thiếu sót về trình tự, thủ tục tiến hành lập biên bản như đã nêu trên, Biên bản xác minh ngày 15/9/2017 do bà M, Trợ giúp viên pháp lý tiến hành có nội dung không đúng sự thật, không tôn trọng sự thật khách quan, vi phạm Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý được quy định tại Khoản 2, Điều 4 và Khoản 4, Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và vi phạm Điểm d, Khoản 3, Điều 58 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Khoản 2, Điều 4 của Luật trợ giúp pháp lý năm 2016 về Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý quy định: “Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan” và Khoản 4, Điều 25 của Luật này cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý phải “Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý”.
Điểm d, Khoản 3, Điều 58 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Tôn trọng sự thật và pháp luật; không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật”.

Việc làm nêu trên của Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho bị cáo là không đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn, cản trở việc xác định sự thật khách quan của vụ án dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của các Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Gia Lai.
Để đảm bảo công tác trợ giúp pháp lý được thực hiện đúng Nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, thay thế Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006), tránh lặp lại những vi phạm, thiếu sót như đã nêu ở trên. Căn cứ Điều 41 và Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Kiến nghị số 01/KN-VKS-P2 ngày 08/5/2018 đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai cho kiểm tra và có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước như đã nêu ở trên và có văn bản trả lời về kết quả thực hiện văn bản kiến nghị này gửi tới Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật.

Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai có văn bản số 524/STP-TTr ngày 14/6/2018 tiếp thu toàn bộ nội dung kiến nghị của Viện KSND tỉnh Gia Lai, đồng thời thông báo kết quả đã tổ chức họp toàn thể các trợ giúp viên pháp lý và viên chức của đơn vị để chấn chỉnh, kiểm điểm đối với Trợ giúp viên pháp lý (bà M) về các vi phạm nêu trên, đồng thời quán triệt, rút kinh nghiệm chung cho tất cả các trợ giúp viên pháp lý trong quá trình thực hiện nghiệp vụ về sau, bảo đảm tính xác thực, khách quan và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thu thập, tài liệu chứng chứng, tránh trường hợp kéo dài hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của các cơ quan tiến hành tố tụng./.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thùy Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập250
  • Hôm nay9,153
  • Tháng hiện tại146,918
  • Tổng lượt truy cập16,675,840
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây