Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Một số giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sử cai nghiện bắt buộc trên địa bàn huyện Chư Sê

Chủ nhật - 08/12/2019 21:05 5.470 0
Theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh 09: “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thực hiện quyền, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật”. Để nâng cao nhận thức cũng như nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên trong lĩnh vực này nhóm tác giả nghiên cứu và đề xuất một số biện pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn huyện Chư Sê nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa phương.
       
a/ Cơ sở pháp lý

- Luật Tổ chức viện kiểm sát năm 2014.
- Bộ luật tố tụng hình sự.
- Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (có hiệu lực 01/7/2013).
- Pháp lệnh số 09/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân
 
I. Đặt vấn đề
Trước diễn biến của tình hình tội phạm về ma túy cũng như tình trạng gia tăng số người nghiện ma túy nêu trên, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các ban ngành hữu quan đã có nhiều biện pháp phòng, chống đối với loại tội phạm này, nhằm làm giảm tác hại cũng như hậu quả của tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Chư Sê. Một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy là áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thực hiện theo Pháp lệnh số 09/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sau đây viết tắt là Pháp lệnh 09). Kể từ khi áp dụng Pháp lệnh 09 các cơ quan bảo vệ pháp luật và ban ngành liên quan có một công cụ pháp lý hữu hiệu để đấu tranh đối với tội phạm và tệ nạn ma túy, đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh công tác quản lý nhà nước về tình hình an ninh - trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Pháp lệnh 09 thì ngoài những kết quả đạt được, các cơ quan, ban ngành liên quan tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi áp dụng, dẫn đến việc đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa thực sự triệt để, tỷ lệ được đi cai nghiện không cao so với thực tế.

II. Thực trạng và những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. 
Thực trạng
Trên cơ sở Pháp lệnh 09, các cơ quan liên quan trên địa bàn huyện Chư Sê đã có sự phối hợp triển khai, từ việc lập hồ sơ, việc thụ lý, mở phiên họp, đến việc ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đều đảm bảo theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Pháp lệnh số 09/UBTVQH13 ngày 20/01/2014. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, ban đầu cũng có nhiều lúng túng, bất cập nên đến năm 2015, Tòa án huyện Chư Sê mới chính thức xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Từ tháng  01 năm 2015 đến tháng  6  năm 2019, Tòa án nhân dân huyện Chư Sê  đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 26 đối tượng; trong đó: Năm 2015 là 01 đối tượng; Năm 2016 là 06 đối tượng; Năm 2017 là 11 đối tượng; năm 2018 là 05 đối tượng; 06 tháng đầu năm 2018 mới có 03 đối tượng1.
Qua số liệu nêu trên chúng ta có thể thấy trong thời gian vừa qua số đối tượng nghiện bị áp dụng biện pháp hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc không nhiều so với con số thực tế người nghiện tại địa bàn huyện Chư Sê; không những vậy việc lập hồ sơ để Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hằng năm có nguy cơ giảm dần; 6 tháng đầu năm 2019 mới đưa được 03 đối tượng đi cai nghiện. Nguyên nhân của tình trạng khó áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy thì có rất nhiều, nhưng tập trung chủ yếu là do trình tự, thủ tục lập hồ sơ còn rườm rà, mất nhiều thời gian; việc xác định nơi cư trú của người nghiện gặp khó khăn; xác định tình trạng nghiện; cơ sở vật chất và quản lý tại cơ sở cai nghiện; việc xét giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định còn nhiều bất cập…
1 . Báo cáo công tác kiểm sát năm 2015, năm 2016, năm 2017;  năm 2018 và 06 tháng đầu năm 2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Sê

2. Những khó khăn, vướng mắc
 
2.1. Khó khăn về thủ tục lập hồ sơ
Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện hiện nay phải qua nhiều cơ quan như Công an xã, Công an huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, TAND cấp huyện nên mất rất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy trình, thời gian đưa ra được quyết định đưa người đi cai nghiện nhanh nhất là 1 tháng. Trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, tại huyện Chư Sê chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ chuyên môn để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu giữ đối tượng nên chưa thể thực hiện được.

Ngoài ra, tại điểm b khoản 1 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định “tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy”. Quy định như vậy rất khó thực hiện và dễ bị Tòa án trả lại hồ sơ, vì đa phần người nghiện trên địa bàn huyện Chư Sê không có nơi cư trú ổn định, không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Mặc dù, Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không quy định nội dung này nhưng theo quy định Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, tại Khoản 1 Điều 8 quy định “Khi nhận được hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền chuyển đến, Tòa án phải vào sổ giao nhận; trường hợp hồ sơ không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 100, khoản 2 Điều 102 hoặc khoản 2 Điều 104 của Luật XLVPHC thì Tòa án trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do.”

Đối với một số người nghiện ma túy không cư trú tại huyện Chư Sê mà ở tỉnh khác tới, theo quy định của điểm b, khoản 1 Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính thì Chủ tịch UBND xã phải xác minh, trường hợp xác định được nơi cư trú thì có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về địa phương để xử lý. Việc pháp luật quy định như vậy là không thể thực hiện được, vì những đối tượng nghiện ở nhiều tỉnh rất xa, trong khi pháp luật chưa quy định việc chuyển giao người nghiện sẽ thực hiện như thế nào…

2.2. Khó xác định nơi cư trú
Về xác định đối tượng có nơi cư trú ổn định, thì Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định: nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú, nhưng phải là nơi người đó hiện đang thường xuyên sinh sống. Quy định này chưa chặt chẽ, dẫn đến các cơ quan áp dụng pháp luật hiểu và thực hiện không thống nhất: Có quan điểm cho rằng đối tượng không thường xuyên sinh sống ở phạm vi một xã, phường, thị trấn là không có nơi cư trú ổn định. Trong thực tế, các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn huyện Phước Sơn nhiều trường hợp không cư trú hoặc sinh sống ổn định mà thường ở địa phương khác đến tham gia các hoạt động khai thác lâm, khoáng sản trái phép, hoặc tham gia vào những nhóm sử dụng ma túy và thường xuyên thay đổi địa điểm sinh hoạt, hút chích ma túy. Việc xác minh nơi cư trú ổn định của người nghiện ma túy tại các tỉnh, thành phố khác thường chậm trễ, trả lời chung chung, một số trường hợp không trả lời kết quả xác minh, làm mất thời gian của cơ quan công an gửi hồ sơ đi xác minh dẫn đến khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ xét đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ngoài ra, đối với những người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, thì điều kiện bắt buộc để áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện là đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường nhưng vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, Điều 3 Nghị định 221 quy định: “ Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện”.

2.3. Về xác định tình trạng nghiện ma túy
Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015 của Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy chưa quy định cụ thể một số nội dung sau: Cơ sở pháp lý, hình thức đưa người nghiện đi xác định tình trạng nghiện ma túy; lực lượng lưu giữ người nghiện ma túy trong thời gian để xác định tình trạng nghiện ma túy; quyền và nghĩa vụ của người bị lưu giữ trong thời gian xác định tình trạng nghiện. Theo quy định của Thông tư để theo dõi xác định tình trạng nghiện ma túy cần phải mất từ 3 - 5 ngày mới xác định được. Trong khi đó, thời gian tạm giữ người vi phạm hành chính tại cơ quan công an thường không quá 24 giờ. Như vậy thì chưa đủ thời gian để xác định tình trạng nghiện theo Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA, mà chỉ mới xác định được việc sử dụng ma túy.
Trước quy định trên, ngành y tế đang bị áp lực từ phía người sử dụng trái phép chất ma túy không đồng ý ở lại theo dõi dấu hiệu nghiện, cơ quan Công an và cả ngành y tế đều không có chức năng giữ, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong khi theo quy định, người nghiện ma túy phải có 3 ngày tự nguyện đến cơ sở y tế để theo dõi sau đó ký giấy xác nhận tình trạng nghiện, quy định như vậy là khó thực hiện được vì đối tượng nghiện không hợp tác …

2.4. Hạn chế về cơ sở vật chất và quản lý tại các cơ sở cai nghiện
Hiện nay, tại địa phương chưa thành lập được Trung tâm tiếp nhận trong thời gian chờ Tòa án cấp huyện xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều nơi trên cả nước, vì việc xác định tình trạng nghiện, thời gian lập hồ sơ còn rất nhiều bất cập…
Việc quản lý, điều trị nghiện ma túy thực hiện theo phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, để việc cai nghiện đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như: kết hợp cai nghiện với hoạt động đào tạo nghề, giáo dục, phục hồi nhân cách, giải trí... Trong thời gian qua, mặc dù các cơ sở cai nghiên ma túy trên địa bàn tỉnh đã phối hợp, kết hợp với các cơ quan liên quan đưa ra nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả cai nghiện nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện. Tình trạng tái nghiện sau khi chấp hành xong thời hạn tại các cơ sở cai nghiện còn cao.

2.5. Việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc
Việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 112 Luật xử lý vi phạm hành chính lại giao cho Tòa án cấp huyện nơi có cơ sở cai nghiện bắt buộc (Trung tâm 05-06 tỉnh Quảng Nam) quyết định, quy định như vậy là chưa đảm bảo sự khách quan và hợp lý.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 112 luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Trong trường hợp người đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng mà đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định, thời gian điều trị được tính vào thời gian chấp hành quyết định…” Tại Điểm c Khoản 3 Điều 27 Pháp lệnh 09 quy định: “Tài liệu bắt buộc để được tạm đình chỉ là Giấy chứng nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên về tình trạng bệnh tật đối với trường hợp người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo”. Như vậy, đã tạo điều kiện cho một số đối tượng nghiện ma túy trốn tránh việc chấp hành quyết định của Tòa án, làm giảm hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Pháp lệnh 09 thì việc gửi Quyết định tạm đình chỉ thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính được gửi cho cơ quan đề nghị, người bị đề nghị, những người có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp. Quy định  như vậy dẫn đến việc bất cập trong việc Viện kiểm sát thụ lý ban đầu không kiểm sát được việc tạm đình chỉ thời gian chấp hành của đối tượng…

III. Giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trên, địa phương cần chỉ đạo và các cơ quan, ban ngành thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo điều kiện, cơ sở, căn cứ để tổ chức thực hiện có hiệu quả biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
- Một là, tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân về tác hại của ma túy, giáo dục không để phát sinh người nghiện mới tại địa phương; tăng cường quản lý, giáo dục, can thiệp, trợ giúp đối với số người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
- Hai là, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp nhằm tăng cường công tác lập hồ sơ và kiểm tra tính pháp lý của việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm bảo đảm thực hiện nhanh chóng, chính xác; cho thành lập thí điểm một số Trung tâm lưu giữ người nghiện ma túy để xác định tình trạng nghiện để có cơ sở lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc.
- Ba là, Công an xã và Công an huyện thường xuyên rà soát, thống kê về đối tượng ma túy, lập hồ sơ theo dõi. Từ đó, có các giải pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi phạm tội về ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn.
- Bốn là, tổ chức đánh giá công tác cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng và quản lý sau cai nghiện. Hướng tới nên có sự hướng dẫn rèn luyện thân thể khoẻ mạnh, tạo công ăn việc làm cho lao động, không phân biệt đối xử, giúp đỡ người đã cai nghiện về trở thành người tốt.
- Năm là, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bảo đảm cho việc xem xét, quyết định của Tòa án được thực hiện một trình tự, thủ tục chặt chẽ, dân chủ, công bằng, minh bạch, chính xác, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đảm bảo quy trình lập hồ sơ xét cai nghiện bắt buộc phải nhanh, gọn, tránh rườm rà, kéo dài thời gian. Đối với những trường hợp còn vướng mắc, tranh luận về nơi cư trú của người nghiện ma túy thì thống nhất xác định theo Luật cư trú; Đối với những trường hợp không có nơi cư trú tại nơi bị phát hiện người nghiện thì đề xuất theo hướng địa phương phát hiện lập hồ sơ chuyển Tòa án địa phương đó xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc, sau đó thông báo về gia đình và nơi cư trú của người đó. Đề xuất sửa đổi quy định của pháp luật đối với các trường hợp tạm đình chỉ thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp hành chính; không được trừ thời gian chữa bệnh vào thời gian chấp hành quyết định hành chính; bệnh án làm cơ sở để Tòa án xét tạm đình chỉ phải là bệnh án do bệnh viện cấp tỉnh cung cấp, xác nhận.
- Sáu là, đối với Viện kiểm sát nhân dân: Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là khâu công tác mới nhưng rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ; đòi hỏi lãnh đạo, kiểm sát viên phải nêu cao tinh thần trách  nhiệm, nghiên cứu nắm chắc quy định của pháp luật, thực hiện tốt quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm đảm bảo quyết định áp dụng biện pháp hành chính của Tòa án có căn cứ, đúng pháp luật. Để thực hiện được những vấn đề nêu trên thì giữa Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp cũng phải tăng cường phối hợp tốt; Tòa án phải tạo điều kiện để Kiểm sát viên tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên họp; Kiểm sát viên nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp hành chính… Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi hoàn thiện quy định trong Pháp lệnh 09 theo hướng: Quy định quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (cấp tỉnh) khi xem xét lại các quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hoặc phát sinh tình tiết mới. Ngoài ra, cũng cần quy định trình tự, thủ tục để Tòa án cấp trên (cấp tỉnh) xem xét việc khiếu nại quá hạn của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vấn đề này cần phải được khắc phục nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính…

Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản hướng dẫn hoặc có quy chế về việc lập hồ sơ kiểm sát việc áp dụng biện pháp hành chính tại Tòa án; bên cạnh việc xây dựng hệ thống biểu mẫu, sổ sách theo dõi thụ lý, giải quyết việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thanh - Trần Thị Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập54
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm52
  • Hôm nay10,082
  • Tháng hiện tại809,475
  • Tổng lượt truy cập16,504,241
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây