Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Thứ hai - 13/11/2017 20:39 2.337 0
Trong thời gian qua, công tác thi hành án hình sự về án treo, án phạt cải tạo không giam giữ luôn được Cấp ủy, Chính quyền thị xã An Khê quan tâm.

A. THUYẾT MINH SÁNG KIẾN

- Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Thi hành án hình sự;
- Sự cần thiết phải áp dụng sáng kiến:

Trong thời gian qua, công tác thi hành án hình sự về án treo, án phạt cải tạo không giam giữ luôn được Cấp ủy, Chính quyền thị xã An Khê quan tâm. Kể từ khi Luật thi hành án hình sự năm 2010 có hiệu lực các Cơ quan được giao nhiệm vụ về công tác thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục, cải tạo người chấp hành án trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được trong công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Việc quản lý, giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án còn lỏng lẻo; người chấp hành án đã chấp hành xong thời gian ghi trong bản án nhưng công tác chuyển giao cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an thị xã cấp giấy chứng nhận chấp hành xong bản án chưa kịp thời; chưa nắm rõ quy trình, thủ tục quản lý người chấp hành án; chưa kịp thời xử lý những vi phạm xảy ra dẫn đến công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, án cải tạo không giam giữ đạt hiệu quả chưa cao.   Nguyên nhân do một số Ủy ban nhân dân cấp xã chưa quan tâm đúng mức, một số cán bộ trực tiếp làm công tác này (nhất là ở cấp xã) chưa làm hết trách nhiệm, chưa nắm vững các quy định của pháp luật có liên quan.
Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thi hành án hình sự, khắc phục những tồn tại, hạn chế xảy ra trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân thị xã An Khê phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã, Cơ quan Thi hành án Hình sự Công an thị xã tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác thi hành án hình sự cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
         
- Mô tả các giải pháp cũ thường làm:
Qua công tác trực tiếp kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND các xã, phường trên địa bàn, Viện kiểm sát nhân dân thị xã đã ban hành kiến nghị yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã chấn chỉnh vi phạm, đề nghị Chủ tịch UBND thị xã chỉ đạo UBND cấp xã khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, việc kiến nghị chỉ đơn lẻ đối với từng, xã, phường được kiểm tra, chưa tạo được sự thống nhất trong quy trình thực hiện, một số dạng vi phạm đã kiến nghị vẫn xảy ra ở đơn vị mới được kiểm tra.
         
- Mô tả nội dung sáng kiến:
Viện kiểm sát chủ động đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã An Khê tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác thi hành án hình sự cho chủ tịch UBND, Trưởng công an các xã, phường có sự phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân thị xã An Khê, Ủy ban nhân dân thị xã, Cơ quan Thi hành án Hình sự Công an thị xã. Trong đó chủ yếu tập trung vào các nội dung hướng dẫn quy trình, thủ tục quản lý người chấp hành án theo đúng quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2010; làm rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ (nhất là UBND cấp xã); nêu ra các dạng vi phạm điển hình trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án trong thời gian qua đồng thời đề ra các biện pháp nhằm khắc phục các vi phạm. Cụ thể:
Cơ quan Thi hành án hình sự công an thị xã: Báo cáo kết quả hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Thi hành án hình sự; Công tác quản lý, giáo dục các đối tượng chấp hành xong án phạt tù; Công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ.
Ủy ban nhân dân cấp xã: Báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Viện kiểm sát. Những khó khăn, vướng mắc của công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án hình sự tại địa phương.
Viện kiểm sát nhân dân thị xã: Xây dựng hướng dẫn về trình tự, thủ tục trong công tác Thi hành án hình sự; Thực trạng tình hình công tác Thi hành án hình sự tại Ủy ban nhân dân cấp xã và một số giải pháp. Đồng thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian qua.

- Ngày sáng kiến được áp dụng: Ngày 20/4/2017 tại Hội trường Ủy ban nhân dân thị xã An Khê.

- Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:
Hội nghị tập huấn đã được Cấp ủy, Chính quyền địa phương đánh giá là cách làm hay, giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng trong công tác thi hành án hình sự ở địa phương. Là một cách thức tự nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác Thi hành án hình sự nói riêng và cán bộ Tư pháp nói chung.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã đánh giá cao sự phối hợp của các Cơ quan tư pháp đối với công tác này, nhất là giữa Viện kiểm sát thị xã và Cơ quan Thi hành án hình sự Công an thị xã. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân, công an các xã, phường nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Thi hành án hình sự, không để xảy ra vi phạm trong thời gian tới.
Đối với Ủy ban nhân dân xã, cán bộ trực tiếp làm công tác này mong muốn hàng năm các Cơ quan tư pháp và Ủy ban nhân dân thị xã tổ chức tập huấn để trang bị thêm kiến thức, giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc thường gặp ở các xã, phường. 
                                                          
B. NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ TẬP HUẤN
 
THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ
  
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ VÀ VAI TRÒ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ:

1. Mục đích, ý nghĩa của công tác thi hành án hình sự:
Thi hành án hình sự là một hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước nhằm thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nhiệm vụ của giai đoạn này nhằm mục đích cảm hóa tư tưởng, giáo dục nhân cách, văn hóa, kỹ năng lao động làm cho người chấp hành án trở thành một công dân tốt cho xã hội, mặt khác góp phần răn đe, ngăn ngừa chung. Với ý nghĩa là giai đoạn cuối cùng của quá trình giải quyết một vụ án, thi hành án hình sự có mối quan hệ hữu cơ với giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Nếu mục đích thi hành án không đạt được thì toàn bộ hoạt động của giai đoạn trước đó cũng trở nên vô nghĩa. Nếu bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật không được thi hành hoặc thi hành không nghiêm thì trật tự, kỷ cương của xã hội bị vi phạm, quyền lực Nhà nước bị xem thường. Chính vì vậy, đảm bảo hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án là một yêu cầu khách quan trong hoạt động quản lý Nhà nước.  
Luật Thi hành án hình sự bao gồm 15 chương, 182 điều đã được Quốc hội khóa XII, thông qua ngày 17/06/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2011, đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.

2. Vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác thi hành án hình sự:
Ủy ban nhân dân xã, phường (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) là cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự nằm trong hệ thống tổ chức thi hành án hình sự (Điều 10 Luật THAHS). Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã (Quy định tại Điều 18 Luật THAHS): “Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân và án treo. Công an cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này”.
 Như vậy, UBND cấp xã là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện việc thi hành các hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân và án treo.
Việc áp dụng đúng đắn các quy định về án treo, án phạt cải tạo không giam giữ sẽ có tác dụng tốt là không bắt người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội mà vẫn đạt được mục đích giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội; nhưng nếu áp dụng không đúng thì sẽ gây ảnh hưởng xấu về nhiều mặt như: không phát huy được tác dụng tích cực của án treo là khuyến khích người bị kết án tự cải tạo để trở thành người tốt, không thể hiện được tính công minh của pháp luật, không được nhân dân đồng tình ủng hộ, không đề cao được tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.
Sau khi nhận được hồ sơ thi hành án do Cơ quan Thi hành án hình sự Công an thị xã chuyển giao, Uỷ ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện việc thi hành án theo thẩm quyền. (Quy định tại Điều 31, 38, Bộ luật Hình sự, Điều 264 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 62, 73, 82, 89 Luật THAHS). Cụ thể:
- Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức giám sát, giáo dục;
- Phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục;
- Yêu cầu người chấp hành án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình (nghĩa vụ người chấp hành án treo quy định tại Điều 64, án phạt cải tạo quy định tại Điều 75 Luật THAHS như chấp hành nghiêm cam kết trong việc tuân thủ PL, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nơi cư trú, làm việc, tích cực lao động, học tập, chấp hành các hình phạt bổ sung, bồi thường thiệt hại; có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã; đi khỏi nơi cư trú từ 01 ngày trở lên phải khai báo tạm vắng; ba tháng 01 lần nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án…; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật;  kiểm điểm người chấp hành án vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 67, 79 Luật THAHS).
- Biểu dương người được chấp hành án có nhiều tiến bộ hoặc lập công;
- Giải quyết cho người chấp hành án được vắng mặt ở nơi cư trú theo quy định của Luật THAHS và pháp luật về cư trú;
- Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện khấu trừ một phần thu nhập của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ theo QĐ của Tòa án để sung quỹ Nhà nước;
- Phối hợp với gia đình và cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án làm việc, học tập trong việc giám sát, giáo dục người đó;
- Lập hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách của án treo, xét miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
- Nhận xét bằng văn bản và lưu vào sổ theo dõi về quá trình chấp hành án của người chấp hành án khi người đó chuyển đi nơi khác;
- Thực hiện thống kê, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền về kết quả thi hành án;
- Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người chấp hành án theo quy định của pháp luật;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của Luật THAHS.
- Đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, miễn giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo đối với bị án đủ điều kiện (chấp hành tốt, được khen thưởng hoặc lập công, bị bệnh hiểm nghèo quy định tại Điều 66, 77 Luật THAHS).
- Lập hồ sơ đề nghị Cơ quan THAHS Công an thị xã cấp Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt, thời gian thử thách trước khi hết thời gian thử thách, thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo 03 ngày (Điều 62, 73 Luật THAHS).
- Thông báo cho Cơ quan THAHS Công an thị xã những trường hợp người chấp hành án treo thay đổi nơi cư trú để làm thủ tục chuyển giao hồ sơ đến UBND cấp xã nơi người đó đến cư trú (Điều 69).
- Bổ sung các tài liệu vào hồ sơ thi hành án (Điều 68, 80).
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp xã còn trực tiếp thi hành một số hình phạt như cấm cư trú, quản chế, đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân, biện pháp giáo dục tại xã, phường đối với người chưa thành niên phạm tội và phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự trong việc thi hành án phạt tù cũng như các hình phạt khác như quản lý người hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, tạo điều kiện thuận lợi cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống sớm ổn định cuộc sống…xác nhận đơn xin hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù hoặc đơn xin xóa án tích của bị án (Điều 63 -67 BLHS, Điều 233 Bộ luật Tố tụng hình sự, khoản 2 Điều 24, 83, 87, 90, 94, 103, 121 Luật THAHS).

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THỊ XÃ TỪ KHI LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ CÓ HIỆU LỰC CHO ĐẾN NAY:

1. Tình hình triển khai thực hiện Luật THAHS:
Ngay khi Luật thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thị xã và hướng dẫn của Cơ quan thi hành án hình sự Công an thị xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện cơ bản đúng những nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Luật thi hành án hình sự, trong đó có việc tổ chức thi hành án phạt tù nhưng được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ. Công tác giám sát, giáo dục người chấp hành án ở UBND cấp xã trên địa bàn đã đi vào nề nếp, có những chuyển biến bước đầu và đạt được một số kết quả tích cực.

2. Kết quả công tác thi hành án treo và cải tạo tại Ủy ban nhân dân cấp xã:
Từ năm 2011 đến nay, VKSND thị xã tiến hành 25 cuộc kiểm sát trực tiếp tại UBND cấp xã với 331 lượt hồ sơ người chấp hành án treo và cải tạo không giam giữ. Đã ban hành 25 kết luận, trong đó có 20 kiến nghị, 01 kháng nghị (kèm kết luận), 01 kiến nghị riêng đối với UBND cấp xã; 02 kiến nghị đối với Chủ tịch UBND thị xã đề nghị chỉ đạo công tác thi hành án hình sự đối với UBND cấp xã (năm 2015, 2016). Trực tiếp phúc tra việc thực hiện kiến nghị của VKS tại một số UBND xã, phường. Qua đó nhận thấy:

2.1. Ưu điểm:
- Công tác tiếp nhận, quản lý giáo dục người chấp hành án đã dần đi vào nề nếp. Việc quản lý bị án tại UBND xã, phường được chú trọng và quan tâm. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
- Các UBND cấp xã đã thực hiện cơ bản chức năng, quyền hạn trong giám sát, giáo dục người chấp hành án như tiếp nhận hồ sơ, mở sổ sách theo dõi, phân công người giám sát, giáo dục, nhận xét, lập hồ sơ đề nghị xem xét việc rút ngắn thời gian thử thách…
- Nhìn chung người chấp hành án đã chấp hành tương đối đầy đủ quyết định của Tòa án, các quy định về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án. Đã có sự cố gắng gìn giữ, tu dưỡng bản thân không vi phạm pháp luật, chủ động trong việc rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

2.2. Hạn chế:
Bên cạnh những ưu điểm đã nêu ở trên, công tác thi hành án hình sự tại UBND cấp xã vẫn còn nhiều hạn chế, công tác kiểm tra đối với UBND và Công an cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ quy định trong luật thi hành án hình sự chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, sự gắn kết giữa lực lượng Công an cấp xã với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương trong công tác này, nhất là trong việc giám sát, cảm hóa, giáo dục giúp đỡ những người chấp hành án hình sự tại cộng đồng dân cư; UBND cấp xã chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án hình sự, chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các ngành có liên quan phối hợp với lực lượng Công an làm tốt công tác giám sát, giáo dục, động viên giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại xã, phường.
Mặt khác, nhận thức về án treo và cải tạo của người dân và một số cán bộ trực tiếp làm công tác còn hạn chế. Thực tế cho thấy người được hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ là những đối tượng chưa cần thiết phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội mà để họ được học tập, cải tạo, giáo dục tại địa phương, để họ có thời gian sửa chữa lỗi lầm trở thành người có ích cho xã hội, lại có tâm lý chung là không phải đi chấp hành hình phạt tù, được làm việc, lao động tự do ở nhà nên không ít người coi án treo không phải bị kết án dẫn đến coi thường pháp luật, không thực hiện nghĩa vụ chấp hành án dẫn đến hiệu quả không cao, không có tác dụng cải tạo đối với người phạm tội. Có bị án tiếp tục phạm tội mới tại xã Thành An, phường An Phú, Tây Sơn (gồm 03 trường hợp: Phạm Thị Diên, Văn Hoàng Hổ, Trà Văn Tám). Một số cán bộ trực tiếp giám sát, giáo dục chưa giải thích cụ thể, không yêu cầu người chấp hành án chấp hành nghĩa vụ theo quy định, chưa nắm vững quy định của pháp luật có liên quan, dẫn đến còn lúng túng trong việc xác định thời hạn chấp hành án, trong việc lập, bổ sung hồ sơ thi hành án.
Qua kiểm sát trực tiếp, một số cán bộ chưa nắm rõ quy định về cách xác định thời điểm, thời gian chấp hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ, như cộng chung thời gian án phạt tù với thời gian thử thách của án treo, thời điểm chấp hành thời gian thử thách kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận hồ sơ hoặc thời gian chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày tuyên án…
Theo quy định của pháp luật “Án treo” không phải là hình phạt, mà là biện pháp “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Điều kiện mà pháp luật quy định đó chính là “thời gian thử thách”. Thời hạn chấp hành án tình từ ngày tòa tuyên án cho đến khi kết thúc thời gian thử thách. Hướng dẫn cụ thể tại NQ số 01/2013 ngày 06/11/2013 của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao HD thi hành Điều 60 BLHS về án treo).
- Cải tạo không giam giữ là hình phạt được áp dụng từ sáu tháng đến ba năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do Bộ luật Hình sự quy định, mà họ đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi xã hội. Thời hạn tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục (Ủy ban nhân dân cấp xã) nhận được QĐTHA và bản sao bản án. Hướng dẫn cụ thể tại khoản 3 Điều 2, NQ 02/2010 ngày 22/10/2010 của HĐTPTANDTC bổ sung một số hướng dẫn tại NQ 01/2007 và 02/2007 ngày 02/10/2007 của HĐTPTANDTC.

2.3. Một số vi phạm phổ biến:
- Vi phạm trong việc mở sổ sách theo dõi, thụ lý: không thực hiện việc khóa sổ, chưa ghi đầy đủ các cột mục trong sổ, sai ngày tháng chấp hành án, cập nhật thiếu bị án. Hồ sơ không lập thống kê, sắp xếp thiếu khoa học.
- Vi phạm Điều 62, 73 Luật thi hành án hình sự về thi hành quyết định thi hành án treo, cải tạo: Một số hồ sơ sau khi các bị án đã chấp hành xong thời gian thử thách, thời gian chấp hành án phạt nhưng UBND cấp xã chậm chuyển hồ sơ lên Cơ quan thi hành án hình sự Công an thị xã để xem xét cấp giấy chứng nhận chấp hành xong cho các bị án (có trường hợp bị án đã chấp hành xong từ năm 2012 nhưng 04 năm sau (2016) mới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận tại UBND xã Tú An).
- Vi phạm Điều 63, 74 Luật thi hành án hình sự về nhiệm vụ của UBND cấp xã giám sát giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo: một số UBND cấp xã không yêu cầu bị án chấp hành nghĩa vụ thi hành án; chưa phối hợp với gia đình người chấp hành án trong việc giám sát, giáo dục.
- Vi phạm Điều 64, 75 Luật thi hành án hình sự về nghĩa vụ của người được hưởng án treo, án phạt cải tạo: bỏ địa phương đi không báo cáo, UBND, người giám sát, gia đình không biết đi đâu, làm gì gây khó khăn cho việc giám sát, giáo dục.
- Không kịp thời lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đối với bị án có đủ điều kiện.
- Vi phạm Điều 68, 79 Luật thi hành án hình sự về việc bổ sung hồ sơ thi hành: một số hồ sơ không lưu giữ biên bản giao nhận giữa CQTHA và UBND, không có lý lịch cá nhân của người chấp hành án, Quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo đối với bị án được rút ngắn thời gian thử thách; ngoài ra chất lượng hồ sơ, một số bản tự nhận xét còn sơ sài, bản nhận xét của người giám sát giáo dục không ghi ngày tháng, ý kiến nhận xét qua loa nhất là ở UBND xã.

Nguyên nhân:
* Đối với Ủy ban nhân dân xã, phường:
Một số Uỷ ban nhân dân xã, phường chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, chưa triển khai, chỉ đạo kịp thời cho Công an xã, phường thực hiện đúng quy định của Luật THAHS. Còn tình trạng giao hết trách nhiệm cho Công an cấp xã.
* Đối với cán bộ trực tiếp làm công tác thi hành án hình sự:
Cán bộ được phân công chưa làm tốt công tác tham mưu với Chủ tịch ủy ban cấp xã thực hiện công tác quản lý, giám sát theo quy định. Do năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác này còn hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản, chưa nắm vững các quy định của pháp luật, phải kiêm nhiệm nhiều công việc, thay đổi vị trí công tác thường xuyên, không ổn định.
* Đối với người chấp hành án:
Do ý thức chấp hành án của một số bị án còn thấp, nhận thức về án phạt tù cho hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ có những hạn chế nhất định. Một số trường hợp Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện triệu tập đến trụ sở cơ quan thi hành án để ấn định thời gian người chấp hành án có mặt tại UBND cấp xã nhiều lần nhưng không đến trình diện, tự ý bỏ đi khỏi địa phương gây khó khăn cho công tác thi hành án. Trong thời gian thi hành án, nhiều trường hợp người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tự ý bỏ đi khỏi địa phương, không thực hiện báo cáo theo quy định, không thực hiện nghĩa vụ định kỳ 03 tháng một lần phải nộp tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục.
        
III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ÁN TREO VÀ CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ:

1. Về phía UBND, Hội đồng nhân dân thị xã: Cần có sự quan tâm chỉ đạo công tác thực hiện pháp luật tại các địa phương. Trong chương trình kiểm tra, giám sát công tác pháp luật cần chú trọng quan tâm việc thi hành phạt tù cho hưởng án treo và án phạt cải tạo không giam giữ. Phòng tư pháp kiểm tra công tác pháp luật đối với UBND cấp xã cần có sự phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm tra hoạt động pháp luật trong lĩnh vực này có chiều sâu hơn.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã rút kinh nghiệm nghiêm túc, tránh việc tái phạm lại những vi phạm Viện kiểm sát đã kiến nghi, kháng nghị. Cần xác định công tác này gắn liền với công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thuộc trách nhiệm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thường xuyên tập tuấn công tác thi hành án hình sự cho UBND cấp xã, cán bộ trực tiếp làm công tác này (trên thực tế nhiều cán bộ đã được tập huấn thay đổi vị trí công tác, người mới tiếp nhận chưa nắm về công tác này dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện).

2. Về phía UBND các xã, phường: Là cơ quan được giao giám sát, giáo dục người hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ, phải nắm chắc Luật THAHS, cụ thể là những nhiệm vụ của UBND cấp xã được quy định tại Điều 63, Điều 74 Luật THAHS và một số nhiệm vụ khác như đã nói ở phần trên. Cần nhận thức rõ công tác thi hành án án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và có sự quan tâm đúng mức đến công tác này; Cần thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định, trong quá trình tổ chức thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan tham mưu; Nghiên cứu tổ chức một số lớp học tập cho các các bị án để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; Đối với những sai sót, vi phạm cần tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục chấm dứt vi phạm.

3. Về phía cán bộ trực tiếp làm công tác:
Cần nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật về công tác này từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác. Tích cực giáo dục pháp luật cho các bị án nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để công tác thi hành án treo và cải tạo thật sự có hiệu quả.
             
4. Về phía Cơ quan thi hành án hình sự Công an thị xã: Cần yêu cầu công an xã, phường định kỳ báo cáo số liệu, tình hình chấp hành án của các bị án tại địa phương, kịp thời hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho công an cấp xã; Sau khi lập hồ sơ giao các bị án cho Công an và UBND xã, phường, đề nghị gửi thông báo cho VKS để theo dõi, kiểm sát việc thi hành án đúng quy định.

File đính kèm : Báo cáo kết quả tập huấn.
/uploads/news/2017_11/nguyen-thi-hong-duyen.doc
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hồng Duyên

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay11,246
  • Tháng hiện tại798,213
  • Tổng lượt truy cập16,492,979
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây