Chào mừng 30/4
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh

Kinh nghiệm và giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra

Thứ tư - 12/02/2020 08:26 1.756 0
Kiểm sát chặt chẽ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự ngay từ khi cơ quan điều tra tiếp nhận thụ lý giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; bám sát quá trình điều tra; kiên quyết không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ, trái pháp luật của Cơ quan điều tra, đồng thời cũng kiên quyết ra Văn bản yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được khởi tố, điều tra và xử lý theo quy định.

Huyện Đak Đoa có tổng diện tích đất tự nhiên là 98.866,02ha, có 16 xã (04 xã đặc biệt khó khăn) và 01 thị trấn, với 156 thôn,làng, tổ dân phố (có 106 thông, làng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 41 thôn, làng đặc biết khó khăn), có Quốc lộ 19 chạy qua địa huyện. Tổng dân số khoảng 111.280 người, trong đó dân tộc thiểu số là 61.515 người, chiếm tỷ lệ 55,3% (Bahnar 39.854 người, chiếm tỷ lệ 35,8%; Jrai 21.037 người, chiếm tỷ lệ 18,8%; dân tộc khác 624 người, chiếm tỷ lệ 0,56%. Trình độ dân trí của người đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm trong người đồng bào dân tộc thiểu số.
 Với địa bàn rộng, có nhiều đơn vị hành chính cấp xã (17) và với 156 thôn làng, số vụ việc hàng năm thụ lý tăng cao nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Đoa chỉ có 09 biên chế làm nghiệp vụ (03 đ/c Lãnh đạo Viện; 04 Kiểm sát viên; 01 Chuyên viên, 01 Kế toán) và 03 nhân viên hợp đồng lao động theo Nghị định số 68. Với khối lượng công việc năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt, trong nhưng năm qua án hình sự xảy ra trên địa bàn có nhiều vụ rất phức tạp, có đông đối tượng tham gia, việc thu thập, phân loại, đánh giá chứng cứ là rất khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm cao của tập thể đơn vị nên trong năm qua Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Đoa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch công tác đã đề ra. Đơn vị hoàn thành đạt và vượt 98,9% tổng chỉ tiêu kế hoạch năm và được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.  
Năm 2019, Cơ quan điều tra thụ lý tổng số 258 tin báo về tội phạm, tăng 118 tin so với cùng kỳ năm 2018. Tin báo về tội phạm đã giải quyết là 233 tin, tỷ lệ xử lý tin báo đạt 90,3%. Trong công tác giải quyết án hình sự: CQĐT thụ lý, điều tra 103 vụ/108 bị can. Đã giải quyết 83 vụ/ 93 bị can, tỷ lệ giải quyết đạt 80,6%; VKS thụ lý 47 vụ/86 bị can. Đã giải quyết 45 vụ/84 bị can, đạt tỷ lệ 95,7% và Toà án thụ lý 50 vụ/138 bị cáo. Toà án đã xét xử 46 vụ/131 bị cáo, tỷ lệ xét xử đạt 92%.


VKSND huyện Đak Đoa chủ trì họp tổng kết công tác phối hợp liên ngành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14
 
Viện kiểm sát đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án xác định 02 vụ án điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Phối hợp với Toà án cùng cấp tổ chức 04 vụ án hình sự rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp và 02 phiên tòa rút kinh nghiệm về dân sự, trong đó có 01 phiên tòa được tổ chức rút kinh nghiệm theo Cụm. Qua mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm đã nâng cao chất lượng giải quyết án, nâng cao trình độ, kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ, Kiểm sát viên.
Trong năm 2019, đơn vị không có vụ án, bị can nào bị điều tra truy tố oan sai, quan điểm xử lý của 3 ngành cơ bản phù hợp, không có trường hợp nào đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can do không phạm tội. Không có vụ án nào bị cấp trên hủy để điều tra, truy tố, xét xử lại do vi phạm tố tụng hoặc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Tỷ lệ bắt chuyển xử lý về hình sự đạt 100%, không có trường hợp nào bị bắt oan, sai, 100% trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam đều đúng quy định của pháp  luật; quyền lợi của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam được đảm bảo.

Để có được kết quả đó, tập thể đơn vị luôn nhận thức rằng: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Bên cạnh đó, việc chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và các cơ quan làm công tác tư pháp nói riêng nhằm đảm bảo tốt nhất quyền con người, quyền công dân. Hậu quả của những vụ án hình sự oan, sai không chỉ gây đau thương cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi con người mà còn ảnh hưởng đến niềm tin, sự tin tưởng của người dân vào công lý, vào Đảng và Nhà nước.
         
Trong năm qua, thực hiện Kế hoạch công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng như Kế hoạch công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy Đak Đoa, đồng thời với phương châm phối hợp cùng các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, xây dựng ngành Kiểm sát ngày càng vững mạnh về mọi mặt.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát quy định tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”; các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015...Lãnh đạo Viện  luôn quan tâm, chú trọng chỉ đạo để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo quy định của pháp luật, ngày 06/12/2013 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”; công tác chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm theo Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 16/7/2015 về tăng cường các biện pháp phòng chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.

Nhằm cụ thể hóa Chị thị số 04 và chỉ thị số 06 của Viện trưởng VKSND tối cao, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Đoa đã kịp thời quán triệt, đề ra nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể để thực hiện tốt các Chỉ thị của Viện trưởng VKSNDTC đó là “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm” và “Công tác phòng chống oan, sai trong tố tụng hình sự”, những giải pháp, cụ thể đó là: Quán triệt đến toàn thể đơn vị để thực hiện nghiêm các quy định của BLTTHS năm 2015; Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các Văn bản hướng dân thi hành của các Cơ quan Trung ương; đồng chí Viện trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thường xuyên chỉ đạo Kiểm sát viên thực hiện kiểm sát chặt chẽ các vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự ngay từ khi cơ quan điều tra tiếp nhận thụ lý giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; bám sát quá trình điều tra của Điều tra viên; đề ra yêu cầu điều tra chính xác, cụ thể, kịp thời, yêu cầu rõ những nội dung cần điều tra; củng cố chặt chẽ các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội; phát hiện kịp thời những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra để khắc phục và xử lý nghiêm minh, tổng hợp những vi phạm kịp thời ban hành Kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, Điều tra viên chấn chỉnh, rút kinh nghiệm ngay, hàng năm đơn vị đều ban hành Kiến nghị đối với Cơ quan điều tra đối với những vi phạm trong hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm, hoạt động điều tra án hình sự; kiên quyết không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ, trái pháp luật của Cơ quan điều tra, đồng thời cũng kiên quyết ra Văn bản yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được khởi tố, điều tra và xử lý theo quy định. Trong những năm qua, qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, Viện kiểm sát đã ban hành nhiều Văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiến hành điều tra xử lý theo quy định của pháp luật, giải quyết vụ án được kịp thời, đúng thời hạn luật định, hạn chế việc gia hạn thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm; thực hiện triệt để việc lấy lời khai đối tượng trước khi xem xét phê chuẩn khởi tố bị can và phúc cung bị can trước khi ra quyết định truy tố đảm bảo tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Để làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác tin báo về tội phạm bên cạnh đó cũng cần quan tâm và có mối quan hệ chặt chẽ với cấp cơ sở đối với các đơn vị công cấp xã, thiết lập kênh nắm bắt thông tin riêng nên khi có thông tin về tội phạm xảy ra trên địa bàn, Viện kiểm sát đã nắm được nội dung vụ việc, thời gian, địa điểm, đối tượng phạm tội, báo cáo Lãnh đạo Viện để có hướng chỉ đạo kịp thời trước khi Cơ quan điều tra nhận được thông tin về tội phạm. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng, tạo điều kiện rất thuận lợi trong công tác thu thập chứng cứ, thu thập dấu vết của tội phạm để lại trên hiện trường, thu thập, lấy lời khai ngay của những người làm chứng... làm có sở để xử lý vụ việc được kịp thời, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm nên trong những năm qua trên địa bàn huyện Đak Đoa không có vụ án nào bị hủy do vi phạm tố tụng hay bỏ lọt tội phạm.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều bị xử lý đồng thời thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 06 của Viện trưởng VKSNDTC góp phần chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đak Đoa đề ra những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp của Kiểm sát viên
Kiểm sát viên của đơn vị cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội và tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự. Nắm vững và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Phải nhận thức đầy đủ, thống nhất về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân được quy định trong Hiến Pháp, Luật tổ chức Viện KSND năm 2014, Bộ luật tố tụng hình sự, Quy chế của ngành… Nắm vững và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thực hiện công tác. Rèn luyện ý thức trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức theo lời dạy của Bác Hồ “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Thứ hai, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra
 Viện kiểm sát cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành quyền công tố gắn với hoạt động điều tra và kiểm sát hoạt động tư pháp; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan điều tra trong xử lý tội phạm; bảo đảm việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra oan, sai; không để xảy ra tình trạng buông lỏng trách nhiệm, thống nhất một chiều với Cơ quan điều tra trong phân loại, xử lý vụ án; không để xảy ra việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật; tăng cường trách nhiệm công tố, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn kêu oan, đơn tố cáo bức cung, dùng nhục hình. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm đã đủ chứng cứ, đã làm rõ đối tượng phạm tội phải kiên quyết ra Văn bản yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý kịp thời.

Thứ ba, tăng cường công tác phối hợp liên ngành
Thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; các Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; các Quy chế phối hợp liên ngành đã ký kết đảm bảo nguyên tắc phối kết hợp và chế ước trên cơ sở tôn trọng chức năng, nhiệm vụ của các ngành theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án có khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, phương hướng điều tra tiếp, đường lối xử lý hoặc sự nhận thức khác nhau vế áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán cần kịp thời báo cáo xin ý kiến của Lãnh đạo liên ngành tố tụng cùng cấp để thống nhất giải quyết. Trường hợp không thống nhất được thì xin ý kiến chỉ đạo liên ngành tố tụng cấp trên.

Thứ tư, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành 
Lãnh đạo đơn vị phải sâu sát, chỉ đạo kịp thời nhất là những vụ án phức tạp, tùy theo tính chất của từng vụ án để phân công Kiểm sát viên cho phù hợp, tăng cường công tác kiểm tra phát hiện sai sót để chấn chỉnh kịp thời. Đề cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể đối với các vụ việc oan, sai. Xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm, nhất là đối với trường hợp xảy ra oan, sai nghiêm trọng./.

Tác giả bài viết: Võ Ngọc Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Chuyển đổi số
Hưởng ứng giải  Búa Liềm Vàng
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công khai ngân sách
Mail công vụ
Thống Kê Truy Cập
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay9,215
  • Tháng hiện tại131,175
  • Tổng lượt truy cập16,660,097
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây