Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Chuyên đề: Nâng cao chỉ số ứng dụng CNTT trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai

Thứ tư - 24/10/2018 03:00 2.549 0

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ TẦM QUAN TRONG CỦA ỨNG DỤNG CNTT

Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan Chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình về cải cách hành chính của đất nước. Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển công nghệ thông tin, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị nêu rõ “Tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng và Nhà nước là bộ phận hữu cơ quan trọng của cải cách nền hành chính quốc gia, là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhằm tăng cường năng lực quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả”.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã dược triển khai xây dựng, kết nối đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện. Theo thống kê, có 84% các sở, ban. ngành, quận, huyện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Công tác bảo đảm an toàn an ninh thông tin được các bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư hơn. Các bộ, ngành, địa phương đã từng bước trang bị thiết bị, phần mềm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, an ninh thông tin như trang bị phần mềm diệt vi rút cho máy tính, các thiết bị tường lửa (Firewall), hệ thống lưu trữ dữ liệu, thiết bị bảo mật và chặn lọc thư rác chuyên dụng.

Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức (tên miền.gov.vn) để trao đổi thông tin, tài liệu qua mạng và hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc. Việc triển khai các hệ thống này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Hình thức họp trực tuyến đã được triển khai phổ biến tại các Cơ quan nhà nước, bao gồm các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương; cuộc họp giữa các cơ quan thuộc các bộ, ngành, địa phương... đã giúp tiết kiệm chi phí, thời gian tổ chức họp. Với những cuộc họp quy mô quốc gia thực hiện theo hình thức qua mạng tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, với hình thức này, số lượng và thành phần dự họp có thể tăng lên đáng kể, góp phần phổ biến, triển khai công việc đến các cấp được hiệu quả, nhanh chóng.

Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển ứng dụng CNTT, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình ứng dụng CNTT trong các Cơ quan nhà nước hết sức cụ thể, thiết thực, như: Luật Công nghệ thông tin, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của Cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định vể việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của Cơ quan nhà nước; Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt dộng của Cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, Luật An toàn thông tin và Nghị quyết số 36a/NQ- CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKS ngày 05/11/2012 về việc “Tăng cường công tác thống kê và ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân”. Chỉ thị số 01/CT-VKSTC của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về “Công tác của ngành kiểm sát nhân dân năm 2018” yêu cầu việc Bảo đảm các điều kiện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân như: Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung xây dựng Đề án ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ của toàn ngành và của từng đơn vị; xây dựng, hoàn thiện các phần mềm và cơ sở hạ tầng CNTT bảo đảm tính liên thông, kết nối toàn Ngành; tăng cường công tác quản lý hành chính, văn phòng, nghiên cứu áp dụng quy định về chỉ số cải cách hành chính phù hợp với đặc thù của Ngành.

II. MỤC ĐÍCH.

Đánh giá kết quả thực hiện, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện tốt và nâng cao chỉ số ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai.

III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG VIỆC THỰC HIỆN ỨNG DỤNG CNTT TỪ NĂM 2012 ĐẾN NAY.

Những năm gần đây, ngành Kiểm sát nhân dân đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động nghiệp vụ. Trong toàn ngành, từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đã tiến hành triển khai các phần mềm ứng dụng như Hệ thống thông tin và Quản lý án hình sự, dân sự; các biểu mẩu Thống kê thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; Thống kê Vi phạm pháp luật trong Hoạt động tư pháp… và các phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực quản lý, chỉ đạo, điều hành đã tạo lập được một hạ tầng cơ sở về Công nghệ thông tin. Năm 2015 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến V-Meet từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến hơn 800 điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cho công tác của ngành như: Máy chiếu, tivi, hệ thống âm thanh, máy chụp hình, máy ghi âm, máy scaner …

Thời gian qua, hạ tầng kỹ thuật CNTT trong ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành. Số lượng cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng, góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tăng năng suất, hiệu quả công việc. 100% cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong ngành Kiểm sát Gia Lai được trang bị máy tính phục vụ công việc. Hệ thống mạng nội bộ được triển khai, việc trao đổi dữ liệu giữa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và 17 Viện kiểm sát cấp huyện luôn thông suốt, kịp thời, nhanh chóng và ổn định.

IV. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CNTT TRONG NGÀNH KIỂM SÁT GIA LAI.

1. Về quản lý, chỉ đạo.

Những năm gần đây, được sự hướng dẫn nhiệt tình, kịp thời của Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của đồng chí Viện trưởng và tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, hoạt động công nghệ thông tin, không ngừng nâng cao, đổi mới các phần mềm, ứng dụng hiện có để phục vụ tốt cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Trang thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất thường xuyên được cấp mới bảo đảm cho việc nâng cao bộ chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin và chất lượng âm thanh, hình ảnh các cuộc Hội nghị truyền hình trực tuyến từ Viện kiểm sát tỉnh đến 17 điểm cầu Viện kiểm sát cấp huyện luôn đảm bảo, đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên bên cạnh đó, một số lãnh đạo các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện chưa thực sự quyết tâm, chỉ đạo sâu sát việc nhập án hình sự, dân sự vào phần mềm và  ứng dụng CNTT nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động; cũng như phối hợp với phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin từng bước nâng cao thứ hạng trong “Bảng xếp hạng chỉ số ứng dụng CNTT” của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hàng năm.

2. Về nhân lực.

Trong Ngành kiểm sát tỉnh Gia Lai có 02 đồng chí là Cử nhân CNTT kiêm nhiệm công tác Thống kê tội phạm. Với đội ngũ cán bộ CNTT mỏng như vậy nên việc thực hiện nâng cao chỉ số ứng dụng CNTT trong ngành Kiểm sát Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết cán bộ trong ngành đều sử dụng tốt ứng dụng văn phòng như Word, Excel. Đối với các phần mềm truyền file, lấy dữ liệu qua mạng, hoặc một số phần mềm khác đòi hỏi phải có kiến thức CNTT nhưng hiện nay chỉ có khoảng 30% cán bộ trong toàn tỉnh là có khả năng xử lý. Trong khi đó ở VKS cấp huyện không có cán bộ chuyên trách CNTT nên trình độ ứng dụng CNTT và nâng cao chỉ số Ứng dụng CNTT còn nhiều hạn chế.
Một số đồng chí cán bộ, kiểm sát viên 2 cấp chưa chủ động nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Chưa coi trọng việc nhập án hình sự, dân sự vào phần mềm, tỷ lệ nhập án vào phần mềm còn thấp dẫn đến Kết quả thực hiện Bộ chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành còn thấp, chưa đạt yêu cầu.

3. Về hạ tầng kỹ thuật.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngành Kiểm sát Gia Lai đã được đầu tư trang bị khá đầy đủ về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. 100% cán bộ trong ngành đều có kiến thức cơ bản về sử dụng máy tính, mạng máy tính, có khả năng sử dụng thành thạo chương trình tin học văn phòng và các phần mềm ứng dụng liên quan; được trang bị đầy đủ máy tính làm việc để phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ. Phòng thống kê tội phạm và công nghệ thông tin Viện kiểm sát nhân dân tỉnh là phòng chuyên môn được giao nhiệm vụ tham mưu với Lãnh đạo Viện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành. Vì vậy việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát Gia Lai có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa xây dựng xong hệ thống Cơ sở dữ liệu tập trung cũng như hệ thống máy chủ của phần mềm Quản lý án hình sự, dân sự chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong toàn ngành, từ đó khó khăn cho việc nhập án vào phần mềm (phần mềm hay xảy ra lỗi, tổng hợp và kết xuất số liệu ra biểu mẫu thống kê chua chính xác, xử lý các yêu cầu của người dùng đôi lúc rất chậm, tốn rất nhiều thời gian).

4. Về thực hiện bộ chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin.

Hoạt động ứng dụng CNTT của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả tiến bộ. Chỉ số ứng dụng CNTT không ngừng được cải thiện. Năm 2016, Viện KSND tỉnh Gia Lai xếp hạng 53 thì đến năm 2017 xếp hạng 33 toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Hạ tầng CNTT ngày càng được quan tâm đầu tư, một số phần mềm, sáng kiến đã được triển khai và đạt hiệu quả cao như: Trang tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý đơn, khiếu nại tố cáo, các biểu mẫu được xây dựng bằng phần mềm Excel nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn như: phần miềm tổng hợp số liệu tin báo tố giác tội phạm, số liệu án hình sự, phần mềm tính án phí Dân sự, tính ngày tạm giữ, tạm giam, tính tuổi bị can ...
         
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 05/11/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao về việc “Tăng cường công tác thống kê và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân”, ngành Kiểm sát Gia Lai đã nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời triển khai thực hiện Bộ chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân, đã đạt được một số kết quả đáng kể. Hệ thống mạng LAN tại cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai gồm 01 máy chủ với 70 nút mạng kết nối internet, có kết nối Wifi. Việc lắp đặt mạng LAN và cấu hình hệ thống truyền file FTP hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2006, cấp máy Server mới năm 2015 và nâng cấp lên Hệ điều hành Windows Server 2008 giúp cho việc trao đỗi dữ liệu giữa Viện kiểm sát 2 cấp và truyền số liệu thống kê về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được kịp thời, nhanh chóng và ổn định. VKSND tỉnh Gia Lai đã cử cán bộ công nghệ thông tin tham gia các khóa đào tạo quản trị mạng trong chương trình tin học hóa hành chính do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức làm công việc quản trị mạng.
         
Những năm gần đây, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục sửa đổi, bổ sung hệ thống biểu mẫu thống kê để phù hợp với các quy định mới về các Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Dân sự, Tố tụng dân sự… đã có hiệu lực thi hành nhằm đảm bảo các Chỉ tiêu trong biểu mẫu thống kê đáp ứng được việc cung cấp số liệu đầy đủ phục vụ cho việc xây dựng các loại báo cáo. Việc sử dụng các phần mềm thống kê và phần mềm truyền File số liệu mới luôn được ngành Kiểm sát Gia Lai tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin thường xuyên tổ chức tập huấn công tác thống kê và công nghệ thông tin cho cán bộ làm công tác thống kê Viện kiểm sát 2 cấp từ đó công tác thống kê thống kê nghiệp vụ, thống kê tội phạm, thống kê hình sự liên ngành được thực hiện kịp thời và chính xác hơn trước. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã phát huy có hiệu quả việc khai thác số liệu thống kê để xây dựng các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề và các báo cáo tổng kết nhiều năm của ngành, liên ngành, báo cáo Quốc Hội, Hội đồng nhân dân đạt chất lượng. Do đó công tác thống kê của ngành Kiểm sát Gia Lai những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế sai sót về số liệu so với trước đây.
         
Năm 2015, sau khi viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng và hoàn thiện phần mềm Truyền hình hội nghị trực tuyến giữa 3 cấp (Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh - Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện). Từ đó Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức các Hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện như Hội nghị Giao ban hàng tháng, Giao ban quý, Sơ kết 6 tháng, Tổng kết năm, Hội nghị Tập huấn các đạo luật mới năm 2015... qua đó các đồng chí là kiểm sát viên, chuyên viên viện kiểm sát cấp huyện được tham dự đầy đủ các cuộc Hội nghị do Viện KSND tối cao và Viện KSND tỉnh tổ chức nhằm không ngừng nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tiết kiệm kinh phí, thời gian đi lại so với việc tổ chức Hội nghị tập trung như trước đây.
         
Việc sử dụng phần mềm kế toán cũng được ngành Kiểm sát Gia Lai đưa vào thực hiện từ nhiều năm nay, năm 2017 tất cả các đồng chí làm công tác Kế toán Viện kiểm sát 2 cấp đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho Công ty phần mềm Misa về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai tập huấn phần mềm Kế toán Misa, từ đó việc quản lý công tác tài chính kế toán được chặt chẽ.      
         
Cán bộ, kiểm sát viên làm công tác nghiệp vụ ở Viện kiểm sát 2 cấp đều được cấp máy vi tính có kết nối Internet và cài đặt phần mềm diệt Vi rút, có Chứng chỉ tin học văn phòng trình độ A trở lên. Đến nay hầu hết cán bộ, kiểm sát viên đều đã sử dụng thành thạo việc truy cập Internet để tra cứu, cập nhật, khai thác thông tin phục vụ công tác chuyên môn; gửi, nhận, duyệt, chỉnh sửa văn bản, sử dụng máy scan quét gửi văn bản đến các đơn vị trong ngành nghiên cứu, sử dụng và trao đổi thông tin qua hệ thống thư điện tử. Phát huy có hiệu quả việc sử dụng máy in dùng chung qua hệ thống mạng LAN để in ấn tài liệu, đã tiết kiệm được nhiều chi phí hành chính cho cơ quan đơn vị, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh tin học hóa hành chính theo xu hướng đổi mới hiện nay. Tại Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cũng đều sử dụng mạng LAN cho việc trao đổi thông tin trong nội bộ đơn vị, cũng như truyền và gửi báo cáo, số liệu thông kê về hệ thống máy chủ của Viện KSND tỉnh; mặc dù chưa có biên chế cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin ở cấp huyện, nhưng hầu hết các đơn vị trong quá trình sử dụng đều tự đào tạo về chuyên môn sử dụng mạng máy tính để đảm bảo đường truyền mạng của đơn vị luôn ổn định, thông suốt và cũng đã phát huy có hiệu quả việc khai thác, trao đổi thông tin qua mạng máy tính.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng hoạt động ứng dụng CNTT của VKSND tỉnh Gia Lai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc ứng dụng CNTT chưa đạt được yêu cầu tin học hóa các công việc xử lý hằng ngày và chưa gắn kết được với việc cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, tăng cường hiệu quả công việc; chất lượng của đội ngũ các bộ, công chức nói chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển về CNTT; một số đơn vị và cá nhân vẫn còn thụ động, ít chịu đổi mới, chưa hình thành thói quen thường xuyên sử dụng, khai thác và trao đổi thông tin trên môi trường mạng; an toàn thông tin còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, các hệ thống CNTT trọng tâm của Viện KSND tỉnh Gia Lai tuy đã được củng cố nhiều biện pháp kỹ thuật cơ bản, nhưng do lĩnh vực này liên tục phát triển nhanh nên các biện pháp khắc phục luôn bị lạc hậu so với thực tế.

Chưa xây dựng Hệ thống thư điện tử nội bộ trong ngành Kiểm sát Gia Lai. Còn sử dụng Hệ thống thư điện tử miễn phí (Gmail, Yahoo mail) để gửi Công văn, Văn bản giữa 2 cấp. Từ đó ảnh hưởng đến việc bảo mật, an toàn an ninh thông tin.

Kinh phí đầu tư hàng năm cho danh mục CNTT là không có mà chỉ đầu tư mua sắm theo chuyên đề, dự án, các đơn vị địa phương đều phải sử dụng nguồn kinh phí chung của cơ quan, điều này ảnh hưởng lớn đến năng lực hoạt động của công nghệ thông tin. Vì kinh phí còn hạn hẹp nên đến nay Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai chưa tổ chức được Phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm trong toàn ngành cũng như chưa xây dựng được Hệ thống camera giám sát các phiên tòa.

5. Về thực hiện nhập án Hình sự, Dân sự vào phần mềm.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cũng đã triển khai thực hiện phần mềm Quản lý án hình sự từ năm 2014 và phần mềm Quán lý án dân sự năm 2015, đến nay việc thực hiện đang đi vào nề nếp. Tuy nhiên hệ thống máy chủ của 2 phần mềm này thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, xử lý thông tin còn rất chậm làm ảnh hưởng đến việc nhập án vào phần mềm, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Phần mềm Quản lý án hình sự, dân sự hiện nay khi thực hiện chức năng báo cáo thống kê để tổng hợp số liệu, kết xuất ra biểu mẫu thống kê vẫn sử dụng các biểu mẫu thống kê được ban hành theo quyết định số 542/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong khi công tác báo cáo thống kê của ngành Kiểm sát nhân dân hiện nay thực hiện theo Quyết định số 188/QĐ-VKSTC ngày 04/6/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016. Một số chỉ tiêu và cách tổng hợp số liệu của 2 biểu này khác nhau, khi tổng hợp số liệu trên phần mềm kết xuất ra biểu mẫu thống kê đôi lúc số liệu kết xuất ra biểu mẫu không chính xác so với số liệu các đơn vị đã nhập vào phần mềm, từ đó dẫn đến khó khăn cho phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin trong việc tổng hợp, so sánh, đối chiếu số liệu giữa án nhập vào phần mềm và báo cáo thống kê để ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung trong ngành.
Trong năm 2017 phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin đã ban hành 04 thông báo rút kinh nghiệm về việc nhập án vào phần mềm nhưng một số đơn vị có tỷ lệ nhập án vào phần mềm còn thấp, dữ liệu nhập vào phần mềm không chính xác không tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm nên kết quả nhập án của các đơn vị này tính đến cuối năm vẫn còn thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ nhập án và điểm số ứng dụng công nghệ thông tin của toàn tỉnh. Kết quả nhập án vào phần mềm Quản lý án hình sự, dân sự được thể hiện chi tiết dưới 2 bảng so sánh sau:
 
Đơn vị Án tại CQĐT Án tại VKS Án tại Tòa
Số vụ Số bị can Số vụ Số bị can Số vụ Số bị cáo
Tp. Pleiku 63,6 64,8 64,5 64,9 71,5 73,5
H. Đăk Đoa 67,3 66,1 64,1 71,0 64,3 65,2
Tx. An Khê 85,5 83,8 91,9 94,4 153,3 142,2
H. K.Bang 74,6 95,4 79,4 72,6 90,7 88,1
H. Kông Chro 96,3 91,2 100 93,6 85,7 73,2
H. Chư Păh 100 97,0 93,9 92,6 97,7 95,4
H. Ia Grai 91,5 89,5 102,3 102,5 111,1 99,1
H. Đức Cơ 88,4 101,8 82,1 91,5 94,1 97,1
H. Chư Prông 75,2 73,6 48,7 48,9 54,4 51,3
H. Chư Sê 103,4 94,9 106,6 104,8 108,2 101,4
Tx. Ayun Pa 92,5 84,6 100 84,1 97,2 94,0
H. Krông Pa 95 89,1 100 97,0 103,8 101,1
H. Mang Yang 113,5 98,1 112 119,6 114,3 126,3
H. Ia Pa 96,4 80,0 86,7 112,5 77,8 70,4
H. Đăk Pơ 102,7 110 112,5 116,2 93,8 76,4
H. Phú Thiện 82,9 91,1 87,0 84,5 86,2 88,1
H. Chư Pưh 83,1 90,1 69,6 79,6 98,3 100
Phòng 1 58,3 37,1 38,9 28,6 60,0 63,4
Phòng 2 95,7 89,3 100 90,9 98,4 90,4
Phòng 3 81,1 82,3 73,7 72,9 76,2 76,0
Tổng 81,8% 82,2% 81,2% 81,7% 88,7% 87,2%
Bảng kết quả nhập án Hình sự vào phần mềm năm 2017 (từ 01/12/2016 đến 30/11/2017)
Số liệu cập nhật ngày 11/01/2018
 
Qua bảng kết quả nhập án Hình sự vào phần mềm trên của các đơn vị, nhận thấy nhiều đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Trưởng các phòng nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã có sự quan tâm chỉ đạo trong việc cập nhật án vào phần mềm Quản lý và thống kê án hình sự. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số đơn vị có tỷ lệ nhập án vào phần mềm thấp, dữ liệu nhập vào chưa kịp thời, đầy đủ và chính xác, số liệu nhập vào phần mềm so với báo cáo thống kê lại có sự chênh lệch quá cao, chi tiết cụ thể như sau:
* Án thụ lý kiểm sát điều tra:
- Các đơn vị có tỷ lệ nhập án vào phần mềm còn thấp như: Viện KSND thành phố Pleiku (63,6% số vụ, 64,7% số bị can), Viện KSND các huyện: Đăk Đoa (67,3% số vụ; 66,1% số bị can), K.Bang (74,6% số vụ), Chư Prông (75,2% số vụ; 73,6% số bị can) và Phòng 1 (58,3% số vụ; 37,1% số bị can).
- Các đơn vị nhập dữ liệu vào phần mềm không kịp thời, đầy đủ và chính xác, dữ liệu án nhập vào phần mềm cao hơn so với số liệu Báo cáo thống kê năm 2017 như: Viện KSND các huyện Đức Cơ (101,8% số bị can), Chư Sê (103,4% số vụ), Mang Yang (113,5% số vụ); Đăk Pơ (102,7% số vụ; 110% số bị can).
* Án tại Viện kiểm sát:
- Các đơn vị có tỷ lệ nhập án vào phần mềm thấp gồm: Viện KSND thành phố Pleiku (64,5% số vụ; 64,9% số bị can), Viện KSND các huyện Đăk Đoa (64,1% số vụ; 71% số bị can), K.Bang (79,4% số vụ; 72,6% số bị can), Chư Prông (48,7% số vụ; 48,9% số bị can), Chư Pưh (69,6% số vụ; 79,6% số bị can), Phòng 1 (38,9% số vụ; 28,6% số bị can) và Phòng 3 (73,7% số vụ; 72,9% số bị can).
- Các đơn vị có tỷ lệ nhập án vào phần mềm cao hơn so với số liệu báo cáo thống kê gồm: Viện KSND các huyện: Ia Grai (102,3% số vụ; 102,5% số bị can), Chư Sê (106,6% số vụ; 104,9% số bị can), Mang Yang (112% số vụ; 119,6% số bị can), Ia Pa (112,5% số bị can) và Đăk Pơ (112,5% số vụ; 116,2% số bị can).
* Án tại Tòa án:
- Các đơn vị có tỷ lệ nhập án vào phần mềm thấp gồm: Viện KSND thành phố Pleiku (71,5% số vụ; 73,5% số bị cáo), Viện KSND các huyện Đăk Đoa (64,3% số vụ; 65,2% số bị cáo), Kông Chro (73,2% số bị cáo), Chư Prông (54,4% số vụ; 51,3% số bị cáo), Ia Pa (77,8% số vụ án; 70,1% số bị cáo), Đăk Pơ (76,4% số bị cáo), Phòng 1 (60% số vụ; 63,4% số bị cáo) và Phòng 3 (76,2% số vụ; 76% số bị cáo).
- Các đơn vị có tỷ lệ nhập án vào phần mềm cao hơn so với số liệu báo cáo thống kê gồm: Viện KSND thị xã An Khê (153,3% số vụ; 142,2% số bị cáo), Viện KSND các huyện: Ia Grai (111,1% số vụ), Chư Sê (108,2% số vụ; 101,4% số bị cáo), Krông Pa (103,8% số vụ; 101,1% số bị cáo) và Mang Yang (114,3% số vụ; 126,3% số bị cáo).
 
Đơn vị Báo cáo Thống kê Phần mềm Tỷ lệ (%)
Tp. Pleiku 1663 1033 62,2
H. Đăk Đoa 244 169 69,3
Tx. An Khê 351 363 103,4
H. K.Bang 273 247 90,5
H. Kông Chro 61 66 108,2
H. Chư Păh 209 214 102,4
H. Ia Grai 323 262 81,1
H. Đức Cơ 187 192 102,7
H. Chư Prông 400 322 80,5
H. Chư Sê 476 468 98,3
Tx. Ayun Pa 122 98 80,3
H. Krông Pa 151 60 39,7
H. Mang Yang 173 193 111,6
H. Ia Pa 121 102 84,3
H. Đăk Pơ 126 30 23,8
H. Phú Thiện 147 143 97,2
H. Chư Pưh 279 255 91,4
Phòng 9 ( Sơ thẩm) 58 38 65,5
Tổng 5364 4255 79,3
Phòng 9 (Phúc thẩm) 141 32 22,7
Bảng so sánh tỷ lệ nhập án Dân sự vào phần mềm năm 2017 (từ 01/12/2016 đến 30/11/2017)
Số liệu cập nhật ngày 11/01/2018
 
Qua bảng so sánh trên nhận thấy một số đơn vị có tỷ lệ nhập án vào phần mềm còn thấp, một số đơn vị nhập dữ liệu vào phần mềm không kịp thời và chính xác, dữ liệu nhập vào phần mềm cao hơn so với báo cáo thống kê, cụ thể như sau:
- Các đơn vị có kết quả nhập án vào phần mềm còn thấp gồm: Viện KSND thành phố Pleiku (62,2%), Viện KSND các huyện: Đăk Đoa (69,3%), Krông Pa (37,7%), Đăk Pơ (23,8%) và Phòng 9 - Viện KSND tỉnh (65,5% án Sơ thẩm; 22,7% án Phúc thẩm).
- Các đơn vị có tỷ lệ nhập án vào phần mềm cao hơn so với báo cáo thống kê gồm: Viện KSND thị xã An Khê (103,4%), Viện KSND các huyện Kông Chro (108,2%), Chư Păh (102,4%), Đức Cơ (102,7%) và Mang Yang (111,6%).
- 03 đơn vị gồm Viện KSND các huyện Đăk Đoa, Krông Pa và Đăk Pơ từ đầu năm 2017 chưa triển khai thực hiện nhập án vào phần mềm, phòng Thông kê tội phạm và công nghệ thông tin đã có công văn đôn đốc, nhắc nhở và qua 01 năm thực hiện cho đến nay kết quả nhập án vào phần mềm của 03 đơn vị vẫn còn thấp, chưa đạt yêu cầu.

Tỷ lệ nhập án vào phần mềm Quản lý án hình sự, dân sự còn thấp, dữ liệu nhập vào phần mềm đôi lúc chưa được đầy đủ, kịp thời, và chính xác do một số nguyên nhân như:
- Máy chủ của phần mềm Quản lý án hình sự, dân sự đôi lúc chưa đáp ứng được yêu cầu, khi có nhiều người sử dụng đăng nhập vào hệ thống để nhập án máy chủ thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, dữ liệu xử lý rất chậm, gây khó khăn, mất nhiều thời gian cho cán bộ, kiểm sát viên thực hiện nhập án vào phần mềm.
- Các chỉ tiêu đánh giá trong Bộ chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin cũng như kết quả nhập án vào phần mềm của các đơn vị chưa được đưa vào tiêu chí bình xét thi đua cuối năm nên Lãnh đạo một số đơn vị chưa quan tâm, đánh giá chưa đúng vai trò trong việc nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, xem đó là nhiệm vụ của riêng phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin. Chưa chỉ đạo sâu xác cũng như đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị thực hiện nghiêm túc việc nhập án vào phần mềm.
- Các đồng chí cán bộ, kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ nhập dữ liệu vào phần mềm đôi lúc, đôi nơi còn lơ là, thụ động, không chủ động cập nhật ngay vào phần mềm khi phát sinh các lệnh, quyết định của vụ án, khi phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin ban hành thông báo rút kinh nghiệm về kết quả nhập án thì mới tiến hành nhập án, lúc này do nhiều đơn vị cùng đăng nhập vào phần mềm để nhập án dẫn đến tình trạng máy chủ bị quá tải, không xử lý thông tin kịp thời. Một số đồng chí còn xem nhẹ việc nhập án, ưu tiên thời gian cho các việc khác xem là quan trọng hơn vì kết quả nhập án không đưa vào tiêu chí bình xét thi đua cuối năm nên việc nhập án đạt kết quả cao thì tốt, không nhập cũng không ảnh hưởng đến kết quả thi đua.
- Dữ liệu án nhập vào phần mềm cao hơn số liệu báo cáo thống kê nguyên nhân do một số đơn vị có án đã kết thúc các giai đoạn nhưng chưa nhập các quyết định kịp thời, đầy đủ để chuyển sang giai đoạn thụ lý khác, cụ thể như: Án tại CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án năm 2016 đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2016 nhưng chưa nhập Quyết định Kết luận điều tra để chuyển sang giai đoạn truy tố, Cáo trạng để chuyển sang giai đoạn xét xử và Bản án để kết thúc giai đoạn xét xử, làm tăng tổng số vụ án, bị can, bị cáo năm 2017(thường tăng số vụ án, bị can, bị cáo củ) so với số liệu thực tế báo cáo thống kê; án nhận nơi khác chuyển đến rồi nhập với vụ án mà đơn vị đã khởi tố nhưng không thực hiện chức năng nhập vụ án, bị can trong phần mềm dẫn đến tăng tổng số vụ án, bị can của đơn vị.
- Còn tồn tại những vụ án nhập 2 lần vào phần mềm, việc đặt tên các vụ án vào phần mềm còn dài dòng, phức tạp, không nêu rõ tên bị can, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn (thường là các vụ án hình sự đã khởi tố mà chưa xác định được bị can sau khi đã xác định được bị can các đơn vị này không tiến hành đổi tên vụ án trên phần mềm) từ đó gây khó khăn cho các đơn vị khi nhận án thụ lý theo thẩm quyền tiếp tục nhập án vào phần mềm.

V. GIẢI PHÁP, KẾ HOẠCH NÂNG CAO BỘ CHỈ SỐ ỨNG DỤNG CNTT TRONG NGÀNH KIỂM SÁT GIA LAI ĐẾN NĂM 2020.
         
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng CNTT.
         
- Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ứng dụng và phát triển CNTT chưa đạt được hiệu quả cao là do chưa nhận thức và  đánh giá chưa đúng vai trò của việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Khi nhận thức chưa rõ, chưa thống nhất thì mọi nỗ lực đầu tư hoặc chính sách đưa ra đều có thể đạt hiệu quả thấp. Vì vậy, nâng cao nhận thức về  ứng dụng CNTT là một trong những giải pháp hết sức quan trọng. Để thực hiện được giải pháp này cần tập trung một số biện pháp cơ bản sau:
         
- Tăng cường trang bị kiến thức về CNTT, kỹ năng sử dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức. Trong công tác đào tạo cần lưu ý phân loại  đối tượng để có chương trình và nội dung đào tạo phù hợp.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách ứng dụng CNTTbằng các chương trình đào tạo chuyên sâu với đội ngũ cán bộ hiện đang biên chế, thông qua việc đề xuất tập huấn, bồi dưỡng và hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, nhất là các cán bộ đảm nhiệm các công tác CNTT đảm bảo việc sử dụng các ứng dụng CNTT được thành thạo, chính xác, phục vụ tốt cho công tác nghiệp vụ, cũng như tự xử lý và sửa chữa hệ thống CNTT trong nội bộ đơn vị. Tổ chức các hội thi ứng dụng CNTT cho cán bộ, kiểm sát viên, từ đó khuyến khích tự nâng cao trình độ, nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng CNTT ở các  đơn vị,  đồng thời tạo được môi trường học tập kinh nghiệm giữa các lãnh đạo nói riêng và các mô hình ứng dụng CNTT ở đơn vị nói chung.
         
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách ứng dụng CNTT.

         
Đội  ngũ  cán bộ chuyên trách là  điều  kiện  để  đảm bảo cho việc ứng  dụng CNTT được ổn định và cải tiến thường xuyên. Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở  đây trước hết  là cán bộ lãnh  đạo  quản  lý CNTT chuyên  trách,  kế  đến  là  đội ngũ quản trị và thực hiện nhiệm vụ phát triển các ứng dụng CNTT.
         
Trên thực tế, không có một ứng dụng hay phần mềm dùng chung nào có thể sử dụng mãi mãi. Mặt khác, đi cùng với sự phát triển chung, các ứng dụng cũng cần phải thường xuyên được nâng cấp về tính năng, công  nghệ  và  bảo  mật.  Do đó, chỉ có một  đội ngũ CNTT chuyên trách mới có thể đảm bảo cho việc ứng dụng CNTT được ổn định và phát triển lâu dài. Chính vì vậy, cần phải có phương hướng đào tạo chuyên sâu với đội ngũ cán bộ hiện có, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về CNTT hàng năm để cán bộ CNTT các địa phương vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các chương trình ứng dụng, phần mềm mới, nâng cao trình độ trong việc Quản trị hệ thống mạng, hệ thống máy chủ, bảo mật an toàn, an ninh thông tin … Hiện nay chế độ chính sách tiền lương đối với cán bộ CNTT làm trong Ngành còn thấp so với người làm ngoài ngành. Biện pháp cần thiết là thay đổi chế độ tiền lương, đề xuất hưởng chế độ phụ cấp đặc thù hoặc tạo điều kiện bổ nhiệm chức danh Kiểm tra viên, Kiểm sát viên để cán bộ chuyên trách CNTT được hưởng các loại phụ cấp này của Ngành nhằm tăng thêm thu nhập, khuyến khích, động viên cán bộ yên tâm công tác.

3. Thực hiện có hiệu quả các phần mềm hiện có và nghiên cứu, xây dựng các phần mềm ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

- Vận hành và phát triển trang tin điện tử của ngành, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức. Các đồng chí là thành viên, cộng tác viên tổ tuyên truyền Viện kiểm sát 2 cấp cần tăng cường viết bài, đưa tin, làm phong phú nội dung bài viết nhằm phổ biến, tuyên truyền pháp luật rộng rải đến các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.
- Tiếp tục sử dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến về ứng dụng CNTT trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ đã được đồng chí Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng sáng kiến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia lai công nhận là sáng kiến cấp cơ sở như: Sổ thụ lý điện tử theo dõi, quản lý đơn khiếu nại tố cáo; Sổ thụ lý điện tử án hình sự, dân sự; phần mềm Excel tổng hợp số liệu tin báo tố giác tội phạm, số liệu án hình sự hàng tuần; phần mềm tính án phí Dân sự; phần mềm tính ngày tạm giữ, tạm giam, tính tuổi bị can, phần mềm chuyển đổi văn bản từ file PDF, hình ảnh sang file Word …
- Từng bước thay thế các “Sổ thụ lý án thủ công” bằng “Sổ thụ lý án điện tử”để thuận tiện trong việc lưu trữ, quản lý, theo dõi và tổng hợp số liệu xây dựng các báo cáo Thống kê, báo cáo chuyên đề …
- Để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, trong năm 2018 phòng thống kê tội phạm và công nghệ thông tin chủ động tham mưu, đề xuất Lãnh đạo viện xây dựng hệ thống hộp thư điện tử nội bộ mail@vksgl.gov.vn trong ngành Kiểm sát Gia Lai, không sử dụng hệ thống thư điện tử miễn phí như Gmail, Yahoo mail … để gửi Công văn, văn bản.
- Tiến hành khảo sát, chuẩn bị thiết bị kỹ thuật để tổ chức phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm trong toàn ngành Kiểm sát Gia Lai.
- Tăng cường, phối hợp với các Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin tổ chức các cuộc thi về ứng dụng CNTT, đào tạo, tập huấn sử dụng các phần mềm nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên.
- Các cá nhân, đơn vị có nhu cầu, ý tưởng về việc xây dựng các phần mềm, ứng dụng CNTT để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không tự xây dựng được chủ động liên hệ, phối hợp với phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin để cùng nhau nghiên cứu, xây dựng phần mềm dùng thử. Tham mưu Lãnh đạo viện đưa ra sử dụng trong toàn ngành nếu phần mềm, ứng dụng đạt hiệu quả cao.

4. Nâng cao chất lượng hệ thống Hội nghị truyền hình.

- Phát huy hiệu quả thiết thực của hệ thống Hội nghị truyền hình phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên.
- Để phần mềm Hội nghị truyền hình đạt hiệu quả cao, các đơn vị cần đầu tư đầy đủ các trang thiết bị về âm thanh, hình ảnh, đường truyền như Loa; Âm ly; Ti vi; Máy vi tính cấu hình cao; Micro có kết nối với Âm ly, không sử dụng Micro của Camera, đường truyền Internet cáp quang có băng thông từ 30Mbps trở lên. Nên sử dụng máy vi tính riêng để phục vụ Hội nghị truyền hình, ưu tiên sử dụng máy tính bàn để hệ thống được ổn định (hệ thống máy tính xách tay được cấp của ngành Kiểm sát Gia Lai hầu hết chỉ có 1 cổng jack kết nối 3.5mm vì vậy chỉ nhận được 1 đường âm thanh phát ra loa, không nhận được âm thanh từ Micro, sử dụng cổng kết nối usb để kết nối Micro thì chất lượng không đạt yêu cầu). Xây dựng đường dây cáp Internet riêng nối trực tiếp từ Modem đến máy vi tính Hội nghị truyền hình. Khi có cuộc họp cần tắt hết hệ thống mạng của cơ quan, chỉ để lại 1 đường truyền riêng cho máy vi tính phục vụ  Hội nghị truyền hình, giúp cho tín hiệu truyền và nhận được ổn định.
- Khi tiến hành mua sắm, thay thế hệ thống Âm ly, Máy tính cần kiểm tra tính tương thích của thiết bị với phần mềm Hội nghị truyền hình Vmeet của ngành, như năm 2017 một số đơn vị được cấp phát hệ thống Âm ly mới không tương thích với phần mềm, không có cổng kết nối Micro giữa Âm ly với Máy tính, phải tiến hành độ, chế ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của các đơn vị khi phát biểu tại Hội nghị.
- Viện kiểm sát huyện Chư Prông tiến hành kiểm tra lại tất cả các thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hệ thống Hội nghị truyền hình, nếu thiết bị nào hư hỏng đề nghị cho thay thế.
- Viện kiểm sát nhân dân các huyện Ia Grai, Đăk Pơ, Chư Pưh tiến hành kiểm tra chất lượng, băng thông đường truyền Internet, nếu không đạt yêu cầu đề nghị tăng dung lượng băng thông để hệ thống hoạt động tốt (các đơn vị này thường hay bị mất hình ảnh trong các cuộc Hội nghị).
- Khi tổ chức Hội nghị truyền hình trực tuyến, đề nghị các đơn vị bật máy để kiểm tra, kết nối thử đúng thời gian quy định trong Công văn của Văn phòng gửi, đơn vị nào có lý do khách quan không bật máy kiểm thử được phải báo ngay cho phòng TKTP&CNTT để biết, theo dõi. Phòng TKTP&CNTT có trách nhiệm kiểm tra, kết nối thử với tất cả các điểm cầu khi có Hội nghị diễn ra, hướng dẫn cho VKS cấp huyện cách kết nối thiết bị, cài đặt, sử dụng phần mềm có hiệu quả, hạn chế tối đa những sự cố, trục trặc về mặt kỹ thuật khi đang tham gia Hội nghị. Đảm bảo âm thanh, hình ảnh luôn hoạt động tốt giữa các điểm cầu.
- Để các cuộc Hội nghị truyền hình trực tuyến đạt hiệu quả cao, đề nghị tất cả các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện nâng cấp máy vi tính lên Hệ điều hành Windows 10 64bit, tắt hệ thống tường lữa (Firewall) và phần mềm diệt Vi rút khi tham gia Hội nghị. (Đơn vị nào có khó khăn, vướng mắc khi thực hiện liên hệ về phòng TKTP&CNTT để được hỗ trợ).

5. Nâng cao kết quả nhập án vào phần mềm Quản lý án Hình sự, Dân sự.

- Đề xuất đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đưa việc nhập án vào phần mềm Quản lý án hình sự, dân sự cũng như việc thực hiện công tác Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin vào tiêu chí bình, xét thi đua cuối năm.
          - Các đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và các phòng nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị chủ động trong việc thực hiện nhập án vào phần mềm đầy đủ, kịp thời và chính xác.
- Cán bộ, kiểm sát việc được giao nhập án phải chủ động cập nhật ngay các lệnh, quyết định vào phần mềm. Không để tình trạng các vụ án khi kết thúc giai đoạn thụ lý mới nhập vào phần mềm từ đó dẫn đến dữ liệu cập nhật vào phần mềm không đầy đủ, kịp thời và chính xác.

- Để nâng cao trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành của các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và Trưởng các phòng nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cũng như việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các đồng chí cán bộ, kiểm sát viên nhập án vào phần mềm, hàng tháng đề nghị các đơn vị tự tổng hợp số liệu án đã nhập vào phần mềm, so sánh với số liệu báo cáo thống kê của đơn vị và gửi báo cáo về phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin để phòng tiến hành kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và ban hành Thông báo kết quả nhập án trong toàn ngành Kiểm sát Gia Lai.

- Các đơn bị thực hiện chức năng “báo cáo thống kê” trong phần mềm để tổng hợp, “kết xuất báo cáo” để xuất dữ liệu ra biểu mẫu thống kê, “sửa dữ liệu tổng hợp” để kiểm tra, đối chiếu tính chính xác giữa dữ liệu đã nhập vào phần mềm với số liệu kết xuất ra biểu mẩu thống kê. Hàng tháng gửi kèm biểu mẫu thống kê này về phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin để phòng kiểm tra, đối chiếu (Chi tiết cách thực hiện chức năng này phòng sẽ có Công văn hướng dẫn các đơn vị thực hiện khi được sự phê duyệt của Lãnh đạo viện).
- Việc nhập án vào phần mềm là trách nhiệm của các đồng chí cán bộ, kiểm sát viện Viện kiểm sát cấp huyện và các Phòng 1, 2, 3, 7 và 9 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Phòng thống kê tội phạm và công nghệ thông tin không trực tiếp nhập dữ liệu vào phần mềm, vì vậy trong quá trình nhập dữ liệu có khó khăn, vướng mắc các đồng chí liên hệ với cán bộ quản trị Hệ thống phần mềm (SĐT liên hệ được hiển thị trên phần mềm 0243.5626000 số máy lẻ 2225) hoặc phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin để được hướng dẫn, giải đáp. Khi thực hiện chức năng báo cáo thống kê để kết xuất số liệu ra biểu mẫu thống kê, các đồng chí nhận thấy số liệu kết xuất ra biểu mẫu thống kê không chính xác, đề nghị liên hệ trực tiếp cán bộ quản trị Hệ thống phần mềm để phản ánh.
- Phòng thống kê tội phạm và công nghệ thông tin phối hợp với phòng 3 để chỉnh sữa, xây dựng lại “Sổ thụ lý điện tử án hình sự” cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Hàng tháng các đơn vị nhập thông tin đầy đủ và gửi về phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin (Biểu mẫu này các đơn vị đang thực hiện nhập và gửi về phòng, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị không thực hiện).
- Một số đơn vị đặt tên Vụ án trong phần mềm quá ngắn hoặc quá dài dòng, không có tên bị can, nguyên đơn, bị đơn như: “ tranh chấp đất”; “tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và giải quyết hợp đồng vô hiệu”; “Hủy hoại tài sản”; “Trộm cắp tài sản xảy ra tại xã A” … gây khó khăn cho cán bộ, kiểm sát viên các phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm khi xác định vụ án nào thuộc trách nhiệm của mình thụ lý để tiếp tục cập nhật vào phần mềm. Từ đó các đơn vị nên đặt tên các vụ án vào phần mềm ngắn gọn, đầy đủ thông tin, khi cần cập nhật các quyết định mới hoặc nhận án từ nơi khác chuyển đến để thụ lý theo thẩm quyền dễ dàng tìm kiếm như: Án hình sự: Nguyễn Văn A 123 (Nguyễn Văn A là tên bị can đầu vụ, 123 là điều luật chính khởi tố vụ án), Án dân sự: {Dân sự, HNGĐ, KDTM, Lao động, Hành chính} _ Nguyễn Văn A - Trần Thị B(A, B là Họ và tên nguyên đơn, bị đơn)
         
6. Đầu tư có trọng điểm để tạo sự đột phá trong việc ứng dụng CNTT.

         
Nguồn tài chính là yếu tố quyết định cho sự thành công trong việc triển khai ứng dụng CNTT. Đầu tư phải đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực phần cứng, phần mềm và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nguồn ngân sách hàng năm dành cho CNTT trong ngành Kiểm sát nhân dân còn ít, do đó để việc đầu tư cho CNTT còn nhiều khó khăn, hạn chế.
         
Để đảm bảo việc đầu tư cho ứng dụng CNTT có hiệu quả, trước tiên cần xác định lại các mục tiêu cho sát với yêu cầu của thực tiễn, tiếp đến là xác  định các mục tiêu ưu tiên. Để làm được điều này, cần phải tăng cường học tập kinh nghiệm ở các địa phương đã triển khai thành công để chắc lọc những mô hình, phương pháp triển khai phù hợp với  điều kiện của mình. Thêm vào  đó, việc học tập kinh nghiệm nơi khác trong quả trình triển khai có thể tránh lãng phí thời gian và hạn chế các rủi ro đến mức thấp nhất. Khi có  được lựa chọn phù hợp, trước khi triển khai các dự án CNTT cần tiến hành  khảo sát,  đánh  giá  lại hiện trạng  một cách toàn diện và chính xác hơn. Phải xác định được những gì đang có, những gì sẽ cần để có hướng đầu tư hiệu quả.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Trần Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập54
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm53
  • Hôm nay5,723
  • Tháng hiện tại707,163
  • Tổng lượt truy cập16,401,929
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây