Tòa án tính lãi suất không đúng, Viện kiểm sát kháng nghị

Thứ năm - 30/08/2018 23:36
Thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân – gia đình tại Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ. Ngày 29/8/2018
Viện kiểm sát nhân dân nhân dân huyện Đức Cơ đã ra Quyết định kháng nghị Bản án số 14/2018/DS-ST ngày 15/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, phần tính lãi suất cho vay và án phí.
 
Theo hồ sơ vụ án: Do có quen biết từ trước nên vào ngày 21/3/2016, bà Nguyễn Thị T có cho chị Cao Thị Thủy U vay với số tiền 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng), thời hạn vay là 01 tháng, mục đích vay là để đáo hạn ngân hàng. Khi vay hai bên có lập hợp đồng viết tay có tiêu đề là “GIẤY MƯỢN TIỀN”, có chữ ký của người vay tiền là chị Cao Thị Thúy U và người cho vay là bà Nguyễn Thị T. Trong hợp đồng hai bên không thể hiện lãi suất nhưng có thỏa thuận miệng lãi suất là 1%/tháng. Từ khi vay đến nay chị U chưa trả cho bà T cả tiền lãi và gốc.

Bị đơn là chị U cũng thừa nhận có vay tiền như bà T trình bày nhưng theo chị U thì chị đã trả cho bà T tổng cộng 74.000.000đ (bảy mươi tư triệu đồng) tiền nợ gốc nhưng chị không có chứng cứ để chứng minh cho việc đã trả tiền cho bà T. Chị chỉ chấp nhận trả cho bà T số tiền 126.000.000đ (một trăm hai mươi sáu triệu đồng) tiền nợ gốc và tiền lãi phát sinh theo mức 1%/tháng kể từ thời điểm vay là ngày 21/3/2016.

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả tiền gốc là 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng) và tiền lãi trong hạn theo thỏa thuận. Đối với tiền lãi quá hạn nguyên đơn yêu cầu tính theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 15/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, xét xử:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị T.
1. Buộc chị Cao Thị Thủy U trả cho bà T số tiền 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng tiền nợ gốc).
2. Về tiền lãi: Đối với lãi suất trong hạn buộc chị U có nghĩa vụ trả cho bà T số tiền 2.000.000đ (hai triệu đồng). Đối với lãi suất quá hạn tính từ ngày 22/4/2016 đến ngày 31/12/2016 là 08 tháng 09 ngày. Tòa án áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, buộc chị U có nghĩa vụ trả lãi suất theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố, tức là lãi suất 0,75%/tháng là: 200.000.000 x 0,75% x 8 tháng 10 ngày =12.500.000đ (mười hai triệu năm trăm ngàn đồng). Đối với lãi suất quá hạn tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 15/8/2018 (ngày xét xử sơ thẩm) là 19 tháng 15 ngày. Tòa án căn cứ điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 để tính lãi suất.
Tổng số tiền gốc và lãi mà chị U có nghĩa vụ phải trả cho bà T là: 273.000.000đ (hai trăm bảy mươi ba triệu đồng).
Ngoài ra, Tòa án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Qua Công tác kiểm sát và tham gia phiên tòa giải quyết vụ án nêu trên. Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Cơ đã phát hiện Bản án của Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ áp dụng nêu trên là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, gây thiệt hại cho đương sự và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước như sau:
Tranh chấp phát sinh từ việc vào ngày 21/3/2016, bà Nguyễn Thị T có cho chị Cao Thị Thủy U vay với số tiền 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng), thời hạn vay là 01 tháng, mục đích vay là để đáo hạn ngân hàng. Khi vay hai bên có lập hợp đồng viết tay có tiêu đề là “GIẤY MƯỢN TIỀN” có chữ ký của người vay tiền là chị Cao Thị Thúy U và người cho vay là bà Nguyễn Thị T. Trong hợp đồng hai bên không ghi lãi suất nhưng có thỏa thuận miệng lãi suất là 1%/tháng. Từ khi vay đến nay chị U chưa trả cho bà T cả tiền gốc và lãi. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả tiền gốc là 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng) và tiền lãi trong hạn theo thỏa thuận. Đối với tiền lãi quá hạn nguyên đơn yêu cầu tính theo quy định của pháp luật.

Chị U có thừa nhận vay của bà T số tiền 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng) vào ngày 21/3/2016, Chị cho rằng đã trả cho bà T tổng số 74.000.000đ (bảy mươi tư triệu đồng) tiền nợ gốc nên không chấp nhận trả cho bà T toàn bộ số tiền 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng) tiền gốc và nợ lãi phát sinh mà chỉ đồng ý trả cho bà T số tiền 126.000.000đ (một trăm hai mươi sáu triệu đồng) tiền nợ gốc và tiền lãi phát sinh. Nhận thấy, trong quá trình giải quyết vụ án Chị đã cung cấp chứng cứ cho Tòa án, tuy nhiên những chứng cứ do Chị giao nộp không có cơ sở để chứng minh cho việc chị đã trả nợ cho bà T. Do đó, không có căn cứ để khẳng định việc Chị có trả nợ gốc là 74.000.000đ (bảy mươi tư triệu đồng) cho bà Thủy.
Đối với tiền gốc và tiền lãi trong hạn Tòa án xét xử là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với tiền lãi quá hạn từ ngày 22/4/2016 đến ngày 31/12/2016 Tòa án áp dụng Bộ luật dân sự 2005 để tính lãi suất, kể từ ngày 01/01/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm (15/8/2018) Tòa án mới áp dụng Bộ luật 2015 để giải quyết là không đúng tinh thần quy định tại Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015.

Xét thấy, hợp đồng vay tài sản giữa bà Nguyễn Thị T và chị Cao Thị Thủy U là hợp đồng vay tài sản, có thời hạn và có lãi. Hai bên ký kết hợp đồng dân sự ngay tình, hợp pháp. Căn cứ vào Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng giữa bà T và chị U có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng của các bên ký kết và đang thực hiện có nội dung phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Do đó, căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thì áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết.

Đối với tiền lãi quá hạn cần áp dụng quy định tại Điều 466 và 468 Bộ luật dân sự năm 2015 thì chị U phải trả cho bà T các khoản tiền gồm: lãi suất được quy định tại điểm a khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015. Nghĩa là, ngoài khoản tiền lãi trong hạn giữa chị U và bà T đã thỏa thuận là 1%/tháng, chị U còn phải trả lãi với mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự do vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Theo đó, mức lãi suất mà chị U phải trả là 10%/năm tương đương 0,83%/tháng đối với lãi suất từ ngày 21/3/2016 đến ngày 21/4/2016 là 30 ngày, cụ thể: 200.000.000 x 0,83% x 30 ngày = 1.660.000đ (một triệu sáu trăm sáu mươi ngàn đồng).

Ngoài khoảng lãi trên thì chị U còn phải trả lãi suất chậm trả theo điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự, bằng 150% lãi suất do các bên thỏa thuận. Do các bên thỏa thuận lãi suất là 1%/tháng nên chị U phải trả lãi suất chậm trả bằng 1,5%/tháng đối với khoản tiền vay tính từ ngày 22/4/2016 đến ngày 15/8/2018 là 27 tháng 23 ngày tương đương số tiền là: 200.000.000 x 1,5% x 27 tháng 23 ngày = 83.300.000đ (tám mươi ba triệu ba trăm ngàn đồng).

Tổng số tiền gốc và lãi mà chị U có nghĩa vụ phải trả cho bà T là: 286.960.000đ (hai trăm tám mươi sáu triệu chín trăm sáu mươi ngàn đồng).
Từ những vi phạm nêu trên của Tòa án. Viện kiểm sát nhân dân huyện Đức Cơ đã ban hành Quyết định kháng nghị số 02/QĐ/KNPT-VKS ngày 29/8/2018 đối với Bản án số 14/2018/DS-ST ngày 15/8/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm theo hướng áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về phần hợp đồng cho vay tài sản để giải quyết theo hướng buộc chị Nguyễn Thị Thúy U có nghĩa vụ phải trả cho bà Nguyễn Thị T số tiền gốc là lãi là 286.960.000đ (hai trăm tám mươi sáu triệu chín trăm sáu mươi ngàn đồng). Về án phí đề nghị buộc chị Nguyễn Thị Thúy U phải chịu phải chịu 14.348.000đ (mười bốn triệu ba trăm bốn mươi tám ngàn đồng) tiền án phí đân sự sơ thẩm có giá ngạch để sung quỹ Nhà nước./.

Tác giả bài viết: Bùi Ngọc Trung


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn