Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Hoạt động của Kiểm sát viên trong việc kiểm sát các quyết định của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự

Thứ ba - 07/07/2020 09:32 2.533 0
Chuẩn bị xét xử (CBXX) sơ thẩm vụ án dân sự (VADS) là toàn bộ các hoạt động tố tụng do Tòa án (TA) tiến hành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự (TTDS), bắt đầu kể từ khi TA thụ lý VADS cho đến trước khi TA mở phiên tòa xét xử sơ thẩm VADS nhằm tạo mọi điều kiện cần thiết để mở phiên tòa xét xử VADS lần đầu tại một TA có thẩm quyền.

Ở giai đoạn này, TA có thể ban hành rất nhiều các quyết định khác nhau để xử lý vụ án, như: Quyết định chuyển VADS; Quyết định nhập hoặc tách VADS; Quyết định đưa vụ án ra xét xử; Quyết tạm đình chỉ giải quyết VADS; Quyết định đình chỉ giải quyết VADS; Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự; Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định tiếp tục giải quyết VADS… Các quyết định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, Kiểm sát viên (KSV) cần chú trọng kiểm sát các quyết định này. Để kiểm sát tốt các quyết định của TA giai đoạn này, chúng tôi đề xuất quy trình thực hiện kiểm sát gồm 7 bước cụ thể như sau:

Bước 1: Xác định và phân loại các quyết định 

KSV có thể dựa vào các tiêu chí khác nhau để xác định và phân loại quyết định tố tụng của TA, cụ thể:
Một là, dựa vào đối tượng thực hiện quyền của VKS: Khi nhận được các quyết định của TA, KSV phải xác định quyết định nào là đối tượng kháng nghị, quyết định nào là đối tượng kiến nghị. Trong các quyết định mà TA ban hành ở giai đoạn CBXX sơ thẩm, chỉ có 3 quyết định VKS được quyền kháng nghị là quyết định tạm chỉ giải quyết VADS, quyết định đình chỉ giải quyết VADS theo thủ tục phúc thẩm, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo thủ tục giám đốc thẩm (quyết định có hiệu lực thi hành ngay). Các quyết định này là đối tượng kháng nghị vì nó có nội dung mang tính chất giải quyết VADS, có vi phạm nghiêm trọng (đạt được thỏa thuận do lừa dối hoặc quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự vắng mặt, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật…) làm sai lệch đường lối giải quyết vụ án, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự, không đảm bảo tính khách quan khi giải quyết vụ án. Vi phạm pháp luật nghiêm trọng là vi phạm pháp luật đến mức xâm phạm hoặc ảnh hưởng quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp công dân, lợi ích nhà nước. Trong khi đó, tất cả các quyết định tố tụng còn lại của TA trong giai đoạn này đều thuộc quyền kiến nghị.
Hai là, phân loại theo thời hạn kiểm sát. Theo đó có hai loại quyết định như sau:
Nhóm thứ nhất, quyết định có quy định thời hạn kiểm sát. Loại quyết định này quy định thời hạn kiểm sát là 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được, KSV sẽ phải tiến hành kiểm sát ngay, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ và tính chất của vi phạm cần tiến hành kiến nghị hoặc kháng nghị theo quy định trong thời hạn đó. Hết thời hạn này mà VKS không có kiến nghị hoặc kháng nghị thì mất quyền kiến nghị, kháng nghị. Ví dụ đối với quyết định chuyển VADS cho TA có thẩm quyền chuyển tới VKS vào thứ 2 ngày 16/02/2020 thì trong thời hạn kể từ ngày 16/02/2020 đến ngày 20/02/2020, VKS nếu thấy có vi phạm pháp luật thì ra văn bản kiến nghị yêu cầu TA khắc phục vi phạm đó.
Nhóm thứ hai, quyết định không quy định về thời hạn kiến nghị. Với các quyết định này, KSV cũng phải tiến hành các hoạt động kiểm sát ngay, đảm bảo thời hạn tố tụng chung và nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời VADS. Nhanh chóng kiểm sát ngay các quyết định này sẽ giúp KSV kịp thời phát hiện các vi phạm để tiến hành kiến nghị vụ việc (vi phạm cụ thể) hoặc kiến nghị chung đối với các vi phạm có tính lặp đi lặp lại, tránh trường hợp kiến nghị chậm gây ảnh hưởng đến việc TA khắc phục lý do xảy ra vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Ví dụ như các quyết định nhập VADS, quyết định tách VADS, quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm…
Việc xác định và phân loại chính xác các quyết định tố tụng trong giai đoạn CBXX sơ thẩm VADS của TA giúp KSV định hình được công việc, lập kế hoạch kiểm sát khoa học, kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật để khắc phục vi phạm, xử lý vi phạm, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đảm bảo hiệu quả giải quyết VADS đúng quy định của pháp luật.

Bước 2: Vào sổ thụ lý kiểm sát các quyết định

Hoạt động vào sổ thụ lý kiểm sát các quyết định của TA là việc xác định trách nhiệm kiểm sát của VKS đối với công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của TA khi ban hành các quyết định này trong giai đoạn CBXX sơ thẩm. Vào sổ thụ lý kiểm sát các quyết định tố tụng của TA được KSV thực hiện ngay sau khi nhận được quyết định do TA chuyển đến. KSV phải sử dụng đúng mẫu sổ được quy định, ghi đúng chính tả, đúng số văn bản, ngày tháng năm ban hành văn bản, nội dung văn bản, ghi rõ ràng, không tẩy xóa…
Việc vào sổ thụ lý kiểm sát các quyết định tố tụng của TA giúp KSV có thể theo dõi quá trình tố tụng khi giải quyết vụ án của TA, từ đó nâng cao vai trò của VKS đối với hoạt động tố tụng, tránh những vi phạm có thể xảy ra (ví dụ: TA vi phạm thời hạn CBXX sơ thẩm, TA không tiến hành hòa giải theo quy định hoặc hòa giải không đúng với quy định...) góp phần giải quyết vụ án dân sự đúng đắn, kịp thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự, xã hội.

Bước 3: Tiến hành kiểm sát việc ban hành các quyết định 

Kiểm sát viên khi kiểm sát việc ban hành các quyết định của TA phải chú ý những nội dung cụ thể:
Một là, đối với thời hạn gửi quyết định. KSV dựa vào ngày, tháng, năm ghi trên quyết định cùng việc nghiên cứu các tài liệu hồ sơ, văn bản tố tụng khác liên quan để xác định xem quyết định tố tụng có được TA ban hành và gửi đến đúng thời hạn quy định hay không. Mỗi loại quyết định BLTTDS quy định thời hạn gửi khác nhau, ví dụ Quyết định chuyển vụ án cho TA khác (Điều 41 BLTTDS), quyết định nhập, tách VADS (Điều 42 BLTTDS) phải được gửi ngay cho VKS, còn quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS lại được gửi trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ban hành. 
Hai là, đối với hình thức của quyết định. KSV cần nắm chắc quy định của ngành TA về các biểu mẫu tố tụng, kiểm tra mẫu văn bản được sử dụng có đúng quy định hay không. Sau đó, tiến hành kiểm sát về kỹ thuật văn bản, kiểm tra xem quyết định đó có được ký, đóng dấu đúng quy định hay không. 
Ba là, đối với căn cứ của quyết định. Đây là cơ sở để ra quyết định, thể hiện các quy định trong tố tụng như nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định, lý do ban hành, hậu quả, hiệu lực của quyết định... Mỗi một văn bản có một hệ thống các căn cứ riêng theo quy định của BLTTDS. Phần căn cứ của quyết định được ghi ngay dưới tên quyết định, bắt đầu bằng cụm từ “căn cứ vào”, tiếp theo đó là các Điều luật của BLTTDS. Ví dụ tại quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS, phần căn cứ được ghi như sau: “Căn cứ vào các Điều 214, 215 và 219 của BLTTDS”. KSV phải xác định đúng loại quyết định, nắm rõ các quy định pháp luật về quyền hạn, nhiệm vụ của người ban hành quyết định, các quy định liên quan đến nội dung của quyết định, hiệu lực của quyết định... nhằm kiểm sát chính xác căn cứ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và ban hành quyết định tố tụng của TA.
Bốn là, về thẩm quyền ban hành quyết định. Trong giai đoạn CBXX sơ thẩm VADS, thẩm quyền ban hành quyết định cho từng quyết định được quy định cụ thể trong BLTTDS. Đây là những quy định chỉ ra ai là người có thẩm quyền ban hành, ký quyết định tố tụng nhằm giải quyết VADS hoặc thực hiện thủ tục tố tụng trong giai đoạn CBXX sơ thẩm VADS. Khi kiểm sát thẩm quyền ban hành các quyết định, KSV cần căn cứ vào phần mở đầu của các quyết định có ghi tên và chức vụ của người ban hành quyết định và phần ký tên ở cuối quyết định, đồng thời căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền ban hành các quyết định đó để xem xét xem các quyết định được ban hành đúng thẩm quyền quy định hay không. 
Năm là, về nội dung của các quyết định. Mỗi quyết định sẽ có một nội dung riêng biệt, cụ thể và nội dung này phải phù hợp với nội dung vụ án đang được thụ lý giải quyết. Khi tiến hành kiểm sát nội dung quyết định tố tụng của TA, KSV phải nghiên cứu và dựa vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, cùng với những thông tin mà KSV nắm được về tranh chấp để đưa ra nhận định, đánh giá chính xác nhất. Ví dụ: khi kiểm sát nội dung quyết định đình chỉ giải quyết VADS, KSV phải xem đã có đầy đủ căn cứ ban hành chưa, có đúng theo các quy định tại các Điều 48, 217, 218, 219 và khoản 2 Điều 273 BLTTDS hay không? Lý do để ban hành quyết định có thuộc một trong các trường hợp tại Điều 217 hay không? Phần xét thấy có hợp pháp và hợp lý với nội dung vụ án hay không và phần quyết định có đảm bảo nội dung cần có theo quy định hay không?…

Bước 4: Xác định, tập hợp và đánh giá vi phạm

Những vi phạm thường gặp đối với các quyết định tố tụng của TA trong giai đoạn CBXX sơ thẩm VADS như:
Một là, vi phạm về thời hạn gửi quyết định
Hai là, vi phạm về hình thức của quyết định. Khi kiểm sát hình thức các quyết định, KSV căn cứ vào Nghị quyết số 01/2017 về biểu mẫu tố tụng của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để kiểm tra xem TA có sử dụng đúng mẫu văn bản mà ngành quy định hay không. Chẳng hạn: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là Mẫu số 38–DS, quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS là Mẫu số 41–DS, quyết định đình chỉ giải quyết VADS là Mẫu số 45–DS... Bên cạnh mẫu văn bản theo quy định của ngành TA đã quy định, KSV cần phải kiểm tra hình thức, kỹ thuật văn bản… Các vi phạm có thể là không tuân thủ theo mẫu, không ký tên, không đóng dấu, sai chính tả….
Ba là, vi phạm về thẩm quyền ban hành các quyết định. Những vi phạm thường gặp như: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và thẩm phán ký ban hành quyết định khác nhau; hoặc quyết định được ban hành thuộc thẩm quyền của Chánh án nhưng Thẩm phán lại ký  ban hành... Để kiểm tra được vi phạm, KSV căn cứ vào quyết định phân công thẩm phán giải quyết VADS, phần đầu của các quyết định về người ban hành quyết định và phần ký tên của quyết định đó.
Bốn là, vi phạm về nội dung của quyết định. Những vi phạm có thể xảy ra như: quyết định ban hành không đúng căn cứ, không đủ căn cứ pháp lý, áp dụng pháp luật sai, ghi sai thông tin nội dung VADS… KSV cần đối chiếu nội dung quyết định với thông báo thụ lý vụ án, các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án đề kiểm tra tính có căn cứ, hợp pháp của quyết định đó. 
Ngoài ra, trong khi ban hành các quyết định ở giai đoạn CBXX sơ thẩm, một số các vi phạm khác cũng xuất hiện, đòi hỏi KSV phải kiểm sát kỹ lưỡng, chặt chẽ, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ trong vụ án để đảm bảo phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm xảy ra.
KSV cần tập hợp các vi phạm lại để đảm bảo không bỏ sót vi phạm, đảm bảo cho công tác đánh giá vi phạm ở phía sau. Việc tập hợp các vi phạm này tùy theo nghiệp vụ của từng KSV, có thể tập hợp vi phạm theo quyền hạn của VKS (vi phạm thuộc quyền kiến nghị, vi phạm thuộc quyền kháng nghị), cũng có thể sắp xếp vi phạm theo sự phân loại các quyết định (vi phạm của nhóm quyết định giải quyết vụ án, vi phạm của nhóm quyết định tố tụng). Việc xác định, tập hợp vi phạm phải được ghi lại rõ ràng, rành mạch, cụ thể.
Sau khi đã xác định, tổng hợp được các vi phạm, KSV phải đánh giá tính chất, mức độ của vi phạm đó. Đánh giá tính chất, mức độ của các vi phạm là thao tác quan trọng đối với công tác kiểm sát CBXX sơ thẩm của KSV. KSV cần đối chiếu vi phạm đã tập hợp với quy định của BLTTDS, các văn bản hướng dẫn liên quan để xác định xem vi phạm là vi phạm loại nào, ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng, vi phạm đó thuộc trường hợp yêu cầu, kiến nghị hay kháng nghị, kiến nghị vụ việc hay kiến nghị tập hợp. Việc nhận định, đánh giá các vi phạm phải rõ ràng rành mạch, chỉ ra có bao nhiêu vi phạm, vi phạm về vấn đề gì, ở quyết định nào, vi phạm điều khoản nào của quy định pháp luật, mức độ của từng vi phạm là như thế nào. 

Bước 5: Lập phiếu kiểm sát

Lập phiếu kiểm sát là hoạt động nhằm theo dõi vi phạm pháp luật của TA, qua đó KSV tiến hành tập hợp các vi phạm, đánh giá đúng đắn, đầy đủ các vi phạm đang tồn tại; đồng thời, là một cách để KSV bám sát hồ sơ vụ án, kịp thời báo cáo lãnh đạo cho ý kiến giải quyết kịp thời, giúp TA khắc phục các vi phạm. 
Khi nhận được quyết định của TA ban hành, KSV không tiến hành lập phiếu kiểm sát đối với tất cả các quyết định mà KSV chỉ tiến hành lập phiếu kiểm sát đối với một số các quyết định đã được hướng dẫn trong Quy chế 364 là quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS.
Phiếu kiểm sát phải sử dụng đúng mẫu theo quy định của ngành Kiểm sát nhân dân tại Quyết định số 204. Theo đó, mẫu số 14 để lập phiếu kiểm sát đối với các quyết định giải quyết VADS như quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định tạm đình chỉ giải quyết VADS; mẫu số 22 để lập phiếu kiểm sát đối với các quyết định về tố tụng như quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm hoặc Thông báo thụ lý vụ án... 
Việc lập phiếu kiểm sát phải được tiến hành kịp thời, đầy đủ, đúng đắn, tập hợp và đánh giá rõ ràng các nội dung kiểm sát, đặc biệt là các vi phạm. KSV cần sử dụng ngôn ngữ trong sáng, lành mạnh, sử dụng đúng từ ngữ chuyên ngành, trình bày rõ ràng, mạch lạc, gọn gàng, chú ý các yếu tố về kỹ thuật văn bản như chính tả, phông chữ, căn cứ văn bản…

Bước 6: Lập hồ sơ kiểm sát

Trong giai đoạn CBXX sơ thẩm VADS, KSV chỉ lập hồ sơ kiểm sát với ba quyết định: quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, quyết định tạm đình giải quyết VADS, quyết định đình chỉ giải quyết VADS. Việc lập hồ sơ kiểm sát nhằm tạo cấu trúc hệ thống hồ sơ dựa trên hồ sơ gốc, các văn bản, tài liệu liên quan đến vụ án, đến quyết định đã được quản lý trước đó, để kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của TA trong CBXX sơ thẩm VADS. Chính vì vậy, chỉ khi có hồ sơ gốc, KSV mới tiến hành lập hồ sơ kiểm sát.
Tại khoản 2 Điều 12 Quy chế 364, khi lập hồ sơ kiểm sát đối với các quyết định trong giai đoạn CBXX sơ thẩm VADS, KSV thực hiện theo các bước sau: 
Một là, KSV tạo thành các tệp theo chủng loại văn bản như tệp về tố tụng, tệp liên quan đến nguyên đơn, tệp liên quan đến bị đơn, tệp liên quan đến người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, tệp tài liệu, chứng cứ do TA tiến hành thu thập, tệp các văn bản do VKS ban hành. Sau đó sắp xếp các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ theo một trình tự nhất định theo thời gian hoặc kẹp thành từng tệp riêng theo loại tài liệu, giấy giờ. Trình tự sắp xếp này tùy thuộc vào từng KSV. Hiện nay, tuy có Hướng dẫn số 27/DS/2014 và Hướng dẫn số 28/HC/2018, KSV có thể vận dụng để lập hồ sơ kiểm sát nhưng việc lập hồ sơ kiểm sát vẫn còn phải tùy thuộc vào khả năng của mỗi KSV. Về nguyên tắc, trình tự sắp xếp trong hồ sơ kiểm sát phải được sắp xếp một cách khoa học, chính xác, tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu hồ sơ kiểm sát, là tiền đề cho các công tác phía sau. Vì vậy, KSV phải tuân thủ thực hiện.
Hai là, đánh bút lục cho các tài liệu, văn bản, giấy tờ.... có liên quan. Mặc dù trên các quyết định do TA chuyển tới đều có bút lục, song sự sắp xếp của từng loại hồ sơ đều khác nhau vì một phần do quy định của ngành riêng biệt, một phần là do quan điểm của người lập hồ sơ. Khoản 3 Điều 12 Quy chế 364 quy định việc đánh dấu bút lục cho hồ sơ kiểm sát được đánh theo thứ tự thời gian của việc giải quyết VADS. Do đó, khi đánh dấu bút lục cho hồ sơ kiểm sát, KSV phải chú ý về mặt thời gian đối với các giấy tờ, tài liệu của hồ sơ. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về vị trí đóng dấu bút lục, tuy nhiên, theo thực tế hoạt động của VKS, dấu bút lục được đánh ở vị trí phía trên góc phải của tài liệu, cũng có thể đánh dấu ở phía dưới góc phải của tài liệu để tránh trùng vị trí với dấu bút lục của TA.
Ba là, lập danh sách thống kê tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đặt danh sách tại trang bìa số hai của hồ sơ kiểm sát. Khoản 3 điều 12 Quy chế 364 quy định khi lập hồ sơ kiểm sát, KSV phải lập danh mục tài liệu trong hồ sơ, đây là hoạt động tuy nhỏ nhưng đặc biệt cần thiết, có ý nghĩa cho việc tổng hợp, theo dõi và nghiên cứu, kiểm tra hồ sơ kiểm sát.

Bước 7: Báo cáo lãnh đạo Viện về kết quả kiểm sát các quyết định

Sau khi đã kiểm tra các quyết định, tập hợp đủ các vi phạm và đánh giá được mức độ vi phạm một cách cẩn thận, KSV được phân công phải trực tiếp báo cáo ngay với lãnh đạo Viện về kết quả kiểm tra các quyết định đó và đề xuất kiến nghị, kháng nghị phù hợp tùy theo mức độ vi phạm.
Việc báo cáo lãnh đạo đề xuất thực hiện việc kiến nghị; kháng nghị phúc thẩm quyết định tạm đình chỉ và quyết định đình chỉ giải quyết VADS phải sử dụng Mẫu số 13 ban hành theo Quyết định 204. Việc báo cáo thỉnh thị đề nghị Viện trưởng VKS cấp cao, Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải tuân theo Mẫu số 11 ban hành theo Quyết định 204./.

Tác giả bài viết: Hồng Ánh, Thùy Linh, Hồng Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay12,426
  • Tháng hiện tại801,238
  • Tổng lượt truy cập16,496,004
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây