Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Sáng kiến: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác Kiểm sát và Quản lý Giáo dục người chấp hành án phạt tù ở cấp huyện

Thứ ba - 02/03/2021 01:33 3.804 0

PHẦN A - MỞ ĐẦU
Lý do chọn sáng kiến; Điểm mới của sáng kiến
         
1. Lý do chọn sáng kiến:
         
Trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học công nghệ... Đặc biệt nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ; Công tác quản lý xã hội chưa đúng tầm với sự phát triển. Từ sự phát triển đó và công tác quản lý như vậy nên đã gây ra rất nhiều mặt bất cập và tiêu cực trong xã hội ta, như: An ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội vẫn còn nhiều bức xúc, tình trạng vi phạm pháp luật nảy sinh, nhiều các tệ nạn xã hội, băng nhóm xã hội đen hoạt động....vi phạm pháp luật giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm... Công tác quản lý thông tin, nhất là thông tin mạng, blog cá nhân chưa tốt, còn bị các thế lực thù địch lợi dụng bịa đặt, xuyên tạc, gây tác hại xấu trong xã hội. Đặc biệt nhất là: Tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng, một số tội phạm về công nghệ cao, lừa đảo trên mạng, đánh bạc trên mạng, rửa tiền, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; Tội phạm về chức vụ; Tội phạm có tổ chức, buôn bán người, buôn bán nội tạng người, bắt cóc tống tiền; tội phạm cướp, cướp giật tài sản; tội phạm về cố ý gây thương tích, giết người, hiếp dâm...các tội phạm về kinh tế và chức vụ gia tăng rất nhanh.
         
Trong tình trạng như vậy nên đã gây áp lực rất lớn cho các cơ quan hoạt động tư pháp, từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Đặc biệt giai đoạn thi hành án phạt tù (là quản lý, giáo dục, cải tạo người phải thi hành án phạt tù trở thành người tốt, người có ích cho xã hội).   
         
Từ những quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Quy chế công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, những quy định mới của Luật thi hành án hình sự (năm 2019 có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 01năm 2020), các quy định khác của pháp luật liên quan đã đề cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác thi hành án thi hành án hình sự nói chung và thi hành án phạt tù nói riêng. Để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và vai trò, trách nhiệm trong công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù; Tạo tiền đề cho công tác này được kế tiếp và ngày càng đi vào quy củ, chặt chẽ, đầy đủ, đúng pháp luật và tốt hơn nữa. Kịp thời tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn các Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện tốt chức năng thẩm quyền của mình. Đồng thời kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát cho kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp huyện và hướng dẫn cho cán bộ của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện tốt công tác quản lý giáo dục người chấp hành án hình sự tại Nhà tạm giữ.
         
Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình cần phải phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự, lãnh đạo đội nghiệp vụ thì trong quá trình kiểm sát thông qua Cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện để xác định những vi phạm, tồn tại của các cơ quan tố tụng và các cơ quan khác có liên quan để Yêu cầu, Kiến nghị hoặc Kháng nghị theo thẩm quyền. Viện kiểm sát tỉnh tổng hợp để kiến nghị đối với cơ quan chức năng có liên quan kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn nghiệp vụ để các đơn vị, cơ quan cấp dưới thực hiện tốt chứ năng nhiệm vụ của mình trong hoạt động tố tụng, công tác kiểm sát của cấp mình và công tác quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù tại các nhà tạm giữ. 
         
Đề nghị Viện kiểm sát cấp trên Yêu cầu, Kiến nghị hoặc Kháng nghị để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm hoặc kịp thời hướng dẫn những quy định mới để điều chỉnh những vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh mới từ thực tế trong quá trình quản lý giáo dục phạm nhân.
         
2. Điểm mới trong sáng kiến:
         
Qua các năm kiểm tra nghiệp vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự tại các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và trực tiếp kiểm sát tại các Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thấy rằng:
         
Đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện: Đặc thù ở Viện kiểm sát ND cấp huyện biên chế cán bộ kiểm sát viên ít, thường chỉ có 01 Kiểm sát viên vừa thực hiện một số nhiệm vụ kiểm sát khác (kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, thống kê, báo cáo...) lại vừa kiêm nhiệm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (không chuyên khâu) nên công việc tương đối nhiều, lượng văn bản (căn cứ pháp luật) phải đọc, nghiên cứu áp dụng có thể nói là hàng trăm loại nếu không thông thạo, không khoa học thì không thể nào lĩnh hội và quán xuyến hết được. Do đó cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng kiểm sát ở lĩnh vực kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại Cơ quan thi hành ấn Công an cấp huyện.
         
Nguyên nhân là do: Kiểm sát viên chưa nắm bắt, thông thạo hết các nội dung của các loại văn bản quy định về công tác quản lý giáo dục người thi hành án phạt tù tại nhà tạm giữ để kiểm sát, tham mưu kiến nghị, yêu cầu sửa chữa khắc phục hoặc kháng nghị chấm dứt vi phạm tồn tại. Nên để những vi phạm, tồn tại trong công tác này của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện kéo dài, lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Từ đó dẫn đến công tác quản lý giáo dục cảm hóa người chấp hành án phạt tù tại các nhà tạm giữ không đạt hiệu quả, mục đích.
         
Đối với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện: Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bắt đầu thực hiện công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù từ năm 2010 trở lại đây (Là một nhiệm vụ mới, khá phức tạp đối với cán bộ của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện). Mỗi Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chỉ quản lý, giáo dục rất ít người chấp hành án phạt tù (từ khoảng 02 đến 15 phạm nhân). Tuy là quản lý ít phạm nhân nhưng nội dung quản lý, giáo dục phạm nhân lại rất nhiều việc phải thực hiện, riêng quy định về biểu mẫu, sổ sách gồm: 31 loại sổ và 125 biểu mẫu, đồng thời cùng với đó là nội dung công tác quản lý, giáo dục. Ngoài ra ở đây lại đan xen giữa các nhiệm vụ khác nhau, đó là: Vừa quản lý, giáo dục phạm nhân, vừa quản lý, bảo vệ các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam lại vừa quản lý các trường hợp thi hành án khác ở tại cộng đồng nên nhiệm vụ, công việc khá phức tạp. Do vậy việc để xảy ra nhiều vi phạm, tồn tại là không thể tránh khỏi.
         
Nguyên nhân: Biên chế cán bộ, chiến sỹ của đơn vị thì rất hạn chế (chỉ khoảng 02 đến 04 cán bộ còn lại là chiến sỹ nghĩa vụ) phải quản lý từ 03 đến 05 phạm nhân cùng vài chục đối tượng bị tạm giữ, tạm giam và vài chục đối tượng thi hành án khác ngoài cộng đồng. Riêng Cơ quan thi hành án hình sự Công an thành phố Pleiku được biên chế 14 cán bộ, 19 chiến sỹ tuy nhiên lại quản lý số lượng các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam khá đông, thường xuyên quá tải (Trên 100 đối tượng TG,TG và khoảng 15 đến 20 phạm nhân).Trong đó 2/3 cán bộ lại chưa được đào tạo cơ bản (về công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù), một số cán bộ do yếu năng lực ở các bộ phận khác hoặc bị kỷ luật và đưa về cơ quan này nên khả năng thực hiện nhiệm vụ không đảm bảo hiệu quả. Do vậy công tác thi hành án hình sự của Cơ quan THA hình sự Công an ở cấp huyện hết sức áp lực.
         
Vì vậy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mình trong quá trình kiểm tra, kiểm sát kết hợp hướng dẫn cán bộ Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện tốt công tác chức năng, nhiệm vụ kiểm sát. Vừa kết hợp phối hợp với Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, lãnh đạo đội nghiệp vụ của Cơ quan THA hình sự động viên, giáo dục và hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù tại Nhà tạm giữ (thuộc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện), giúp cho các cán bộ chiến sỹ của cơ quan này nắm bắt rõ ràng và cụ thể các các quy định của văn bản pháp luật, để áp dụng đúng, chặt chẽ, chính xác và thông thạo các thao tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nghiệp vụ nhằm hạn chế thấp nhất những vi phạm, tồn tại và không để vi phạm nghiêm trọng xảy ra.

PHẦN B - NỘI DUNG SÁNG KIẾN
          I. THỰC TRẠNG ĐỂ PHÁT TRIỂN SÁNG KIẾN     
    
1. Thực trạng về công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù ở Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện:
         
Từ năm 2015 đến đầu năm 2020, qua công tác trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật (27 lượt) tại Cơ quan THA hình sự Công an cấp huyện đã xác định: Công tác quản lý, giáo dục phạm nhân đã để xảy ra nhiều tồn tại và vi phạm như:
         
- Trong công tác tiếp nhận quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù như: Chưa kịp thời khám sức khỏe hoặc không khám sức khỏe đối với phạm nhân mới vào chấp hành án tại nhà tạm giữ; Chưa kịp thời thông báo cho Tòa án (nơi ra quyết định thi hành án), Cơ quan thi hành án dân sự và thân nhân của phạm nhân; Chưa kịp thời phân loại quản chế phạm nhân hoặc phân loại không đảm bảo đúng theo quy định. 
- Trong công tác lập hồ sơ quản lý người chấp hành án phạt tù, như: Một số Quyết định, Thông báo hoặc các văn bản khác đã ban hành căn cứ pháp luật không chính xác, thực hiện không đúng mẫu biểu quy định về công tác THA phạt tù...
- Trong quản lý không tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục công dân cho phạm nhân; không tổ chức sinh hoạt, không xếp loại tuần đối với phạm nhân...
- Trong việc lập hồ sơ kỷ luật đối với các phạm nhân vi phạm nội quy, như: Thiếu báo cáo của tổ đội phạm nhân, thiếu biên bản họp ... Việc thu giữ vật cấm, xử lý vật cấm chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật và các tồn tại khác mà Cơ quan thi hành án hình sự chưa thực hiện đúng quy trình thủ tục.
- Trong việc công tác mở sổ, thụ lý sổ sách không đảm bảo đầy đủ, như không mở sổ để thụ lý những việc phát sinh trong quá trình quản lý, giáo dục; Việc lập hồ sơ quản lý, giáo dục chưa thu thập, thiết lập đầy đủ tài liệu để quản lý, còn thiếu dán ảnh của phạm nhân, thụ lý thiếu thông tin vào phiếu theo dõi quá trình chấp hành án phạt tù; Việc cập nhật tình hình vào một số  sổ sách còn sơ sài, không đầy đủ, không chính xác...
- Trong thực hiện chế độ đối với người chấp hành án phạt tù không đảm bảo đầy đủ kịp thời, như: Cấp phát công tư trang chưa kịp thời, cho phạm nhân gọi điện vượt quá thời gian cho phép, chế độ nghe đài, đọc báo, xem ti vi chưa đảm bảo, việc cho gặp thân nhân thăm gặp vượt số lần quy định, việc duyệt các ấn phẩm chuyện, sách đưa vào cho phạm nhân đọc chưa kỹ càng chặt chẽ. Trong việc trích xuất phạm nhân đi khám chữa bệnh chưa đảm bảo các thủ tục, hoặc không thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân...
- Đối với phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt không tiến hành dạy nghề, không giáo dục tái hòa nhập cộng đồng; Không cho phạm nhân viết cam kết việc không tái phạm tội; không gửi thông báo về việc phạm nhân sắp chấp hành xong hình phạt tù cho thân nhân và cho chính quyền địa phương nơi phạm nhân cư trú hoặc gửi chậm so với quy định.
- Khi phạm nhân chấp hành xong hình phạt, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện không gửi gấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt của phạm nhân cho các cơ quan có liên quan (như Tòa án ra quyết định thi hành án phạt tù, Sở tư pháp, các cơ quan khác có liên quan).      
- Công tác quản lý, còn sơ hở, chủ quan, chưa thật chặt chẽ, như: Còn để xảy ra việc phạm nhân vi phạm nội quy, kỷ luật...
- Việc đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân chưa đảm bảo điều kiện, thủ tục...
         
2. Thực trạng về công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù ở Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện:
         
Qua những thực trạng về tồn tại và vi phạm trong công tác thi hành án phạt tù của Cơ quan thi hành án hình sự Công an Cấp huyện trong thời gian qua đã để xảy ra rất nhiều và lặp đi lặp lại nhiều năm (đã nêu tại mục 1 ở trên), tuy nhiên qua công tác kiểm sát thường xuyên và trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chưa kịp thời phát hiện để yêu cầu, kiến nghị khắc phục sửa chữa tồn tại hạn chế hoặc kháng nghị yêu cầu chấm dứt vi phạm.
         
Việc chưa kịp thời phát hiện những vi phạm tồn tại của Cơ quan thi hành án hình sự là do một số nguyên nhân sau:
- Kiểm sát viên chưa nắm bắt hết các nội dung kiểm sát;
- Chưa thu thập đầy đủ các văn bản quy định về thi hành án phạt tù để nghiên
cứu làm căn cứ áp dụng kiểm sát; Việc thực hiện chức năng trực tiếp kiểm sát chưa thực sự thông thạo;
- Việc biên chế cán bộ Kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự rất hạn chế, cán bộ kiểm sát viên còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc, nhiệm vụ khác nhau cùng một lúc nên việc tập trung vào khâu công tác kiểm sát này cũng ở mức độ và bị chi phối nhiều;
- Việc khoán chỉ tiêu đối với các khâu nghiệp vụ tương đối nhiều, do vậy thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ cũng là một áp lực lớn đối với Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp huyện.
 
          II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ
          Từ thực trạng đã nêu ở phần I, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và căn cứ pháp luật để kiểm sát đồng thời phối hợp để hướng dẫn công tác kiểm sát và công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù.
         
1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm thực hiện.

           
Nghiên cứu áp dụng chính xác các căn cứ pháp lý làm cơ sở cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự đối với tất cả các nội dung công tác thi hành án phạt tù mà pháp luật và Quy chế của Ngành đã quy định.
         
1.1. Thứ nhất là Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân:
Đây là cơ sở pháp lý trung tâm nhất cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân nói chung, hoạt động công tác kiểm sát thi hành án hình sự nói riêng, được quy định cụ thể tại các Điều của Luật:
Điều 4 quy định về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân;
Tại điểm đ khoản 2 Điều 6 quy định Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự;
Tại Điều 25 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc thi hành án hình sự;
Tại Điều 26 quy định trách nhiệm của các cơ quan được kiểm sát về thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong việc thi hành án hình sự;
Đặc biệt tại Điều 8 Luật tổ chức VKSND quy định về: Trách nhiệm phối hợp của Viện kiểm sát nhân dân, như: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Thi hành án, Thanh tra, Kiểm toán, các cơ quan nhà nước khác.
         
1.2. Thứ hai là trên cơ sở của Luật Thi hành án hình sự:
Trong công tác kiểm sát phải nắm chắc các quy định của Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan đến công tác thi hành án hình sự. Đặc biệt phải nắm chắc, hiểu rõ về nhiệm vụ, quyền hạn quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân được quy định rất cụ thể trong Luật thi hành án hình sự, như:
Tại Điều 5 Luật thi hành án quy định: "Trách nhiệm phối hợp của cơ quan,
tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự".
Tại Điều 7 Luật thi hành án hình sự quy định: "Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền và cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự".
Tại Điều 8 Luật thi hành án hình sự quy định: "Phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự".
Tại Điều 16 Luật thi hành án hình sự quy định: "Nhiệm vụ quyền hạn của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện". Trong đó tại khoản 5 điều này quy định: "Trực tiếp quản lý số phạm nhân phục vụ việc tạm giữ, tạm giam tại nhà tạm giữ"; Tại khoản 10 điều này quy định "Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này".   
Tại điều 167 Luật thi hành án hình sự quy định: "Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự".   
Tại điều 168 Luật thi hành án hình sự quy định: "Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự".
Tại điều 169 Luật thi hành án hình sự quy định: "Trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát về thi hành án hình sự".
         
1.3. Thứ ba là
Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để bao quát và cụ thể hóa những nội dung công tác:
Từ việc nắm chắc và bao quát Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự để biết được những nội dung công tác kiểm sát thi hành án phạt tù phải kiểm sát những gì, kiểm sát như thế nào, kiểm sát ở đâu, kiểm sát đối tượng nào; Phải nghiên cứu một cách kỹ toàn bộ nội dung của Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự số: Quy chế 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đặc biệt là những quy định về kiểm sát thi hành án phạt tù; Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát, Quy chế 501 đã cụ thể hóa toàn bộ những nội dung hoạt động Công tác kiểm sát thi hành án phạt tù; Từ đó VKSND tỉnh - Phòng 8 đã triển khai từng nội dung tương ứng cho cán bộ Kiểm sát viên nghiên cứu để thực hiện.
          - Kiểm sát việc Tòa án gửi Bản án, Quyết định (Điều 10);
          - Kiểm sát vệc Tòa án ra Quyết định THAHS ...(Điều 11);
          - Kiểm sát việc thi hành quyết định thi hành án phạt tù (Điều 12);
          - Kiểm sát việc hoãn chấp hành án phạt tù (Điều 13);
          - Kiểm sát việc quản lý và giáo dục phạm nhân (Điều 14);
          - Kiểm sát việc việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Điều 15);
          - Kiểm sát việc đình chỉ thi hành án phạt tù (Điều 16);
          - Kiểm sát việc đình chỉ chấp hành án phạt tù (Điều 17);
          - Kiểm sát việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (Điều 18);
          - Kiểm sát việc tha tù, thi hành quyết định tha tù, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 19);
          - Kiểm sát việc miễn chấp hành án phạt tù (Điều 20);
          - Kiểm sát việc đặc xá (Điều 21);
          - Kiểm sát việc thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Điều 22);
          - Nắm và xác định nguồn thông tin về tình hình chấp hành pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự...thông qua Trực tiếp kiểm sát, thông qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, sổ theo dõi, thông qua quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan đơn vị...(Điều 49)
          - Quan hệ công tác thực hiện theo (Điều 52) của Quy chế.       
         
1.4. Thứ tư là các căn cứ pháp luật khác để tiến hành kiểm sát và phối hợp hướng dẫn thực hiện:

          - Bộ luật tố tụng hình sự;
          - Bộ luật hình sự;
          - Luật thi hành án hình sự năm 2019;
          - Nghị định 113/2008/NĐ-CP ngày 28/10/2008 Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế trại giam;
          - Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ Quy định về tổ chức, quản lý và chế độ ăn mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân;
          - Nghị định 90/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ sửa đổi một số điều của nghị định 117/2011 về tổ chức, quản lý và chế độ ăn mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân;
          - Thông tư liên tịch số 04/2004/TTLT/BCA-VKSNDTC ngày 29/4/2004, thông tư liên tịch: Hướng dẫn thực hiện một số quy định về thi hành án phạt tù đối với phạm nhân chấp hành hình phạt tại nhà tạm giữ;
          - Thông tư 25/2012/TT-BCA ngày 02/05/2012 của Bộ Công an, quy định về Thủ trưởng và Phó thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân;
          - Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018. Quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý,
thi hành tạm giữ, tạm giam;
          - Thông tư 36/2011/TT-BCA ngày 26/5/2011 Ban hành Nội quy trại giam;
          - Thông tư 36/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 Ban hành Nội quy cơ sở giam
giữ;
          - Thông tư 58/2011/TT-BCA ngày 9/8/2011 của Bộ Công an quy định về đồ vật cấm đưa vào trại giam và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm;
          - Thông tư 10/2020 /TT-BCA ngày 06/02/2020 của Bộ Công an quy định về đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm;
          - Thông tư 32/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ Công an quy định danh
mục đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, tạm giam và việc xử lý vi phạm;
          - Thông tư 46/2011/TT-BCA ngày 30/6/2011 của Bộ Công an quy định việc phạm nhân thăm gặp thân nhân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà, liên lạc điện thoại với thân nhân;
          Nay là Thông tư 07/2018/TT-BCA ngày 12/02/2018 của Bộ Công an, quy định việc phạm nhân thăm gặp thân nhân, nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật, liên lạc điện thoại với thân nhân. Và Công văn 215/C81-C86 ngày 27/02/2018 V/v triển khai thực hiện Thông tư;
          - Thông tư 37/2011/TT-BCA ngày 03/6/2011 của Bộ Công an quy định về phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại; Nay là Thông tư số 09/2020/TT-BCA ngày 04/02/2020 của Bộ Công an;
          - Thông tư 02/2013/TTLT - BCA - BQP - TANDTC - VKSNDTC ngày 15/5/2013 của liên ngành quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
          - Thông tư 04/2013/TTLT - BCA - BQP - TANDTC - VKSNDTC ngày 30/5/2013 của liên ngành hướng dẫn thực hiện trích xuất phạm nhân để phục vụ ĐT-TT-XXử;
          -  Thông tư 40/2011/TT-BCA ngày 27/6/2011 của Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại thi đua chấp hành án cho phạm nhân;
          Nay là Thông tư số 06/2018/TT-BCA ngày 12/02/2018 của Bộ Công an;
          - Thông tư 63/2011/TT-BCA ngày 7/9/2011 của Bộ Công an quy định hệ thống biểu mẫu sổ sách về thi hành án hình sự;
          Nay là Thông tư 12/2020/TT-BCA ngày 07/02/2020 Quy định về sổ sách biểu mẫu thi hành án phạt tù (quy định về 31 loại sổ và 125 biểu mẫu);
          Ngoài ra còn phải thực hiện theo Thông tư 84/2019/TT-BCA ngày 31/12/2019 Quy định biểu mẫu sổ sách thi hành án hình sự ngoài cộng đồng (gồm 96 loại mẫu biểu và 11 loại sổ sách);
          - Thông tư 16/2011/TT-BCA ngày 14/4/2011 quy định về công tác quản giáo;
          - Thông tư 22/2016/TT-BCA ngày 16/6/2016 Quy định về công tác quan giáo trong nhà tạm giữ, trại tạm giam
          - Thông tư 68/2011/TT-BCA ngày 07/10/2011 quy định hoạt động vũ trang bảo về trại giam và dẫn giải phạm nhân;
          Nay được quy định tại Thông tư 76/2019/TT-BCA ngày 23/12/2019 của Bộ Công an; Và Thông tư 27/2016/TT-BCA ngày 28/6/2016 Quy định về công tác vũ trang bảo vệ cơ sở giam giữ;
          - Thông tư 02/2012/TTLT-BCA-BQP-BGD và ĐT ngày 06/02/2012 của liên ngành hướng dẫn việc tổ chức dạy văn hóa, giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, phổ biến thông tin, thời sự, chính sách và thực hiện chế độ sinh hoạt, giải trí cho phạm nhân;
          - Thông tư 39/2013/TT-BCA ngày 25/9/2013 của Bộ Công an quy định về giáo dục, tư vấn cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù;
          - Thông tư 71/2012/TT-BCA ngày 27/11/2012 của Bộ Công an quy định vềphân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị Công an nhân dân trong việc thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù;
          - Thông tư 12/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC ngày 02/12/2013 của liên ngành hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam;
          - Hướng dẫn 9230/HD/V26-(P6)-BCA ngày 16/12/2009 Hướng dẫn 886/HD-C81-C86-BCA ngày 15/5/2017 Hướng dẫn về tổ chức, hồ sơ sổ sách và hoạt động của ban tự quản phạm nhân;
          - Hướng dẫn 2828/HD-C81-C86-BCA ngày 19/9/2013 của TC8-BCA về
khen thưởng, kỷ luật phạm nhân;
          - Hướng dẫn 2537/HD-V26(P4-P6)-BCA ngày 22/6/2009 Hướng dẫn về công tác quản lý, giáo dục phạm nhân giam riêng;
          - Hướng dẫn 1429-HD/C81-C83 ngày 09/7/2014, Hướng dẫn thủ tục đưa phạm nhân đi chấp hành án;
          - Hướng dẫn 121/C81-C83 ngày 22/01/2016. V/v hướng dẫn thi hành án hình sự. Trong hướng dẫn: " Đối với phạm nhân còn dưới 2 tháng thì không làm thủ tục đề nghị đưa đến trại giam chấp hành án mà lập riêng danh sách, làm thủ tục đề nghị ra quyết định để lại trại tạm giam hoặc nhà tạm giữ để làm thủ tục chuẩn bị trả tự do cho họ. Số phạm nhân này, không tính vào tỷ lệ 15% quy định tại khoản 2 Điều 171 của Luật thi hành án hình sự".
          - Một số văn bản hướng dẫn về thực hiện chế độ đối với phạm nhân, như: Thông tư liên tịch 07/2007/BCA - BQP - BTC ngày 07/6/2007. Thông tư 07/2018/BCA ngày 12/3/2018 và Hướng dẫn 603/HD - C81 - C86 - BCA ngày 17/4/2018 Hướng dẫn về việc tổ chức hoạt động căng tin trong trại giam;
           - Nghị quyết số: 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của hội đồng thẩm phán TATC Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt;
          - Nghị quyết số: 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của hội đồng thẩm phán TATC Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ năm “Thi hành bản án và quyết định của Tòa án” của Bộ Luật tố tụng hình sự.
          - Quy định về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Điều 368 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 66 và Điều 106 Bộ luật hình sự;
          - Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân nhân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 Bộ luật hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện;
          - Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 của Liên ngành trung ương Quy định về phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện;
          - Thông tư 12/2018/TT-BCA ngày 07/5/2018 của Bộ Công an Quy định thực
hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Công an nhân dân;
          - Thông tư 64/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ Công an, quy định về giải quyết trường hợp tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thay đổi nơi cư trú;
          Ngoài ra còn rất nhiều các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện từng nhiệm vụ công tác cụ khể khác.
          Để thực hiện có chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm sát thi hành án phạt tù; Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Kiểm sát viên phải cập nhật thường xuyên và nghiên cứu kỹ, nắm chắc nội dung của những văn bản pháp luật, các hướng dẫn cơ bản nêu trên để áp dụng trong quá trình tác nghiệp.
       
   III. GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI SÁNG KIẾN
         
Từ những thực trạng tồn tại, vi phạm  mà Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã để xảy ra thường xuyên, liên tục (đã nêu ở phần I của sáng kiến) nhưng Viện kiểm sát nhân huyện chưa kịp thời phát hiện để kiến nghị, kháng nghị khắc phục tồn tại, chấm dứt vi phạm. Do đó với vai trò trách nhiệm của mình, trên cơ sở các căn cứ pháp lý và kinh nghiệm bản thân. Qua các đợt trực tiếp kiểm tra nghiệp vụ, trực tiếp kiểm sát trong thời gian qua bản thân đã tập trung đầu tư khá nhiều thời gian để hướng dẫn thêm về nghiệp vụ kiểm sát và công tác quản lý giáo dục người thi hành án phạt tù cho các kiểm sát viên, các cán bộ THA, cụ thể như:

1. Công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp huyện.
Từ những thực trạng tồn tại, vi phạm  mà Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã để xảy ra thường xuyên, liên tục (đã nêu ở phần I của sáng kiến) nhưng Viện kiểm sát nhân huyện chưa kịp thời phát hiện để kiến nghị, kháng nghị khắc phục tồn tại, chấm dứt vi phạm. Do đó với vai trò trách nhiệm của mình, trên cơ sở các căn cứ pháp lý và kinh nghiệm bản thân. Qua các đợt trực tiếp kiểm tra nghiệp vụ, trực tiếp kiểm sát Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong thời gian qua tại bản thân đã tập trung đầu tư khá nhiều thời gian để hướng dẫn thêm về nghiệp vụ kiểm sát và công tác quản lý giáo dục người thi hành án phạt tù, cụ thể như:
- Hướng dẫn về kiểm sát việc thực hiện thủ tục pháp luật trong công tác quản lý giáo dục phạm nhân tại nhà tạm giữ của Cơ quan thi hàn án hình sự Công an cấp huyện là phải: Kiểm sát nghiên cứu xem xét toàn bộ các loại sổ sách, hồ sơ, tài liệu thi hành án phạt tù có được mở, lập đầy đủ, đúng theo quy định của Thông tư 63, Thông tư 12 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an không?
Muốn xác định được tồn tại, vi phạm ở nội dung này thi Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ quy định của Thông tư 63/2011/TT-BCA ngày 07/9/2011 kèm theo Hướng dẫn số 9492/HD-C81-C83 của Bộ Công an và Thông tư 12/2020/TT-BCA ngày 07/02/2020 quy định về sổ sách biểu mẫu thi hành án phạt tù (quy định về 31 loại sổ và 125 biểu mẫu), các văn bản quy định về trình tự, thủ tục lập các loại hồ sơ (HS) phạm nhân chấp hành án phạt tù, HS quản giáo, HS phạm nhân chết, HS phạm nhân vi phạm kỷ luật, HS khen thưởng phạm nhân, HS thu, xử lý vật cấm, HS giam riêng, HS trích xuất, HS Ban tự quản, HS tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, HS đình chỉ thi hành án phạt tù, HS giảm án, HS đặc xá, HS tha tù trước thời hạn có điều kiện, HS hết án...đẻ đối chiếu xác định (tập trung chú ý các dạng vi phạm đã nêu ở phần thực trạng để xác định nhanh hơn).
Trong quá trình kiểm sát phải thực hiện bút ký ghi chép cụ thể, rõ ràng, trích đầy đủ đầy đủ những tồn tại, vi phạm trên sổ sách, hồ sơ (cả về hình thức và nội dung). Tài liệu nào cần phải sao chụp lại để đưa vào hồ sơ kiểm sát làm cơ sở chứng cứ để kết luận cho chính xác.
- Hướng dẫn kiểm sát việc quản lý phạm nhân:
+ Hướng dẫn kiểm sát việc tiếp nhận phạm nhân của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện: Trước hết phải yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự cung cấp những hồ sơ phạm nhân để kiểm tra, nghiên cứu xem trong hồ sơ có Biên bản bàn giao phạm nhân không? Có Phiếu khám sức khỏe khi tiếp nhận phạm nhân không? Nội dung phiếu khám sức khỏe có ghi đầy đủ, chính xác các nội dung theo quy định không ? (đặc biệt chú ý việc ghi phần tiền sử bệnh tật, tiền sử sử dụng các chất ma túy... và phần thương tích, dấu vết ...); Kiểm sát việc có phân loại quản chế phạm nhân (theo loại A, B, C theo Thông tư 37/2011/TT-BCA ngày 03/6/2011 của Bộ Công an quy định về phân loại và giam giữ phạm nhân theo loại; Nay là Thông tư số 09/2020/TT-BCA ngày 04/02/2020 của Bộ Công an) không? Có Thông báo cho Tòa án, Chi cục thi hành án dân sự và thân nhân nơi phạm nhân đến chấp hành án không? Có yêu cầu phạm nhân viết cam kết việc chấp hành án phạt tù, thi hành án dân sự, chấp hành nội quy nhà tạm giữ, pháp luật không? Có giáo dục nội quy, pháp luật liên quan đến việc chấp hành án không? (nếu có giáo dục thì phải có biên bản phổ biến quyền, nghĩa vụ, học tập nội quy...);
+ Hướng dẫn kiểm sát hồ sơ hết án: Yêu cầu phải kiểm tra xem xét xem có ban hành thông báo việc phạm nhân sắp hết thời hạn chấp hành án phạt tù không? việc ban hành có đầy đủ, kịp thời hay không? Trước khi phạm nhân ra tù có triển khai giáo dục tư vấn cho phạm nhân học tập tái hòa nhập cộng đồng không? có yêu cầu phạm nhân viết cam kết không tái phạm tội, không vi phạm pháp luật không? Việc cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù có đảm bảo đầy đủ không? có gửi giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù của phạm nhân cho tới Sở tư pháp không?  
+ Hướng dẫn kiểm sát việc phân loại, bố trí giam giữ đúng loại, đúng khu giam giữ không? có sơ đồ buồng giam không? buồng giam giữ có treo bảng (Buồng giam giữ phạm nhân) không? Việc biên chế tổ phạm nhân có đúng quy định không? Việc bố trí phạm nhân phụ giúp căng tin có đúng đối tượng không? Việc thực hiện kiểm tra lục soát thường xuyên, tổng kiểm tra lục soát có đầy đủ chặt chẽ không? Việc quản lý ở các buồng giam, khu giam, ở hiện trường lao động, hoạt động dẫn giải, việc quản lý phạm nhân giam riêng, việc quản lý canh gác bảo vệ, việc quản lý phạm nhân điều trị bệnh tại bệnh xá, hoặc ngoài bệnh viện có đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình hay không? Việc trích xuất phạm nhân đi khám chữa bệnh hoặc ra khỏi khu giam giữ có thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền kiểm sát  không?
+ Hướng dẫn kiểm sát, kiểm tra sổ phản ánh tình hình tổ đội phạm nhân, sổ
phản ánh tình hình của ban tự quản, đối chiếu với các loại sổ khác xem những diễn biến, tình hình phát sinh trong ngày có được cập nhật đầy đủ vào sổ khôn? để xem xét trách nhiệm, đánh giá quá trình quản lý của cán bộ quản giáo.
+ Hướng dẫn kiểm tra hồ sơ khen thưởng, kỷ luật phạm nhânđể đánh giá việc thực hiện khen thưởng, kỷ luật có đúng quy định không (nội dung, hình thức khen thưởng, kỷ luật), hồ sơ khen thưởng có đảm bảo đầy đủ các thủ tục, trình tự không, việc thành lập Hội đồng khen thưởng, kỷ luật có đảm bảo đúng thành phần hay không? 
+ Hướng dẫn kiểm tra hồ sơ, danh sách nâng, hạ loại quản chế phạm nhân đối chiếu với quy định để xác định việc nâng, hạ loại có đúng quy định không? trình tự, thủ tục có đảm bảo hay không?
+ Hướng dẫn tổng hợp các trường hợp vi phạm kỷ luật, trốn, chết không rõ nguyên nhân, chết do tự sát, tai nạn lao động trong kỳ kiểm sát đẻ đánh giá công tác quản lý phạm nhân.
- Hướng dẫn kiểm sát công tác giáo dục phạm nhân:
Hướng dẫn kiểm sát sổ theo dõi giáo dục riêng xem có đủ số lượt (8 lượt/tháng) giáo dục riêng đối phạm nhân không? Sổ theo dõi học tập để xác định việc giáo dục học tập 4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy trại giam, nội quy nhà tạm giữ, việc tổ chức học tập có đủ số buổi, số giờ không? Kiểm sát việc giáo dục tái hòa nhập cộng đồng đối với các phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù; Kiểm tra sổ sinh hoạt tổ (đội) phạm nhân để xác định việc sinh hoạt xếp loại thi đua chấp hành án tuân vào thứ 6 hàng tuần, xếp loại quý,6 tháng, năm có đầy đủ không? Việc có thông báo kết quả cải tạo 6 tháng/lần cho gia đình phạm nhân có đảm bảo không? Kiểm sát hồ sơ giam riêng để đánh giá công tác giáo dục đối với phạm nhân giam riêng có đam bảo theo quy định không?
- Hướng dẫn hoạt động kiểm sát giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện chủ yếu tập trung kiểm sát vào các đợt trong năm, Quá trình trực tiếp kiểm sát nếu có phát hiện nội dung mới thì tổng hợp bổ sung vào kết luận.
- Hướng dẫn kiểm sát việc thực hiện các chế độ đối với phạm nhân: Bao gồm việc thực hiện các chế độ của phạm nhân, như: chế độ ăn, ở, mặc, cấp các tư trang khác (như: quần áo bảo hộ lao động, dép, ủng lao động, nón (mũ), áo mưa, khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng...) có đảm bảo đầy đủ không? Chế độ thăm gặp thân nhân, liên lạc bằng điện thoại, gửi thư, chế độ chăm sóc y tế, lao động dạy nghề, sinh hoạt giải trí...có được thực hiện đảm bảo không?
Các nội dung kiểm sát về chế độ phải được đối chiếu, so sánh kỹ với các quy định tại Nghị định 117/2011/NĐ-CP; Nghị định 90/2015/NĐ-CP; Thông tư liên ngành 02/2012; Thông tư 07/2018/TT-BCA.   
         
2. Nội dung kiểm sát cơ bản và phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ đối với cán bộ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm sát bản thân tôi đã bằng nhiều biện pháp, hình thức duy trì mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, với lãnh đạo đội nghiệp vụ của đơn vị để triển khai công tác nghiệp vụ kiểm sát của mình, đồng thời kịp thời trao đổi, hướng dẫn cán bộ của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện áp dụng các văn bản pháp luật một cách chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tiếp nhận, quản lý giáo dục phạm nhân tại các nhà tạm giữ của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Đảm bảo cho công tác tiếp nhận, quản lý giáo dục phạm nhân của Cơ quan thi hành án hình sự luôn đi vào nề nếp và đúng các quy định của Luật thi hành án hình sự, Quy chế Nhà tạm giữ và các văn bản pháp luật khác liên quan, tránh dẫn đến những tồn tại, vi phạm; nâng cao trách nhiệm của cán bộ và chiến sỹ, hiệu quả công tác ngày càng đạt chất lượng và thành tích cao hơn. Cụ thể như một số nội dung sau:
- Đối với công tác tiếp nhận phạm nhân mới:
Qua công tác kiểm sát các hồ sơ phạm nhân mới vào nhà tạm giữ, tiến hành phối hợp cùng Thủ trưởng Cơ quan THAHS hướng dẫn cán bộ Đội nghiệp vụ tiến hành giao nhận, kiểm tra hồ sơ ban đầu, tổ chức khám sức khỏe ngay, kiểm tra thân thể đối với phạm nhân, thông báo việc tiếp nhận phạm nhân cho các cơ quan liên quan và thân nhân phạm nhân đúng quy định tại Điều 26, 28 Luật thi hành án hình sự; Tổ chức phân loại quản chế phạm nhân và giam giữ phạm nhân theo loại đúng theo quy định tại Điều 30 Luật THAHS và Thông tư 37/2011/TT-BCA và Hướng dẫn 15/C81-C85 của Tổng cục VIII - Bộ Công an, nay là Thông tư số 09/2020/TT-BCA ngày 04/02/2020 của Bộ Công an; Tiếp theo yêu cầu phạm nhân cam kết thực hiện các hình phạt bổ sung và trách nhiệm dân sự khác; Đối với các trường hợp phạm nhân nghiện ma túy (trước khi đến trại) tuyệt đối không được đề nghị để lại chấp hành hình phạt tại nhà tạm giữ; Trước khi cho phạm nhân ra lao động nhà tạm giữ phải tổ chức giáo dục cho phạm nhân học tập Nội quy trại giam, Nội quy nhà tạm giữ (Thông tư 36/2011/TT-BCA-V19 ngày 26/5/2011) và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Công tác quản lý, giáo dục cải tạo và lao động đối với phạm nhân:
+ Sau khi tiếp nhận phạm nhân, hướng dẫn Cơ quan THA biên chế các tổ; Việc tổ chức giam giữ; Việc phạm nhân giam giữ riêng theo đúng quy định tại Điều 30 Luật THAHS và Thông tư 37/2011/TT-BCA Hướng dẫn 15/HD/C81-C85-BCA. Nay là Thông tư số 09/2020/TT-BCA ngày 04/02/2020 của Bộ Công an;
+ Về tổ chức và hoạt động của Ban tự quản, hồ sơ sổ sách của Ban tự quản,
hướng dẫn các Phân trại thực hiện đúng theo Hướng dẫn 9230/HD-V26-(P6)-BCA ngày 16/12/2009 và Hướng dẫn 886/HD-C81-C86 ngày 15/5/2017 của Bộ Công an.
+ Công tác quản giáo, hoạt động vũ trang bảo vệ, hướng dẫn Đội nghiệp vụ thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 16/2011-BCA và Thông tư 68/2011-BCA.
+ Công tác giáo dục và tổ chức lao động đối với phạm nhân: Hướng dẫn Đội nghiệp vụ phải thực hiện đảm bảo đúng quy định tại Hướng dẫn 02/2012/TTLT-BCA-BQP-BGD&ĐT ngày 06/02/2012.
+ Công tác xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân: Hướng dẫn cán bộ quản giáo thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 06/2018/TT-BCA ngày 12/02/2018.
+ Việc khen thưởng và kỷ luật đối với phạm nhân, hướng dẫn thực hiện đúng
theo Hướng dẫn 2828/HD-C81-C86 ngày 19/9/2013. Việc xử lý đồ vật cấm thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 58/2011/TT-BCA ngày 09/8/2011.
+ Công tác lập hồ sơ xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân, hướng dẫn thực hiện đúng theo quy định của Điều 63 Bộ luật hình sự, Điều 33 Luật thi hành án hình sự và Thông tư liên tịch số 33/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013.
+ Công tác lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, hướng dẫn thực hiện phải đảm bảo theo quy định của điều 368 Bộ luật TTHS, Điều 66 Bộ luật hình sự, Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/2/2018 và Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP-TATC.
+ Lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, hướng dẫn thực hiện đảm bảo đúng theo Điều 36, 37 Luật thi hành án hình sự, Thông tư số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Khi các phạm nhân hết thời hạn tạm đình chỉ mà Cơ quan thi hành án hình sự (đặc biệt là các Cơ quan thi hành án hình sự ngoài tỉnh Gia Lai) chưa đưa người phải chấp hành án phạt tù đi thi hành án tiếp theo thì có công văn trao đổi nghiệp vụ để Phòng 8 - VKSND tỉnh làm văn bản trao đổi nghiệp vụ với Phòng 8 của các VKSND tỉnh bạn để Viện kiểm sát các tỉnh có văn bản kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu Cơ quan THAHS nơi có phạm nhân được tạm đình chỉ thực hiện.
+ Giải quyết các trường hợp phạm nhân chết (nếu có) hướng dẫn Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm rõ nguyên nhân, thực hiện các thủ tục đúng theo quy định của Điều 56 Luật thi hành án hình sự. Khi đã thông báo cho Tòa án biết mà Tòa án chưa ra Quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù thì hướng dẫn Trại làm Văn bản đề nghị Tòa án ra quyết định.
+ Giải quyết trường hợp phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ (nếu có), hướng dẫn Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện đúng theo quy định tại Điều 42 Luật thi hành án hình sự. Ngoài ra phối hợp với Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự  đề ra mọi biện pháp, phương án, tích cực đôn đốc, động viên lực lượng cán bộ chiến sỹ trong việc truy tìm, bắt lại bằng được đối tượng trốn, yêu cầu
cơ quan điều tra khởi tố về tội trốn khỏi nơi giam giữ.
+ Đối với các trường hợp vướng mắc trong quá trình thi hành án hình sự đều được đưa ra bàn bạc,trao đổi với Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự để thống nhất phương an, biện pháp giải quyết kịp thời.

- Về thực hiện các chế độ đối với phạm nhân:
Trong quá trình kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với phạm nhân đã phối hợp với thủ trưởng Cơ quan THAHS hướng dẫn cán bộ thực hiện đầy đủ đảm bảo đúng quy định tại Mục 2, Chương III Luật thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật khác như Nghị định 117/NĐ-CP ngày 15/12/2011, Thông tư 07/2018/TT-BCA ngày 12/3/2018, Hướng dẫn 603/HD-C81-C86 ngày 17/4/2018, Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BCA-BQP-BTC ngày 07/6/2007, Thông tư 39/TT-BCA ngày 25/9/2013 và các văn bản pháp luật liên quan.

- Các loại sổ sách mẫu biểu sử dụng trong việc thi hành án phạt tù:
Về sổ sách và mẫu biểu trong công tác thi hành án phạt tù có rất nhiều loại sổ sách, mẫu biểu khác nhau để dùng cho công tác nghiệp vụ (Trước 2020 thực hiện theo Thông tư 63/TT-BCA. Nay thực hiện theo quy định tại Thông tư 12/2020/TT-BCA ngày 07/02/2020 gồm 31 loại sổ và 125 biểu mẫu), do vậy qua công tác kiểm sát đã hướng dẫn tỷ mỉ, chi tiết để đội nghiệp vụ tuân thủ và thực hiện đúng theo hướng dẫn và quy định của Thông tư.

- Việc tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của phạm nhân và của thân nhân và các đối tượng khác:
Việc tiếp nhận, giải quyết đơn phải được triển khai phối hợp giải quyết nhanh chóng kịp thời, đúng theo quy định tại chương XIV Luật thi hành án hình sự và các văn bản khác có liên quan, không gây bức súc cho các đối tượng, giúp cho Cơ quan thi hành án hình sự, nhà tạm giữ Công an cấp huyện ổn định trong công tác quản lý giáo dục người chấp hành án phạt tù.

- Công tác tham mưu phát triển các phong trào:
Ngoài ra, tích cực tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện trong các hoạt động phong trào khác như: Phong trào phòng chống bạo lực, thông tin tố giác phòng chống vi phạm và tội phạm trong nhà tạm giữ; Phong trào phòng chống Ma túy, phòng chống thuốc lá (theo Quy định 1065/QyĐ-C81 ngày 05/6/2014 của Tổng cục 8 - BCA); Phong trào viết thư xin lỗi đối với gia đình bị hại; Phong trào xanh sạch đẹp tại nơi giam giữ; Phong trào xanh sạch đẹp tại nơi làm việc và nơi ở và một số phong trào khác.
Từ đó tạo ra môi trường thân thiện, lành mạnh, nền nếp và có tổ chức, kỷ luật chặt chẽ, tạo hình ảnh là nơi quản lý, giáo dục cải tạo ưu ái tốt nhất đối với các phạm nhân. Làm nền tảng để giáo dục, cải tạo các phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại các nhà tạm giữ yên tâm sinh hoạt học tập và lao động, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội sau khi đã chấp hành án xong hình phạt tù.
 
PHẦN C - KẾT LUẬN
 
Qua hoạt động kiểm sát, kiểm tra nghiệp vụ và công tác phối hợp, hướng dẫn giúp đỡ đối với cán bộ kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân và cán bộ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong thời gian qua và đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2020: Viện kiểm sát cấp huyện và các Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả, thành tích nhất định trong công tác kiểm sát thi hành án phạt tù và công tác quản lý giáo dục phạm nhân tại các Nhà tạm giữ, từ đó những vi phạm, tồn tại trong công tác này đã được hạn chế rất đáng kể và cơ bản không để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng như không để phạm nhân đưa vật cấm vào khu giam giữ, không phạm tội mới, không trốn, không tự sát, không có phạm nhân chết không rõ nguyên nhân...

Hy vọng trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo những vi phạm, tồn tại trong công tác này được hạn chế thấp nhất. Tạo tiền đề thuận lợi, tích cực cho công tác kiểm sát việc quản lý giáo dục phạm nhân của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nói riêng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai nói chung và công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù của các Cơ quan thi hành án hình sự tại Công an cấp huyện, đảm bảo cho công tác này được thực hiện tuân thủ chặt chẽ
theo các quy định của pháp luật.

Những nội dung đã triển khai thực hiện và nêu trong sáng kiến này, mục đích cuối cùng là nhằm việc quản lý, giáo dục, cải tạo những con người một thời lầm lỗi sau khi chấp hành xong án phạt tù tại các Nhà tạm giữ Công an cấp huyện khi ra trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội, cho gia đình và bản thân họ. Dần tạo môi trường quản lý con người, quản lý xã hội của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt nam có tính nhân văn và ngày càng tốt đẹp hơn./.
 
 

Tác giả bài viết: Trần Quốc Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập42
  • Hôm nay12,426
  • Tháng hiện tại803,025
  • Tổng lượt truy cập16,497,791
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây