Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Giải pháp nâng cao kỹ năng tác nghiệp đối với Kiểm sát viên cấp huyện trong mô hình tự đào tạo thông qua trực tiếp hướng dẫn của VKS tỉnh trong công tác Kiểm sát Thi hành án dân sự

Chủ nhật - 25/11/2018 19:29 860 0
Phạm vi áp dụng được xây dựng trên địa bàn huyện Mang Yang, sau quá trình áp dụng thực tiễn, đánh giá hiệu quả, chất lượng của phương pháp nêu trên có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và đề xuất nhân rộng trên phạm vi lớn hơn.
  
I. PHẦN MỞ ĐẦU

1.1. Lý do chọn sáng kiến

Công tác thi hành án nói chung và thi hành án dân sự (THADS) nói riêng là giai đoạn cuối cùng của chuỗi các hoạt động tố tụng với mục đích đảm bảo để các bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trong thực tế, từ đó góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân. Thực hiện chức năng Kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND đối với công tác THADS, THAHC trong những năm qua công tác  Kiểm sát THADS, THAHC đã góp phần đáng kể vào kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND.

Trong thời gian qua, công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đã được lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp quan tâm, tập trung chỉ đạo; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đã được nâng cao.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: chưa kiểm sát được thường xuyên, đầy đủ, chặt chẽ các hoạt động thi hành án; chậm phát hiện, phát hiện không đầy đủ những vi phạm trong hoạt động thi hành án để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục; chất lượng một số cuộc trực tiếp kiểm sát chưa cao; nhiều việc thi hành án để tồn đọng nhiều năm chưa được phối hợp giải quyết, dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Do số lượng các bản án, quyết định của Tòa án cần phải thi hành ngày một nhiều cũng như giá trị tài sản phải thi hành lớn và phức tạp; đặc biệt là thi hành án trong việc thu hồi tài sản về tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước, thi hành án có liên quan đến tổ chức tín dụng, cưỡng chế thi hành án mà tài sản là nhà, đất đai gặp nhiều khó khăn, do đó việc thi hành án chậm, kéo dài nhiều năm, đương sự khiếu kiện nhiều.

Trước những khó khăn đó, đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát công tác Thi hành án dân sự phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo và tự đào tạo mình, trau dồi các kỹ năng cần và đủ trong công tác này.

Từ những nội dung đã phân tích, tác giả lựa chọn sáng kiến Giải pháp nâng cao kỹ năng tác nghiệp đối với Kiểm sát viên cấp huyện trong mô hình tự đào tạo thông qua trực tiếp hướng dẫn của VKS tỉnh trong công tác Thi hành án dân sự” để làm sáng kiến năm 2018, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát THADS trên địa bàn huyện Mang Yang nói riêng và trên toàn địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung.

1.Phạm vi áp dụng của sáng kiến

Phạm vi áp dụng được xây dựng trên địa bàn huyện Mang Yang, sau quá trình áp dụng thực tiễn, đánh giá hiệu quả, chất lượng của phương pháp nêu trên có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh Gia Lai và đề xuất nhân rộng trên phạm vi lớn hơn.

II. PHẦN NỘI DUNG

2.1. Thực trạng hiệu quả của mô hình tự đào tạo thông qua trực tiếp kiểm sát Chi cục THADS cấp huyện

Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự tại Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới là thẩm quyền và là một trong các phương thức kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự được quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật tổ chức VKSND năm 2014; Điểm c Khoản 2 Điều 12 Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014; Điều 42 Quy chế công tác kiểm sát THADS (Kèm theo Quyết định số 255 ngày 19/6/2013 của Viện trưởng VKSND tối cao). Đây cũng là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản của Kế hoạch và Chương trình công tác năm của Phòng kiểm sát thi hành án dân sự VKSND tỉnh Gia Lai.

Tính từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2018, Phòng 11 VKSND tỉnh Gia Lai đã tiến hành trực tiếp kiểm sát 83 đợt (đối với VKS hai cấp), ban hành 83 Kết luận (Cục THADS tỉnh: 10 kết luận; Chi cục THADS cấp huyện: 73 kết luận), ban hành 120 Quyết định kháng nghị và kiến nghị.([1])

Mô hình tự  đào tạo qua trực tiếp kiểm sát đã được Phòng 11 VKSND tỉnh Gia Lai áp dụng từ năm 2016 đến nay và thu được nhiều kết quả. Mô hình này được Phòng 11 ứng dụng tại hầu hết các đơn vị viện kiểm sát cấp huyện. Một số Viện kiểm sát cấp huyện đã có chuyển biến trong công tác kiểm sát THADS, kết quả đạt chất lượng cao hơn, phát hiện được nhiều vi phạm, ban hành kiến nghị, kháng nghị có chất lượng, tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo về THADS giảm như: Viện kiểm sát TP.Pleiku, Chư Sê, Chư Pưh, Kông chro, Chư Păh...([2])

Qua đó, nhiều kỹ năng nghiệp vụ được tổng hợp nhằm triển khai và rút kinh nghiệm chung cho các cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện khi tham gia trực tiếp kiểm sát với còn nhiều hạn chế, thiếu sót như:
- Hầu hết các cán bộ Kiểm sát viên cấp huyện khi tham gia còn bị động trong nội dung kiểm sát.
- Không nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kiểm sát theo kế hoạch.
- Chưa định dạng, gọi tên được các vi phạm khi kiểm sát vào từng vụ việc, lĩnh vực cụ thể.
- Chưa thành thạo trong cách phân biệt, đánh giá mức độ sai phạm trong tác nghiệp của Chấp hành viên để phân loại vi phạm (loại nào đưa vào kiến nghị, loại nào đưa vào kháng nghị, loại nào được tổng hợp để nhắc nhở, rút kinh nghiệp chung).
- Hiệu quả phối hợp giữa các thành viên phòng nghiệp vụ và các cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện tham gia trong Đoàn chưa cao.
- Các Kiểm sát viên Phòng nghiệp vụ mất nhiều thời gian để giải thích, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện nhưng việc hướng dẫn không mang tính hệ thống, có định hướng theo kiểu huyện vướng chỗ nào, khi nào thì hỏi chỗ đó....

Do vậy, cần thiết phải tập trung nghiên cứu, đi sâu vào giải pháp để nâng cao kỹ năng kỹ năng tác nghiệp riêng đối với Kiểm sát viên cấp huyện khi áp dụng mô hình tự đào tạo nêu trên.

2.2. Giải pháp nâng cao kỹ năng tác nghiệp đối với Kiểm sát viên cấp huyện trong mô hình tự đào tạo thông qua trực tiếp hướng dẫn của VKS tỉnh trong công tác Thi hành án dân sự

Qua quá trình nghiên cứu các phương pháp, các bài viết chuyên đề, đề tài khoa học, tổng hợp và quan sát các thao tác nghiệp vụ được trải nghiệm tác giả đưa ra một số giải pháp đối với cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện khi tham gia trực tiếp kiểm sát THADS cùng Phòng nghiệp vụ VKS cấp tỉnh như sau:

Giai đoạn chuẩn bị:

Đối với Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát cấp tỉnh:
Bước 1: Lựa chọn lĩnh vực trực tiếp kiểm sát và lĩnh vực đào tạo.
Muốn xây dựng Quyết định và kế hoạch trực tiếp kiểm sát đáp ứng được 02 mục tiêu vừa kiểm tra được nghiệp vụ vừa nhằm mục đích đào tạo phải xác định được lĩnh vực cần kiểm sát và lĩnh vực cần đào tạo.
Công đoạn này do Phòng nghiệp vụ VKS tỉnh chuẩn bị, trong đó lĩnh vực kiểm sát Phòng nghiệp vụ có sự tổng hợp, khảo sát toàn diện các nội dung VKS cấp huyện đã tiến hành TTKS hằng năm, cần xác định được mảng nghiệp vụ nào cần phải kiểm tra, mảng nghiệp vụ nào VKS cấp huyện đã kiểm tra rồi nhưng còn hạn chế, có nhiều dạng vi phạm chưa phát hiện được, cần tiếp tục nghiên cứu, mảng nghiệp vụ THA nào nổi cộm trên địa bàn huyện đó cần đi sâu.
Đây là bước quan trọng nhất, đòi hỏi Phòng nghiệp vụ có sự bao quát ở tầm rộng cả về thực trạng chuyên môn nghiệp vụ của mạng lưới Chấp hành viên mỗi Chi cục, cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của VKS cấp huyện. Trên cơ sở đó định hình được lĩnh vực chuyên môn cần kiểm tra đối với các Chấp hành viên, đồng thời cũng xác định được lĩnh vực cần đào tạo đối với Kiểm sát viên cấp dưới của mình.
Yêu cầu đặt ra đối với Phòng nghiệp vụ VKS tỉnh:
- Hàng năm, phòng nghiệp vụ cần tổng kết về thực trạng công tác thi hành án ở mỗi chi cục THADS cấp huyện, tổng kết và đánh giá sát về chất lượng kiểm sát cũng như trình độ của cán bộ, Kiểm sát viên.
- Tổng hợp, đánh giá được mảng nghiệp vụ nào còn mỏng, mảng nghiệp vụ nào được thực hiện tốt của mỗi Chi cục THADS, thậm chí mỗi Chấp hành viên và Kiểm sát viên cấp dưới.
- Trên cơ sở đánh giá về con người, chất lượng công việc sẽ định hình được ở mỗi Chi cục THADS cấp huyện trong năm tiếp theo sẽ cần kiểm sát lĩnh vực nào đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo nghiệp vụ cho Kiểm sát viên cấp huyện sát với thực tiễn.
Bước 2: Ban hành Quyết định, Kế hoạch trực tiếp kiểm sát.
Trên cơ sở kết quả của Bước 1, Phòng nghiệp vụ tiến hành tham mưu cho Lãnh đạo phụ trách VKS tỉnh ban hành Quyết định và Kế hoạch sát với nhu cầu đào tạo, sát với thực trạng địa phương cần trực tiếp kiểm sát.
Dựa trên nội dung của Kế hoạch kiểm sát, Phòng nghiệp vụ VKS tỉnh cần gửi trước Quyết định và Kế hoạch cho VKS cấp huyện.
Chuẩn bị các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc trực tiếp kiểm sát và phân loại vi phạm, định dạng được vi phạm và định hình được các loại văn bản quy phạm pháp luật trong mỗi lĩnh vực để sử dụng và thuận tiện khi cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện xin ý kiến, trao đổi nghiệp vụ.
Bước 3: Chuẩn bị về cơ sở vật chất, con người.
- Chủ động liên hệ về chỗ ở trong suốt thời gian tiến hành kiểm sát; chuẩn bị bút mực các loại, giấy đóng thành tập dạng biên bản làm việc, chuẩn bị biên bản xác minh, máy ảnh, Sổ ghi chép, máy vi tính, máy tính...
- Về con người: Đối với Phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh có Trưởng (Phó) Phòng, KSV trung cấp, KSV sơ cấp.
- Lãnh đạo Phòng liên hệ trước với Chi cục THADS hoặc VKS cấp huyện về việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, xây dựng báo cáo, phòng làm việc, thời gian và cách thức làm việc...

Đối với cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện:
Bước 1: Nghiên cứu kỹ các nội dung trong Kế hoạch trực tiếp kiểm sát, cần xác định rõ các lĩnh vực mà Kế hoạch yêu cầu.
Bước 2: Chuẩn bị văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung kiểm sát.
Bước 3: Nắm vững các dạng vi phạm điển hình thường gặp trong các lĩnh vực mà Kế hoạch sẽ tiến hành kiểm sát.
Có thể điển hình một số dạng vi phạm như sau:

Thứ nhất: Khi kiểm tra các loại sổ về thi hành án dân sự:
- Về văn bản: Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong THADS; Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính về hệ thống sổ sách kế toán thi hành án.
- Các loại sổ cần lưu ý: Sổ nhận bản án, quyết định; sổ nhận yêu cầu thi hành án; sổ thụ lý THADS; sổ ra quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án; sổ nhận đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; sổ theo dõi vật chứng, tài sản kê biên, tạm giữ; sổ ra quyết định ủy thác thi hành án và nhận quyết định ủy thác thi hành án; sổ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án; sổ ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, tiếp tục thi hành án; sổ theo dõi miễn, giảm thi hành án; sổ ra quyết định đình chỉ thi hành án; sổ ra quyết định cưỡng chế thi hành án; sổ theo dõi, lưu trữ hồ sơ thi hành án; sổ theo dõi thu phí thi hành án; sổ theo dõi xử lý tài sản bán đấu giá thi hành án; sổ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; sổ theo dõi, quản lý thi hành án hành chính; sổ theo dõi việc chưa có điều kiện thi hành án; sổ kế toán thi hành án....

Thứ hai: khi kiểm tra hồ sơ nghiệp vụ thi hành án:
- Văn bản: Luật thi hành án dân sự; Luật đất đai; Luật hôn nhân gia đình; Luật đấu giá tài sản, ...các đạo luật liên quan; các văn bản hướng dẫn như Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, Quy chế phối hợp...
- Để làm tốt việc kiểm tra vào hồ sơ tác nghiệp của các Chấp hành viên mỗi Kiêm sát của Đoàn kiểm tra cần có bảng kê báo cáo về số việc của riêng từng Chấp hành viên. Khi tiến hành kiểm tra cần đánh dấu cụ thể vào từng vụ, việc, hồ sơ để tiện và thống nhất trong việc theo dõi sự chênh lệch và số liệu, hồ sơ cung cấp đúng hay sai.

- Khi kiểm tra hồ sơ nghiệp vụ thi hành án cần xem xét việc Chấp hành viên có lập hồ sơ nghiệp vụ thi hành án không? Chú ý các trường hợp ra quyết định thi hành án nhưng không thông báo tự nguyện thi hành án, thông báo chậm hoặc chậm xác minh điều kiện thi hành án hoặc không xác minh điều kiện thi hành án. Các biên bản xác minh điều kiện thi hành án có ghi rõ ngày, tháng, năm xác minh không? Có sửa chữa, tẩy xóa không? Cần đề phòng trường hợp làm giả, rút tài liệu, chèn tài liệu trong hồ sơ khi số thứ tự không đúng, không hợp lý về mặt thời gian... lưu ý việc xác minh điều kiện thi hành án, việc thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới, việc kê biên, xử lý tài sản để thi hành án, việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án...

Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ thi hành hành án để làm rõ vi phạm trong công tác phân loại, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, hoạt động tổ chức thi hành án, tài sản cần xem xét làm rõ các nội dung sau:
+ Số lượng hồ sơ đã ra quyết định thi hành án nhưng chậm xác minh điều kiện thi hành án? Thời gian Chấp hành viên để hồ sơ tồn đọng không xác minh điều kiện thi hành án?
+ Số lượng hồ sơ không xác minh điều kiện thi hành án nhưng lại ra quyết định hoãn hoặc chưa có điều kiện thi hành án; số lượng biên bản xác minh điều kiện thi hành án có sai sót hoặc không xác minh điều kiện thi hành án tại địa chỉ mới của người phải thi hành án để làm cơ sở tác động thi hành án hoặc ủy thác thi hành án?
+ Số lượng hồ sơ khi cơ quan THADS ra quyết định thi hành án Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành quyết định thi hành án đã để quá thời hạn mới tống đạt quyết định thi hành án hoặc quá thời hạn mới thông báo tự nguyện thi hành án.
+ Số lượng hồ sơ không xác minh tình trạng tài sản của người phải thi hành án để ngăn chặn chuyển dịch tài sản như không xác minh tình trạng nhà, đất và tài sản khác, không kịp thời xử lý tịch thu tiền, tài sản hoặc hoàn trả dự án phí, lệ phí theo bản án, quyết định?
+ Xác định có hay không vi phạm trong việc ấn định thời gian tự nguyện thi hành án và tài liệu chứng minh việc chấp hành của đương sự?
+ Xác định căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án trong quá trình tổ chức thi hành án được thể hiện trong hồ sơ thi hành án, các loại văn bản, tài liệu liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án; việc chấp hành pháp luật trong quá trình kê biên tài sản, định giá và bán tài sản, việc thực hiện quyền của đương sự trong quá trình cưỡng chế thi hành án...
+ Xác định có hay không có vi phạm trong việc thu, chi tiền, tài sản và kế toán nghiệp vụ thi hành án, thu chi các khoản nộp ngân sách nhà nước...

Thứ ba: Khi kiểm tra việc quản lý, thu, chi tiền thi hành án dân sự
- Văn bản:
+ Thông tư số 91/2009/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính tại Điều 4 quy định về kế toán giá trị và kế toán hiện vật; Điều 8 quy định nội dung kế toán tiền, kế toán tài sản, kế toán thanh toán; Điều 11 quy định trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc chấp hành nguyên tắc, chế độ, thủ tục và nghiệp vụ tài chính kế toán tài chính; Điều 17, 18, 20, 22 quy định nội dung các chứng từ viết sai, hủy và việc xử lý chứng từ mất, hư hỏng.
+ Hệ thống chứng từ kế toán theo quy định của Luật kế toán, Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 của Chính phủ và Thông tư số 91 nêu trên để xác định có hay không việc để ngoài sổ kế toán các khoản thu, chi, tài sản, tiền quỹ, công nợ.
+ Thông tư 200/2016 của Bộ tài chính; Thông tư 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp quản lý vfa sử dụng phí THADS...
- Kiểm tra sổ kế toán nghiệp vụ thi hành án cần xem kỹ việc ghi chép sổ sách, xác định quỹ tiền mặt trong sổ quỹ tiền mặt tính đến ngày VKS trực tiếp kiểm sát là bao nhiêu, số tiền thu nộp quỹ so với số tiền mặt thực tế trong két sắt có chênh lệch không? Xác định các khoản phải thu, đã thu của đối tượng phải thi hành án, các khoản chi trả cho đối tượng được thi hành, các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Đối chiếu sổ kế toán với từng hồ sơ nghiệp vụ thi hành án của Chấp hành viên để xác định tình hình nhập xuất tiền và tài sản thi hành án; việc kết sổ hàng tháng, cân đối số tiền thu, chi tiền thi hành án với các loại chứng từ liên quan. Nếu xét thấy cần thiết Viện kiểm sát có thể xác minh số tiền của cơ quan thi hành án nộp kho bạc, tiền gửi tiết kiệm, tiền tạm gửi ở ngân hàng để cân đối việc thu, chi.
- Khi kiểm tra việc thu phí thi hành án cần chú ý các trường hợp không phải thu phí thi hành án, xác định việc tính phí thi hành án trên số tiền, tài sản theo bản án, quyết định của Toà án với quyết định thi hành án, xem xét việc chi trả, thu nộp, miễn, giảm phí thi hành án của cơ quan THADS (cần lưu ý xem xét các trường hợp đương sự tự nguyện thoả thuận thi hành án có nhằm trốn phí thi hành án không? việc thoả thuận đó có trái pháp luật không và có trái đạo đức xã hội không).

Thứ tư: Khi so sánh tài liệu giữa hồ sơ nghiệp vụ thi hành án và hồ sơ bán đấu giá tài sản
- Văn bản: Luật đấu giá tài sản; Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số diều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản; Thông tư số 03/2012/TT-BTC của Bộ tài chính ngày 05/01/2012 hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá, phí tham gia đấy giá và lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá tài sản...
- Đối với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm, Kiểm sát viên phải chú ý kiểm sát chặt chẽ trình tự, thủ tục, nội dung việc tổ chức thi hành bản án, quyết định; đối chiếu tài liệu của hồ sơ thi hành án với các tài liệu có trong hồ sơ bán đấu giá tài sản (do VKSND yêu cầu trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc doanh nghiệp bán đấu giá cung cấp) hoặc đối chiếu với các tài liệu do đương sự cung cấp... qua đó, tìm ra được những điểm mâu thuẫn, vi phạm của cơ quan THADS.

Thứ năm: Khi nghiên cứu hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án
Trên cơ sở kiểm tra sổ nhận đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án, Kiểm sát viên phải lưu ý ngày nhận đơn và kết quả giải quyết ghi trong sổ nhận đơn, giải quyết, khiếu nại, tố cáo về thi hành án; Nghiên cứu hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án đối chiếu với các nguồn tin do VKSND thu thập được để kiểm sát hoạt động của cơ quan THADS phải xác định được những nội dung: thời gian giải quyết; việc phân loại đơn; nội dung giải quyết có đầy đủ theo đơn hay không; Trình tự thủ tục giải quyết; Lưu ý các đơn khiếu kiện, khiếu nại kéo dài...
Bước 4: Sau khi chuẩn bị xong về văn bản quy phạm pháp luật, định dạng vi phạm liên quan đến nội dung theo Kế hoạch, Kiểm sát viên cấp huyện cần chuẩn bị sổ sách để phục vụ việc ghi chép, bút mực các loại, Giấy A4 (dạng biên bản làm việc).
Yêu cầu cần có đối với Kiểm sát viên cấp huyện:
- Tổng hợp, đánh giá khái quát được tình hình, thực trạng công tác THADS của huyện và điểm mạnh, yếu, năng lực sở trường của mỗi Chấp hành viên.
- Có tính chủ động, kỹ càng, tỉ mỉ.
- Có kỹ năng làm việc theo nhóm.
- Có khả năng quan sát, tổng hợp tốt.
Giai đoạn thực hiện trực tiếp kiểm sát:
+ Bước 1: Công bố Quyết định, Kế hoạch và có trao đổi về lịch trình làm việc, cách thức cung cấp, giao, bảo quản hồ sơ, tài liệu và phương pháp phối hợp với đơn vị được kiểm sát.
+ Bước 2: Phân công nhiệm vụ cho các thành viên và triển khai phương pháp làm việc.
+ Bước 3: Tiến hành đi sâu các nội dung theo kế hoạch, Trưởng đoàn có sự tính toán, sắp xếp cán bộ, Kiểm sát viên cấp huyện có thể tham gia tất cả các khâu, nhấn mạnh các nội dung cần thực hiện theo Kế hoạch, chỉ rõ các kỹ năng cần thực hiện khi tác nghiệp.
+ Bước 4: Tổng hợp kết quả chỉ ra những nội dung đã phát hiện, phân tích đánh giá các dạng vi phạm mà các thành viên trong Đoàn phát hiện được, cần thiết tổ chức họp bàn để phân tích, thống nhất về quan điểm đối với những nội dung vi phạm phức tạp, nhiều ý kiến khác nhau.
+ Bước 5: Thông qua biên bản tổng hợp vi phạm, dự thảo kết luận và Kết luận chính thức.
+ Bước 6: Họp tổng kết nhằm đánh giá các kết quả đạt được so với kế hoạch ban đầu, chỉ rõ kết quả Kiểm sát viên cấp huyện làm được, chưa làm được, chỉ rõ dạng vi phạm nào VKS cấp huyện không phát hiện qua công tác kiểm sát thường xuyên và những dạng vi phạm mới được phát hiện khi phối hợp cùng VKS tỉnh thực hiện. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm chung.

2.3. Hạn chế của sáng kiến
Các giải pháp trên nếu được áp dụng một cách nghiêm túc và chủ động từ phía VKS cấp huyện sẽ phát huy được hiệu quả của mô hình tự đào tạo mà Phòng 11 – VKSND tỉnh Gia Lai đã ứng dụng từ năm 2016 đến nay, đồng thời nâng cao chất lượng của Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS ở cấp huyện. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số vấn đề như:
- Cần nhiều thời gian, công sức và tâm huyết của cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp và Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ VKS tỉnh.
- Áp lực công việc nhiều cho Phòng nghiệp vụ VKS tỉnh, bởi trong một cuộc trực tiếp kiểm sát nhưng đòi hỏi phải thực hiện cùng lúc 02 nhiệm vụ song hành: kiểm tra nghiệp vụ của Chi cục THADS và đào tạo nghiệp vụ cho VKS cấp dưới.
         
III. PHẦN KẾT LUẬN

         
Việc nghiên cứu và thực hiện, áp dụng sáng kiến “Giải pháp nâng cao kỹ năng tác nghiệp đối với Kiểm sát viên cấp huyện trong mô hình tự đào tạo thông qua trực tiếp hướng dẫn của VKS tỉnh trong công tác Thi hành án dân sự” tại VKSND huyện Mang Yang đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát THADS trên địa bàn huyện Mang Yang.

Là nguồn tài liệu nền tảng tốt để các cán bộ, Kiểm sát viên tham khảo, học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng là một trong những phương pháp tự đào tạo để thực hiện khâu công tác đột phá “Đổi mới công tác tổ chức cán bộ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bản lĩnh, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong thực thi công vụ”.
 

([1]) Phòng 11 – VKSND tỉnh Gia Lai (2016) – Chuyên đề “Giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự trong ngành kiểm sát tỉnh Gia Lai” và Số liệu thống kê nghiệp vụ năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018.
 
([2]) Phòng 11 – VKSND tỉnh Gia Lai (2016) – Chuyên đề “Giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự trong ngành kiểm sát tỉnh Gia Lai” và Số liệu thống kê nghiệp vụ năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018.

 

 

Tác giả bài viết: Lê Thị Thoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập60
  • Hôm nay7,653
  • Tháng hiện tại709,093
  • Tổng lượt truy cập16,403,859
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây