Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

VKSND tỉnh Gia Lai: Kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân

Thứ tư - 31/07/2019 22:49 895 0
Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003, Thông báo Kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007, Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và các Chỉ thị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao
Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã quán triệt kịp thời và đầy đủ các nội dung, yêu cầu của các văn bản trên tới 100% công chức, nhân viên Viện Kiểm sát hai cấp; đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành để thực hiện tốt việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
         
Viện trưởng VKSND tỉnh đã ban hành 16 Kế hoạch công tác kiểm sát của ngành Kiểm sát Gia Lai và 09 Kế hoạch trọng tâm về công tác tuyên truyền, PBGDPL, trong đó chỉ đạo các Phòng thuộc VKSND tỉnh và 17 VKSND cấp huyện thực hiện nghiêm túc công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời yêu cầu quán triệt và thực hiện có hiệu quả kế hoạch trọng tâm công tác thông tin, tuyên truyền, PBGDPL của VKSND tối cao và VKSND tỉnh. Điển hình như Kế hoạch số 74/KH-VKS ngày 23/01/2019 về triển khai thực hiện Đề án tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật (thời gian thực hiện trong 05 năm, từ năm 2018 đến năm 2022).
         
VKSND tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 04/4/2016, về triển khai thi hành các đạo luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đồng thời thống nhất nhận thức, triển khai thực hiện có hiệu quả các đạo luật mới về tư pháp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
         
Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai luôn chú trọng tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành và đoàn thể trong tổ chức triển khai và thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, như: Phối hợp với Tòa án nhân dân trong công tác xét xử lưu động để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; phối hợp với các đơn vị như Đoàn thanh niên, Giáo dục, Tư pháp, Tòa án, Công an tổ chức phiên tòa giả định để PBGDPL trong trường học, các đối tượng thanh thiếu niên; phối hợp với Công đoàn, Phụ nữ, Thanh niên trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện lồng ghép PBGDPL tại các thôn, làng, xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn; phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp trong hoạt động phụ trách xã, phụ trách thôn, làng trọng điểm để nắm tình hình an ninh, chính trị, kết hợp tuyên truyền, PBGDPL; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thanh, truyền hình xây dựng, đưa tin, phát sóng các chương trình về tuyên truyền, PBGDPL; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, Công an, Thi hành án dân sự, các Trại giam, Trại tạm giam) và các cơ quan khác có liên quan lồng ghép việc PBGDPL trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án...
         
Hằng năm, tại các Hội nghị sơ kết, tổng kết công tác phối hợp liên ngành (Công an – Viện Kiểm sát – Tòa án) và các Hội nghị sơ kết 6 tháng, tổng kết năm của ngành Kiểm sát Gia Lai, đều tiến hành kiểm tra, đánh giá những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, tiến hành thảo luận, bàn biện pháp nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng công tác PBGDPL (đã tổ chức trên 60 hội nghị)...
         
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và hơn 6 năm thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngành Kiểm sát Gia Lai đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác tuyên truyền, PBGDPL như:

Một là, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL luôn được quan tâm thực hiện tốt. VKSND tỉnh có 01 đồng chí là thành viên Hội đồng PBGDPL của tỉnh; 03 đồng chí là Báo cáo viên pháp luật của tỉnh Gia Lai (đến tháng 12/2014 có 01 đồng chí đã nghỉ hưu theo chế độ, hiện tại có 02 đồng chí đang là Báo cáo viên pháp luật của tỉnh). 17/17 Viện Kiểm sát cấp huyện đều cử ít nhất 01 đồng chí Lãnh đạo tham gia Hội đồng phố biến, giáo dục pháp luật và là báo cáo viên pháp luật của huyện, thị xã, thành phố. Toàn ngành Kiểm sát Gia Lai hiện có trên 20 đồng chí là Báo cáo viên pháp luật và thành viên Hội đồng PBGDPL. Các đồng chí Báo cáo viên pháp luật của Ngành đều đã tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng và các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật do tỉnh Gia Lai tổ chức.
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 23/8/2012 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thông tin, tuyên truyền trong ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 02/QĐ-VKS-P9 ngày 28/11/2012, thành lập Tổ tuyên truyền VKSND tỉnh gồm 07 thành viên, do 01 đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh làm Tổ trưởng. Ngày 12/4/2016, ban hành Quyết định số 414/QĐ-VKS-VP kiện toàn Tổ tuyên truyền, gồm 05 đồng chí và cộng tác viên của Tổ tuyên truyền gồm 17 đồng chí của Viện Kiểm sát cấp huyện. Ngày 26/10/2018, ban hành Quyết định số 812/QĐ-VKS kiện toàn Tổ tuyên truyền gồm 11 đồng chí thuộc VKSND tỉnh và 17 cộng tác viên của 17 VKSND cấp huyện.

Hai là, công tác tuyên truyền, PBGDPL đến cán bộ, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý có nhiều chuyển biến tích cực, 100% cán bộ, công chức và người lao động của ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai được tham dự và nghe quán triệt chủ trương, đường lối, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, văn bản pháp luật mới, như: Các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, khóa XI, khóa XII; Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV, XV; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam...VKSND tỉnh đã tổ chức trên 40 Hội nghị trực tuyến hai cấp để tập huấn, quán triệt, triển khai thi hành pháp luật, nhất là các đạo luật mới về tư pháp. Đồng thời tham gia trên 50 Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ, những điểm mới của các luật do VKSND tối cao tổ chức. Ngành đã xây dựng 30 Tủ sách pháp luật (tỉnh: 13; huyện: 17) với số lượng trên 2.000 đầu sách và tài liệu tham khảo. Sao gửi hàng nghìn văn bản luật, dưới luật và văn bản có liên quan đến 12 Phòng và 17 Viện Kiểm sát cấp huyện để kịp thời triển khai cho cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị. Ngoài ra, còn cung cấp, gửi tới các đơn vị trực thuộc nhiều văn bản pháp luật thông qua “Mạng nội bộ” của và thư điện tử công vụ.

Ba là, công tác tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo quy định tại Điều 17, 18, 19, 20, 21, 22 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật qua thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống và nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật trong nhân dân. Về số liệu bình quân hằng năm, Viện Kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai kiểm sát giải quyết 1.370 tố giác, tin báo về tội phạm; kiểm sát điều tra 1.491 vụ/2.567 bị can; truy tố ra Toà án để xét xử gần 972 vụ án/2.051 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự hơn 1.403 vụ/2.906 bị cáo. Bên cạnh đó, còn kiểm sát giải quyết hơn 4.100 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính của Toà án; Kiểm sát thi hành án dân sự hơn 12.212 việc; Kiểm sát việc tạm giữ 1.352 người, tạm giam 2.675 người và kiểm sát thi hành án hình sự 1.922 bị án; Lãnh đạo và Kiểm sát viên Viện Kiểm sát hai cấp đã tiếp hơn 365 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết hơn 569 đơn.

Những số liệu trên cho thấy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Gia Lai đã trực tiếp và gián tiếp tác động đến nhận thức pháp luật của khoảng hơn 30.000 lượt người/năm. Qua đó đã tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhiều chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải thích pháp luật cho những người bị xử lý về hình sự như bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự; các đương sự trong vụ án dân sự, hành chính, vụ việc thi hành án và những người khác có liên quan. Thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Viện Kiểm sát hai cấp luôn chủ động lắng nghe, tìm hiểu sâu sắc về tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có phương án trực tiếp trả lời, giải thích cặn kẽ cho công dân đến khiếu nại, tố cáo; không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện bức xúc, kéo dài, khiếu kiện đông người hoặc gây mất ổn định về an ninh, trật tự xã hội.

Với hoạt động tham gia xét xử mỗi năm gần 2.000 vụ án hình sự, dân sự, hành chính, VKSND hai cấp đã lồng ghép để trực tiếp phổ biến, giáo giục pháp luật trong nhân dân tại các phiên toà như: Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm; các biện pháp đấu tranh, chống vi phạm, tội phạm và giải pháp phòng ngừa tội phạm; đặc biệt là giải pháp phòng ngừa các loại tội phạm phổ biến như: Trộm cắp, Cướp giật, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm về ma tuý, tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ của con người... Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về Đất đai, Quyền sở hữu, Hợp đồng, Giao dịch cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, pháp luật về Thừa kế; Hôn nhân và Gia đình, Lao động, Hộ tịch, Hộ khẩu, Bình đẳng giới... cũng đã được Kiểm sát viên tham gia phiên toà xét xử các vụ án dân sự, hành chính phổ biến, giáo dục tới hơn 5.000 lượt người có mặt tại các phiên toà xét xử những loại vụ án này.

Đặc biệt, trong số những vụ án đã xét xử, mỗi năm có gần 120 vụ án điểm được điều tra, truy tố và xét xử nhanh, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và hơn 110 vụ án hình sự được xét xử lưu động, thu hút trên 22.000 lượt người dân tham dự. Các vụ án được xét xử lưu động là các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc những vụ án được dư luận xã hội quan tâm như: Các vụ án an ninh về phá hoại chính sách đoàn kết, ma tuý, giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về an toàn giao thông và các vụ án xâm phạm nhân phẩm, danh dự con người... góp phần tăng cường hiểu biết, nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật trong nhân dân, tăng cường đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

Bốn là, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác phụ trách xã, thôn, làng trọng điểm: Được sự phân công của các cấp ủy Đảng, VKSND hai cấp đã tích cực phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thông qua công tác phụ trách xã, thôn, làng trọng điểm (VKSND tỉnh phụ trách 01 xã; 17 VKSND cấp huyện phụ trách 17 thôn, làng trọng điểm). Đã tổ chức nhiều đoàn công tác xuống cơ sở, bám làng, bám dân; chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền pháp luật, phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền bằng tiếng Jrai và Bana. Trong đó chú trọng đối tượng là thanh thiếu niên; giúp địa phương xây dựng Tủ sách pháp luật; thường xuyên hỗ trợ, cung cấp bổ sung các văn bản pháp luật và các số báo của Ngành cho cán bộ và nhân dân tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức VKSND tỉnh còn tích cực tham gia công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số cư trú tại những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

VKSND tỉnh đã tổ chức 06 đợt trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật cho gần 750 lượt người dân tại xã Ia Ake và xã Chro Pnan, huyện Phú Thiện; xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh; làng Hleng, xã Kon Pne, huyện K’Bang; xã Kông Htok, huyện Chư Sê; làng Ó, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông (trong đó có 01 đợt 05 ngày liên tục tại xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh).

Năm là, tăng cường các hoạt động tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam trong ngành Kiểm sát nhân dân. Hằng năm, Cơ quan và Chi hội Luật gia Viện KSND tỉnh phối hợp tổ chức Tọa đàm Ngày pháp luật Việt Nam (tham dự Tọa đàm có 60 Luật gia); 17 VKSND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức các buổi Hội thảo, Tọa đàm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (một số đơn vị còn mời ngành Tòa án nhân dân cùng tham dự). Các hoạt động này có ý nghĩa nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật; tinh thần tích cực nghiên cứu, học tập để nắm bắt đầy đủ, toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật nhất là các văn bản liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND và góp phần tuyên truyền PBGDPL trong nhân dân…

Sáu là, ngoài các hình thức, biện pháp tuyên truyền PBGDPL truyền thống, đơn vị đã có nhiều đổi mới, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin, tiện ích của mạng internet để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, cụ thể ở 05 cách làm sáng tạo đạt nhiều kết quả thiết thực như:

- Chú trọng tăng cường PBGDPL thông qua Trang thông điện tử của Ngành và các cơ quan thống tấn, báo chí trong và ngoài Ngành, qua mạng xã hội. Từ năm 2014, VKSND tỉnh đưa vào hoạt động chính thức Trang thông tin điện tử, có địa chỉ truy cập http://vksnd.gialai.gov.vn. Nội dung đăng tải tập trung chủ yếu vào việc thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mặt hoạt động của Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; các sự kiện, tin tức thời sự về pháp luật trên địa bàn tỉnh; các thông tin chuyên đề về đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; cung cấp và cho phép tải miễn phí các văn bản quy phạm pháp luật...Trong thời gian qua, đã đăng tải trên 600 tin, bài và hơn 500 bức ảnh trên các trang thông tin điện tử, báo, tạp chí, tập san trong và ngoài Ngành, góp phần quan trọng vào việc PBGDPL trong nhân dân.

- Xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử trên Trang thông tin điện tử của đơn vị, với trên 60 đầu sách điện tử (ebook) đã xuất bản, cập nhật liên tục văn bản mới, thuận tiện cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Ngành, công tác hệ thống hóa văn bản pháp luật, tiết kiệm chi phí in ấn, mua sách và cung cấp thêm nhiều phương pháp, cách thức để tiếp cận, tra cứu văn bản pháp luật của công chức trong Ngành cũng như người dân trên nhiều nền tảng phương tiện có hệ điều hành (http://vksnd.gialai.gov.vn/index.php/download/Ebook-Phap-Luat/).

- Mở rộng phương pháp, cách thức tuyên truyền qua mạng xã hội qua việc xây dựng, thiết lập “fanpage facebook” của VKSND tỉnh để truyền tải các bài viết trên Trang thông tin điện tử tới đông đảo người dân; xây dựng kênh “youtube” đăng tải 65 video về các hoạt động của VKSND hai cấp. Qua đó, đa dạng hóa phương pháp và cách thức tuyên truyền, PBGDPL, chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn hơn cả về nội dung và hình thức.

- VKSND hai cấp đã phối hợp với các ngành Tòa án nhân dân, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Đoàn thanh niên, các Trường trung học phổ thông... để tổ chức 10 phiên tòa giả định xét xử các vụ án hình sự về ma túy, an toàn giao thông, trộm cắp, vụ án hôn nhân và gia đình về tảo hôn... để tuyên truyền, PBGDPL cho trên 3.000 học sinh các Trường trung học phổ thông và người dân các thôn, làng tại các địa phương (Pleiku, Đức Cơ, Đak Đoa, Chư Păh, Chư Sê, Ia Pa và Đak Pơ).

- PBGDPL thông qua công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình trong và ngoài Ngành: Phối hợp với Tạp chí Kiểm sát và Đài truyền hình Việt Nam sản xuất 01 bộ phim tài liệu “Nơi gửi trọn niềm tin” phát sóng trên kênh VTV1 tháng 7 - 2015. Phối hợp với VTV6 và Học viện Tư pháp sản xuất 04 bộ phim “Chương trình Tòa tuyên án” phát sóng trên kênh VTV6. Phối hợp với Báo Bảo vệ pháp luật xây dựng và phát sóng trên kênh truyền hình của Ngành 01 bộ phim tài liệu về kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh của VKSND tỉnh Gia Lai. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Gia Lai sản xuất và phát sóng 28 video trên bản tin thời sự về các mặt hoạt động của VKSND hai cấp. 02 lần tham dự chung kết Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” các năm 2015 và 2016 do VKSND tối cao tổ chức (đạt 01 giải nhì và 01 giải ba khu vực miền Trung, Tây Nguyên); Cuộc thi đã được phát sóng trên kênh VTV6. Ngoài ra, VKSND tỉnh đã 02 lần tổ chức Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” vào các năm 2016 và 2018, thu hút 160 lượt công chức, Kiểm sát viên dự thi, để tìm hiểu, tuyên truyền về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đến toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nội dung 02 Cuộc thi này đã được đưa tin, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
         
Công tác PBGDPL luôn được Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy cơ sở VKSND tỉnh; các cấp ủy trực thuộc và cấp ủy VKSND cấp huyện quan tâm lãnh đạo sâu sát, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh khắc phục các hạn chế, thiếu sót, phát huy những thành tựu đã đạt được để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa phương pháp, cách làm, gắn với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Ngành. Do vậy, qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Thông báo số 74-TB/TW và Kết luận số 04-KL/TW, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác PBGDPL. Ngành luôn xác định đây là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị của Ngành từ cấp ủy, ban lãnh đạo, các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc, các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, phụ nữ, Hội luật gia..., đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh. Coi công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Do vậy, ngoài việc quán triệt đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng thì công tác PBGDPL là một trong những nội dung trọng tâm của Ngành, nhất là việc học tập, quán triệt những quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Điển hình như: Đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 tới toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành (gần 300 người). 100% cán bộ, công chức và người lao động ký bản cam kết thực hiện Cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” và bản cam kết, kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với thi đua thực hiện văn hóa công sở, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ và nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật còn có một số khó khăn, vướng mắc như:

- Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, với nội dung đa dạng, phức tạp, điều chỉnh nhiều quan hệ của đời sống xã hội nên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng gặp nhiều khó khăn trong việc biên soạn, xây dựng tài liệu và lựa chọn phương pháp, mô hình tuyên truyền PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương, từng lĩnh vực... Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản, biên tập nội dung để xây dựng phim tài liệu, phim tư liệu và video clip về các mặt hoạt động của Viện Kiểm sát hai cấp tỉnh Gia Lai còn hạn chế, chưa được đào tạo về kỹ năng quay phim và biên tập truyền hình.

- Một số đơn vị cấp huyện chưa thật sự quan tâm đúng mức tới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trang thiết bị phục vụ đã được trang bị nhưng còn thiếu, đã cũ và chất lượng còn thấp.

- Chất lượng tin, bài chưa đồng đều và một số đồng chí trong Tổ tuyên truyền, cộng tác viên, báo cáo viên pháp luật còn hạn chế về phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, PBGDPL.

- Mặc dù các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL do ngành Kiểm sát Gia Lai thực hiện là phục vụ nhiệm vụ của địa phương nhưng kinh phí phục vụ cho công tác này của ngành Kiểm sát chỉ phụ thuộc vào nguồn kinh phí hạn hẹp với hạn mức 30 triệu đồng/năm do Viện KSND tối cao cấp và không có nguồn hỗ trợ từ địa phương nên rất khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, có một phần từ chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL của ngành Kiểm sát còn có những hạn chế nhất định, chủ yếu làm kiêm nhiệm, kết hợp với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; một mặt do nguồn kinh phí cũng như trang thiết bị phục vụ công tác PBGDPL còn thiếu và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Để thực hiện tốt công tác PBGDPL trong thời gian tới, ngành Kiểm sát xác định cần quán triệt và thực hiện một số giải pháp như:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy cơ sở VKSND tỉnh và các cấp ủy trực thuộc trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và người dân.
- Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, cách làm trong công tác PBGDPL, gắn với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chính của Ngành và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL.
- Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác tuyên truyền, PBGDPL có định hướng chiến lược dài hạn nhưng phải cụ thể cho từng năm và từng lĩnh vực chuyên sâu, đề ra giải pháp đồng bộ, phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân; tăng cường phối hợp và huy động sự vào cuộc tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung PBGDPL cũng chính là giáo dục nâng cao về chính trị và tư tưởng.
- Chỉ đạo các đơn vị, cán bộ, công chức, Kiểm sát viên tích cực tham gia giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) và Cuộc thi viết về “Chân dung cán bộ Kiểm sát và bản lĩnh Kiểm sát viên”.

Qua đây, chúng tôi kiến nghị bốn nội dung sau:

Thứ nhất, với đặc thù là cơ quan ngành dọc trực thuộc Trung ương nhưng thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại địa phương, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do vậy, để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, đề nghị cấp ủy Đảng và cơ quan có thẩm quyền quan tâm, cấp kinh phí dành riêng cho công tác này hằng năm cho các Viện kiểm sát địa phương.
Thứ hai, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL, nghiệp vụ báo chí, tập huấn viết tin, bài và đào tạo kỹ năng về công tác tuyên truyền cho cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp tại địa phương.
Thứ ba, xây dựng cơ chế tuyên truyền, PBGDPL đa dạng hóa về phương pháp truyền tải, tiếp cận, trên các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Thứ tư, có chính sách khen thưởng, biểu dương kịp thời, thỏa đáng đối với những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến có cách làm mới, làm hay, sáng tạo trong phương pháp đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là tập thể và cá nhân trực tiếp thực hiện công tác PBGDPL ở cơ sở./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập249
  • Hôm nay15,025
  • Tháng hiện tại155,135
  • Tổng lượt truy cập16,684,057
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây