Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao kỹ năng, chất lượng xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Chủ nhật - 08/12/2019 21:14 3.242 0
Có thể nói, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, giai đoạn xét hỏi là giai đoạn trung tâm của quá trình xét xử vụ án.

1. Ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm.

Có thể nói, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, giai đoạn xét hỏi là giai đoạn trung tâm của quá trình xét xử vụ án. Đây là giai đoạn mà Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên phải kiểm tra lại (còn gọi là thẩm tra) tất cả các chứng cứ do Cơ quan điều tra thu thập trong quá trình điều tra vụ án. Xác định xét hỏi là giai đoạn trung tâm, quan trọng của quá trình xét xử là xuất phát từ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự: Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa[1]. Xét hỏi tại phiên tòa là thẩm tra toàn bộ lời khai tại Cơ quan điều tra của bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người chứng kiến, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự…; các lời khai đó không những được thẩm tra lại, mà còn được đối chiếu giữa các lời khai với nhau, đối chiếu với vật chứng, tài liệu đã thu thập được với Kết luận giám định, đối chiếu các chứng cứ đã thu thập được với thời gian, không gian, địa điểm, diễn biến vụ án, nguyên nhân, động cơ phạm tội… Trên cơ sở đó, so sánh, lựa chọn, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, dân chủ các chứng cứ, nhằm tìm ra sự thật của vụ án.

Đối với Kiểm sát viên, thì việc tiến hành xét hỏi tại phiên tòa vừa là phương thức thực hiện quyền công tố, vừa là trách nhiệm của cơ quan chứng minh, kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ một cách công khai để bảo vệ Cáo trạng,  đồng thời góp phần cùng Hội đồng xét xử làm rõ sự thật của vụ án. Chất lượng xét xử vụ án cao hay thấp, phiên tòa có đảm bảo tính dân chủ, công bằng hay không, vai trò của Hội đồng xét xử nói chung và của Kiểm sát viên nói riêng có được phát huy hay không phụ thuộc rất lớn vào phương pháp, nội dung và năng lực xét hỏi của các thành viên Hội đồng xét xử và của Kiểm sát viên. Qua theo dõi, các tác giả nhận thấy thời gian qua, bên cạnh nhiều Kiểm sát viên làm tốt nhiệm vụ xét hỏi, vẫn còn một số Kiểm sát viên chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong việc xét hỏi tại phiên tòa, xây dựng đề cương xét hỏi sơ sài, còn có tư tưởng ỷ lại việc xét hỏi của Hội đồng xét xử; chưa thật sự bình tĩnh, linh hoạt khi xử lý các vấn đề phát sinh; cách thức, chất lượng xét hỏi không cao… Vì vậy, các Kiểm sát viên phải nghiên cứu, chuẩn bị thật kỹ nội dung xét hỏi và không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tăng cường trách nhiệm để làm cho chất lượng xét hỏi tại phiên tòa ngày các tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian đến.

2. Nguyên tắc xét hỏi của Kiểm sát viên

2.1. Kiểm sát viên hỏi sau Hội đồng xét xử.                   
Theo quy định tại Điều 307 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì trình tự xét hỏi được thực hiện như sau:  
“1…Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
2. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi”.
Theo quy định trên đây, thì Chủ tọa phiên tòa hỏi trước, rồi đến các Hội thẩm nhân dân, sau đó đến Kiểm sát viên. Quy định như vậy không có nghĩa là trách nhiệm xét hỏi tại phiên tòa chủ yếu là Hội đồng xét xử, mà là để đảm bảo trình tự xét hỏi, thứ tự trước sau, bảo đảm tính trang nghiêm và trật tự phiên tòa. Vì vậy, khi Chủ tọa, Hội thẩm đang hỏi, Kiểm sát viên không được hỏi chen vào, hỏi cắt ngang. Gặp tình huống những người đặt câu hỏi có dấu hiệu không vô tư, khách quan, có tính chất quy chụp, mớm cung, dùng lời nói có tính chất khiêu khích, xúc phạm…, thì Kiểm sát viên cần có “phản ứng ngay” bằng cách giơ tay xin Chủ tọa được trình bày ý kiến. Tuy nhiên, việc phản ứng trong các trường hợp này Kiểm sát viên cần tính toán, cân nhắc kỹ để có tác dụng ổn định phiên tòa, tránh làm cho phiên tòa thêm căng thẳng, dẫn đến hiệu quả xét hỏi không đạt như mong muốn. Để thực hiện được yêu cầu trên, đòi hỏi Kiểm sát viên phải tập trung theo dõi sát diễn biến hoạt động xét hỏi, lắng nghe Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân và những người tham gia tố tụng khác đặt câu hỏi, nội dung, thái độ trả lời của những người được hỏi để ghi chép và chuẩn bị cho mình câu hỏi phù hợp với nội dung cần được chứng minh, làm rõ.

2.2. Xét hỏi trên cơ sở diễn biến của phiên tòa.
Theo quy định, Kiểm sát viên phải chuẩn bị đề cương xét hỏi trước khi ra phiên tòa, dự kiến các vấn đề cần làm sáng tỏ, những vấn đề mà người bào chữa quan tâm, dự kiến các tình huống khác có thể phát sinh tại phiên tòa…[2], nhưng để cho việc xét hỏi thật sự đạt hiệu quả, Kiểm sát viên phải tập trung, chú ý theo dõi, ghi chép đầy đủ diễn biến quá trình xét hỏi của Chủ tọa, Hội thẩm nhân dân và những người tham gia tố tụng khác (nếu có), qua đó sàng lọc, lựa chọn, sử dụng nội dung đã được xét hỏi, nội dung chưa được xét hỏi, lời khai của người được xét hỏi, để chuẩn bị câu hỏi cho mình một cách phù hợp, làm rõ căn cứ buộc tội hoặc tìm ra những mâu thuẫn để tiếp tục đấu tranh, làm rõ. Về nguyên tắc, Kiểm sát viên phải hỏi tất cả các tình tiết mà Cáo trạng đã truy tố, không bỏ sót bất cứ tình tiết nào, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nhiều bị cáo, các bị cáo khai mâu thuẫn với nhau hoặc bị cáo không nhận tội… Bên cạnh đó, tuy Điều 24 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định: Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên bắt buộc phải tham gia xét hỏi”, nhưng đối với những vụ án đơn giản, rõ ràng, nếu thấy việc xét hỏi của Hội đồng xét xử đã đầy đủ, hành vi phạm tội của bị cáo và các tình tiết liên quan đã được làm rõ, thì Kiểm sát viên cũng cần cân nhắc khi xét hỏi, tránh việc lặp lại những nội dung Hội đồng xét xử đã hỏi, làm kéo dài phiên tòa không cần thiết.

2.3. Kết hợp xét hỏi với đối chiếu các chứng cứ khác, để bảo vệ Cáo trạng.
Như đã đề cập, xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa là để kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ đã được nêu, lập luận trong Cáo trạng. Do vậy, Kiểm sát viên phải nắm thật chắc các chứng cứ trong hồ sơ vụ án, để khi xét hỏi kết hợp với đưa ra các chứng cứ để chứng minh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những trường hợp tại phiên tòa các đối tượng được hỏi thay đổi lời khai so với quá trình điều tra. Trong trường hợp này, ngoài việc chuẩn bị đề cương xét hỏi theo quy định, Kiểm sát viên còn phải chuẩn bị đầy đủ các tài liệu có liên quan để viện dẫn. Trên cơ sở nghiên cứu vụ án, đánh giá, dự báo những diễn biến có thể xảy ra tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần chủ động chuẩn bị các tài liệu phục vụ cho việc đấu tranh, xét hỏi tại phiên tòa. Các tài liệu phải được chuẩn bị đầy đủ, sắp xếp khoa học tại hồ sơ kiểm sát, tiện cho việc tra cứu khi cần thiết. Các tài liệu đó thường bao gồm: Lời khai của bị can, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng, người chứng kiến, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, biên bản phạm tội quả tang, kết luận giám định, kết luận định giá…, số bút lục của mỗi tài liệu và các văn bản liên quan như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết, Thông tư hướng dẫn… để viện dẫn tại phiên tòa. Đối với các vụ án mà bị cáo, người bị hại, người làm chứng thay đổi lời khai, nếu Kiểm sát viên chủ quan, chuẩn bị không kỹ, thì tất yếu sẽ lúng túng, bị động khi xét hỏi, làm cho chất lượng xét hỏi và bảo vệ Cáo trạng, bảo vệ quan điểm truy tố không cao.

3. Phương pháp xét hỏi của Kiểm sát viên
Việc Kiểm sát viên chuẩn bị đề cương xét hỏi, theo dõi sát diễn biến phiên tòa, ghi chép đầy đủ là quy định bắt buộc, là điều kiện rất cần cho hoạt động thực hành quyền công tố. Tuy nhiên, để cho việc xét hỏi của Kiểm sát viên trở thành nhân tố quan trọng bảo đảm cho phiên tòa thực sự công bằng, dân chủ, khách quan, thì sự chuẩn bị như ở phần trên là vấn đề rất cần, nhưng chưa đủ. Vấn đề quan trọng là Kiểm sát viên phải có phương pháp, chiến lược xét hỏi khoa học. Đây là sự kết hợp giữa khả năng ứng xử và bản lĩnh nghề nghiệp của mỗi Kiểm sát viên. Do vậy, khi đặt câu hỏi Kiểm sát viên cần chú ý các phương pháp sau đây:

3.1. Đặt câu hỏi phải ngắn gọn, dễ hiểu.
Đặt câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu sẽ làm cho người được hỏi dễ tiếp thu và trả lời đúng vào nội dung câu hỏi. Kiểm sát viên tránh việc xét hỏi quá phức tạp hoặc mang tính giải thích dài dòng, không cần thiết. Khoản 4 Điều 24 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định: Khi xét hỏi, Kiểm sát viên phải đặt câu hỏi khách quan, rõ ràng, dễ hiểu, tránh giải thích, kết luận ngay. Thực tiễn có Kiểm sát viên khi xét hỏi đã đặt câu hỏi phức tạp, làm cho người được hỏi không hiểu nên giải thích và trả lời dài dòng. Cũng có trường hợp Kiểm sát viên nặng về tuyên truyền, giáo dục, giải thích cho bị cáo hoặc những người tham gia tố tụng khác quá nhiều, làm mất thời gian phiên tòa và không đúng với chủ định của câu hỏi đặt ra. Khi đặt câu hỏi, Kiểm sát viên cũng cần chú ý giữa các câu hỏi và giữa những người được xét hỏi phải có mối liên hệ với nhau, nhằm làm rõ hành vi, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm và những vấn đề có liên quan.
Qua thực tiễn, các tác giả nhận thấy do công tác kiểm sát điều tra, truy tố chặt chẽ, đúng pháp luật, nên đại đa số các vụ án được Tòa án đưa ra xét xử bị cáo đều nhận tội; tỷ lệ bị cáo chối tội, những người tham gia tố tụng thay đổi lời khai tại phiên tòa không cao. Nếu diễn biến phiên tòa thuận lợi, Kiểm sát viên nên đặt câu hỏi theo hướng: Khẳng định lại lời khai trong quá trình điều tra là do tự nguyện, không bị đe dọa, ép buộc, đánh đập hoặc được hướng dẫn; gợi mở những vấn đề liên quan đến vụ án và dành thời gian hợp lý để tuyên truyền pháp luật, giáo dục bị cáo, góp phần làm cho phiên tòa thêm sinh động.

3.2. Đặt câu hỏi dạng yêu cầu tường thuật.
Thứ nhất, nhằm yêu cầu người được hỏi kể lại, tường thuật lại những gì mà họ đã biết, đã chứng kiến, đã được nghe về các tình tiết có liên quan đến vụ án. Thứ hai, nhằm làm cho những người được hỏi kể lại, tường thuật lại những gì mà họ đã trực tiếp thực hiện bằng hành động, lời nói. Ví dụ: Hỏi bị cáo về quá trình thực hiện hành vi phạm tội ra sao; hỏi người bị hại đã bị tấn công như thế nào; hỏi người làm chứng nhìn thấy sự việc phạm tội diễn ra trong thực tế ra sao… Muốn cho dạng câu hỏi này được trả lời đúng, thì Kiểm sát viên cần nắm chắc kết quả điều tra, các chứng cứ đã thu thập được, diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo, để nếu thấy có người tra lời không chính xác, không logic hoặc trả lời dài dòng, quanh co, thì Kiểm sát viên kịp thời lưu ý, chấn chỉnh, không để việc xét hỏi bị cuốn theo các câu trả lời không chính xác, làm giảm hiệu quả đấu tranh và mất thời gian phiên tòa.

3.3. Đặt câu hỏi gợi mở:
Là câu hỏi nhằm làm cho người được hỏi ngoài trả lời ngay, họ còn tập trung, suy nghĩ, trả lời về những nội dung họ đã biết, nhưng vì thời gian lâu nên có thể họ không còn nhớ. Thông thường câu hỏi gợi mở này làm cho người được hỏi tập trung nhớ lại những sự việc đã xảy ra trước đây về hoàn cảnh lúc sự việc phạm tội xảy ra: không gian, thời gian, địa điểm, thời tiết, ánh sáng, môi trường xung quanh…

3.4. Câu hỏi phản bác việc khai báo không đúng sự thật.
Trong thực tiễn xét xử, tuy chiếm tỷ lệ không cao, nhưng vẫn có những phiên tòa người được xét hỏi khai không đúng sự thật hoặc khai không đúng với lời khai mà họ đã khai trong quá trình điều tra. Các trường hợp này thường là bị cáo sợ phải chịu hình phạt, nhưng cũng có trường hợp vì những lý do khác nhau mà người bị hại, người làm chứng cố tình khai không đúng sự thật. Trong các trường hợp này, Kiểm sát viên phải nắm chắc hồ sơ, nắm chắc các chứng cứ đã có, để từ đó đặt ra những câu hỏi làm cho người được hỏi buộc phải trả lời đúng sự thật. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần linh hoạt khi đặt câu hỏi đối với nhiều người khác nhau, để dùng nội dung trả lời của người này bác bỏ nội dung khai báo không đúng sự thật của người kia.

3.5. Câu hỏi bổ sung.
Có nhiều trường hợp tại phiên tòa người được xét hỏi trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên không chính xác về thời gian, địa điểm, nội dung sự việc. Trường hợp này, Kiểm sát viên cần tiếp tục đặt ra câu hỏi để người được hỏi trả lời chính xác; Kiểm sát viên cũng có thể đặt câu hỏi đối với người khác về cùng nội dung để bổ sung cho đầy đủ, chính xác về nội dung cần làm rõ. Yêu cầu của câu hỏi loại này là Kiểm sát viên phải hết sức tập trung, chú ý từng chi tiết nhỏ trong mỗi câu trả lời của người được hỏi và nhanh nhạy phát hiện những mâu thuẫn, những nội dung chưa đầy đủ, chính xác để kịp thời hỏi bổ sung, nhằm làm cho người được hỏi khai đúng với sự thật khách quan.

4. Thái độ xét hỏi của Kiểm sát viên.
Khi đặt câu hỏi, Kiểm sát viên phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, ôn tồn, lịch sự, mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, sắc bén. Thái độ chuẩn mực của Kiểm sát viên sẽ tạo cho phiên tòa không khí dân chủ, cởi mở, khơi dậy thái độ ăn năn, hối cải khai đúng sự thật của bị cáo cũng như những người tham gia tố tụng khác. Trong trường hợp những người được xét hỏi khai ra tình tiết mới hoặc thay đổi, phủ nhận lời khai trước đây, thì Kiểm sát viên không được chủ quan, vội vàng bác bỏ ngay hoặc quát tháo, gay gắt, áp đảo người trình bày. Nếu xảy ra các trường hợp này, Kiểm sát viên phải bình tĩnh, tiếp tục xét hỏi để kiểm tra lại nội dung người được xét hỏi vừa khai với thái độ khiêm tốn, khách quan, thận trọng; nếu những tình tiết, nội dung mới là có căn cứ thì chấp nhận, nếu không có căn cứ thì bác bỏ; nếu cần thiết phải xác minh, làm rõ, thì có thể đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Khi có người tham gia tố tụng xuất trình chứng cứ, tài liệu, đồ vật mới tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần kiểm tra và xét hỏi về nguồn gốc, nội dung chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó để kết luận về tính hợp pháp và tính có căn cứ của chứng cứ, tài liệu, đồ vật. Trường hợp chưa đủ căn cứ kết luận mà chứng cứ, tài liệu, đồ vật mới đó có thể làm thay đổi nội dung, bản chất vụ án thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để xác minh”.

Kiểm sát viên tuyệt đối không được đặt câu hỏi xúc phạm đến những người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên có thể gặp các tình huống khai không chính xác, không đúng sự thật, trong các trường hợp này Kiểm sát viên cần dùng các chứng cứ khác để chứng minh, bác bỏ lời khai không chính xác, không đúng sự thật đó. Khi Kiểm sát viên xét hỏi, mà những người tham gia tố tụng khai là không nghe, không biết, không hiểu… thì Kiểm sát viên không được nổi nóng và không được hỏi họ với những câu hỏi có tính chất xúc phạm, sẽ tạo ra không khí căng thẳng không đáng có tại phiên tòa. Thái độ ứng xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa đã được quy định tại Điều 7 Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của tòa án, ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cụ thể:
1. Kiểm sát viên phải đứng, ngồi đúng tư thế. Nếu mang theo mũ thì phải đặt mũ trên bàn, trước mặt, chếch về phía bên tay trái của Kiểm sát viên, phù hiệu trên mũ quay ra phía trước.
2. Cử chỉ, hành động, lời nói, biểu cảm của Kiểm sát viên phải rõ ràng, dứt khoát, lịch sự, đúng mực. Tiếng nói vừa đủ nghe, không quá nhanh, không quá chậm. Ngôn ngữ phải chuẩn xác, không nói ngọng, không nói lắp.
3. Kiểm sát viên phải có thái độ lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác. Khi xét hỏi, tranh luận, đối đáp, phát biểu ý kiến, Kiểm sát viên phải dõng dạc, từ tốn, không được cáu gắt, nóng giận, xúc phạm người khác.
4. Khi có yêu cầu, đề nghị, kiến nghị tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải xin phép chủ tọa phiên tòa, phiên họp trước khi phát biểu. Kiến nghị đối với vi phạm pháp luật của người tiến hành tố tụng tạphiên tòa, phiên họp phải chính xác, góp ý trên tinh thần xây dựng để khắc phục. Nếu Hội đồng hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị, kiến nghị thì Kiểm sát viên vẫn phải tiếp tục tham gia phiên tòa, phiên họp, không được bỏ về hoặc có thái độ tức giận, bất hợp tác.
5. Trường hợp phát sinh tình huống bất ngờ tại phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải bình tĩnh, chủ động, linh hoạt giải quyết hoặc phối hợp với Hội đồng hoặc Thẩm phán để giải quyết.
Xưng hô của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Thực tiễn xét xử cho thấy việc xưng hô giữa bị cáo với Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên chưa thống nhất và chưa được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cụ thể. Do vậy, Kiểm sát viên cần nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc quy định về cách xưng hồ của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp theo quy định tại Điều 6 Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của tòa án, ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Công bố những lời khai tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“1. Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố.
2. Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;
b) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố;
c) Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;
d) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.
…”
Như vậy, về nguyên tắc, trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên phải để cho người được xét hỏi trình bày các tình tiết liên quan đến tội phạm, không được nhắc lại lời khai trước đó của họ tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Quy định trên nhằm đảm bảo tính khách quan của lời khai.
Thực tiễn xét xử cho thấy: Có trường hợp tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, có người khai rất rõ ràng, chính xác về tình tiết của vụ án, nhưng tại phiên tòa họ lại thay đổi thái độ, không khai hoặc có khai nhưng lại mâu thuẫn với nội dung họ đã khai trước đó, không khai và đề nghị công bố lời khai của họ trong quá trình điều tra, truy tố. Đối với các trường hợp này và trường hợp người được xét hỏi vắng mặt tại phiên tòa hoặc đã chết, thì lời khai của họ tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mới được công bố tại phiên toà. Điều luật trên đây chưa quy định cụ thể ai là người công bố lời khai tại phiên tòa, do vậy tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể, mà Hội đồng xét xử hoặc Kiểm sát viên đều có thể công bố lời khai để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Ngoài ra, trong nhiều vụ án có thể còn có các báo cáo, tài liệu của các cơ quan, tổ chức về những tình tiết của vụ án, nhân thân của bị cáo, các vấn đề khác có liên quan… Các tài liệu này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định sự thật của vụ án hoặc đánh giá về mức độ, tính chất của tội phạm. Do vậy, nếu đại diện của cơ quan, tổ chức đó vắng mặt tại phiên tòa, thì Kiểm sát viên có thể đề nghị Hội đồng xét xử công bố các tài liệu này, theo đúng quy định tại Điều 315 Bộ luật Tố tụng hình sự.

6. Những nội dung cụ thể trong việc xét hỏi của Kiểm sát viên

6.1. Xét hỏi bị cáo.
Điều 309 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về việc hỏi bị cáo:
1. Chủ tọa phiên tòa phải quyết định hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.
2. Bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
Kiểm sát viên hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và những tình tiết khác của vụ án.
Người bào chữa hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và tình tiết khác của vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự.
Những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ toạ phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ.
3. Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.

So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc xét hỏi đối với bị cáo, trong đó có quy định về những nội việc Kiểm sát viên cần hỏi. Từ những quy định trên, có thể rút ra những lưu ý như sau:

Thứ nhất, là nguyên tắc cách ly bị cáo. Thông thường trong vụ án có đông người tham gia, nhất và vụ án đồng phạm, giữa các bị cáo khai báo mâu thuẫn với nhau, giữa các bị cáo có ảnh hưởng với nhau hoặc có ảnh hưởng với những người tham gia tố tụng khác, thì lời khai của họ sẽ có ảnh hưởng nhất định với nhau. Vì vậy, nếu để họ ở lại phòng xử án trong khi xét hỏi bị cáo khác, xét hỏi người làm chứng, người liên quan… thì có thể lời khai của người được xét hỏi sẽ không khách quan. Trong trường hợp này, luật quy định phải có biện pháp cách ly họ.
Theo điều luật quy định, thì đối với các vụ án có nhiều bị cáo, dù Hội đồng xét xử hay Kiểm sát viên xét hỏi, cũng phải hỏi riêng từng bị cáo. Thực hiện nguyên tắc này, không những đảm bảo trật tự phiên tòa, mà vấn đề quan trọng hơn là tạo cơ hội để người được hỏi trình bày một cách khách quan, chính xác nội dung, hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng, sức ép đối với người được hỏi. Tuy nhiên, việc hỏi ai trước, ai sau, cách ly như thế nào, vào thời điểm nào là tùy thuộc vào diễn biến phiên tòa và tính chất từng vụ án. Thông thường, những bị cáo có lời khai trong quá trình điều tra, truy rố rõ ràng, trung thực, thể hiện thái độ hối cải, thì nên xét hỏi trước; nếu các bị cáo đều nhận tội, thì nên hỏi bị cáo chủ mưu, cầm đầu trước. Những vấn đề này, Kiểm sát viên cần chủ động trao đổi, thống nhất trước với Chủ tọa phiên tòa, để đảm bảo phiên tòa cũng như việc xét hỏi được diễn ra thuận lợi, xác định đúng sự thật vụ án và những vấn đề liên quan.
Khi bắt đầu xét hỏi các bị cáo, nếu xét thấy việc cách ly các bị cáo là cần thiết, thì Kiểm sát viên cần có ý kiến về việc cách ly bị cáo. Quá trình xét hỏi, nếu nhận thấy lời khai của bị cáo này ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác hoặc ảnh hưởng đến người tham gia tố tụng khác, nhưng Chủ tọa phiên tòa chưa thực hiện việc cách ly, thì Kiểm sát viên đề nghị cho tiến hành cách ly bị cáo, nhằm đảm bảo việc xét hỏi, trả lời xét hỏi được khách quan, chính xác. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo quyền của bị cáo bị cách ly là được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.

Thứ hai, là trình tự trả lời của bị cáo. Theo Khoản 2 Điều 309 Bộ luật Tố tụng hình sự, trước hết Hội đồng xét xử hỏi, yêu cầu bị cáo trình bày ý kiến về bản Cáo trạng. Nghĩa là sau khi Kiểm sát viên đọc bản Cáo trạng, bị cáo được trình bày ý kiến của mình về nội dung Cáo trạng; ý kiến có thể là đồng ý hoặc không đồng ý (có thể một phần, có thể toàn bộ Cáo trạng) và trình bày rõ nội dung không đồng ý. Sau khi trình bày ý kiến của mình về nội dung Cáo trạng, bị cáo có thể trình bày những tình tiết của vụ án, có thể là những tình tiết khác không có trong nội dung Cáo trạng nhưng có liên quan, ảnh hưởng đến hành vi của bị cáo. Quy định này thể hiện tính chất dân chủ, bảo vệ quyền con người  trong Tố tụng hình sự, nên Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên cần tạo điều kiện để bị cáo được trình bày hết những ý kiến của họ. Trong thực tiễn, có phiên tòa để đảm bảo thời gian xét xử, Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên chỉ yêu cầu bị cáo trình bày đồng ý hay không đồng ý với nội dung của Cáo trạng, điểm nào không đồng ý thì trình bày thêm. Còn các tình tiết khác yêu cầu bị cáo trình bày ở phần tranh luận. Nếu vì yêu cầu thời gian mà tiến hành xét xử như vậy là chưa tạo cơ hội cho người bị buộc tội trình bày những vấn đề có liên quan đến việc Cáo trạng truy tố họ, không đảm bảo tính dân chủ, công bằng trong xét xử. Quy định tại Khoản 2 Điều 309 Bộ luật Tố tụng hình sự là nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của người bị buộc tội, góp phần cùng Hội đồng xét xử làm rõ, đánh giá khách quan, đúng sự thật về hành vi mà họ đã thực hiện.

Thứ ba, là nội dung xét hỏi bị cáo của Kiểm sát viên. Nội dung xét hỏi của Kiểm sát viên cũng được quy định tại Khoản 2 Điều 309 Bộ luật Tố tụng hình sự: “hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và những tình tiết khác của vụ án”. So với Khoản 3 Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, quy định này đã được mở rộng hơn và chặt chẽ hơn, thể hiện trách nhiệm Kiểm sát viên với vai trò là người thực hành quyền công tố, không những bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mà còn góp phần cùng Hội đồng xét xử bảo đảm việc xét xử là công khai, dân chủ, công bằng. Kiểm sát viên thực hành quyền công tố không chỉ là người buộc, mà còn là người gỡ tội cho bị cáo, đồng thời làm rõ những tình tiết khác của vụ án. Do vậy, tại phiên tòa, Kiểm sát viên không được thỏa mãn với bản Cáo trạng đã được công bố, mà ngược lại Kiểm sát viên phải chủ động xét hỏi để chứng minh một cách công khai quá trình điều tra, thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra, đồng thời qua đó góp phần cùng Hội đồng xét xử làm rõ sự thật các tình tiết của vụ án. Nếu bản Cáo trạng phản ánh đúng sự thật của hành vi phạm tội, nhưng bị cáo không nhận tội, Kiểm sát viên sẽ sử dụng các tài liệu, chứng cứ để đấu tranh, xét hỏi, làm rõ sự thật, bảo vệ Cáo trạng. Tuy nhiên, qua xét hỏi tại phiên tòa, nếu nhận thấy việc truy tố chưa khách quan, chính xác, thì Kiểm sát viên có quyền thay đổi quan điểm truy tố theo đúng quy định của pháp luật[3]. Đây là bản chất của công tố theo Tố tụng hình sự Việt Nam: Kiên quyết trừng trị người phạm tội, hành vi phạm tội như thế nào thì phải được xử lý theo pháp luật tương ứng, không được để lọt tội; ngược lại, nếu phát hiện oan sai thì phải hết sức cầu thị và khẩn trương khắc phục sai sót, bảo vệ kịp thời các quyền hợp pháp của công dân, kiến quyết không được làm oan người vô tội.
Tuy vậy, qua thực tiễn các tác giả nhận thấy: Nhiều Kiểm sát viên chỉ mới tập trung xét hỏi bị cáo về các chứng cứ buộc tội theo Cáo trạng đã truy tố. Khi gặp trường hợp bị cáo thay đổi lời khai, có Kiểm sát viên cho rằng đó là tình tiết không thành khẩn khai báo. Trong khi đó, các tình tiết giảm nhẹ, gỡ tội cho bị cáo không được quam tâm xét hỏi, làm rõ. Khoản 2 Điều 309 Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định về việc xét hỏi của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của bị hại, đương sự, đồng thời quy định những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị Chủ toạ phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ. Đây là quy định có liên quan đến trách nhiệm của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đòi hỏi Kiểm sát viên phải theo dõi chặt chẽ quá trình hỏi, trả lời này để cân nhắc, đặt câu hỏi phù hợp khi đến phần xét hỏi của mình. Kiểm sát viên hết sức tránh việc thiếu tập trung, không theo dõi quá trình xét hỏi của Hội đồng xét xử, để sau đó đặt lại câu hỏi trùng lắp, làm mất thời gian phiên tòa, gây tâm lý khó chịu cho những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Thứ tư, là một số tình huống có thể xảy ra khi xét hỏi bị cáo. Trong quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên có thể gặp các tình huống như: Bị cáo không trả lời, bị cáo không nhận tội, bị cáo thay đổi lời khai, bị cáo khai mâu thuẫn với các chứng cứ khác…
- Trường hợp vì lý do nào đó mà bị cáo không trả lời các câu hỏi của Kiểm sát viên, thì theo Khoản 3 Điều 309 Bộ luật Tố tụng hình sự, Kiểm sát viên tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án. Luật quy định như vậy là để đảm bảo thời gian xét xử của tòa án. Tuy nhiên, Kiểm sát viên phải lưu ý khi hỏi người khác xong, cần quay lại tiếp tục hỏi bị cáo và dùng lời khai của những người vừa được hỏi cùng với các chứng cứ khác để đấu tranh với bị cáo.
- Trường hợp bị cáo không nhận tội, phản cung: Tình huống này thường gặp trong các vụ án phức tạp, nhiều bị cáo, có sự tham gia của người bào chữa. Kiểm sát viên phải bình tĩnh sử dụng các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và những nội dung đã được xét hỏi tại phiên tòa để đấu tranh, giải thích, vận động bị cáo. Kiểm sát viên cần giải thích cho bị cáo biết lời nhận tội của bị cáo trước đây đã được xác minh và khẳng định việc nhận tội là có căn cứ. Tiếp đó, Kiểm sát viên hỏi bị cáo nguyên nhân trước đây nhận tội trong quá trình điều tra, truy tố, nay lại chối tội tại phiên tòa. Nếu bị cáo khai do Điều tra viên đe dọa, ép buộc, đánh đập hoặc được mớm cung… thì Kiểm sát viên cần hỏi rõ các vấn đề trên xảy ra ở đâu, vào thời gian nào, do ai thực hiện, tại sao khi Kiểm sát viên phúc cung thì bị cáo không khai về tình tiết này… Nghĩa là phải truy đến cùng về lời khai phản cung của bị cáo, sau đó Kiểm sát viên có thể tự mình hoặc đề nghị Chủ tọa phiên tòa công bố các lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, các tài liệu liên quan để bác bỏ lời khai phản cung không có căn cứ của bị cáo.
- Trường hợp bị cáo thay đổi lời khai: Trường hợp này, Kiểm sát viên cũng đối chiếu với các chứng cứ khác để đặt câu hỏi bác bỏ lời khai không chính xác của bị cáo. Đồng thời, Kiểm sát viên cần xác định trách nhiệm của bị cáo trước pháp luật và động viên bị cáo khai báo thành khẩn để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Trong trường hợp này, đáng chú ý nhất là bị cáo phản cung, đổ tội cho người khác. Đây là trường hợp phức tạp, Kiểm sát viên phải nắm chắc hồ sơ, chứng cứ để xét hỏi, nhằm bác bỏ lời khai gian dối đó, kết hợp với dẫn chứng các lời khai, tài liệu, chứng cứ khác để đấu tranh với lời khai gian dối của bị cáo.
- Trường hợp bị cáo không khai: Trường hợp này, Kiểm sát viên yêu cầu Chủ tọa phiên tòa công bố lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, tập trung vào các lời khai có ý nghĩa chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Đồng thời, yêu cầu công bố các tài liệu khác như lời khai người làm chứng, người liên quan, các tài liệu, vật chứng để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, sau đó chuyển sang xét hỏi người khác.
Xét hỏi bị cáo nói riêng và xét hỏi nói chung là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Vụ án có được xét xử công bằng, khách quan, toàn diện hay không phụ thuộc rất lớn vào kết quả xét hỏi tại phiên tòa. Do vậy, Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung, trình tự, thủ tục xét hỏi, chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi, dự báo được các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa, để tham gia xét hỏi một cách chủ động, khoa học, nhằm làm rõ các tình tiết vụ án và bảo vệ quan điểm truy tố.

6.2. Xét hỏi người bị hại, đương sự (nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) hoặc người đại diện của họ.
Theo quy định tại Điều 310 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì: “Bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ trình bày những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ”. Như vậy, khi đặt câu hỏi đối với những người trên đây, Kiểm sát viên chú ý hỏi những tình tiết liên quan đến vụ án mà Cáo trạng đã đề cập đối với họ. Đối với người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ngoài việc hỏi họ về yêu cầu bồi thường thiệt hại, Kiểm sát viên cần chú ý hỏi kỹ các tình tiết mà họ biết có liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội bị cáo. Đối với người bị hại, đương sự (bao gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) hoặc người đại diện của họ, luật quy định chủ yếu là hỏi để họ trình bày ý kiến về các tình tiết liên quan là chính, sau đó Kiểm sát viên mới tiếp tục hỏi đối với những vấn đề họ trả lời chưa rõ. Như vậy, khi Hội đồng xét xử hỏi những người này, Kiểm sát viên cũng cần theo dõi, ghi chép đầy đủ về các nội dung trình bày của họ, để sau đó cân nhắc đặt câu hỏi cho phù hợp; tập trung vào những vấn đề, nội dung mà họ trình bày chưa rõ hoặc còn mâu thuẫn trong việc xác đinh tư cách tham gia tố tụng, xác định lợi ích, bồi thường thiệt hại… Trong thực tiễn, đã có trường hợp án bị hủy vì xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của đương sự, dẫn đến việc xác định lợi ích và bồi thường thiệt hại đối với họ không đúng quy định.

6.3. Xét hỏi người làm chứng.
Việc hỏi người làm chứng đã được quy định chi tiết tại Điều 311 Bộ luật Tố tụng hình sự. Để thực hiện tốt việc hỏi người làm chứng tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần nghiên cứu, nắm rõ một số nội dung sau:
- Thứ nhất, cần phải cách ly người làm chứng. Trong số những người tham gia phiên tòa (bị cáo, bị hại, người làm chứng, đương sự, người bào chữa…), thì bị cáo và người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau là những người mà lời khai của họ có ảnh hưởng đến nhau, có trường hợp họ có mối quan hệ phụ thuộc, nên không tránh khỏi việc họ cho lời khai không khách quan. Trong trường hợp đó, cần có biện pháp cách ly (phải tiến hành hỏi riêng đối với từng người làm chứng và không để cho người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi đó[4]) để đảm bảo lời khai của họ trước phiên tòa được khách quan, chính xác.
Xuất phát từ động cơ, mục đích và mối quan hệ giữa những người làm chứng với nhau hoặc giữa người làm chứng với bị cáo, nên nếu họ biết được nội dung lời khai của người được hỏi trước, chắc chắn sẽ có tác động, ảnh hưởng đến nội dung lời khai của họ. Vì vậy, Kiểm sát viên cần nắm chắc quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc bắt buộc phải cách ly khi xét hỏi những người làm chứng. Trong thực tiễn xét xử, các tác giả nhận thấy tại nhiều phiên tòa nguyên tắc này chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để; việc không cách ly người làm chứng khi xét hỏi họ vô tình làm cho việc xét xử vụ án trở nên phức tạp. Nguyên nhân của vấn đề trên một phần là do cơ sở vật chất của một số Tòa án chưa đảm bảo cho việc cách ly, nhưng chủ yếu là do nhận thức, trách nhiệm của Hội đồng xét xử, trong đó có cả Kiểm sát viên.
- Thứ hai, hỏi người làm chứng về mối quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án; yêu cầu họ trình bày rõ những tình tiết của vụ án mà họ đã biết, sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Đây là 02 nội dung trọng tâm của việc hỏi người làm chứng; Kiểm sát viên cần theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung hỏi, trả lời để sau đó đặt câu hỏi thêm đối với người làm chứng. Ngoài những nội dung mà người làm chứng đã trả lời chủ tọa, nếu thấy nội dung nào chưa rõ mà có liên quan đến việc đánh giá chứng cứ vụ án, thì Kiểm sát viên phải tập trung đặt câu hỏi để họ trả lời. Kiểm sát viên cần xác định đây là trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh làm rõ sự thật vụ án tại phiên tòa.
Trong trường hợp lời khai của người làm chứng mâu thuẫn với lời khai bị cáo, các đương sự khác hoặc mâu thuẫn với chính lời khai của họ trước đó, thì Kiểm sát viên cần yêu cầu người làm chứng giải thích rõ sự mâu thuẫn đó. Đồng thời, Kiểm sát viên có thể tự mình hoặc yêu cầu Hội đồng xét xử công bố lời khai của người làm chứng trong quá trình điều tra, truy tố, nhằm xác định cho đúng lời khai nào của người làm chứng là khách quan, chính xác, đảm bảo tin cậy. Nếu người làm chứng khai báo không trung thực hoặc từ chối khai báo, thì Kiểm sát viên cần giải thích cho họ biết về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trước tòa; phân tích cho họ rõ nếu họ cố tình không thực hiện đúng theo quy định về trách nhiệm khai báo, thì có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
- Thứ ba, có biện pháp bảo vệ an toàn cho người làm chứng. Trong thực tiễn, đã xảy ra những trường hợp người làm chứng, người thân tích của họ bị đe dọa, hành hung, thậm chí bị hành hung ngay tại phiên tòa, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xét xử vụ án và làm mất trật tự xã hội. Vì vậy, việc bảo vệ an toàn cho người làm chứng, người thân thích của họ khi có căn cứ xác định họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, là trách nhiệm của Hội đồng xét xử. Tại phiên tòa, nếu người làm chứng có dấu hiệu bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm, Kiểm sát viên cần kịp thời có ý kiến yêu cầu Hội đồng xét xử tiến hành các biện pháp bảo vệ an toàn cho họ.

6.4. Hỏi người giám định, người định giá tài sản.
Vấn đề hỏi người giám định, người định giá tài sản được quy định tại Điều 316 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo Khoản 3 Điều 316 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì không bắt buộc mọi trường hợp người giám định, người định giá đều phải có mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, đối với những vụ án phức tạp, bị cáo, bị hại chưa thống nhất, chưa thỏa mãn với kết quả giám định, thì sự có mặt của người giám định, người định giá tại phiên toà là hết sức cần thiết. Việc có mặt của người giám định, người định giá tại phiên tòa không chỉ để họ trình bày kết luận của mình về vấn đề được giám định, định giá tài sản, mà còn phải giải thích bổ sung về kết luận giám định, định giá tài sản, căn cứ để đưa ra kết luận giám định, định giá tài sản. Do vậy, nếu xét thấy cần thiết phải có mặt người giám định, người định giá tại phiên tòa, nhưng Hội đồng xét xử không triệu tập, thì Kiểm sát viên có quyền đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập những người này.
Khi xét hỏi người giám định, người định giá, Kiểm sát viên chỉ nên hỏi về trình tự, thủ tục tiến hành giám định, định giá; những căn cứ của kết luận giám định, định giá; khẳng định về sự khách quan, đúng đắn của người giám định, người định giá đối với kết luận của họ. Nếu qua xét hỏi, người giám định, người định giá trả lời, giải thích về kết luận giám định, định giá không rõ, không đáng tin cậy, không trùng khớp hoặc có mâu thuẫn với các chứng cứ khác của vụ án, có thể ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, ảnh hưởng đến phán quyết của Hội đồng xét xử, thì Kiểm sát viên có thể đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để quyết định giám định bổ sung, giám định lại hoặc định giá lại.

7. Kết luận
Quá trình thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa là giai đoạn trung tâm của hoạt động xét xử hình sự và cũng là giai đoạn quan trọng nhất để xác định sự thật khách quan của vụ án. Kết quả xét hỏi tại phiên tòa có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với việc chứng minh tính đúng đắn và có căn cứ của một chuỗi các hoạt động tố tụng trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa, mọi chứng cứ, tài liệu liên quan đến nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị cáo, đều phải được xem xét, thẩm tra công khai, thận trọng; những mâu thuẫn giữa các lời khai, giữa lời khai với vật chứng… phải được làm sáng tỏ để khẳng định và chứng minh bản chất của vụ án. Việc hỏi và trả lời được diễn ra công khai, dân chủ, nhằm đánh giá kết quả điều tra của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát ghi nhận và khẳng định trong Cáo trạng.

Qua làm công tác kiểm sát giải quyết án hình sự và chỉ đạo kiểm sát giải quyết án hình sự ở cấp sơ thẩm, các tác giả nhận thấy: Để tham gia xét hỏi tại phiên tòa đạt hiệu quả, Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung vụ án và tiến trình giải quyết vụ án; chuẩn bị tốt dự thảo đề cương xét hỏi, định hướng những nội dung cần làm sáng tỏ và dự kiến các tình huống khác có thể phát sinh tại phiên tòa. Nhận định về tâm lý, thái độ khai báo của bị cáo, khả năng phản cung của bị cáo, khả năng thay đổi lời khai của những người tham gia tố tụng... Dự kiến, sắp xếp hợp lý những tài liệu, chứng cứ có thể sẽ đưa ra để đấu tranh với bị cáo, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh. Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải tập trung theo dõi, ghi chép đầy đủ diễn biến, các nội dung Hội đồng xét xử đã xét hỏi, các nội dung người được xét hỏi trả lời, để từ đó cân nhắc, lựa chọn và đặt câu hỏi phù hợp khi đến phần Kiểm sát viên tham gia xét hỏi. Tuyệt đối không để bị động, mất bình tĩnh, lúng túng vì những tình huống xảy ra tại phiên tòa (bị cáo phản cung, thay đổi lời khai; người làm chứng, người liên quan thay đổi lời khai…). Khi xét hỏi, Kiểm sát viên cần có thái độ điềm tĩnh, câu hỏi của Kiểm sát viên phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, tập trung thẳng vào vấn đề cần làm rõ, không đưa ra các câu hỏi có tính chất áp đặt, dọa nạt hoặc mớm cung, dụ cung...

Ngoài những vấn đề nêu trên, để không ngừng nâng cao chất lượng xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, mỗi Kiểm sát viên phải tích cực nghiên cứu, học tập, nắm vững các quy định của pháp luật, các văn bản quy định, hướng dẫn của ngành trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự. Tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh nghiệp vụ khi tham gia phiên toà hình sự như: Kỹ năng ghi chép, diễn đạt; kỹ năng tổng hợp, trình bày; khả năng phản xạ nhanh nhạy, linh hoạt trước các nội dung, tình huống phát sinh. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cũng phải thể hiện phong cách điềm tĩnh, ứng xử có văn hoá trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại phiên toà, bảo đảm tôn trọng sự điều khiển của Chủ toạ phiên toà, tôn trọng những người tham gia tố tụng và kiên quyết bảo vệ sự đúng đắn, công bằng, nghiêm minh của pháp luật./.
 

[1] Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự.
[2] Điều 24 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
[3] Điều 319 Bộ luật Tố tụng hình sự; Khoản 3 Điều 25 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
[4] Khoản 1 Điều 311 Bộ luật Tố tụng hình sự

Tác giả bài viết: Hồ Viết Trung - Hồ Kim Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay141,239
  • Tháng hiện tại450,171
  • Tổng lượt truy cập17,333,961
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây