Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Chuyên đề: Một số kỹ năng về công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai.

Thứ năm - 20/12/2018 19:19 2.253 0
Hiện nay, Viện KSND tối cao chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục của công tác xử lý sau thanh tra

Sự cần thiết phải áp dụng sáng kiến: Thời gian vừa qua, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành Kiểm sát nhân dân chỉ mới chú trọng khâu phát hiện, kiến nghị, xử lý sai phạm; việc bảo đảm thực thi kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo (sau đây gọi tắt là công tác xử lý sau thanh tra) chưa thực sự được quan tâm; trong khi đó, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phụ thuộc rất lớn vào việc nhận thức và triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau khi kết thúc việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Mô tả phương pháp cũ thường làm: Thông thường sau khi kết thúc thanh tra, kiểm tra và kết thúc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì Đoàn thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hết nhiệm vụ; việc xử lý sau thanh tra được giao cho một chủ thể khác tổ chức, thực hiện nên dễ dẫn đến tình trạng không theo sát được việc đối tượng thanh tra có thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý hay không hoặc thực hiện ở mức độ nào, nghiêm túc hay không nghiêm túc... Để kịp thời có biện pháp đảm bảo thực hiện một cách nghiêm túc. Hoạt động xử lý sau thanh tra được thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo cho các công tác này được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, góp phần tích cực vào hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Chính vì vậy, công tác xử lý sau thanh tra có một vai trò, vị trí rất quan trọng trong công tác thanh tra, mặc dù là giai đoạn cuối cùng của hoạt động thanh tra nhưng lại là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng nhất, đảm bảo cho kết luận thanh tra có hiệu lực, hiệu quả và thực sự đi vào thực tế.

III. NỘI DUNG CỦA SÁNG KIẾN

Hiện nay, Viện KSND tối cao chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục của công tác xử lý sau thanh tra; song căn cứ các quy định của pháp luật, của Ngành có liên quan, có thể tóm lược nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình thực hiện công tác xử lý sau thanh tra như sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền, nguyên tắc và đối tượng của công tác xử lý sau thanh tra

Theo quy định tại Điều 36 Quy chế công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân thì Thanh tra là đơn vị có trách nhiệm “Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Viện trưởng Viện KSND cấp mình”.
Về nguyên tắc, công tác xử lý sau thanh tra phải được cơ quan thanh tra, đối tượng thanh tra, người có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ khách quan, công khai, đúng quy định của pháp luật; việc thực hiện công tác xử lý sau thanh tra được tiến hành đối với từng vụ việc hoặc đồng thời nhiều vụ việc tùy theo tính chất, mức độ cũng như tình hình thực tiễn. Những nội dung trong các kết luận đang được xem xét thanh tra lại hoặc đang có khiếu nại thì chưa bắt buộc phải thực hiện. Đối tượng thanh tra, người có liên quan có quyền và trách nhiệm giám sát việc thực hiện công tác xử lý theo thanh tra.
Về đối tượng của công tác xử lý sau thanh tra là đối tượng thanh tra, người tố cáo, người bị tố cáo, đơn vị, cá nhân có khiếu nại; cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện công tác xử lý sau thanh tra.

Thứ hai, nội dung xử lý sau thanh tra

Công tác xử lý sau thanh tra được thực hiện với ba nội dung là theo dõi, đôn đốc và kiểm tra. Các nội dung cụ thể là:
1. Theo dõi việc thực hiện:
- Theo dõi quá trình tổ chức chỉ đạo, tiến độ và kết quả việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý trong kết luận thanh tra.
- Nắm bắt khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.
2. Đôn đốc việc thực hiện:
- Đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý trong kết luận thanh tra chưa được thực hiện.
- Yêu cầu báo cáo giải trình nguyên nhân chưa hoàn thành việc thực hiện kết luận thanh tra.
- Đề ra được biện pháp áp dụng để kết luận thanh tra được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
3. Kiểm tra việc thực hiện:
- Kiểm tra việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý trong kết luận thanh tra.
- Kiểm tra kết quả thực hiện, bao gồm nội dung đã hoàn thành, chưa hoàn thành và tiến độ thực hiện. Nắm bắt khó khăn khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện; phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, trách nhiệm và nguyên nhân của các chủ thể có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra (nếu có).

Thứ ba, trình tự, thủ tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, người được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm mở hồ sơ theo dõi. Hồ sơ theo dõi phải tập hợp các thông tin liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra như thông tin cơ bản về đối tượng thực hiện, những nội dung phải thực hiện, thời hạn phải hoàn thành việc thực hiện.
- Hoạt động theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra được tiến hành thông qua việc yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện và cung cấp tài liệu chứng minh. Chánh Thanh tra phải phân công người trực tiếp làm việc để xác định thông tin về tình hình thực hiện kết luận thanh tra.
- Người được giao nhiệm vụ theo dõi có trách nhiệm báo cáo về kết quả theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra. Báo cáo gồm các nội dung như thông tin chung về kết luận và trách nhiệm phải thực hiện; kết quả thực hiện; đánh giá việc thực hiện; phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện (nếu có). Chánh Thanh tra căn cứ báo cáo kết quả theo dõi việc thực hiện để báo cáo Viện trưởng quyết định kết thúc việc theo dõi và lưu trữ hồ sơ hoặc tiến hành đôn đốc việc thực hiện nếu việc thực hiện chưa hoàn thành.
2. Hoạt động đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra được tiến hành bằng hình thức gửi văn bản đôn đốc hoặc làm việc trực tiếp với đối tượng đôn đốc.
- Trường hợp gửi văn bản đôn đốc, người được giao việc đôn đốc có trách nhiệm đề xuất văn bản đôn đốc trình Chánh Thanh tra để gửi đối tượng đôn đốc.
- Trường hợp làm việc trực tiếp, người được giao việc đôn đốc có trách nhiệm đề xuất kế hoạch làm việc và văn bản thông báo trình Chánh Thanh tra để gửi đối tượng đôn đốc.
- Người được giao việc đôn đốc có trách nhiệm báo cáo kết quả đôn đốc với Chánh Thanh tra để tham mưu với Viện trưởng chỉ đạo xử lý tiếp theo. Báo cáo gồm các nội dung: Thông tin chung về kết luận và trách nhiệm phải thực hiện; kết quả thực hiện; đánh giá việc thực hiện; phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện (nếu có). Chánh Thanh tra căn cứ báo cáo kết quả theo dõi việc thực hiện để báo cáo Viện trưởng quyết định kết thúc việc theo dõi và lưu trữ hồ sơ hoặc tiến hành kiểm tra việc thực hiện nếu việc thực hiện chưa hoàn thành.
3. Kiểm tra việc thực hiện
Chánh Thanh tra đề xuất Viện trưởng ra quyết định kiểm tra khi có một trong các căn cứ sau đây:
Một, đã hết thời hạn phải thực hiện kết luận thanh tra, tuy đã được đôn đốc mà đối tượng thanh tra không hoàn thành việc thực hiện.
Hai, đối tượng thanh tra không thực hiện trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện mặc dù đã được đôn đốc thực hiện hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khác.
Ba, theo yêu cầu nhiệm vụ quản lý và khi được Viện trưởng giao.
- Việc kiểm tra được thực hiện khi có quyết định kiểm tra của Viện trưởng; được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Quy chế công tác kiểm tra trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-VKSTC-T1 ngày 30/3/2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao.
- Thời hạn kiểm tra việc thực hiện tối đa là 05 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu kiểm tra; nếu nội dung kiểm tra phức tạp, kiểm tra việc thực hiện nhiều kết luận thanh tra tối đa là 10 ngày làm việc tính từ ngày bắt đầu kiểm tra.
- Kết thúc kiểm tra, người được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra với Viện trưởng hoặc Chánh Thanh tra để báo cáo Viện trưởng chỉ đạo các biện pháp xử lý đảm bảo việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ tư, hồ sơ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra

- Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra phải được lập hồ sơ cụ thể.
- Hồ sơ theo dõi, đôn đốc,… gồm có: kết luận thanh tra, kiểm tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại; các tài liệu chứng minh kết quả thực hiện; các tài liệu về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra như báo cáo đề xuất của người được phân công thực hiện, ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Viện, đơn vị Thanh tra; các công văn, kế hoạch, quyết định liên quan…

IV. MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT CẦN THIẾT KHI THỰC HIỆN CÔNG TÁC XỬ LÝ SAU THANH TRA

- Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014;
- Luật cán bộ, công chức năm 2008;
- Luật Khiếu nại năm 2011;
- Luật Tố cáo năm 2018;
- Quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Viện KSND tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 21/QĐ-VKS-T1 ngày 20/11/2015;
- Quy chế công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ-VKS-T1 ngày 22/02/2016 (được sửa đổi một số điều theo Quyết định số 408/QĐ-VKSTC ngày 22/8/2018 của Viện trưởng Viện KSND tối cao);
- Quy chế công tác kiểm tra trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-VKS-T1 ngày 30/3/2016;
- Quy định về xử lý kỷ luật trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 183/QĐ-VKS-T1 ngày 04/4/2016;
- Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-VKSTC-V15 ngày 22/12/2015;
- Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra;
- Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 Quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại;

V. NHỮNG THÔNG TIN CẦN ĐƯỢC BẢO MẬT

- Các kết luận thanh tra, kiểm tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại.
- Các quyết định xử lý kỷ luật; các biện pháp xử lý kiểm kiểm, khắc phục hậu quả…

VI. CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT ĐỂ ÁP DỤNG SÁNG KIẾN

Nhân tố chủ yếu tác động đến kết quả của hoạt động xử lý sau thanh tra chính là nhân tố con người, bao gồm phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm của cán bộ thanh tra. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra là một trong những giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng, kết quả công tác xử lý sau thanh tra. Từ đó, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, phải bám sát việc tổ chức thực hiện của đối tượng thanh tra, không trông chờ, thụ động.

VII. ĐÁNH GIÁ LỢI ÍCH THU ĐƯỢC HOẶC DỰ KIẾN CÓ THỂ THU ĐƯỢC DO ÁP DỤNG SÁNG KIẾN

Năm 2018, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Viện trưởng Viện KSND tỉnh, Thanh tra đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ; chất lượng công tác thanh tra nói chung và công tác xử lý sau thanh tra của Viện KSND tỉnh Gia Lai đã từng bước được nâng lên; góp phần có hiệu quả vào việc giữ gìn kỷ cương, kỷ luật công vụ, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành.


Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Trung - Trần Thị Điệp Ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm78
  • Hôm nay6,952
  • Tháng hiện tại708,392
  • Tổng lượt truy cập16,403,158
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây