Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Quy định về tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm, một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện

Thứ ba - 13/04/2021 04:50 31.180 0
Tóm tắt: Tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là một quy định mới được quy định tại Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đây là quy định tiến bộ, khắc phục những thiếu sót của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 trong trường hợp hết thời hạn kiểm tra, xác minh nhưng chưa đủ cơ sở để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Bài viết này tập trung phân tích nội dung quy định của pháp luật về Tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, một số vướng mắc khi thi hành trên thực tiễn và kiến nghị đề xuất.

1. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa của tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm

Có thể định nghĩa, Tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm là việc các cơ quan có thẩm quyền quyết định tạm ngừng giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong một thời gian nhất định khi có những căn cứ do pháp luật quy định theo một thủ tục trình tự luật định nhưng chưa đưa ra những kết luận cuối cùng về việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự và khi những căn cứ của việc tạm đình chỉ không còn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục giải quyết nguồn tin về tội phạm đó.
Việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm phải dựa trên những căn cứ mà pháp luật quy định, trên cơ sở đảm bảo các quyền, tính chính xác và đúng đắn trong việc giải quyết và việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Thứ hai, tạm đình chỉ nguồn tin về tội phạm là việc nguồn tin về tội phạm đã được thụ lý bị tạm ngừng giải quyết do xuất hiện những tình tiết, sự kiện nhất định chứ không phải ngừng hẳn việc giải quyết về nội dung.

Thứ ba, tính chất gián đoạn, tạm thời của việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm sẽ được khắc phục, kết quả là hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm sẽ được khôi phục khi nguyên nhân của việc tạm đình chỉ không còn nữa.

Một số ý nghĩa của việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm:

Thứ nhất, việc quy định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm thể hiện sự tiến bộ trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành hoạt động này một cách thống nhất, khách quan, bảo đảm đúng căn cứ pháp luật.

Thứ hai, việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm có ý nghĩa quan trọng đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm vì hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm tạm ngừng lại nên các cơ quan có thẩm quyền có thêm thời gian thu thập chứng cứ, tài liệu, triệu tập cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để có đủ căn cứ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Thứ ba, tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm còn có ý nghĩa nhằm hạn chế tối đa khả năng kéo dài thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm khi không cần thiết, góp phần đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tính khách quan, chính xác trong hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm.

2. Thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 148 thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 147 thì thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố::
"a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.”
Như vậy, các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm bao gồm: Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát.
 
Cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo hai căn cứ được quy định tại Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự sau đây:
 
Một là, đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
Đây là căn cứ tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm được áp dụng đối với những vụ việc mà việc giải quyết phải thực hiện bằng các biện pháp trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, tương trợ tư pháp mà việc chờ kết quả mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, kết quả giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều vấn đề khác của vụ án, đồng thời có thể là chứng cứ quan trọng làm căn cứ để phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm nên việc quy định căn cứ này là phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.  
Hai là, đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
Khoản 2 Điều 148 Bộ luật này cũng quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát và gửi quyết định tạm đình chỉ đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
Các trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả (khoản 3 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

3. Một số vướng mắc trong quy định về tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và kiến nghị đề xuất.

Thứ nhất, tại điểm b khoản 1 Điều 148 luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
“Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
a)…;
b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả”.
Có thể thấy, cụm từ “cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định…” mang tính định tính, dẫn đến việc áp dụng quy định này cũng tùy nghi, tùy theo quan điểm khác nhau của các cơ quan cũng như những người tiến hành tố tụng. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể những trường hợp có thể vận dụng quy định “cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định…” để làm căn cứ tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Thứ hai, trên thực tiễn có rất nhiều vụ việc mà lời khai của người bị tố giác có ý nghĩa quan trọng làm căn cứ để quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự nhưng Cơ quan điều tra không thể triệu tập người bị tố giác để lấy lời khai kiểm tra, xác minh vì lý do người bị tố giác không có mặt tại địa phương. Khi đối chiếu với căn cứ không khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chưa đủ căn cứ xác định “có hay không có sự việc phạm tội” nên không thể ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng đối với trường hợp nêu trên dẫn đến khi thời hạn giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra có thẩm quyền không có căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết tố giác tin báo về tội phạm.
Vì vậy, cần có quy định hướng dẫn đối với trường hợp Cơ quan có thẩm quyền đã gửi giấy triệu tập nhiều lần, lập biên bản xác minh về việc người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố vắng mặt tại địa phương…, nhưng vẫn chưa gặp và ghi được lời khai của người này, Cơ quan có thẩm quyền giải quyết có thể áp dụng điểm b khoản 1, Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự “Đã yêu cầu cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả” ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Thứ ba, tại khoản 1 Điều 148; điểm c khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cho thấy rằng khi hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, Viện kiểm sát cũng có quyền quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thế nhưng,theo quy định tại Điều 149 thì  khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, chỉ có Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới có quyền ra quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Để khắc phục hạn chế trên, cần bổ sung thẩm quyền quyết định việc phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho Viện kiểm sát vào quy định tại Điều 149 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Tác giả bài viết: Nguyễn Quang Đạt

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập67
  • Hôm nay141,239
  • Tháng hiện tại451,275
  • Tổng lượt truy cập17,335,065
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây