Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Số hóa hồ sơ vụ án dân sự, hành chính – bước chuẩn bị cho phiên tòa trực tuyến của Viện KSND tỉnh Gia Lai

Thứ tư - 19/01/2022 01:38 382 0
Ngày 12 tháng 11 năm 2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo Nghị quyết 33, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây:
1) Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước;
2) Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự;
3) Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.
Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Như vậy, trừ ba trường hợp được liệt kê trong Nghị quyết, còn lại tất cả các vụ án hình sự, dân sự, hành chính đều đủ điều kiện để xét xử trực tuyến. Nghị quyết 33 được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, hình sự ngày càng gia tăng hiện nay, trong lúc việc giải quyết bị ách tắc do tác động của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng trong thời gian 02 năm qua. Khi mà diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 buộc Chính phủ và nhiều địa phương trong cả nước phải đưa ra các quy định về giãn cách xã hội, hạn chế một số hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và hạn chế việc di chuyển của người dân ở nhiều địa phương trong cả nước đã tác động không nhỏ đến công tác xét xử của Tòa án các cấp. Cùng với đó, một số quy định của Tòa án nhân dân tối cao ban hành trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như tạm ngưng việc thụ lý các vụ án dân sự, hành chính hay tạm dừng việc xét xử đối với một số vụ án … dẫn đến nhiều vụ án quá hạn luật định thì Nghị quyết 33 đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho hoạt động tố tụng nói chung và công tác xét xử nói riêng.
Nghị quyết 33 giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này. Ngày 19 tháng 11 năm 2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 512A/QĐ-TANDTC ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức với sự hỗ trợ của công nghệ internet (mạng trực tuyến) với các thao tác được thực hiện bằng máy tính, điện thoại… có kết nối với mạng internet, trên một nền tảng công nghệ nhất định. Do đặc điểm của phiên tòa trực tuyến là bị cáo, người bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng không có mặt tại phòng xử án như phiên tòa trực tiếp nên họ không thể tiếp cận các tài liệu, chứng cứ, vật chứng có tại hồ sơ hoặc kèm theo hồ sơ theo cách thông thường được mà thông qua hình ảnh được chụp lại và được trình chiếu trên màn hình của Hội đồng xét xử. Do đó, để bị cáo, người bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng có thể tiếp cận được tài liệu, chứng cứ, vật chứng… có liên quan đến vụ án thì một trong những khâu quan trọng để đảm bảo quyền tiếp cận chứng cứ và nguyên tắc công khai đó là việc số hóa hồ sơ.
Số hóa hồ sơ không phải là khái niệm xa lạ đối với cán bộ, công chức trong Ngành Kiểm sát trong những năm gần đây. Hiện nay, đã có rất nhiều Viện kiểm sát địa phương thực hiện việc số hóa hồ sơ hình sự, dân sự đạt tỷ lệ cao. Ở Gia Lai, năm 2021, việc số hóa hồ sơ dân sự được triển khai thực hiện ở hầu hết các đơn vị. Mặc dù, đây không phải là chỉ tiêu kế hoạch, nhưng nắm bắt được xu hướng nên các đơn vị đã chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết làm tiền đề và sẵn sàng cho việc tham gia phiên tòa trực tuyến một cách hiệu quả.
Trong năm 2021, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai đã thực hiện số hóa hồ sơ 218 vụ trên tổng 1.071 vụ án dân sự, hành chính có Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, đạt 20%. Trong đó, đã thực hiện trình chiếu hồ sơ tại phiên tòa là 97 vụ, đạt 45% trên tổng số vụ án có thực hiện số hóa hồ sơ. Điển hình là Viện kiểm sát nhân dân huyện Kon Chro đã thực hiện số hóa hồ sơ 18 vụ trên 18 vụ có Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, đạt 100%, tiến hành trình chiếu hồ sơ tại phiên tòa 08 vụ, đạt 44% trên tổng số vụ án có Viện kiểm sát tham gia phiên tòa.
Để thuận lợi hơn trong quá trình số hóa hồ sơ dân sự, hành chính, ngày 22/12/2021, Phòng kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và những việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 9) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành “Quy trình số hóa hồ sơ dân sự”, tuy đây chỉ là những hướng dẫn về các thao tác để xây dựng một hồ sơ kiểm sát được số hóa bằng những phương tiện, máy móc đã được trang bị sẵn có do công chức của Phòng 9 xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tế, trong khi chưa có hướng dẫn của cấp trên, nhưng đã giúp công chức Phòng 9 triển khai việc số hóa hồ sơ được thuận lợi hơn. Đến nay, tuy chưa có Hướng dẫn của cấp trên về trình tự tổ chức phiên tòa trực tuyến nhưng Phòng 9 đã chủ động triển khai số hóa hồ sơ 13 vụ trên 41 hồ sơ án sơ thẩm và phúc thẩm do Tòa án cùng cấp chuyển đến sẵn sàng tham gia phiên tòa trực tuyến, nhằm kịp thời đáp ứng việc thực hiện Nghị quyết 33/2021/QH15 và Quyết định 512A/QĐ-TANDTC nêu trên.
Có thể nói, Nghị quyết 33 ra đời là bước tiến trong việc thích ứng linh hoạt với tình hình mới của đất nước trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và xuất hiện các biến chủng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét xử của Tòa án nói chung và việc xét xử các vụ án dân sự, hành chính nói riêng. Đồng thời, việc triển khai số hóa hồ sơ dân sự, hành chính ở Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Gia Lai là một trong những hành động “đón đầu”, một cách làm chủ động để kịp thời đáp ứng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm66
  • Hôm nay4,158
  • Tháng hiện tại453,383
  • Tổng lượt truy cập17,337,173
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây