Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Thực trạng và giải pháp công tác xác định tuổi người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự

Chủ nhật - 25/11/2018 19:38 4.894 0
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, kế thừa những quy định tiến bộ của BLTTHS 2003 và có nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung

Sự cần thiết: Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, do đó tùy theo lứa tuổi, mức độ trưởng thành và nhu cầu cá nhân mà họ cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật khi tham gia tố tụng hình sự. Chính từ ý nghĩa nhân văn, nhân đạo ấy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đều giành hẳn một chương với tên gọi “Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên” hay “Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi” nằm trong phần thứ bảy “Thủ tục đặc biệt”.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, kế thừa những quy định tiến bộ của BLTTHS 2003 và có nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung, trong đó đã quy định cụ thể về việc “Xác định độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi” bởi nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xử lý, giải quyết các vụ án hình sự, là cơ sở pháp lý để xác định việc có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong một số trường hợp luật định.
         
Qua tổng hợp kết quả giải quyết các vụ án hình sự của Viện kiểm sát hai cấp trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy cần thiết phải tổng hợp một số tồn tại và đề ra những giải pháp về công tác xác định tuổi của người tham gia tố tụng là bị can, bị cáo, bị hại dưới 18 tuổi nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng Kiểm sát điều tra các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi của Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai trong thời gian tiếp theo.
 
I. Căn cứ pháp lý về xác định tuổi người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi


1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, không quy định cụ thể về cách xác định độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội và của người bị hại.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định cụ thể cách xác định tuổi của người bị buộc tội và người bị hại dưới 18 tuổi.
Theo đó, Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định chặt chẽ hơn về cách xác định độ tuổicủa người bị buộc tội và người bị hại dưới 18 tuổi, cụ thể:
Thứ nhất, việc xác định độ tuổi của người bị buộc tội và người bị hại dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định pháp luật.
Để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải áp dụng mọi biện pháp để xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của họ, căn cứ vào các giấy tờ hợp pháp như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình, các giấy tờ, tài liệu khác. Các tài liệu đó phải do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Thứ hai, trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã áp dụng mọi biện pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội và người bị hại được xác định trong 5 trường hợp sau:
+ Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
+ Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
+ Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
+ Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.

2. Văn bản hướng dẫn về xác định tuổi.
Thông tư 01/2011/TTLT ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội hướng dẫn về xác định độ tuổi đối với bị can, bị cáo và người bị hại là người chưa thành niên.
Theo Điều 6 Thông tư 01/2011 thì việc xác định tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo thì tuổi của họ được xác định như sau:
+ Trường hợp xác định được tháng sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày thì trong tháng đó lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.
+ Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
+ Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
+ Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh của bị can, bị cáo thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
+ Trường hợp không xác định được năm sinh của bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ;
Theo Điều 12 Thông tư 01/2011, cách xác định tuổi của bị hại lại theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, cụ thể:
Việc xác định tuổi của người bị hại là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị hại là người chưa thành niên thì tuổi của họ được xác định như sau:
+ Trường hợp xác định tháng sinh cụ thể, nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày mùng một của tháng đó làm ngày sinh;
+ Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày mùng một của tháng đầu của quý đó làm ngày sinh;
+ Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày mùng một tháng Giêng hoặc ngày mùng một tháng Bảy tương ứng của năm đó làm ngày sinh;
+ Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày mùng một tháng Giêng của năm đó làm ngày sinh.
+ Trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.
Như vậy, so sánh với quy định của Thông tư 01/2011/TTLT ngày 12/7/2011 thì Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã mở rộng hơn về đối tượng cụ thể người bị buộc tội (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) và người bị hại dưới 18 tuổi để buộc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các biện pháp xác minh độ tuổi đối với người bị buộc tội trước khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Về cách xác định độ tuổi của người bị hại cũng có sự thay đổi lớn theo đó cách xác định độ tuổi của người bị buộc tội và bị hại là như nhau đều lấy ngày cuối cùng của tháng, của quý và của năm để làm ngày, tháng sinh. Cách xác định như quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015 đảm bảo sự thống nhất, công bằng giữa người bị buộc tội với người bị hại theo nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự là “Đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật”.

II. Thực trạng giải quyết án có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi

1.Những kết quả đạt được
1.1.Về số liệu (Theo số liệu của Phòng TK):
* Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bị khởi tố, truy tố
Năm 2016, có 172 người dưới 18 tuổi bị khởi tố bị can, chiếm 9,3% trên tổng số 1858 bị can. Trong đó:
- Nhóm tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi có 17 bị can bị khởi tố về các tội phạm khác nhau (trong đó, nhóm trị an 8 bị can; nhóm kinh tế 09 bị can).
- Nhóm tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có 155 bị can bị khởi tố về các tội phạm (trong đó, tôi phạm ma túy 4; nhóm trị an 63 bị can; nhóm kinh tế 98 bị can).
Đã truy tố:
- 19 bị can về các nhóm tội (Trị an: 9; Kinh tế 10) từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi
- 192 bị can về các nhóm tội (Trị an: 79; Kinh tế 113) từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi. (Tính cả số bị can khởi tố 2015 chuyển sang truy tố 2016)
Năm 2017, có 202 người dưới 18 tuổi bị khởi tố bị can, chiếm 13,4% trên tổng số 1502 bị can. Trong đó:
- Nhóm tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi có 15 bị can bị khởi tố về các tội phạm khác nhau (trong đó, nhóm trị an 7 bị can; nhóm kinh tế 8 bị can).
- Nhóm tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có 187 bị can bị khởi tố về các tội phạm (trong đó, tôi phạm ma túy 2; nhóm trị an 61 bị can; nhóm kinh tế 123 bị can; nhóm xâm phạm hoạt động tư pháp 01).
Đã truy tố:
- 16 bị can về các nhóm tội (Trị an: 7; Kinh tế 9) từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.(Có 1 bị can từ 2016 chuyển sang)
- 129 bị can về các nhóm tội (Ma Túy: 1; Trị an: 41; Kinh tế: 86; Tư pháp:1 ) Tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
6 tháng đầu năm 2018, có 109 người dưới 18 tuổi bị khởi tố bị can, chiếm 13,9% trên tổng số 786 bị can. Trong đó:
- Nhóm tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi có 02 bị can bị khởi tố về các tội phạm khác nhau (trong đó, nhóm trị an 1 bị can; nhóm kinh tế 1 bị can).
- Nhóm tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có 107 bị can bị khởi tố về các tội phạm (trong đó, tội phạm ma túy 3; nhóm trị an 42 bị can; nhóm kinh tế 62 bị can).
Đã truy tố:
- 01 bị can về nhóm tội xâm phạm trật tự trị an từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.
- 97 bị can về các nhóm tội (Ma Túy: 1; Trị an: 38; Kinh tế: 58) Tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
* Đối với người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Theo số liệu thống kê báo cáo của Ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai, chỉ riêng các vụ án hình sự xâm hại tình dục trẻ em trong 02 năm 2016, 2017 và sáu tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 100 vụ án, vụ việc, số người bị hại ở các lứa tuổi khác nhau từ dưới 6 tuổi đến dưới 16 tuổi có 100 người, chủ yếu là nữ. Cơ quan điều tra đã khởi tố 95 vụ án với 104 bị can để điều tra, xử lý.
Qua công tác kiểm sát điều tra, Viện Kiểm sát hai cấp đã ban hành 06 kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp yêu cầu khắc phục vi phạm về công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu; việc cấp giấy khai sinh (Viện kiểm sát tỉnh 02 kiến nghị; Viện kiểm sát cấp huyện 04 kiến nghị).

1.2. Đánh gia những kết quả đạt được

Ưu điểm:
Trong công tác tiếp nhận, quản lý tin báo
Công tác tiếp nhận, quản lý tin báo tội phạm có liên quan đến người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi luôn được Lãnh đạo Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra hai cấp quan tâm chỉ đạo, bên cạnh sự phối hợp trong việc tiếp nhận, thông báo việc thụ lý tin báo đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013ngày 02/8/2013 nay quy định tại Thông tư 01/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, xử lý người phạm tội là người dưới 18 tuổi; Đồng thời cũng bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người bị hại dưới 18 tuổi; Cơ quan điều tra hai cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ và chú trọng vai trò của Viện Kiểm sát, tạo điều kiện để Kiểm sát viên thực hiện tốt nhiệm vụ trong kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tin báo nói chung, tin báo về tội phạm có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi nói riêng. Qua đó, Kiểm sát viên kịp thời đề ra các yêu cầu để Cơ quan điều tra, Điều tra viên thu thập đầy đủ, đúng quy định các tài liệu, chứng cứ liên quan phục vụ công tác giải quyết vụ việc đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, việc thu thập các tài liệu liên quan đến việc xác định tuổi của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được quan tâm chú trọng từ khi thụ lý, giải quyết tin báo, điều này có ý nghĩa đảm bảo quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi cũng như có ý nghĩa chứng minh có tội phạm hay không và làm cơ sở tiền đề cho việc khởi tố vụ án, bị can hay không khởi tố vụ án, bị can sau này. Do vậy, các vụ án có liên quan đến người phạm tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi xảy ra trên địa bàn đều được thụ lý, xác minh giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trong Công tác kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án
Quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến người phạm tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi, Cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ trong điều tra, ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời; đồng thời cũng thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi, như: Quyền được có người bào chữa, quyền có người đại diện cho người dưới 18 tuổi trong suốt quá trình tố tụng; Quyền được xét xử kín khi cần thiết . . . v.v.
Trong hoạt động điều tra, ngoài việc thu thập đầy đủ các tài liệu dùng làm căn cứ xác định tuổi của bị can, bị cáo hoặc người bị hại các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp đã thận trọng trong việc so sánh, đối chiếu những mâu thuẫn trong các tài liệu đã thu thập để quyết định việc trưng cầu cơ quan có thẩm quyền giám định tuổi của bị can, bị cáo và người bị hại là người dưới 18 tuổi nhằm đảm bảo việc xử lý đúng quy định pháp luật.
Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người tham gia tố tụng là bị can, bị cáo, bị hại dưới 18 tuổi được các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp quan tâm, phân công Điều tra viên, Kiểm sát viên, thẩm phán đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm trong điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên hoặc có hiểu biết, kinh nghiệm cần thiết về tâm, sinh lý cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

2. Những tồn tại, vi phạm

2.1.Trách nhiệm của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
Đối với cơ quan điều tra: Điều tra viên được phân công điều tra các vụ án có người tham gia tố tụng là người chưa thanh niên về cơ bản đã thu thập các tài liệu có liên quan, như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình, lập biên bản xác minh tại chính quyền địa phương dùng làm căn cứ xác định tuổi của người phạm tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có những vụ án sau khi thu thập các tài liệu xác định đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự để khởi tố bị can điều tra, nhưng quá trình điều tra phát sinh chứng cứ mới về ngày, tháng, năm sinh do người đại diện hoặc bị can cung cấp có mâu thuẫn với tài liệu đã thu thập trước đó nhưng không kịp thời đề xuất việc trưng cầu giám định dẫn đến phải trả điều tra bổ sung để trưng cầu giám định để xác định chính xác tuổi của người tham gia tố tụng. 
Đối với Viện kiểm sát: Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra trong một số vụ việc chưa nghiên cứu kỹ các tài liệu do Cơ quan điều tra thu thập nên chưa phát hiện kịp thời những mâu thuẫn trong các tài liệu để yêu cầu làm rõ trước khi phê chuẩn. Một số vụ những tài liệu mới có mâu thuẫn với tài liệu xác định tuổi của bị can, bị cáo, người bị hại dưới 18 tuổi phát sinh sau khi khởi tố, truy tố đưa ra xét xử dẫn đến phải trả điều tra bổ sung hoặc hoãn xử để trưng cầu giám định tuổi dẫn đến vụ án bị kéo dài. Do đó, cũng có phần trách nhiệm của Kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án.

2.2.Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước
Ủy ban nhân dân các cấp chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu; việc cấp giấy khai sinh còn lỏng lẻo dẫn đến vi phạm.
Cán bộ làm công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu chưa thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, việc lập hồ sơ hộ tịch, hộ khẩu trình cấp có thẩm quyền quyết định chưa đầy đủ thủ tục và nội dung dẫn đến vi phạm.

2.3. Nguyên nhân của tồn tại
* Nguyên nhân khách quan:
- Bản thân gia đình của người dưới 18 tuổi chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm trong việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu. Đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn do phong tục, tập quán “Tự sinh, tự dưỡng” nên chưa quan tâm đến việc đăng ký khai sinh cho con theo đúng quy định, chỉ khi cần giải quyết các chế độ chính sách; con đến tuổi đi học hoặc chính quyền tổ chức các đợt vận động đăng ký khai sinh, hộ tịch, hộ khẩu tập trung mới đi đăng ký dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn, không đảm bảo thủ tục vẫn được cấp giấy khai sinh.
- Công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa chưa tốt trong việc kê khai, đăng ký, quản lý hộ tịch, hộ khẩu còn bị buông lỏng dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong khi xác định tuổi thật của bị can, bị cáo, người bị hại dưới 18 tuổi.
Nguyên nhân chủ quan: Một số Điều tra viên, Kiểm sát viên vẫn còn chủ quan, chưa làm hết trách nhiệm trong việc thu thập, đánh giá các tài liệu dùng làm căn cứ xác định tuổi của người tham gia tố tụng là bị can, bị cáo, người bị hại dưới 18 tuổi dẫn đến có trường hợp sau khi giám định tuổi phải đình chỉ điều tra do bị can chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

3. Những khó khăn, vướng mắc

3.1.Khó khăn, vướng mắc trong quy định của Bộ luật tố tụng hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 dành riêng Chương XXVIII với tên gọi Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, theo đó đã có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) phạm tội, phù hợp, thống nhất với các quy định của Bộ luật hình sự về xử lý trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, đáp ứng tốt các yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn điểm vướng mắc mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa giải quyết được, bởi người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng có thể là bị hại, người làm chứng, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, cụ thể:

Trong giai đoạn điều tra vụ án, truy tố
Thứ nhất, về người tiến hành tố tụng: Điều 415 Bộ luật Tố tụng năm 2015 quy định, người tiến hành tố tụng phải có hiểu biết cần thiết về người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, thế nào là “cần thiết”, là đủ để có thể giải quyết vụ án thì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, cách hiểu còn rất chung chung. Trên thực tế, việc phân công Điều tra viên điều tra vụ án của cơ quan điều tra chưa có sự phân biệt giữa vụ án có người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi với người đã đủ 18 tuổi. Do đó, quá trình điều tra, điều tra viên thường chỉ tập trung làm rõ hành vi phạm tội mà chưa chú trọng việc điều tra về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, điều kiện sinh sống và giáo dục. Thực tế đó đòi hỏi cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn của điều tra viên khi tiến hành tố tụng với người dưới 18 tuổi, bao gồm cả chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức tâm lý, khoa học giáo dục với người dưới 18 tuổi.
Thứ hai, về bắt quả tang người dưới 18 tuổi phạm tội: Quy định như khoản 2, 3 Điều 419 Bộ luật Tố tụng 2015, rất khó thực hiện trên thực tế. Bởi người có thẩm quyền bắt người phạm tội quả tang rất khó để xác định tuổi cũng như loại tội phạm tại thời điểm bắt người. Nếu phải chờ có đủ các căn cứ quy định tại khoản 2, 3 Điều 419 thì quy định về việc bắt người dưới 18 tội phạm tội quả tang sẽ mất đi ý nghĩa.
Thứ ba, về lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi: Tại khoản 2 Điều 421 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ”. Tuy nhiên, nếu chưa có người bào chưa, người đại diện ở xa hoặc người bào chữa, người đại diện đã được thông báo nhưng vẫn vắng mặt thì cơ quan tiến hành tố tụng có dừng việc lấy lời khai, hỏi cung đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can hay không.
Về thời hạn điều tra vụ án có bị can là người dưới 18 tuổi, Theo quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thấy mức độ trách nhiệm hình sự mà người dưới 18 tuổi phải chịu thấp hơn nhiều so với người đã đủ 18 tuổi nhưng thời hạn điều tra vụ án thì vẫn áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi. Quy đinh về thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi chỉ bằng hai phần ba thời hạn đối với người đã đủ 18 tuổi. Điều này cũng gặp khó khăn khi vụ án có nhiều bị can, trong đó có bị can là người dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Trong giai đoạn xét xử
Thứ nhất, về thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm: Khoản 1 Điều 423 Bộ luậ tố tụng hình sự quy định: “Thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm phải có một hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi”. Theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2011 thì chỉ cần hội thẩm đó đang hoặc đã từng là giáo viên, cán bộ Đoàn.Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự lại chưa có hướng dẫn cụ thể tại thời điểm thành lập hội đồng xét xử hay tại thời điểm xét xử có bắt buộc hội thẩm là giáo viên hay cán bộ Đoàn hay không. Thực tế cho thấy khi tham gia Hội đồng xét xử, Hội thẩm thường nghiên cứu hồ sơ rất muộn, và thường bị động khi tham gia xét xử vụ án có bị cáo hoặc người bị hại là người dưới 18 tuổi. Đa số các hội thẩm đều kiêm nhiệm những vị trí khác trong cơ quan nhà nước, họ không thực sự có chuyên môn về pháp luật và cũng chưa được đào tạo chuyên môn về tâm sinh lý trẻ em nên rất khó đưa ra được ý kiến độc lập nên chưa thể hiện được đúng vai trò của mình.

Đối với Thẩm phán, là người có vai trò quan trọng trong phiên xét xử, phong cách làm việc của thẩm phán trước toà cũng có tác động rất lớn đến bị cáo là người dưới 18 tuổi. Thực tế, phần lớn thẩm phán khi tiến hành xét xử những vụ án mà bị cáo là người dưới 18 tuổi không khác gì so với xét xử người đã đủ 18 tuổi, còn sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn thiếu gần gũi, không giải thích cho bị cáo hiểu dẫn đến bị cáo cảm thấy sợ sệt không khai báo hoặc có những phản ứng tiêu cực khác ảnh hưởng đến việc xác minh sự thật của vụ án.
Quy định tại khoản 1 Điều 423 Bộ luật tố tụng hình sự là rất phù hợp nhưng thực tế Hội thẩm là giáo viên, cán bộ đoàn số lượng rất hạn chế và thường là kiêm nhiệm dẫn đến một số phiên tòa xét xử có bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi không bố trí được Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ đoàn nên phải mời các Hội thẩm nguyên là giáo viên hay cán bộ đoàn phần nào ảnh hưởng đến chất lượng việc xét xử, chưa đảm bảo quyền lợi của.
Thứ hai, quy định về trường hợp được xét xử kín: Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự “Trong trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì Toà án có thể quyết định xét xử kín”. Toà án có quyền xét xử kín nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến thực tế việc xét xử kín bị cáo là người dưới 18 tuổi được áp dụng không thống nhất, các phiên xét xử của toà án hầu hết là công khai, nhiều vụ án còn được xử lưu động. Người dân và phóng viên báo chí được tự do vào dự, viết bào đưa tin về nội dung vụ án, nêu rõ danh tính bị cáo, kể cả một số vụ án xâm hại tình dục mà bị báo, bị hại đều là người dưới 18 tuổi. Điều này để lại tác động rất xấu đến sự phát triển sau này của họ, khiến họ mang nặng cảm giác xấu hổ và bị kì thị.
Thứ ba, việc bố trí trong phòng xử án đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi: Bị cáo vẫn phải đứng trước bục khai báo, đối diện với hội đồng xét xử khiến tâm lý bị căng thẳng, lo lắng. Nhằm hướng đến mục đích giải quyết được triệt để các vụ án có liên quan đến người dưới 18 tuổi, nhất là khi họ tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo nhưng mục đích cuối cùng không phải nhằm trừng trị họ mà nhằm giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội và giảm số lượng vụ án mà người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi thì việc bố trí lại phòng xử án cũng như cần thành lập Tòa án đối với người dưới 18 tuổi là hết sức cần thiết.

3.2. Khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xác định tuổi của người tham gia tố tụng
Các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi xảy ra tại các vùng dân cư có điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội phát triển thì công tác xác định tuổi của người tham gia tố tụng là bị can, bị cáo, người bị hại cơ bản thuận lợi. Để xác định tuổi của bị can, bị cáo hoặc tuổi của bị hại, các cơ quan tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này chỉ cần thu thập các tài liệu như: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân đã đảm bảo căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, đối với người tham gia tố tụng lại là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế, văn hóa – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa thì việc xác định tuổi của người tham gia tố tụng nói chung, người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi gặp nhiều khó khăn, bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, đăng ký khai sinh không đúng với ngày tháng, năm sinh, giấy khai sinh bị tẩy xóa, mâu thuẫn với các giấy tờ tài liệu có liên quan.
Điển hình vụ: Ngày 15/4/2017 tại Làng Mít Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai khi được Puih Thức rủ ra ngã ba đường Làng để chặn đánh thanh niên làng Lân giải quyết mâu thuẫn cá nhân, A Quốc đã tham gia cùng 29 đối tượng rủ nhau mang theo hung khí chặn đường phục đánh. Khi phát hiện thấy ánh đèn xe môt tô, tưởng là thanh niên làng Lân nên A Quốc đã hô hào và chủ động ném đá vào xe mô tô đang chạy đến, nghe tiếng A Quốc hô nhóm 09 đối tượng đứng cùng phía với Quốc đồng loạt ném đá, cây gậy về phía xe mô tô. Hậu quả, làm một người chết và một người bị thương. Căn cứ tài liệu xác minh ban đầu xác định A Quốc sinh ngày 10/02/2003 tại Ngọc Hồi – Kon Tum, tính đến ngày phạm tội A Quốc đủ 14 năm 02 tháng 05 ngày tuổi. Xét tính chất hành vi phạm tội của A Quốc, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai đã khởi tố bị can đối với A Quốc và 09 đồng phạm khác về tội “Giết người” để xử lý.
Qua kiểm sát điều tra, thấy giữa Giấy khai sinh của bị can với tài liệu xác minh tại Ban tư pháp về việc đăng ký khai sinh của A Quốc thuộc trường hợp đăng ký quá hạn. Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra đã trưng cầu việc giám định tuổi đối với A Quốc. Kết quả giám định xác định tuổi của A Quốc là từ 13 năm 09 tháng đến 14 năm. Áp dụng nguyên tắc có lợi thì A Quốc chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với A Quốc về tội “Giết người”.
Hay vụ, Triệu Tạ Hin cùng Phưởng Vần Quyên đều trú tại thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơ, huyện ChưPrông, tỉnh Gia Lai có hành vi trộm cắp tài sản là 01 chiếc xe máy trị giá 3.200.000đồng. Hành vi của Triệu Tạ Hin có đủ dấu hiệu phạm vào tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Căn cứ giấy khai sinh và sổ hộ khẩu thì Triệu Tạ Hin sinh ngày 01/01/1999, tính đến thời điểm phạm tội Hin đã 16 tuổi 8 tháng 2 ngày đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Qua nghiên cứu tài liệu xác định tuổi phát hiện giấy khai sinh có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa năm sinh từ 1994 thành 1999, Viện kiểm sát huyện Chư Prông đã yêu cầu xác minh, kết quả đã thu thập 01 bản sao giấy khai sinh do Ủy ban nhân dân xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cấp năm 2006 xác định Tạ Triệu Hin sinh ngày 01/01/1994. Tuy nhiên, tại Phiên tòa sơ thẩm, mẹ bị cáo Tạ Triệu Hin lại cung cấp 01 sổ hộ khẩu do Công an huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cấp năm 2002, ghi Triệu Tạ Hin sinh năm 1999. Viện Kiểm sát đã yêu cầu trưng cầu giám định tuổi đối với Triệu Tạ Hin, kết quả giám định tuổi xác định Triệu Tạ Hin từ 16 năm 9 tháng đến 17 năm 3 tháng, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Vụ án đã truy tố, xét xử xong.

Thứ hai, không đăng ký khai sinh, hộ khẩu; Người đại diện của bị hại có biểu hiện bao che cho người phạm tội.
Điển hình vụ: Bùi Thế Chung có hành vi hiếp dâm cháu Kpuih H’Suôr vào ngày 23/12/2015 tại Đội 3, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông. Tại thời điểm bị hiếp dâm xác định cháu Kpuih H’Suôr chưa đủ 16 tuổi. Cơ quan điều tra Công an huyện Chư Prông khởi tố đối với Bùi Thế Chung, về tội “Hiếp dâm trẻ em”.
Xác minh nhân thân bị hại, xác định bị hại không đăng ký khai sinh, sổ hộ khẩu ghi Kpuih H’Suôr sinh năm 2000 (không xác định được ngày, tháng). Lời khai của bà H’muk (là mẹ của bị hại) khẳng định H’Suôr sinh năm 2000. Người làm chứng xác nhận cháu Siu Sẽng sinh được 2 ngày thì bà H’muk sinh cháu H’Suôr; giấy khai sinh của cháu Siu Sẽng ghi ngày 20/10/2000. Căn cứ vào các tài liệu đã thu thập, xác định cháu Kpuih H’Suôr sinh năm 2000, là trẻ em, Cơ quan tố tụng huyện Chư Prông khởi tố, truy tố đối với Bùi Thế Chung về tội “Hiếp dâm trẻ em” theo quy định tại Điều 112 BLHS năm 1999.
Tuy nhiên, tại phiên tòa, bà H’muk lại khai không nhớ ngày, tháng, năm sinh của cháu H’Suôr, bà khai sinh H’Suôr khoảng 1 tháng thì chồng bà chết vào năm 1998 và cung cấp 1 giấy xác nhận thời điểm chồng bà chết có Trưởng thôn và con gái thứ hai kí xác nhận.
Do có mâu thuẫn về ngày tháng, năm sinh của bị hại, Viện kiểm sát đề nghị Cơ quan điều tra công an huyện Chư Prông đã trưng cầu giám định tuổi, kết quả giám định xác định độ tuổi của H’Suôr thời điểm giám định (ngày 09/8/2016) là 15 năm 6 tháng đến chưa đủ 16 năm. Do vậy, tại thời điểm bị xâm hại tình dục bị hại Kpuih H’Suôr chưa đủ 16 tuổi.
Hay vụ, Cháu Đinh Thị Thuyết bị Đinh Chai nhiều lần xâm hại tình dục. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra thu thập giấy khai sinh của cháu Đinh Thị Thuyết ghi sinh ngày 15/9/2003, căn cứ vào ngày tháng năm sinh này thì khi bị xâm hại tình dục cháu Thuyết mới 12 năm 09 tháng 11 ngày tuổi. Tuy nhiên, tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị hại thay đổi lời khai cho rằng bà không nhớ ngày, tháng sinh của cháu Thuyết; xác minh lại việc đăng ký khai sinh của cháu Thuyết thuộc trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn, hồ sơ đăng ký khai sinh quá hạn lại không lưu giữ đầy đủ. Trong thời gian bị can được tại ngoại, cả hai được hai bên gia đình đồng ý cho chung sống với nhau và đã có con chung; đồng thời bị hại từ chối việc giám định tuổi, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

Thứ ba, đăng ký khai sinh nhiều lần; đăng ký khai sinh quá hạn
Trong một số vụ án hình sự đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử có liên quan đến người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được cấp giấy khai sinh nhiều lần hoặc giấy khai sinh đăng ký quá hạn nhiều năm gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý.
Điển hình vụ: Puih Thiếp cùng đồng phạm bị khởi tố điều tra về tội “Giết người” và “Gây rối trật tự công cộng”. Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 28/4/2018, do có mâu thuẫn trước đó với thanh niên làng Yom xã Ia Chía, huyện Ia Grai nên Puih Thiếp cùng với Siu Khuynh đã rủ nhiều thanh niên chuẩn bị dao, gạch, đá, cây gậy đi đánh trả thù, các đối tượng khác thấy vậy cũng đi theo, tổng công có 46 đối tượng (thuộc 6 Làng của huyện Ia Grai và huyện Đức Cơ). Khi đến đầu làng Yom thì bị Ksor Su và 12 đối tượng của làng Yom phục sẵn dùng gạch đá, chai đựng xăng ném thì một số đối tượng đi cùng nhóm Khuynh, Thiếp bỏ chạy. Riêng Khuynh, Rơ Ma Tưng, Siu Nên, Rơ Châm Manh cầm dao, gậy đuổi chém anh Ksor Su chết. Cơ quan điều tra đã khởi tố Thiếp, Khuynh, Manh, Tưng và Nên để điều tra về tội “Giết người”. Đối với 41 đối tượng trong nhóm của Puih Thiếp và 12 đối tượng trong nhóm của Ksor Su, xác định có 21 đối tượng cầm theo hung khí hoặc chở các đối tượng cầm hung khí tham gia đuổi nhau có dấu hiệu của tội “Gây rối trật tự công cộng”. Tuy nhiên, do các đối tượng đều sinh vào các năm 2000 đến 2002, ngày tháng năm sinh ghi trong giấy khai sinh; sổ hộ khẩu đều thuộc trường hợp đăng ký khai sinh quá hạn từ 4 đến 10 năm. Do vậy, Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tuổi đối với 21 đối tượng trước khi quyết định việc khởi tố bị can nhằm đảm bảo việc khởi tố có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Hay vụ, Mai Anh Mạnh, Đặng Thanh Tâm cùng đồng phạm thực hiện vụ “Cướp tài sản” xay ra ngày 09/7/2017 tại thôn Chư Bồ 2, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ. Cơ quan điều tra Công an huyện Đức Cơ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số đối tượng để điều tra về tội “Cướp tài sản” và “Không tố giác tội phạm”. Riêng Mai Anh Mạnh và Đặng Thành Tâm qua xác minh xác định các giấy tờ liên quan có mâu thuẫn và khó khăn trong việc xác định ngày, tháng, năm sinh của hai đối tượng, cụ thể:
Đối với Mai Anh Mạnh, theo giấy khai sinh không ghi số, không ghi quyển đăng ký khai sinh ngày 04/02/2000, ghi Mạnh sinh ngày 28/02/2000 (tức đăng ký khai sinh trước khi sinh 24 ngày) do Ủy ban nhân dân xã Ia Dom, huyện Đức Cơ cấp. Sổ hộ khẩu cấp ngày 27/12/2007 ghi Mạnh sinh ngày 28/02/2000. Xác minh tại Ban tư pháp xã Ia Dom, xác định giấy khai sinh của Mai Anh Mạnh không được đăng ký tại sổ lưu trữ của Tư pháp xã Ia Dom.
Tương tự, Đặng Thanh Tâm có giấy khai sinh ghi ngày sinh là ngày 25/12/2000 do Ủy ban nhân dân xã Kla cấp ngày 04/02/2000. Tuy nhiên, giấy khai sinh không ghi số, không ghi quyển đăng ký, xác minh tại Ban tư pháp xã Kla xác định giấy khai sinh của Đặng Thanh Tâm không đăng ký theo đúng quy định pháp luật, không có tên trong sổ bộ đăng ký khai sinh do tư pháp xã quản lý. Mặc dù đăng ký khai sinh không hợp pháp, không có trong sổ bộ nhưng trước đó vào ngày 07/4/2009, Đặng Thanh Tâm vẫn được cấp bản sao giấy khai sinh.
Do vậy, Viện kiểm sát huyện Đức Cơ đã yêu cầu trưng cầu giám định xác định tuổi của các đối tượng trước khi khởi tố nhằm đảm bảo quyền lợi của các bị can khi tham gia tố tụng.

III. Những giải pháp và kiến nghị

1.
Những giải pháp
- Cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cần tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu; việc cấp giấy khai sinh của chính quyền địa phương các cấp cần đảm bảo mỗi trẻ em sinh ra đều được cấp giấy khai sinh đúng quy định; việc quản lý hồ sơ hộ tịch, hộ khẩu cần đầy đủ, kịp thời và thống nhất.
- Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Viện Kiểm sát

Tăng cường công tác quản lý chỉ đạo, điều hành đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến người tham gia tố tụng là bị can, bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi.
Đối với các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là ngưới dưới 18 tuổi, Lãnh đạo Viện Kiểm sát hai cấp cần phân công cán bộ, kiểm sát viên có năng lực, có kinh nghiệm trong việc giải quyết đối với loại tội phạm này. Quá trình giải quyết vụ án, Lãnh đạo Viện cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ để nắm bắt tiến độ giải quyết án, kịp thời có ý kiến chỉ đạo đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án.
Chú trong công tác tổng hợp, kịp thời kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khắc phục vi phạm trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, cấp giấy khai sinh tại địa phương.

- Công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án
Trên cơ sở quy định của pháp luật các cơ quan tiến hành tố tụng cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để thu thập đầy đủ các tài liệu nhằm xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo, người bị hại; Nhất là các vụ án liên quan đến các tội phạm xâm hại tình dục; thường xuyên trao đổi, thống nhất nhận thức về các quy định của pháp luật cũng như những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá tuổi của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi vàcác tình tiết khách quan của vụ án, nhằm đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đúng pháp luật.

- Về giải pháp phòng ngừa tội phạm
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật trong quần chúng nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng ngừa, đầu tranh xử lý các tội phạm hình sự nói chung, tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, làng, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa; Tăng cường công tác hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết.

2.Kiến nghị
Cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật và hướng dẫn pháp luật để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ; bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán về công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, cũng như việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Cơ quan có thẩm quyền cần sớm thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên trong hệ thống Tòa án nhân dân để việc xét xử đáp ứng yêu cầu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi, đặc biệt khi người dưới 18 tuổi là người bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan được giao nhiệm vụ và cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở nhằm đảm bảo công tác quản lý, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu đúng quy định pháp luật.

Tác giả bài viết: Lê Thanh Hòa - Trịnh Vũ Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay11,469
  • Tháng hiện tại798,436
  • Tổng lượt truy cập16,493,202
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây