Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Kỹ năng nhận diện các dạng vi phạm trong công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, chuyển, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố

Thứ ba - 27/12/2016 19:17 4.918 0
Nhận diện vi phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an cấp xã trong công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, chuyển, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn huyện Ia Grai

I. Tính cấp thiết của việc xây dựng chuyên đề

          Ia Grai là huyện biên giới phía tây tỉnh Gia Lai cách thành phố Pleiku 18km, giáp với Vương quốc Campuchia với 12km đường biên giới, huyện có 12 đơn vị hành chính xã và 01 thị trấn. Có 01 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, 12 Công an xã, 01 Công an thị trấn, 02 Đồn Biên phòng và 01 Hạt Kiểm lâm.
          Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và các văn bản hướng dẫn được ban hành, liên tục được bổ sung hoàn thiện nhưng công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, giải quyết tin báo nói chung của các cơ quan có thẩm quyền cấp huyện và của cấp cơ sở nói riêng còn nhiều thiếu sót, vi phạm, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng.
Về cơ sở thực tiễn: Trong các năm 2014, 2015, 2016 qua thực hiện công tác kiểm sát việc tiếp nhận, thụ lý, phân loại, chuyển, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố tại đơn vị gồm: CQCSĐT Công an huyện, Đồn Biên phòng Pơ Cô, Hạt Kiểm lâm, Công an các xã và Công an thị trấn Ia Kha đã phát hiện nhiều vi phạm có tính chất điển hình, phổ biến, lặp lại chưa được giải quyết, khắc phục triệt để mặc dù VKSND huyện qua các đợt kiểm sát đã ban hành Kết luận, chỉ rõ vi phạm và kiến nghị khắc phục nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, vấn đề này cần thiết phải được nghiên cứu, phân tích để có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.
Xuất phát từ đặc điểm, tình hình và tính cấp thiết trên, chúng tôi chọn nghiên cứu và xây dựng chuyên đề “Nhận diện vi phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an cấp xã trong công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, chuyển, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn huyện Ia Grai”.

II. Thực trạng hoạt động tiếp nhận, thụ lý, phân loại, chuyển, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn huyện Ia Grai

1. Một số điểm lưu ý về cơ sở pháp lý
          - Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chỉ được quy định trong hai điều là Điều 101 và Điều 103. Tuy nhiên các quy định này chưa đầy đủ, không rõ ràng khiến việc áp dụng trên thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn.
          - Thông tư 06/2013 ngày ngày 02/8/2013 của liên ngành Trung ương đã tạo ra cơ sở pháp lý để cụ thể hóa và có những bước chuyển biến tích cực, việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tin báo. Tuy nhiên, nhiều quy định của Thông tư 06 đã bộc lộ những thiếu sót, hạn chế cần bổ sung, sửa đổi.
          - Bên cạnh đó, để thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của BLTTHS năm 2003 và Thông tư số 06/2013 thì Bộ Công an đã cụ thể hóa Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2006, năm 2009) bằng Thông tư 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 quy định về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân (Thông tư 28/2014) và ban hành Quy trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong Công an nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 1319/QĐ-BCA-C41 ngày 20/3/2015. Các văn bản này đã được Bộ Công an triển khai cụ thể đến lực lượng Công an các cấp để tổ chức thực hiện, tuy nhiên chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhất là đối với lực lượng Công an cấp xã, thậm chí có nơi không nắm được các văn bản này để vận dụng.
- Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được ban hành có tới 7 điều quy định về vấn đề này theo hướng chi tiết hóa, cụ thể hóa một cách rõ ràng, bao gồm các điều: Điều 144, 145, 146, 147, 148, 149, 150. Đây là cơ sở pháp lý cho hoạt động nghiệp vụ kiểm sát của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, đến nay Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã tạm dừng hiệu lực thi thành theo Nghị quyết số 144 ngày 29/6/2016 của Quốc hội.
       
2. Thực trạng thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra và Công an cấp xã trong công tác này trên địa bàn huyện Ia Grai thời gian qua.

2.1. Kết quả công tác kiểm sát
 - Từ năm 2014 đến tháng 9 năm 2016 VKSND huyện Ia Grai đã thụ lý tổng số 221 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (gồm 86 tin báo của cấp xã, 07 tin báo của Biên phòng và Kiểm lâm và 128 tin CQCSĐT phát hiện thông qua thực hiện nhiệm vụ), trong đó số cũ chuyển sang 03 tin, mới thụ lý 218 tin. Đến 15/9/2016 đã giải quyết xong 205 tin, tỷ lệ giải quyết đạt 92,8%. Trong đó khởi tố vụ án: 132 tin chiếm tỷ lệ 64,4% trên tổng số tin đã giải quyết, không khởi tố vụ án: 66 tin chiếm tỷ lệ 32,2%, chuyển cơ quan khác và tạm đình chỉ 05 tin chiếm tỷ lệ 3,4%. Số tin báo hiện còn là 16 tin.
- VKSND huyện đã tiến hành trực tiếp kiểm sát công tác tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tin báo tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện 02 lần, trực tiếp kiểm sát 01 lần tại Hạt Kiểm lâm và 01 lần tại Đồn Biên phòng, trực tiếp kiểm sát công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, chuyển tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại 10 Công an cấp xã; qua kiểm sát đã ban hành 14 kết luận, 02 kiến nghị và 03 Công văn yêu cầu CQCSĐT, Hạt Kiểm lâm, Đồn Biên phòng và Công an cấp xã khắc phục những vi phạm
         
2.2. Một số dạng vi phạm điển hình

2.2.1. Các vi phạm của Công an cấp xã
- Vi phạm trong xác định phân loại nguồn (tin báo hay tố giác hay kiến nghị khởi tố), chưa phân loại đúng giữa tin báo tội phạm và vi phạm hành chính
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư 28/2014 thì khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm (kể cả trường hợp tự phát hiện trong khi làm nhiệm vụ), Công an cấp xã, đồn, trạm Công an có trách nhiệm xác minh sơ bộ ban đầu để phân loại. Nếu xác định thông tin đó là tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm đó kèm theo các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết; trường hợp xác định thông tin đó không phải là tố giác, tin báo về tội phạm thì xử lý theo quy định khác của pháp luật và tại Điều 3 Thông tư 06/2013 có giải thích thế nào là tố giác về tội phạm, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhưng Công an cấp xã chưa nắm rõ các quy định này cho nên việc phân loại thông tin về tội phạm còn nhầm lẫn giữa tin báo với tố giác và kiến nghị khởi tố, nhầm lẫn giữa tin báo tội phạm và vi phạm hành chính.  
- Vi phạm trong việc chuyển tin báo tội phạm
Trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, theo BLTTHS năm 2003 và Thông tư 06/2013 thì Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm (điểm m, khoản 1 Điều 5). Khoản 1 Điều 11 Quy trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (ban hành kèm theo Quyết định số 1319/QĐ-BCA-C41 về Quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong Công an nhân dân) quy định: “Khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm, Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an có trách nhiệm xác minh sơ bộ ban đầu trong thời hạn 24 giờ để phân loại. Nếu xác minh thông tin đó là tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm đó kèm theo các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết”.
Như vậy, sau khi tiếp nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, Công an cấp xã có trách nhiệm báo ngay tin đã nhận được cho Cơ quan điều tra bằng văn bản (khoản 4 Điều 7 của Thông tư 06/2013). Trong 221 tố giác, tin báo tội phạm đã thụ lý thì có 86 tin báo do cấp xã chuyển đến, tuy nhiên trong đó có 03 tin báo Công an xã tiếp nhận và không chuyển cho Cơ quan điều tra Công an huyện.
- Vi phạm trong giải quyết tố giác, tin báo không đúng thẩm quyền
Theo quy định của BLTTHS và Thông tư 06/2013 cũng như các văn bản hướng dẫn khác thì Công an cấp xã không có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo tội phạm mà chỉ có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp Công an cấp xã không chuyển tin báo tội phạm mà trực tiếp giải quyết, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
- Vi phạm trong việc bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ ban đầu
Theo quy định tại Điều 11 Quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (ban hành kèm theo Quyết định số 1319/QĐ-BCA-C41 ngày 20/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an) và khoản 2 Điều 28 Thông tư  28/2014 thì trong trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi phạm tội đang diễn ra trên địa bàn thì Công an cấp xã, Đồn, trạm Công an phải “kịp thời tổ chức lực lượng đến ngay hiện trường, khi xét thấy cần ngăn chặn ngay người có hành vi phạm tội bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm thì giải ngay người đó về trụ sở cơ quan, vẽ sơ đồ hoặc bảo vệ hiện trường, lập biên bản, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết”, như vậy ngay sau khi sự việc có dấu hiệu tội phạm xảy ra Công an xã là những người đầu tiên tiếp nhận vụ việc và đến hiện trường, việc bảo vệ hiện trường và thu thập chứng cứ ban đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ việc, hạn chế tình trạng oan sai, bỏ lọt người phạm tội giúp vụ việc được giải quyết một cách nhanh chóng, chính xác, không để xảy ra tình trạng người dân bức xúc, đơn thư khiếu kiện kéo dài. Không nhận thức được tầm quan trọng của công tác này nên Công an xã khi tới hiện trường đã không thu giữ các vật chứng của vụ việc theo quy định của pháp luật dẫn đến khó khăn cho công tác điều tra sau này.
- Vi phạm trong việc lập thụ lý, lập hồ sơ xác minh ban đầu và thông báo kết quả giải quyết
Theo quy định tại Điều 3 và Điều 5 Quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (ban hành kèm theo Quyết định số 1319/QĐ-BCA-C41 ngày 20/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an) thì Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an phải phân công cán bộ trực ban, thường trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Trong thời hạn 24 giờ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố qua đơn thư, công văn kiến nghị hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng thì phải vào sổ theo mẫu; nếu cá nhân hoặc cơ quan tổ chức trực tiếp gửi văn bản tố giác, tin báo về tội phạm thì phải viết giấy biên nhận theo mẫu; nếu cá nhân hoặc đại diện cơ quan tổ chức trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm bằng miệng thì phải lập biên bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo mẫu. Tại địa phương Công an cấp xã đều phân công cán bộ trực ban để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Việc tiếp nhận được thụ lý, ghi chép vào sổ thụ lý. Tuy nhiên việc ghi chép vào sổ thụ lý còn chưa khoa học, các cột mục của sổ còn ghi chưa đầy đủ.  
 Tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 06/2013 thì trong thời hạn 12 ngày làm việc sau khi kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã cung cấp thông tin hoặc kiến nghị khởi tố biết kết quả giải quyết vụ việc hoặc đã chuyển tin, vụ việc đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên tất cả các xã trên địa bàn huyện Ia Grai sau khi tiếp nhận, phân loại, chuyển nguồn tin về tội phạm đều không thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức biết việc xử lý vụ việc.

2.2.2. Vi phạm của các Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra (Đồn Biên phòng, Hạt Kiểm lâm)
- Không thông báo việc tiếp nhận tin báo cho Viện kiểm sát
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 06/2016 thì Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc tự phát hiện dấu hiệu của tội phạm thuộc quyền hạn điều tra của cơ quan mình thì thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên Đồn Biên phòng, Hạt Kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ đã không thông báo việc tiếp nhận tin báo cho Viện kiểm sát đầy đủ.
- Không phân loại chính xác giữa vi phạm hành chính và tin báo, tố giác tội phạm để xử lý theo quy trình hành chính hay hình sự dẫn đến xử lý sai
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 06/2013 thì Bộ đội Biên phòng, cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thuộc quyền hạn điều tra của cơ quan mình thì khẩn trương tiến hành kiểm tra, xác minh, quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự… Như vậy sau tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì Đồn Biên phòng Ia O và Hạt Kiểm lâm huyện có trách nhiệm xác định các vụ việc tiếp nhận có dấu hiệu hình sự hay không để phân loại, xác định trình tự giải quyết. Tuy nhiên Đồn Biên phòng Ia O và Hạt Kiểm lâm không làm tốt việc phân loại này dẫn đến còn nhầm lẫn các vi phạm hành chính là tin báo tội phạm và các vụ việc có dấu hiệu hình sự mà giải quyết theo thủ tục hành chính.  
- Không chuyển ngay tin báo không thuộc thẩm quyền cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết dẫn đến giải quyết quá hạn luật định
Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 06/2013 thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sau khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc tự phát hiện dấu hiệu của tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì phải chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên Đồn Biên phòng Ia O trong khi thực hiện nhiệm vụ phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm và không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình nhưng không chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền là Hạt Kiểm lâm dẫn đến vụ việc phải kéo dài thời hạn giải quyết.
- Không thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã cung cấp tin
Theo quy định tại khoản 3 Điều 103 BLTTHS và Điều 13 Thông tư 06/2013 thì trong thời hạn 12 ngày làm việc sau khi kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã cung cấp thông tin hoặc kiến nghị khởi tố biết kết quả giải quyết vụ việc hoặc đã chuyển tin, vụ việc đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên tất cả các tin báo mà Hạt Kiểm lâm và Đồn Biên phòng Ia O tiếp nhận, sau khi giải quyết đều không thông báo cho các cá nhân, tổ chức đã cung cấp tin về kết quả giải quyết.

2.2.3. Vi phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ia Grai
- Không thông báo việc tiếp nhận tin báo cho Viện kiểm sát
Tại khoản 1 Điều 14 Thông tư liên tịch số 06/2013 có quy định Cơ quan điều tra các cấp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tình hình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho Viện kiểm sát cùng cấp, như vậy sau khi tiếp nhận thông tin về tội phạm, CQCSĐT có trách nhiệm xác minh và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát, nhưng CQCSĐT Công an huyện Ia Grai không thực hiện đúng quy định này, có nhiều tin báo sau khi tiếp nhận CQCSĐT đã không thông báo cho Viện kiểm sát.  
- Không chuyển hồ sơ, tài liệu cho Viện kiểm sát để phân công Kiểm sát viên kiểm sát giải quyết tin báo
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 06/2013 thì sau khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm, Cơ quan điều tra phải tiến hành phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu. Nếu xác định thông tin đó là tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố và gửi ngay một bản đến Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật nhưng CQCSĐT Công an huyện Ia Grai vẫn chưa thực hiện đúng quy định này.  
- Không thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã cung cấp tin
Theo quy định tại khoản 3 Điều 103 BLTTHS và Điều 13 Thông tư 06/2013 thì trong thời hạn 12 ngày làm việc sau khi kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã cung cấp thông tin hoặc kiến nghị khởi tố biết kết quả giải quyết vụ việc, tuy nhiên CQCSĐT Công an huyện Ia Grai thông báo kết quả giải quyết còn chưa đầy đủ và không gửi các thông báo về việc giải quyết tin báo về tội phạm cho Viện kiểm sát.  
- Vi phạm về thời hạn giải quyết tin báo
Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 BLTTHS thì trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng và theo quy định tại Điều 13 Thông tư 06/2013 thì trong trường hợp đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định tại Điều 103 BLTTHS năm 2003 mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chưa đủ căn cứ để quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thông báo ngay bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để thống nhất quan điểm giải quyết. Như vậy thời hạn giải quyết tin báo chỉ là 20 ngày hoặc tối đa là 02 tháng (trong trường hợp phức tạp) nhưng có những trường hợp khi hết thời hạn giải quyết tin báo CQCSĐT Công an huyện Ia Grai không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn cho Viện kiểm sát để thống nhất việc giải quyết.

III. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, chuyển, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố của các cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và Công an cấp xã trên địa bàn huyện Ia Grai

1. Giải pháp chuyên môn

1.1. Viện kiểm sát
- Các Kiểm sát viên, cán bộ được phân công phải chủ động nghiên cứu để nắm vững quy định của BLTTHS, Luật tổ chức VKSND năm 2014 về trách nhiệm, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, các biện pháp giải quyết cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
- Kiểm sát viên, cán bộ được phân công phải thường xuyên nắm và kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm tại các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Kiểm sát viên bám sát việc tổ chức nắm, xác minh tin báo, tố giác tội phạm của cơ quan, đơn vị đảm bảo kịp thời, khách quan, toàn diện và triệt để, kịp thời báo cáo Lãnh đạo để yêu cầu Cơ quan, đơn vị khởi tố hoặc chuyển đến Cơ quan điều tra để khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật.
- Thường kỳ hoặc bất thường báo cáo lãnh đạo trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan điều tra trong việc tiếp nhận, xác minh, lập hồ sơ và thời hạn giải quyết tin báo. Tổng hợp vi phạm, kiến nghị để khắc phục những vi phạm mang tính điển hình, thường xuyên, kéo dài.
- Ràng buộc trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với từng tin báo được lãnh đạo phân công kiểm sát, 10 ngày trước khi hết thời hạn giải quyết tin báo, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu hồ sơ, phối hợp Điều tra viên, cán bộ cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra để đánh giá lại chứng cứ, tố tụng, nêu quan điểm xử lý, việc đánh giá này phải lập thành biên bản để làm căn cứ báo cáo Lãnh đạo từng cơ quan thống nhất chỉ đạo giải quyết tin báo. Đây là biện pháp quan trọng để đảm bảo tin báo được giải quyết đúng thời hạn, đảm bảo chứng cứ, đúng tố tụng và hạn chế mức thấp nhất việc “vênh” quan điểm giữa các cơ quan giải quyết. Gắn hiệu quả công việc này với trách nhiệm cá nhân, là tiêu chí đánh giá xét thành tích thi đua.

1.2. Cơ quan điều tra
- Hàng tuần rà soát, đánh giá và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát về công tác tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
- Phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm ở tất cả các xã, thị trấn để kịp thời phát hiện những tố giác, tin báo về tội phạm chưa được tiếp nhận, phân loại để tiếp nhận giải quyết theo thẩm quyền, đặc biệt là công tác bảo vệ hiện trường, thu giữ vật chứng trong các vụ án Công an cấp xã tiếp nhận ban đầu.
- Chỉ đạo Công an các xã, thị trấn cần bố trí đủ lực lượng làm việc tại bộ phận tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm phù hợp; tiếp nhận, phân loại, xử lý tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng quy định; sử dụng sổ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo mẫu quy định. Hàng tháng yêu cầu Công an xã báo cáo bằng văn bản các tin báo đã tiếp nhận và việc xử lý sau tiếp nhận cho CQCSĐT Công an huyện và VKSND huyện.
- Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá kết quả công tác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của CQCSĐT Công an huyện, chủ động trong bố trí lực lượng cán bộ đủ số lượng và bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện thiếu sót để khắc phục, hạn chế việc để xảy ra vi phạm.
- Tổng hợp tài liệu, tổ chức hội nghị tập huấn cho tất cả lực lượng cán bộ Công an cấp xã về công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, chuyển tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tập huấn chuyên sâu về các biện pháp nghiệp vụ: tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin, phân loại giữa tin báo tội phạm và vi phạm hành chính, bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ, lấy lời khai ban đầu, xây dựng hồ sơ… đảm bảo cán bộ Công an cấp xã có thể độc lập thực hiện các hoạt động này theo đúng quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ.
- Sẵn sàng phân công cán bộ công an huyện hỗ trợ, hướng dẫn Công an cấp xã trong việc thực hiện công tác này.

1.3. Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra
          - Các Đồn Biên phòng, Hạt Kiểm lâm cần chủ động nghiên cứu, nắm vững các quy định của BLTTHS và Thông tư 06/2013 để thực hiện việc phân loại đúng nguồn tin về tội phạm và áp dụng đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm.
          - Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngay từ khi tiếp nhận thông tin về tội phạm, từ đó đảm bảo cho việc đánh giá, phân loại, chuyển, xử lý được chính xác, kịp thời.
          - Báo cáo ngành chủ quản cấp trên đề nghị tổ chức hoặc phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ tiếp nhận, thụ lý, phân loại, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố cho lực lượng được phân công thực hiện công tác này.

2. Giải pháp chỉ đạo điều hành

2.1. Tăng cường sự chỉ đạo của cấp Ủy cơ quan, tranh thủ triệt để sự chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, tận dụng sự hỗ trợ tối đa của các cấp Chính quyền từ huyện đến cơ sở

2.2. Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố cấp huyện
Báo cáo Thường trực huyện ủy xin chủ trương, Viện kiểm sát chủ trì tổ chức Hội nghị liên ngành các cơ quan liên quan trong công tác này giai đoạn 2013 - 2016. Hội nghị cần tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách toàn diện những kết quả đã làm được, những thiếu sót, tồn tại, hạn chế, vi phạm và làm rõ trách nhiệm của từng ngành đối với những vi phạm. Từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, gắn với điều kiện thực tiễn vi phạm pháp luật và tội phạm ở địa phương, tình hình đặc điểm kinh tế - xã hội ở địa phương, chỉ rõ trách nhiệm của từng ngành để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn huyện Ia Grai. Sau hội nghị cần tổng hợp thành tài liệu chuyên đề đề từng ngành tổ chức triển khai đến từng cán bộ, công chức trong đơn vị mình được phân công thực hiện nhiệm vụ này.  

2.3. Sửa đổi, hoàn thiện Quy chế phối hợp liên ngành cấp huyện
Hiện nay tại địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp số 01/QCPHLN ngày 19/7/2013 giữa Viện kiểm sát, Công an, Bộ đội Biên phòng, Hạt kiểm lâm, Chi cục thuế và Thanh tra trong việc tiếp nhận, quản lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại địa phương. Tuy nhiên, Quy chế này ban hành trước khi Thông tư 06/2013 được ban hành, ngoài ra với nhưng với sự thay đổi của chính sách pháp luật của 07 đạo luật về Tư pháp năm 2015 mà trọng tâm là BLTTHS và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự; diễn biến tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trên địa bàn thì Quy chế này hiện nay không còn phù hợp ở nhiều điểm, đòi hỏi sớm phải được khắc phục, sửa đổi. Do đó Viện kiểm sát phải báo cáo Thường trực huyện ủy xin chủ trương, sau đó Viện kiểm sát chủ trì việc ban hành Quy chế mới để các ngành cùng thống nhất ký kết ngay trong năm 2017. Đặc biệt là bổ sung thêm các cơ quan tham gia quy chế phối hợp như Công an cấp xã hay Đội Quản lý thị trường trong việc phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo về tội phạm.

Việc ban hành Quy chế mới đồng thời phải ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan tham gia ký kết đối với việc thực hiện để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của Quy chế, tránh hình thức. Thống nhất và đưa vào Quy chế việc thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo các cơ quan có liên quan để nâng cao hiệu quả phối hợp và tính chủ động, kịp thời của các cơ quan khi thực hiện nhiệm vụ này.

2.4. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu
          - Quán triệt cho toàn thể cán bộ được phân công làm công tác tiếp nhận, thụ lý, phân loại, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố về việc tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật trong công tác này, về tinh thần trách nhiệm khi được phân công thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo toàn thể cán bộ từng ngành phải chú trọng nghiên cứu hệ thống các quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn có liên quan; chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, học tập, tiếp cận các quy định mới của BLTTHS năm 2015 nói chung và quy định về giải quyết tin báo nói riêng để đảm bảo chất lượng, hiệu quả khi Bộ luật có hiệu lực.
          - Lãnh đạo các cơ quan hữu quan cần phân công, sắp xếp cán bộ có trình độ năng lực trực tiếp thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm.
          - Thường xuyên kiểm tra tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ cơ quan mình. Qua đó kịp thời có ý kiến chỉ đạo khi phát sinh các khó khăn, tình huống phức tạp; trong trường hợp phát sinh vấn đề vướng mắc với cơ quan hữu quan kịp thời chỉ đạo việc phối hợp, thống nhất giải quyết.
          - Kiến nghị cơ quan chủ quản cấp trên tạo điều kiện mở lớp hoặc cho đi học, tập huấn các lớp nghiệp vụ chuyên sâu về công tác tin báo hoặc công tác nghiệp vụ điều tra chuyên ngành. Tạo điều kiện cho cán bộ đơn vị được tham gia các lớp học tập, tập huấn chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc địa phương… để thích nghi được với yêu cầu và đòi hỏi ngày các cao của nhiệm vụ theo yêu cầu cải cách Tư pháp.
          - Có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời những cán bộ làm tốt; phê bình, kỷ luật nghiêm, chính xác, kịp thời cán bộ có vi phạm đã được nhắc nhở, kiểm tra nhưng không có tiến bộ hoặc xảy ra sai phạm.
          - Thường kỳ 03 tháng một lần lãnh đạo các ngành liên quan họp, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp và công tác phối hợp trong thực tế. Qua đó nêu ra những ưu điểm cần phát huy, chỉ rõ các hạn chế, vi phạm mà từng ngành và các ngành phải phối hợp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Việc phối hợp phải hiệu quả, đi và thực chất, tránh hình thức và tư tưởng thành tích./.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Chung - Hoàng Thị Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập52
  • Hôm nay9,707
  • Tháng hiện tại809,100
  • Tổng lượt truy cập16,503,866
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây